Giáo xứ Vinh Hương

Vì sao Đức Phanxicô đi Hungary?

Thứ sáu - 28/04/2023 22:42
Vì sao Đức Phanxicô đi Hungary?

Hướng đến hòa bình ở biên giới Ukraine, quan hệ với Matxcova, thế tục hóa ở châu Âu, người tị nạn… Một cái nhìn tổng thể về các vấn đề trong chuyến tông du ba ngày của Đức Phanxicô đến Hungary, từ ngày 28 đến 30 tháng 4.
 

“Một hành trình đến trung tâm châu Âu, nơi những cơn gió lạnh giá của chiến tranh vẫn tiếp tục thổi.” Đức Phanxicô đã dùng những từ này vào cuối giờ Kinh Nữ vương Thiên đàng ngày chúa nhật 23 tháng 4. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, Hungary đã tiếp nhận gần một triệu người tị nạn Ukraine, ngài nhấn mạnh đến “những vấn đề nhân đạo cấp bách” do chiến tranh đặt ra đã làm cho rất nhiều người phải rời xứ. Cuộc giao tranh đã diễn ra trong 14 tháng ở quốc gia biên giới sẽ là trọng tâm lo lắng của Đức Phanxicô, ngài đã nhất quyết thực hiện chuyến đi này dù gặp nhiều khó khăn khi đi đứng, cuối tháng 3 ngài đã phải vào bệnh viện vì bị viêm phế quản.

Tháng 9 năm 2021, ngài có chuyến đi ngắn đến Hungary nhân dịp Đại hội Thánh Thể Quốc tế, ngài bày tỏ niềm vui khi gặp lại “một Giáo hội và một dân tộc thân yêu”. Vào thời điểm đó, ngài chỉ dừng chân vài giờ trên đường đến Slovakia.

Giáo hoàng, “người hành hương, người bạn và là người anh em của tất cả mọi người”

Trong chuyến tông du lần thứ 41 này, Đức Phanxicô cho mình là “người hành hương, người bạn và người anh em của tất cả mọi người”. Trong ba ngày ở Budapest, ngài sẽ gặp các nhà lãnh đạo chính trị, Thủ tướng Viktor Orbán, người mà mối quan hệ giữa hai người có nhiều quan điểm bất đồng. Chính sách hạn chế người di cư của ông đã làm ông thành đối thủ của Đức Phanxicô. Nhưng trong những tháng gần đây, quan điểm của hai người về cuộc chiến Nga-Ukraine, kêu gọi đối thoại và chấm dứt chiến sự, đã làm cho họ xích lại gần nhau hơn.

Chủ đề về người tị nạn sẽ là một trong những điểm nổi bật của chuyến đi. Trong chương trình, Đức Phanxicô sẽ gặp người tị nạn từ Ukraine, Pakistan, Afghanistan, Iraq, Iran và châu Phi vào ngày thứ bảy tại đất nước mà năm 2015 đã đóng cửa biên giới với Serbia, nơi những người di cư đến trên tuyến đường Balkan.

Theo ông Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, các chủ đề khác cũng sẽ được đề cập đến như: sinh thái học, lãnh vực được Hungary rất quan tâm; vai trò của Liên minh châu Âu, cam kết với hòa bình toàn cầu và đại kết. Mặc dù vẫn chưa biết liệu đại diện của Tòa Thượng phụ Matxcova có tham dự một số sự kiện nào hay không, nhưng ban tổ chức cũng nhắc, đây là trường hợp trong chuyến thăm đầu tiên của giáo hoàng vào năm 2021. Một cuộc gặp với giáo chủ Metropolitan Hilarion, cựu ‘bộ trưởng bộ Ngoại giao’ của tòa thượng phụ Matxcova hiện đang giữ chức vụ ở Budapest cũng được một số nhà quan sát tính đến. Nhưng cuộc gặp này không được đưa vào chương trình chính thức.

Nâng đỡ các kitô hữu bị bách hại

Ngoài ra Đức Phanxicô sẽ có cuộc gặp với các giám mục, linh mục và tu sĩ, ngài sẽ cử hành thánh lễ với cộng đồng công giáo ở Quảng trường Kossuth Lajos ở Budapest. Một cộng đồng đã trải qua thời kỳ phục hưng sau cuộc đàn áp dưới chế độ cộng sản, nhưng bây giờ cộng đồng đã bị ảnh hưởng của quá trình thế tục hóa của lục địa Âu châu. Linh mục Dòng Tên người Hungary Zoltán Koronkai, giám đốc một trung tâm trí thức ở Budapest, nêu lên những thực tế mà Đức Phanxicô sẽ phải đối diện: “Người dân Hungary không còn giữ đạo và sống một hình thức vô thần nào đó, một cuộc sống không có Chúa, sự bất lực của một đời sống hạnh phúc vật chất, không có một ý nghĩa tâm linh.”

Cuối cùng, là vấn đề gia đình và tỷ lệ sinh sản, cũng như hỗ trợ các tín hữu kitô bị đàn áp ở Trung Đông, tạo nên những điểm gần nhau giữa tầm nhìn của người Hungary và Đức Phanxicô. Cũng như Đức Phanxicô thường xuyên tố cáo “thực dân hóa về ý thức hệ”, chính phủ Hungary cũng phản đối ý thức hệ về giới tính. Bà Katalin Novák, tổng thống được bầu năm 2022 chủ trương bảo vệ gia đình “cha mẹ, con cái” theo truyền thống, phù hợp với Giáo lý của Giáo hội công giáo.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây