Giáo xứ Vinh Hương

Phụ nữ, bình đẳng và chủ nghĩa nữ quyền

Thứ năm - 16/06/2022 22:28
Phụ nữ, bình đẳng và chủ nghĩa nữ quyền


Ở khắp nơi vẫn có những người tin rằng không còn bất kỳ vấn đề gì liên quan đến địa vị của nữ giới nữa. Ngày nay, ít ra là ở các nước dân chủ, có một niềm tin phổ biến rằng nữ giới đang được hưởng sự bình đẳng trọn vẹn với nam giới. Và với nhiều người, cổ xúy nữ quyền là không hay, là nặng tính chính trị, thể hiện một hệ tư tưởng tự do quá khích với những kế hoạch đi ngược lại các giá trị gia đình truyền thống. Vậy thì chúng ta nói được gì về điều này?

Trước hết, chủ nghĩa nữ quyền, cũng như kitô giáo, là một từ bao gồm những biểu hiện cả lành mạnh và hung hãn. Có chủ nghĩa nữ quyền tốt và chủ nghĩa nữ quyền hung hãn, với kitô giáo cũng thế. Với suy nghĩ như thế, mục đích của tôi, chẳng gì có thể rời xa sự thật hơn là ngây thơ tin chúng ta đã có được bình đẳng giới, cho dù ở đâu. Chưa đâu, kể cả trong dài hạn.

Tại sao tôi nói như thế? Trước khi đưa ra bằng chứng cụ thể hơn, tôi xin đưa ra một ví dụ: Tôi sống ở phương Tây, ở Hoa Kỳ, bang Texas, thành phố San Antonio (một thành phố rất nồng nhiệt và đậm chất kitô giáo), tôi ở trong một nền văn hóa tự hào về mình và tin rằng nó là người dẫn đường cho nhân quyền và bình đẳng giới của thế giới. Đúng, đọc báo, hiếm khi thấy tuần nào không có bài về một phụ nữ chết vì bạo lực gia đình. Hơn nữa, chỉ có tin người chết mới lên báo, nhưng con số phụ nữ bị bạo hành thể xác và tình dục trong gia đình chắc chắn còn cao hơn nữa. Phải ghi nhận rằng, 90% trong những vụ này, người chết là phụ nữ.

Tuy nhiên, để chứng minh rằng phụ nữ vẫn đang chịu đau khổ, một cách nặng nề và bất tương xứng so với nam giới, tôi xin trích lại một loạt nhận định từ quyển sách mới đây của Joan Chittister, Thức tỉnh (Awakening):

       “Sự thật rằng hai phần ba người nghèo trên thế giới là phụ nữ, hai phần ba người mù chữ là phụ nữ, và hai phần ba người đói trên thế giới là phụ nữ. Sự đàn áp đối với một nửa nhân loại này không thể được xem là chuyện ngẫu nhiên… Phụ nữ là những người nghèo nhất, những người bơ vơ nhất, những người thất học nhất, những người bị đánh đập và bị thế giới ruồng rẫy nhất”.

       “Lịch sử của phụ nữ là lịch sử bị đàn áp, kỳ thị và bạo hành khắp nơi. Trong phật giáo, những ni sư được dạy phải nghe lệnh của nam tu sĩ nhỏ tuổi nhất. Trong hồi giáo, phụ nữ phải che mạng và che kín cơ thể để thể hiện sự vô giá trị của mình, cho thấy mình đã thuộc về một người đàn ông nào đó. Trong ấn giáo, phụ nữ bị chồng bỏ khi người chồng muốn lên một bậc cao hơn, kiếm của hồi môn hậu hĩnh hơn, và còn bị quy trách nhiệm cho cái chết của chồng với lý do nghiệp chướng. Trong hầu hết mọi hình thức của do thái giáo, phụ nữ không được tham gia nghi lễ và học hành. Trong kitô giáo, cho đến gần đây, và trong nhiều lãnh vực, quyền pháp lý của phụ nữ cũng chỉ ngang với trẻ em, chuyện đánh vợ được bảo vệ bằng quyền nội bộ gia đình, và thậm chí đời sống tâm linh của phụ nữ lại bị nam giáo sĩ chỉ định, ra lệnh và kiểm soát”.

Hơn thế nữa, sơ Chittister còn nêu bật một chuyện mỉa mai thường bị bỏ qua, và tệ hơn nữa, thường bị dùng làm cái cớ cho việc chúng ta không thể chấp nhận địa vị bình đẳng của phụ nữ. Chuyện đó như thế này: Nhiều người trong chúng ta, dù ý thức hay vô thức, nuôi dưỡng một thái độ có thể gọi là chủ nghĩa nữ quyền lãng mạn hóa, khi chúng ta lý tưởng hóa quá đáng và đề cao quá đáng nữ giới, rồi mỉa mai thay, nhưng lại hoàn toàn có thể hiểu được, khi cuối cùng lại từ chối sự bình đẳng trọn vẹn của họ. Sơ Chittister nói: “Không một lĩnh vực nào mà người ta lại vung vẩy hoang phí quá nhiều chất thơ, chất nhạc, quá nhiều hoa, nhiều lời khen, bao dung và tình yêu đến thế, nhưng cũng không có lĩnh vực nào khác mà sự tôn trọng nhân văn, tâm linh, trí thức và đạo đức lại ít đến thế”. Về bản chất, sự lý tưởng hóa quá đáng về phụ nữ là nói với họ: các bạn quá đặc biệt, quá tuyệt vời đến nỗi không nên được đối xử theo cùng một cách với đàn ông!

Tôi đủ tuổi để sống qua nhiều thế hệ chủ nghĩa nữ quyền. Thời thập niên 1980 và 1990, khi tôi dạy thần học ở một vài đại học, thì chủ nghĩa nữ quyền vừa lành mạnh vừa hùng hổ, thể hiện rất mạnh nơi ban giám hiệu và hội đoàn sinh viên. Tôi thú nhận, không phải lúc nào tôi cũng thấy thoải mái với nó, nhất là cách nói thường như sẵn sàng gây chiến. Tôi ý thức được sự chính đáng của nó, dù cho tôi e ngại sự hùng hổ của nó.

Thời thế đã thay đổi. Thời nay, trong những lớp tôi dạy, ngày càng có nhiều phụ nữ, với tuổi đời trẻ hơn, chẳng mấy đồng cảm hay tán thành chủ nghĩa nữ quyền của thập niên 1980 và 1990. Gần như có một thái độ xem thường đối với những phụ nữ tiên phong trong việc cổ xúy nữ quyền. Một phần, đó là vấn đề của thế hệ, một chuyện chúng ta có thể hiểu được. Nhưng một phần còn do sự ngây thơ, một niềm tin vô căn cứ rằng cuộc chiến này đã thắng, rằng phụ nữ đã được bình đẳng hoàn toàn, rằng không cần khơi lên cuộc chiến kiểu cũ nữa.

Vì thế, khi đọc những phân tích khủng khiếp của sơ Chittister, những bài báo đau lòng hàng ngày về bạo hành gia đình, tôi mong mỏi tìm kiếm những nhà nữ quyền hùng hổ mà tôi từng gặp trong lớp học và ban giám hiệu lúc trước.

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây