Giáo xứ Vinh Hương

Khách trọ hiền lương của tâm hồn

Thứ bảy - 04/06/2022 21:25
Khách trọ hiền lương của tâm hồn
Trong bài Ca Tiếp Liên ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần có tước hiệu này. Hiền lương được định nghĩa là hiền lành và lương thiện. Khách trọ là người đến rồi đi, ở lâu hay mau là tùy cách đối đãi của người chủ: Ngài sẽ rời bỏ tâm hồn khi con người chọn con đường tội lỗi, sự lìa bỏ ở đây không phải là sự vắng mặt, nhưng tác động của Ngài trở nên rất hạn chế. Chúa Thánh Thần rất quyền năng, nhưng hiệu quả hoạt động của Ngài lại tùy thuộc nơi cách xử sự của chúng ta, vì Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người.

Có câu chuyện kể về một bệnh nhân phong cùi. Anh ta được đưa vào trại phong trong tình trạng bệnh tình thể lý và tâm hồn rất nặng. Anh chán nản cực độ, bi quan về cuộc đời, nên suốt ngày giam mình trong bóng tối trong một thời gian dài. Biết được tình trạng của anh, người nữ tu xuất hiện đề nghị anh cho mình được chăm sóc các vết thương và tắm rửa cho anh. Sau đó, người nữ tu đề nghị anh đi ra khỏi căn phòng tối tăm của mình, lúc đầu anh không chịu nhưng với sự động viên của người nữ tu, anh đứng dậy và đi ra ngoài trời. Vừa ra khỏi phòng, anh phấn khởi reo lên: “Tôi đã thấy”. Đúng vậy, anh đã nhìn thấy ánh sáng mặt trời và nhìn thấy ánh sáng cuộc đời: anh vẫn được yêu thương, cuộc đời anh vẫn còn có ý nghĩa.

Bài đọc sách TĐCV (2,1-11) kể về biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống thật hùng vĩ, diễn tả một quang cảnh sáng tạo mới – tốt đẹp hơn công trình sáng tạo lúc ban đầu: một sự hiệp nhất muôn dân, biểu hiện qua việc ai nấycùng nghe một tiếng nói bản xứ - dù cho họ thuộc nhiều dân tộc, họ cùng nhận ra sứ điệp Tin Mừng mà các tông đồ rao giảng là ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa, thực hiện nơi Đức Ki tô. Khi nói về Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể tránh khỏi một câu hỏi: “Tội phạm đến Thánh Thần là tội gì, tại sao Chúa Giê su nói là không bao giờ được tha cả đời này lẫn đời sau?- Thưa, tội phạm đến Thánh Thần là tội cứng lòng không tin vào lòng thương xót của Chúa và công trình cứu độ do Chúa Giê su mang lại. Tội này không được tha vì khi một người đã không tin thì làm gì có sự thống hối, ngay trong hiện tại và lúc lâm chung, và sự cứng lòng này theo họ vào đời sau. Câu trả lời này được đưa ra là dựa vào bối cảnh Tin Mừng khi Chúa đưa ra câu nói về ‘tội phạm đến Thánh Thần”: Chúa chữa một người bệnh mù và câm là do quyền năng Thiên Chúa, vậy mà các biệt phái và luật sĩ lại không thừa nhận mà còn vu cáo là do quyền năng của tướng quỷ (Mt 12,28).

Một nhà tu đức nói khác đi một chút: “Tội phạm đến Thánh Thần là tội không tin Người có đủ quyền năng để biến đổi thế giới, không tin Người có đủ quyền năng để biến đổi bản thân ta”. Càng lớn tuổi, chúng ta càng dễ nhận thấy rằng cả mấy chục năm nay, ta chỉ xưng những tội cũ, xưng mãi mà vẫn không chừa được nên rất dễ nản lòng. Nhưng đừng quên lời của Chúa Giê su: “Huống hồ Cha anh em trên trời, Người sẽ kíp ban Thánh Thần cho những ai kêu xin Người”. Vậy, chúng ta hãy luôn kêu xin: “Lạy Cha, xin ban cho chúng con Thánh Thần của Đức Kitô, vì chúng con là con cái của Cha” hoặc: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Người mau đến”. Khi xin những ơn lành khác, chúng ta còn dè dặt khi thêm vào những câu “nếu Chúa muốn, nếu đẹp lòng Chúa”, nhưng khi xin ơn Chúa Thánh Thần thì chúng ta cứ mạnh dạn, không cần điều kiện nào hết.

Vai trò của Chúa Thánh Thần rất quan trọng, được diễn tả như là hơi thở mang lại sinh lực cho cơ thể con người (Adam) và cho những bộ xương khô được hồi sinh (Ez 37,7). Sự quan trọng này được diễn tả qua việc chúng ta thường cầu xin ơn của Ngài khi bắt đầu một sinh hoạt đạo đức, nhưng chừng đó chưa đủ, chúng ta hãy liên lỷ kêu xin: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Người mau ngự đến, xin thay đổi quả tim chai đá của chúng con bằng quả tim thịt mềm, để chúng con nhìn thấy kỳ công kỳ diệu của Chúa trong cuộc đời chúng con và khắp nơi nơi. Và, thỉnh thoảng hãy đọc kinh Sáng Soi (Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con…).

Chúa Thánh Thần là khác trọ hiền lương của tâm hồn mỗi người: Người sưởi ấm, Người soi sáng, Người tẩy rửa, Người an ủi và vỗ về. Thật an ủi khi chúng ta có một đồng minh, một người mẹ, một người bạn và cũng là một người tình. Vì không hiểu thấu được mầu nhiệm Một Chúa ba Ngôi, nên tâm trí chúng ta cứ lấn cấn không biết mình yêu Chúa Giê su nhiều thì có làm buồn lòng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần chăng? Khi mình gọi Chúa Giê su là người bạn và là người tình thì có vẻ ổn, nhưng gọi Hai Ngôi khác thì có vẻ ngượng ngập quá. Thực ra, Ba Ngôi luôn hoạt động cùng nhau và luôn hiện diện trong nhau, chỉ vì tâm trí con người hạn hẹp nên thường quy việc tạo dựng cho Ngôi Cha, việc cứu chuộc cho Ngôi Con và việc thánh hóa cho Ngôi Thánh Thần mà thôi. Thời đại chúng ta đang sống là thời đại của Chúa Thánh Thần, hãy luôn van xin Người và biết kiên nhẫn đợi chờ - năng chuyện trò với Người– biện phân tiếng nói của Người với sự thúc đẩy của ma quỷ - trở nên dễ dạy với tiếng nói hiền lương của Người.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây