Giáo xứ Vinh Hương

Chúng ta chuẩn bị gì cho tương lai?

Thứ năm - 14/06/2012 19:47

Chúng ta chuẩn bị gì cho tương lai?

“Học gì rồi? Ừ, tao đang học Ngân hàng nè. Mà chán quá mày ơi
- Chà, oai ghê. Mà sao lại chán?
- Oai gì hả mày. Thì học vậy thôi. Ba tao làm ngân hàng nên kêu tao học ngành đó, chứ tao có thích đâu.
- Vậy mày thích cái gì?
- Tao cũng không biết nữa.

Bạn thân mến, bạn có thấy bóng dáng của mình hay bạn bè mình trong câu chuyện kể trên? Nhiều, rất nhiều bạn trẻ chúng ta chọn ngành học vì chiều theo ý bố mẹ, hay vì đó là ngành nghề “hot” hiện nay, chứ không định hướng được mình muốn gì hay làm sao để theo đuổi ước mơ đó. Một thời gian đi làm thêm, tôi quen một cô bé đang học năm 3, chuyên ngành marketing. Tôi khẽ trầm trồ thán phục và hỏi “chắc học marketing thú vị lắm. Ra trường cũng dễ kiếm việc làm nữa nhỉ?” Rất bất ngờ, câu trả lời tôi nhận được là “ôi, em nghe bọn trong lớp rủ nhau thì em cũng thi vào vậy thôi. Trường này lấy điểm thấp mà. Chứ ra trường em cũng không biết làm gì nữa. Mong có một công việc làm nhân viên văn phòng, lương 3-4 triệu/ tháng là tốt rồi.” Vẻ mặt cô bé ấy rất thản nhiên, cứ như là chuyện hết sức bình thường vậy.

Tôi bỗng giật mình: thì ra, không nhiều trong số chúng ta biết được mình mong muốn gì, nghề nghiệp tương lai sẽ ra sao.

Với quan niệm rằng, vào được đại học là thực hiện một chặng đường lớn lao trong sự nghiệp cả cuộc đời, nhiều bạn trẻ nghĩ rằng chỉ cần đậu đại học, và tốt nghiệp, thì ra trường mình sẽ làm gì không ai mấy quan tâm.

Điều đó chỉ đúng với ngày xưa, khi hệ thống giáo dục chưa phát triển, trường đại học còn rất ít ỏi, nhân lực trình độ đại học khan hiếm và được trọng dụng. Còn ngày nay, mọi chuyện đã khác.

Những năm gần đây, các trường đại học dân lập, cao đẳng, trung cấp nở rộ như nấm. Cơ hội bước vào ngưỡng cửa đại học cũng mở rộng hơn với các bạn trẻ – đây là điều rất đáng mừng vì nó tạo điều kiện cho bạn trau dồi thêm kiến thức và cơ hội hiện thực hóa ước mơ nghề nghiệp của mình.

Thế nhưng, tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng của bộ phận các bạn sinh viên tốt nghiệp đại học đã khiến cho chúng ta phải suy ngẫm. Từ thực trạng có những ngành học ra các bạn khó xin được việc, cha mẹ, anh chị em luôn hướng chúng ta học những ngành nghề đang “hot” trong xã hội. Lời khuyên nhủ của cha mẹ, quan điểm của xã hội, sự tác động của bạn bè…đã khiến lựa chọn con đường tương lai của chúng ta càng không theo ý muốn. Đến khi sắp sửa làm luận án tốt nghiệp, nhiều bạn vẫn còn loay hoay với câu hỏi “ra trường mình sẽ làm việc gì?”

Bạn nghĩ nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do đâu? Tại sao bên cạnh những bạn sinh viên năng động, luôn tìm kiếm các cơ hội và trau dồi kỹ năng, tri thức,…lại có một bộ phận tỏ ra buông xuôi, phó mặc cho số phận?

Một người bạn tâm sự với tôi “hầu hết sinh viên có ý thức đi làm thêm ngay từ những năm tháng đại học đều là những bạn tự chủ và có tinh thần cầu tiến. Các bạn có kỹ năng giao tiếp tốt, thuyết trình hay cũng dạn dĩ hơn, tự tin hơn và sẵn sàng tham gia những trải nghiệm nghề nghiệp để tìm đúng hướng đi cho mình. Có nhiều bạn học rất giỏi, điểm số cao, ra trường bằng cấp khá ổn nhưng đi xin việc lại rất vất vả, trầy trật. Đặc điểm chung của các bạn này là chăm học, có ý thức trách nhiệm song lại quá thiếu nhiều kỹ năng mềm, khiến cho việc đối mặt với các khó khăn, vấp ngã cuộc sống lại là một điều khó có thể vượt qua”.

Một câu hỏi đặt ra là, chúng ta cần trang bị những gì để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân và tự tin bước vào đời?

Bài học rút ra: Để có một cuộc sống tốt đẹp và đi đúng con đường mà mình mơ ước, bạn phải:

1. Thấu hiểu bản thân: biết bản thân mình muốn gì, cần gì, bạn mới xác định được mơ ước của mình và từ đó có động lực để thực hiện ước mơ đó.

2. Nguyên tắc lựa chọn nghề nghiệp: căn cứ vào 3 yếu tố: nghề xã hội cần, nghề bạn thích và nghề bạn giỏi. Một ngành nghề, công việc lý tưởng là sự dung hòa giữa 3 yếu tố trên. Hãy tìm kiếm và trả lời 3 câu hỏi này, tìm điểm chung nhất để đưa ra nghề nghiệp phù hợp với bạn.

3. Ngoài kiến thức ra, bạn nên trau dồi kỹ năng mềm, tham gia các hoạt động tình nguyện, đi làm thêm…Có thêm trải nghiệm cuộc sống, bạn sẽ vững vàng hơn khi bước vào đời, bắt đầu cuộc sống tự lập của mình.

 

Tác giả bài viết: Nhóm tác giả (hanhtrinhdelta.com)

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây