Giáo xứ Vinh Hương

Thánh Thể: Bí Tích Phục Vụ

Thứ tư - 20/04/2011 22:43

Thánh Thể: Bí Tích Phục Vụ

Thánh lễ là trung tâm của cuộc sống và cuộc sống hằng ngày là một Thánh lễ nối dài...

 

 

 

 

Mẹ Têrêsa thành Calcutta có lần kể lại câu chuyện nầy:

Một hôm có một thiếu nữ tìm đến xin gia nhập Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ. Theo luật dòng, ngày đầu tiên khi mới đến, tất cả những ai muốn sống trong dòng, cũng đều được mời sang nhà hấp hối – tức là nhà tiếp đón những người sắp chết. Vì thế, cô thiếu nữ nầy được mời sang nhà hấp hối. Mẹ Têrêsa nói với cô ấy:

“Con đã nhìn thấy linh mục dâng Thánh lễ chứ? Con đã thấy ngài sờ đến Thánh Thể với biết bao chăm chú và yêu thương. Con cũng hãy đi và làm như thế tại nhà hấp hối, bởi vì con sẽ tìm thấy Chúa Giêsu trong thân thể những người anh em khốn khổ đó”.

Cô thiếu nữ ra đi… Một thời gian sau, cô trở lại với một nụ cười rạng rỡ có lẽ chưa bao giờ trông thấy. Cô vui vẻ thốt lên với Mẹ Têrêsa: “Thưa Mẹ, con đã sờ được thân thể Chúa trong suốt ba tiếng đồng hồ”.

Mẹ Têrêsa mới hỏi lại sự thể đã diễn ra như thế nào? Cô ta đáp? “Thưa Mẹ, con vừa đến nhà hấp hối thì thấy người ta mang đến một người vừa ngã xuống một hố sâu, mình mẩy đầy những vết thương và bùn đất hôi thối… Con đã đến và con đã tắm rửa cho anh ta. Con biết rằng làm như thế là chạm đến thân thể của Đức Kitô”.

Thưa anh chị em, Thánh lễ là trung tâm của cuộc sống và cuộc sống hằng ngày là một Thánh lễ nối dài. Đức Kitô không chỉ muốn chúng ta gặp gỡ nhau trong Thánh lễ mà còn muốn chúng ta gặp gỡ Ngài qua tất cả mọi sinh hoạt và gặp gỡ khác trong cuộc sống. Từng cuộc gặp gỡ với tha nhân, nhất là những người nghèo hèn nhất, phải là một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô.

Ngay trong bữa tối Thứ Năm Thánh nầy, trước khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Việc nầy làm nổi bật một ý nghĩa lớn của Bí tích Thánh Thể, đó là Thánh Thể là bí tích phục vụ. Thánh Thể là phương thế Chúa Giêsu chọn để thể hiện ý muốn phục vụ của Ngài. Để phục vụ, Ngài phải trả một giá rất đắt. Để phục vụ, Ngài đã tự hiến làm lễ vật giao hoà, làm Chiên Vượt Qua chịu sát tế vì sự sống của thế giới. Để phục vụ, Ngài chấp nhận trở nên lương thực cho loài người sử dụng. Thiên Chúa đã trở nên phương thế phục vụ sự sống của con người. Vì “Ngài yêu thương chúng ta đến tận cùng”.

Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phục vụ như Ngài. Bởi vì, một khi đã đồng hoá mình với Chúa Giêsu trong Thánh Thể, chúng ta phải sống như Ngài. Nếu không sẵn lòng phục vụ thì đó là dấu chứng chúng ta không thực lòng tham dự Thánh Thể. Không phục vụ là chưa gặp được Chúa Giêsu thật, chưa đón nhận Ngài, chưa thật sự nên một với Ngài. Trái lại, phục vụ là dấu sự sống của Chúa Giêsu Thánh Thể đã thực sự biến đổi chúng ta, làm cho chúng ta nên một con người mới.

Để làm gương mẫu phục vụ cụ thể, Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ và mời gọi chúng ta hãy rửa chân cho nhau: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà con rửa chân cho anh em, thì anh em phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.

Trong xã hội Do Thái, chỉ có đầy tớ, nô lệ rửa chân cho chủ. Ở đây, Thầy lại rửa chân cho trò. Còn hơn thế nữa, Thiên Chúa đi rửa chân cho con người, mà lại là con người tội lỗi. Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho Phêrô, kẻ chối Thầy; rửa chân cho tất cả những người còn lại là “những kẻ sẽ bỏ Thầy mà trốn chạy hết”.

Ngài làm như vậy để được gì? Không được gì cả! Chỉ để minh chứng một Thiên Chúa là như thế đó: một Thiên Chúa “đến để phục vụ con người và hiến mạng sống để cứu chuộc con người”. Một Thiên Chúa thay vì tiêu diệt bọn tội lỗi, lại quỳ xuống trước mặt họ, hôn chân họ. Một Thiên Chúa thay vì trả thù, lại đã đổ máu để minh chứng sự tha thứ yêu thương. Một Thiên Chúa thật lạ lùng! Một đạo lý ngược đời, một con đường khó bước theo. Thế nhưng, Ngài đã làm và kêu gọi chúng ta cũng làm y như vậy: “Ai muốn làm đầu thì phải hầu thiên hạ. Ai muốn làm lớn thì phải làm tôi tớ mọi người”.

Ở đời, người ta dễ dàng quỳ xuống trước người quyền quý, sang trọng, vì người ta còn hy vọng ở một sự ban bố lợi lộc. Người ta dễ dàng quỳ xuống trước một người đẹp để xin bố thí một chút tình yêu. Và quỳ xuống trước một người thánh thiện để cầu mong một ân huệ. Tất cả những cái quỳ xuống đó là để van xin cho mình, để có lợi cho mình. Nhưng mấy ai quỳ xuống trước kẻ thù, quỳ xuống trước người ốm đau, bệnh tật, quỳ xuống rửa chân lở loét của những người phong cùi!

Còn Chúa Giêsu, Ngài quỳ xuống trước tội nhân. Ngài muốn cái gì đây? Là Thiên Chúa, có khi Ngài còn thiếu thốn gì chăng? Là kẻ ban phát tình yêu, không lẽ Ngài lại thiếu thốn để độ phải van xin? Không, Ngài không van xin gì cả. Quỳ xuống trước mặt con người chỉ vì Ngài quý trọng con người. Ngài yêu thương con người. Ngài muốn cho con người được sống và sống thật hạnh phúc. Khi con người biết sống cho người khác được hạnh phúc là họ đã theo gương rửa chân của Chúa. đây là bài học sống cho người Kitô hữu. Nơi Chúa Giêsu, tình yêu đã chiến thắng tội lỗi của con người, đã vượt lên trên tội lỗi, để phục vụ đến độ hy sinh mạng sống mình cho chính tội nhân.

Anh chị em thân mến, muốn phục vụ như Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải hiến thân như Ngài. Đây là điều khó, điều thường làm chúng ta hoảng sợ, chùn chân không dám đi tới cùng. Nhất là hiến thân vì anh em, rửa chân cho anh em. Tuy nhiên, dù chưa dám làm hoặc chưa làm được, ít nhất chúng ta cũng phải thừa nhận ra rằng; phục vụ và hiến thân là những đòi hỏi không thể thiếu của Bí tích Thánh Thể.

Do đó, trong cuộc sống mỗi ngày, nhất là những khi dự Tiệc Thánh Thể, chúng ta hãy để cho những đòi hỏi đó day dứt trong lòng chúng ta, day dứt như một vết thương không bao giờ lành, khiến cho chúng ta không bao giờ dám an tâm trong hững hờ vị kỷ với mọi người anh em.

Tác giả bài viết: Sưu tầm

Nguồn tin: tnttvn.com

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây