Giáo xứ Vinh Hương

Một vài suy nghĩ trước năm học mới

Chủ nhật - 12/08/2012 19:19

Đón chờ ngày khai giảng

Đón chờ ngày khai giảng




Một vài suy nghĩ trước năm học mới


 

            Mấy tháng hè oi ả đã trôi qua thật mau, một năm học mới đang đến với hơn hai mươi triệu học sinh trên khắp nẻo đường quê hương. Không những chỉ các cháu học sinh mới nao nức chuẩn bị tới trường, mà chính cha mẹ, ông bà của các cháu, ngoài sắm sửa những gì cần thiết, nhiều người còn đang xốn sang chạy ngược xuôi để con cháu của mình có được một chỗ học tốt. Tất cả như đang hướng về ngày mai…
 
            Vẫn còn đâu đó nhưng bất cập, những tiêu cực thật buồn trong việc chạy trường, chạy lớp trước mùa khai giảng. Nhưng những cố gắng của xã hội, của ngành giáo dục và đặc biệt là những biểu hiện tích cực nơi các cháu học sinh và các bậc phụ huynh quan tâm tới vấn đề học tập như thế, quả là một tín hiệu mừng.
 
           Trước thềm năm học mới, tôi cũng xin được chia sẻ đôi điều với các cháu học sinh, sinh viên và các bậc làm cha mẹ, đặc biệt là những học sinh, sinh viên và phụ huynh Công giáo. Đó là một vài trăn trở, thao thức của tôi trong những năm tháng vừa qua. Vì tôi cũng đã và đang là phụ huynh.
 
           Thường thì có ba môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến việc giáo dục các cháu: gia đình, nhà trường và xã hội. Người Công giáo còn có môi trường thứ tư là nhà thờ nữa. Những môi trường này, nếu có cùng một định hướng, một mục đích khi dạy dỗ các cháu thì quả sẽ thật tốt. Nếu mỗi môi trường lại đeo đuổi một mục đích khác nhau, một định hướng khác nhau, “Trống đánh xuôi kèn thôi ngược” thì sự tiếp nhận để phát triển của các cháu sẽ gặp khó khăn.  Bởi các cháu biết theo ai khi “ông nói gà, bà nói vịt”.  
 
            Trên lý thuyết, và nhìn ở góc độ như trên thì các cháu học sinh, sinh viên Công giáo đang gặp không ít khó khăn. Tại gia đình và nhà thờ các cháu được dạy: quyền năng tuyệt đối trên mỗi người chúng ta là Thiên Chúa, Đấng đầy lòng yêu thương đã tạo ra vũ trụ muôn loài và tạo ra chính chúng ta giống hình ảnh của Người, có xác và hồn thiêng bất tử. Chúng ta là con cái của Người, chúng ta phải có bổn phận tôn thờ Người, tin cậy và mến yêu Người.
 
            Trong lúc, nhà trường có những môn học dạy các cháu: chỉ tin vào con người và  khoa học mà thôi. Vũ trụ này không có quyền lực thiêng liêng nào cả. Con người do tiến hóa và ngẫu nhiên được hình thành, không do ai tạo dựng hết. Con người chỉ có xác, chết là hết, làm gì có hồn thiêng bất tử.
 
            Đứng trước một thực tại và thách thức như thế, học sinh, sinh viên và phụ huynh người Công giáo phải hành sử ra sao? Muốn hành sử cho đúng, là người con của Chúa, là thành phần của Giáo hội, chúng ta cần phải học lại thật đầy đủ, vững vàng và thấu triệt các điều đã được các vị chủ chăn thay mặt Giáo hội giảng dạy; luôn cầu nguyện để giữ vững lòng tin, lòng cậy và lòng mến với Thiên Chúa. Chúng ta có bổn phận phải gìn giữ, bảo vệ đức tin mà Chúa đã ban cho ta, dù có bị thiệt thòi về vật chất, hay phải hy sinh nhiều thứ. Từ đó, chúng ta đủ vững vàng để sẵn sàng tiếp nhận tất cả những kiến thức do nhà trường mang lại, trừ những kiến thức phản lại đức tin và luân lý đã được giáo lý Công giáo dạy đầy đủ trong kinh Tin Kính, Mười Điều răn của Đức Chúa Trời, Sáu Điều răn chả Hội Thánh và Tám Mối Phúc Thật.
 
          Trong thực tế, một điều thật đáng mừng là mấy thập niên vừa qua, tôi lại thấy gần như tất cả người Việt Nam đều tin vào ông Trời, tin vào Tạo hóa. Điều đó đúng như nội dung thư của Thánh Phaolô đã gởi tín hữu Roma chương I câu 19-20: “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu của thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người, Do đó, họ không thể tự bào chữa được”. Niềm tin đó, hôm nay lại được thể hiện rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Báo Tuổi Trẻ cuối tuần, cơ quan ngôn luận của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh số 30 năm 2012 ngày 29 tháng 07 năm 2012 trong mục chỉ tiêu chất lrượng giáo dục, tác giả Nguyễn Chiêu Dương đã viết: “…Ai cũng biết sản phẩm của giáo dục là loại sản phẩm đặc biệt. Đó không phải là những cục bột, hòn đất để người thợ mặc tình uốn rồng, nặn phượng. Sản phẩm của giáo dục là học sinh, là con người, là tổng hòa giữa thể chất và tinh thần. Đó là một công trình tuyệt mỹ, là kỳ tích của Tạo Hóa qua hàng tỉ năm. Vì thế không thể xem nó như những vật dụng bình thường như cái bàn, cái tủ. Học sinh, sản phẩm của giáo dục, là một thực thể phức tạp, tinh vi bởi vì gắn liền với thịt da ấy là cái tâm, cái trí, cái hồn huyền diệu…”
 
           Ngoài ra, chúng ta còn được chính Giáo hội dạy bảo. Giáo hội hơn ai hết đã nhận thấy những khó khăn của con cái mình đang gặp phải. Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chọn lựa hướng đi rõ ràng cho Giáo hội qua thư chung 1980 là: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào”. Đức Giáo Hòang Bênêdictô XVI năm 2009 đã nói với các Giám mục Việt Nam khi các Ngài đi viếng hai mộ thánh Phêrô và Phaolô tại Rôma: “Giáo hội chúa KiTô giữa lòng dân tộc”. Ngài còn dạy chúng ta phải “Đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành”. Đặc biệt là phải sống chứng nhân giữa đời. Sống tích cực với ý tưởng minh bạch như thế, chúng ta sẽ không có gì phải sợ cả.
 
            Vâng lời chủ chăn, trong mấy thập niên qua, người Công giáo đã sống tích cực góp phần xây dựng quê hương trần thế một cách tốt đẹp. Từ đó, xã hội đã có nhiều thay đổi. Sinh viên Công giáo có mặt ở các trường Đại học ngày một đông hơn. Họ cũng được đảm trách những nhiệm vụ chuyên môn quan trọng hơn khi ra trường so với nhiều năm về trước.
 
            Giáo dục vẫn còn nhiều điều bất cập cần phải được bàn thảo và thay đổi  như nội dung chương trình, việc mở trường tư thục với các tôn giáo, việc dùng người có tài có đức trong xã hội…Tuy nhiên chúng ta cũng đã nhìn thấy những tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xác định nhiệm vụ trọng tâm năm học 2012-2013 là: “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện” (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga công bố tại Cần Thơ 6/8/2012). Trước khi thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đó, Bộ đã dám thẳng thắn nhìn vào sự thật của xã hội hôm nay, môt sự thật vô cùng đau lòng; một xã hội đầy những dôí trá, tham nhũng, đạo đức  suy thoái nghiêm trọng. Có bạn trẻ mê muội đã hôn ghế thần tượng của mình ngồi. Có lẽ vì thế mà trong đề thi THPT và đề thi Cao đẳng và Đại học năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề thi môn Văn được nhiều người bàn tán khen ngợi nhiều tháng. Tôi ghi lại ba đề Văn đó để mọi người cùng suy nghĩ.
 
           Đề thi môn Văn THPT ngày 3/6/2012: “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức trong lối sống của xã hội”.
 
           Đề thi môn Văn Cao Đẳng và Đại học 8/9/2012: “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn nên lập nên thành tựu”.
 
           Đề thi môn Văn Cao đẳng và Đại học 2012: “Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng sẽ là một thảm họa”.
 
           Môi trường xã hội chúng ta đang sống đã được chính Bộ Giáo dục cảnh báo bằng cách ra những đề thi nêu trên. Vậy học sinh, sinh viên và các bậc làm cha làm mẹ nghĩ và làm gì đây?
 
             Lại một điều thật đáng mừng nữa là gần như ở các Xứ đạo Công giáo toàn tòng thì các tệ nạn xã hội ít xẩy ra. Nơi đây, hầu hết các xứ đạo thường đạt danh hiệu ba không (không tội phạm, không mại dâm, không xi ke ma túy). Có nơi đạt sáu không. Từ thực tế đó, ta thấy sự giáo dục nơi nhà thờ, nơi gia đình Công giáo đã mang lại những kết quả tốt, rất đáng khích lệ.
 
            Lịch sử dân tộc ta đã minh chứng rằng: trong quá khứ, người Công giáo đã đóng góp thật nhiêu cho sự tiến bộ, sự phát triển của đất nước trong nhiều lãnh vực: văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội kể từ khi đạo Công giáo có mặt ở đất nước ta vào năm 1553.  Điển hình là việc hình thành chữ Quốc ngữ, là luật một vợ một chồng, là Công bằng và Bác ái là yêu thương…
 
           Ngày nay, đạo đức trong xã hội đang suy thoái trầm trọng. Đây quả là một thách thức lớn lao với mọi người. Riêng người Công giáo, đó vừa là thách thức vừa là cơ hội để ta sống chứng nhân, làm muối và men cho đời.,.
                                                                         

Tác giả bài viết: Inhaxiô Đặng Phúc Minh

Nguồn tin: www.gpcantho.com

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây