Giáo xứ Vinh Hương

Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Ki tô hữu

Thứ bảy - 18/06/2022 21:13
Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Ki tô hữu
Theo Lịch phụng vụ Roma, trong tháng 6 hằng năm có 3 lễ trọng kính Chúa: Lễ Chúa Ba Ngôi, Mình Máu Thánh Chúa và lễ Thánh Tâm Chúa Giê su. Nếu phải chia sẻ về Chúa Ba Ngôi hoặc về Mình Máu Thánh Chúa thì rất khó nói cho người khác những cảm nghiệm của riêng mình về những mầu  nhiệm đức tin lớn lao này, còn nói về Thần học thì quá xa vời. Xin mượn vài câu chuyện để nói về Mình Máu Thánh Chúa Ki tô.

Câu chuyện thứ  nhất, kể về một cộng đoàn bị bách hại. Các nhà thờ bị đóng cửa, không còn Thánh lễ, lòng khao khát Chúa đã thúc đẩy một số tín hữu tìm đến nhà thờ và cha xứ cử hành Thánh Lễ một cách kín đáo. Đang lúc vị  linh mục truyền phép Mình Thánh, thình lình cửa nhà thờ mở toang và một toán lính ập vào, viên chỉ huy hô lớn: “Đứng im”. Đám tín hữu chết lặng, vị linh mục cũng bất động với tấm bánh trên tay. Một phát súng nổ lớn, vị linh mục ngã quỵ, Mình Thánh Chúa rơi xuống nền đất. Viên chỉ huy tiến đến gần bàn thờ và chà đạp Tấm Bánh với chiếc dày của mình, ông nói: chẳng có Chúa nào hết. Sau khi tốp lính đã đi xa, những người tín hữu cùng tiến đến bái lạy Mình Thánh Chúa và họ rước lấy Chúa vào lòng. Câu chuyện xảy ra hoàn toàn đúng quy luật tự nhiên, chẳng có phép lạ nào xảy ra cả: vị linh mục vẫn bị chết và vị chỉ huy cũng không bị phạt. Phép lạ cũng không xảy ra khi Chúa Giê su bị treo trên Thập giá, Ngài cũng đau đớn và sỉ nhục, tự hủy đến cùng và không xuống khỏi thập giá như lời thách thức của đám đông.

Câu chuyện thứ hai là về Đấng Đáng Kính Fx. Nguyễn Văn Thuận. Ngài bị giam tù trong 13 năm, hằng ngày vẫn dâng lễ với 3 giọt rượu+1 giọt nước trong lòng bàn tay, lễ quy thì đọc thuộc lòng. Chúa Giê su Thánh Thể trở nên nguồn sống và nguồn sức mạnh giúp Đức cha chịu đựng những gian lao thử thách và có thể tha thứ cho những người giam giữ ngài.

Người ta thường hiểu phép lạ là những điều Thiên Chúa làm theo ý con người khi một điều gì đó xảy ra đi ngược với quy luật tự nhiên, nhưng phép lạ cũng thường xuyên xảy ra khi con người thay đổi chính mình để biết thuận theo ý Chúa. Nói theo vế thứ nhất thì phép lạ Thánh Thể rất ít khi xảy ra, sử liệu có ghi lại khoảng 20  phép lạ: Bánh sau khi truyền phép trở thành một tảng thịt cơ tim (nhóm máu AB, người Châu Á) và rượu trở thành máu người, hiện còn được lưu trữ một cách bình thường mà không bị hư hoại – dù đã trải qua nhiều năm hoặc nhiều thế kỷ, nhưng hình như chúng ta cũng không muốn tin vào những điều này. Thiên Chúa cũng không muốn dùng những phép lạ để tước mất tự do của con người khi buộc họ phải tin vào những mầu nhiệm trong đạo. Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người đến độ Ngài chỉ can thiệp vừa đủ, làm phép lạ vừa đủ cho đức tin được nảy mầm. Để đức tin được lớn lên, cần có sự cộng tác của từng tâm hồn, và đó là một hành trình – một cuộc tình: “Để dựng nên con, Chúa không cần hỏi ý con; nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”(Augustinô).

Ở những nước Tây Phương (Mỹ, Pháp…) số Ki tô hữu đến nhà thờ hằng tuần chỉ khoảng vài phần trăm, ở VN thì khoảng 80% (lửa tuổi 40 trở lên, thống kê 2010), nhưng liệu rằng khi xã hội phát triển hơn thì Giáo hội VN có tránh được thảm trạng của các nước Phương Tây không?- Sợ rằng khó, nếu người Kito hữu đi lễ như một bổn phận, đi lễ mà không xác tín rằng Thánh Thể là nguồn sống của linh hồn, là nhu cầu cấp thiết của đức tin. Hiện nay đã thấy người trẻ xa quê đi lễ gốc cây, đi lễ ôm, đi lễ vọng, đi lễ online… là vì còn có một chút ràng buộc của dư luận, khi tự do hơn có lẽ họ sẽ xa nhà thờ.  

Đọc tiểu sử các Thánh, chúng ta dễ nhận thấy các vị có một lòng yêu mến Chúa Giê su Thánh Thể cách đặc biệt, biểu hiện như việc đi lễ hằng ngày, cầu nguyện lâu giờ với Chúa Giê su Thánh Thể - hiệu quả công việc tông đồ tỷ lệ thuận với lời cầu nguyện của chính người tông đồ hoặc hậu phương, có những vị thánh chỉ sống bằng Thánh Thể trong nhiều năm trời. Còn chúng ta, những Ki tô hữu bình thường, hãy đến với Thánh Thể như là điều quan trọng nhất trong một ngày sống, như là một đòi buộc của đức tin và của con tim, để đáp lại tình yêu Chúa mong ước. Cha Vianey nói về Thánh Thể: Nếu chúng ta hiểu được bí tích Thánh Thể, chắc chắn chúng ta sẽ chết vì hạnh phúc, vì biết rằng Chúa Giê su dùng chính thịt máu mình để nuôi sống con cái mình. Mỗi lần rước Chúa vào lòng, phép lạ Thánh Thể xảy ra ngay trong lòng ta: mạnh sức để chống trả ma quỷ và chừa bỏ tội nhẹ, thêm sức mạnh để tha thứ và được hưởng lời hứa ban sự sống đời đời. 

Phần thực hành, cha chủ lễ có nhắc người giáo dân: Cúi lạy Thánh Thể là cúi sâu (hai bàn tay chạm đầu gối), thưa Amen rõ ràng khi rước lễ, rước ngay tại vị trí mà thừa tác viên có thể quan sát – để tránh ý đồ phạm thánh.

 
 (Viết theo bài giảng của linh mục Phaolô Nguyễn Trung Kỳ)

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây