Giáo xứ Vinh Hương

Phán quyết vụ tranh chấp Biển Đông ‘không phải là cớ để báo động’

Thứ hai - 18/07/2016 10:25
Các giám mục Philippines kêu gọi đàm phán hòa bình với Bắc Kinh về vùng biển tranh chấp sau phán quyết của tòa trọng tài tại Hague
 
Các nhà hoạt động Philippines phản đối bên ngoài tòa đại sứ Trung Quốc tại Manila hôm 12-7. Ảnh: Eli Sepe

Việc Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông không phải là cái cớ để báo động, các lãnh đạo Giáo hội ở Philippines phát biểu.

“Chúng tôi không nghĩ có lý do để báo động”, Đức Giám mục Ruperto Santos của Balanga, chủ tịch Ủy ban coi sóc mục vụ di dân và người bất định cư của các giám mục, phát biểu.

“Chúng ta có quan hệ thân thiết với người dân Trung Quốc”, Đức cha Santos nói và thêm rằng nhiều người Philippines có nguồn gốc từ Trung Quốc và có “nhiều thiện chí và tình hữu nghị” giữa người dân hai nước.

Philippines đã kiện Trung Quốc trước tòa trọng tài tại Hague năm 2013 sau khi Bắc Kinh biến các rạn san hô và bãi đá lộ thiên thành các hòn đảo và xây sân bay, cảng và hải đăng trên vùng biển tranh chấp.

Hôm 12-7, tòa trọng tài ra phán quyết ủng hộ Philippines, và nói rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi chủ quyền lịch sử đối với hầu hết Biển Đông.

Trung Quốc làm ngơ vụ kiện của Philippines và bác bỏ phán quyết của tổ chức quốc tế này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của tòa trọng tài.

Chính phủ Trung Quốc nói họ phản đối nước ngoài “xâm lấn” các hòn đảo này nhưng “tôn trọng và ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không mà tất cả các nước được hưởng theo luật quốc tế trên Biển Đông”.

Thương lượng hòa bình

Các chức sắc Giáo hội Philippines kêu gọi chính phủ ở Manila tiến hành ngay “các cuộc thương lượng hòa bình” với Trung Quốc.

“Chính phủ Philippines nên hành động và tìm giải pháp hòa bình để Trung Quốc tôn trọng quyết định này, nếu không việc này sẽ trở thành một chiến thắng vô nghĩa”, Đức Giám mục Pedro Arigo của Puerto Princesa ở tỉnh Palawan kêu gọi.

Đảo Palawan nằm giữa Biển Đông và Biển Sulu.

Đức cha Arigo kêu gọi chính phủ “nhờ cộng đồng quốc tế gây áp lực bắt chính phủ Trung Quốc tôn trọng pháp quyền”.

Tòa trọng tài phán quyết Trung Quốc không có cơ sở pháp lý “đòi quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên” trên vùng biển tranh chấp. Tòa trọng tài còn phán Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Đức cha Santos nhắc nhớ người dân Philippines “khiêm tốn trong việc ăn mừng chiến thắng” vì Philippines vẫn còn phải khuyến khích Trung Quốc tuân thủ quyết định này.

Đức Giám mục Arturo Bastes của Sorsogon nói các lãnh đạo Philippines “phải dùng biện pháp ngoại giao ngăn cản Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước chúng ta”.

“Cần có một động thái chân thành tránh xung đột vũ trang với Trung Quốc”, ngài khuyên.

Diễn biến tích cực

Đức Giám mục phụ tá Broderick Pabillo của Manila hoan nghênh phán quyết là “một diễn biến tích cực”.

“Nhờ lợi thế pháp lý này, chính phủ Philippines giờ đây có thể khẳng định quyền lợi của mình”, Đức cha Pabillo nói và thêm rằng hai nước “phải tiến tới thương lượng hòa bình về nghị trình chính trị và ngoại giao”.

Cựu tổng thống Benigno Aquino, chính quyền của ông đệ đơn kiện Trung Quốc, nói vụ tranh chấp kéo dài này hiện đang “sắp có giải pháp lâu dài”.

Ông Aquino thúc giục người dân Philippines tìm hiểu những vấn đề liên quan, và nói thay vì xem phán quyết này là chiến thắng của bên này đối với bên kia, “cách tốt nhất là xem phán quyết này là chiến thắng dành cho tất cả”.

“Việc làm rõ chủ quyền như thế giờ đây tạo điều kiện tốt hơn giúp các nước có thể cam kết với nhau và ghi nhớ bổn phận và quyền lợi của mình trong bối cảnh chủ trương bình đẳng và hữu nghị”, ông Aquino nói.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục Oscar Cruz đã nghỉ hưu của Lingayen-Dagupan cảnh báo rằng phán quyền này sẽ làm xấu thêm quan hệ giữa hai nước.

“Theo Trung Quốc thì bất kỳ phán quyết nào của tòa trọng tài cũng đều không thỏa đáng. Vì thế, sẽ còn có thêm nhiều chia rẽ nữa giữa Philippines và Trung Quốc”, ngài nói.

Brunei, Đài Loan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam đều tranh giành đòi chủ quyền trên Biển Đông.

Tác giả bài viết: Joe Torres và Mark Saludes từ Manila, Philippines

Nguồn tin: www.ucanews.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây