Giáo xứ Vinh Hương

Triều Đức Phanxicô, 11 năm đưa người công giáo ra khỏi “vùng an toàn” của họ

Thứ tư - 13/03/2024 21:15
Chuyến đi của Đức Phanxicô đến Mosul Irak ngày 7 tháng 3 năm 2021.
Chuyến đi của Đức Phanxicô đến Mosul Irak ngày 7 tháng 3 năm 2021.


Nhìn lại 11 năm đầy sự kiện trong triều Đức Phanxicô (2013 – 2024), ngài đã đưa Giáo hội công giáo ra khỏi cội nguồn châu Âu và phương Tây.

Triều của giáo hoàng Argentina Jorge Mario Bergoglio được bầu ngày 13 tháng 3 năm 2013 với tên hiệu Phanxicô, đã làm rung chuyển Giáo hội và, tùy theo quan điểm của mỗi người, đã đánh thức hay làm họ chao đảo. Tháng 7 năm 2013, những bước đi đầu tiên ra ngoài Rôma, ngài dành cho đảo Lampedusa, một hòn đảo ngút ngàn ngoài khơi Tunisia và là cửa ngõ đầu tiên vào châu Âu cho hàng ngàn người di cư châu Phi. Việc bảo vệ người di cư sẽ là trục trọng tâm triều của ngài, dù khi việc này tạo hiểu lầm giữa người công giáo ở Âu châu. Nhưng qua lời kêu gọi của ngài, ngài cũng đã bảo vệ quyền của những người di cư Kitô giáo, đặc biệt là ở các nước vùng Vịnh, nơi trước đây các cộng đồng kitô giáo ít được biết đến, chủ yếu họ là những công nhân từ Ấn Độ và Phi Luật Tân đến đây làm việc, trong chuyến thăm của ngài đến Abu Dhabi năm 2019 và Bahrein năm 2022, họ đi ra khỏi “hầm mộ”.

Giáo hoàng với hai tay giang rộng, với kinh nghiệm của ngài ở Buenos Aires, ngài nhân rộng các chuyến đi quốc tế mang màu sắc đại kết và liên tôn, kể cả ở các quốc gia có thiểu số giáo dân rất nhỏ như ở Bulgaria, Bắc Macedonia và Kazakhstan. Cuộc gặp của ngài với Đại Imam của Viện Al-Azhar, cuộc gặp thượng đỉnh của ngài với thượng phụ Matxcơva ở Cuba năm 2016 đã để lại hình ảnh biểu tượng mạnh mẽ cho triều của ngài. Các chuyến tông du của ngài đến Iraq, Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi được cho là điều không thể xảy ra được, cho thấy lòng can đảm về sức vóc và sự quan tâm của ngài đối với người dân bị đau khổ vì chiến tranh, vì bị đàn áp.

Đức Phanxicô chúc lành cho một em bé trong chuyến đi Nam Sudan, tháng 2 năm 2023. Ảnh VATICAN MEDIA/AFP
 

Tuy nhiên, ngài cũng gặp nhiều khó khăn. Sự trì trệ trong quan hệ với Trung Quốc, dù có thỏa thuận năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục, vẫn là điểm gây tranh cãi trong triều của ngài. Sự kín đáo tương đối của ngài trong cuộc tấn công của Nga ở Ukraine – chính sách ngoại giao của ngài nhằm duy trì liên lạc với Nga – đã làm suy yếu đáng kể hình ảnh của ngài ở Ukraine và ở các nước Trung Âu như Ba Lan, một quốc gia có truyền thống tôn kính giáo hoàng.

Hào quang ban đầu của lục địa Châu Mỹ Latinh quê hương của ngài cũng suy yếu đáng kể sau chuyến đi Chi-lê năm 2018, ngài đã gặp phản ứng lạnh lùng của các nạn nhân bị lạm dụng, sau đó ngài đã phải công nhận mình bị lừa. Từ đó, ngài tìm cách phát triển một cách tiếp cận nhất quán hơn trong cuộc chiến chống lạm dụng ở cấp độ toàn cầu, đặc biệt là trong với hội nghị thượng đỉnh với các chủ tịch hội đồng giám mục tổ chức năm 2019 tại Vatican, nhưng tiến trình thực hiện các yêu cầu đã gặp khó khăn khi thực hiện.

Sự thánh thiện bình thường

Dưới sự lãnh đạo của ngài, đời sống của Giáo hội được đánh dấu qua một số khái niệm chính: niềm vui phổ quát và tình huynh đệ, một chủ đề được lặp đi lặp lại trong nhiều tài liệu và bài phát biểu; lòng thương xót đã khai sinh Năm Thánh 2016; sự thánh thiện bình thường, chủ đề của tông huấn Vui mừng và Hân hoan, Gaudete et exsultate năm 2018; hoặc tính đồng nghị được xem là phương pháp phân định tập thể xung quanh các chủ đề cụ thể như gia đình, giới trẻ, vùng Amazon trước khi tiến trình hiện tại, được đưa ra vào năm 2021 nhằm thiết lập các phương pháp quản lý mới cho Giáo hội. Như thế Đức Phanxicô muốn tiếp tục công việc của Công đồng Vatican II.

Thông điệp hàng đầu triều của ngài là thông điệp Laudato si’, đặt hệ sinh thái toàn diện vào trung tâm đạo công giáo, liên kết việc bảo vệ môi trường với việc bảo vệ phẩm giá của những người nghèo nhất. Ngài cũng xoa dịu cú sốc của đại dịch Covid năm 2020, giữ vững con thuyền của Thánh Phêrô trong thời kỳ khủng hoảng này, qua các bài giảng của ngài gởi đến hàng triệu giáo dân lo lắng khi bị cách ly.

Giữa đại dịch, một mình, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 27 tháng 3 năm 2020, ngài chúc lành cho thế giới. VINCENZO PINTO | AFP
 

Tuy nhiên có một số vụ đã tạo xung đột nội bộ nghiêm trọng: việc hạn chế cử hành thánh lễ tiền công đồng, việc kiểm soát chặt chẽ hệ thống tài chính, những cải cách về truyền thông, về công lý của Vatican đã làm cho ngài có nhiều kẻ thù.

Gắn kết cái nhìn về Chúa Giêsu

Phiên tòa xét xử hồng y Angelo Becciu và các cựu quan chức của bộ Ngoại giao hiện nay nêu bật những rối loạn điều hành trong cơ cấu của Vatican, trước những vấn đề này, ngài kiên quyết nhưng cũng là một hình thức bất lực. Tang lễ Đức Bênêđictô XVI ngày 5 tháng 1 năm 2023 đưa ra ánh sáng những rạn nứt được tránh né khi giáo hoàng danh dự còn sống, trong câu chuyện chính thức về sự tiếp nối giữa hai giáo hoàng.

Mười một năm sau khi được bầu chọn, ngài đã 87 tuổi và thường ngồi xe lăn, tuy các hoạt động của ngài bị hạn chế nhưng ngài vẫn tiếp tục hiện diện với thế giới. Trong tình trạng yếu đuối và dưới hình thức quên mình, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta trên hết đừng nhìn vào ngài, nhưng nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng là chủ của cuộc sống và lịch sử để vượt lên những cú sốc và mâu thuẫn của thời đại bất ổn và giông bão này.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây