Giáo xứ Vinh Hương

Thánh Giuse, mẫu gương của người trẻ

Thứ hai - 19/03/2012 17:54

Thánh Giuse, mẫu gương của người trẻ

- Ta sẽ được gì khi suốt ngày sống trong lo ngại ? Phải chăng chỉ là kỹ năng làm cho người khác trở nên giống mình ?

Có quá nhiều lời ca tụng Thánh Giu-se, cũng chẳng ít cuốn sách nói về Ngài. Người ta nhìn nơi Ngài như Đấng Công Chính; người ta cảm nghiệm nơi Ngài sự thầm lặng; người ta trông cậy nơi Ngài sự chở che “trong lúc ngặt nghèo”. Nói chung, người ta nhìn thấy nơi Thánh Giu-se những gương lành và sự phù trợ. Vậy người trẻ chúng ta hôm nay nhìn thấy nơi Ngài điều gì ? Chúng ta học nơi Ngài điều gì ?

Trước hết phải nói rằng : thời đại chúng ta đang sống có quá nhiều điều khiến chúng ta phải quan tâm. Những vấn đề hiện sinh buộc mỗi người không thể thờ ơ trước trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Những tiến bộ của thời đại buộc mỗi người chúng ta không thể không ngày ngày tự thăng tiến bản thân để không trở thành lạc hậu. Từng phút giây trong cuộc sống, mỗi người lại tự cảm thấy mình cho-nhận, được-mất, hên-xui … Mọi việc diễn ra có vẻ hết sức ồn ào khiến chúng ta tự đặt vấn đề rằng : vậy đời sống âm thầm của Thánh Giu-se có còn thích hợp với người trẻ chúng ta hiện nay không ?

Câu trả lời mà tôi phải khẳng định ngay : còn nguyên giá trị.

Bởi lẽ, trước những xô bồ của cuộc sống hiện nay, sự âm thầm gần như không còn chỗ đứng. Đây đó người ta nói về sự thinh lặng cũng là để con người tìm lại cho mình một chút sinh lực sau những ngày mệt mỏi lo toan. Người ta tìm đến thinh lặng như  tìm đến với những giây phút thư giãn. Cao siêu hơn, người ta tìm đến thinh lặng để tìm lại và khám phá chính mình, anh chị em của mình.

Còn âm thầm, hình như người ta ít để ý đến. Trong xã hội đầy những mưu cầu hôm nay, không thể cứ âm thầm để rồi không ai còn biết gì đến mình nữa - có người đã quan niệm như vậy. Cũng phải thôi, anh không được nhiều người biết đến, có nghĩa anh không là gì cả, hoặc là một điều quá đỗi nhỏ bé. Người ta thích được nổi danh, và sự ham thích này như một cám dỗ chết người khiến có đôi khi vì nó, người ta có thể vẫn xông xáo làm việc cho bản thân bất chấp lợi ích của người khác, bất chấp năng lực kém cỏi của mình. Người trẻ ngày nay dường như bị thu hút bởi sự nổi tiếng quá nhiều. Một bạn trẻ nào đó có giọng hát khá hay, ngoại hình đẹp, được báo chí lăng xê, sẵn sàng tự cho mình cái quyền được trở thành “sao” đối với công chúng. Anh chàng nọ vì muốn làm cô bạn phải chú ý đến mình bất chấp cả những khuôn phép cư xử xã hội chỉ để “làm nổi”. Một người với năng lực kém cỏi nhưng không muốn người khác biết điều đó sẵn sàng tỏ ra là người hiểu biết, sẵn sàng làm việc theo phong cách … độc tài, bất hợp tác để che giấu sự kém cỏi của mình. Nói tóm lại, không ai chịu đóng một vai trò âm thầm trong quan hệ với tha nhân.

Nhìn về Thánh Giu-se, người ta chẳng thấy Ngài nói gì trong Tin Mừng, người ta cũng chẳng thấy Ngài phản ứng lại trước những mộng báo của Thiên Chúa. Từ việc đón nhận Mẹ Ma-ri-a về (Mt 1, 20), cho đến việc trốn sang Ai-cập (Mt 2, 13), trở về Na-gia-rét (Mt 2, 20), chúng ta thấy Thánh Giu-se chỉ âm thầm vâng lời làm theo. Phải chăng Thánh Giu-se mù quáng ?! Chắc chắn là không ! Nhưng Ngài đã nêu gương cho chúng ta về lòng tin trong tình yêu. Người trẻ chúng ta ngày nay liệu có dám yêu và tin như Thánh Giu-se không ? Khó lắm ! Chỉ cần thấy bạn mình để ý đến người khác, ta đã có thể “giận đùng đùng” lên rồi. Chỉ cần thấy bạn mình không đúng như ý mình muốn, ta đã có thể “giận hờn vu vơ” mất rồi. Ôi chao ! Nếu bị rơi vào trường hợp của chàng Giu-se, tôi sẽ nghĩ về nàng Ma-ri-a thế nào đây ? Nhiều lần tôi đã tự hỏi mình như thế. Xung quanh, tôi thấy nhiều những bạn trẻ yêu nhau trong … nghi ngờ, luôn sợ bạn mình phản bội, “bắt cá hai tay” (dĩ nhiên cũng có nhiều kẻ “bắt cá hai tay”). Ta sẽ được gì khi suốt ngày sống trong lo ngại ? Phải chăng chỉ là kỹ năng làm cho người khác trở nên giống mình ?

Việc trở về quê nhà khai hộ khẩu (Lc 2, 1-5), việc đem Con dâng trong Đền thờ (Lc 2, 22-28), Thánh Giu-se hoàn toàn vâng theo lề luật. Có thể nói rằng, người ta chẳng thể nhìn thấy nơi Thánh Giu-se sự tự chủ, điều mà ngày nay, giới trẻ đang kiếm tìm và khó thực hành. Nhưng, có lẽ chúng ta phải nhìn nhận vấn đề theo một cách khác. Thánh Giu-se vâng nghe những lời trong mộng báo chắc chắn không phải Ngài mê tín, mà vì Ngài biết rõ đó là tiếng Thiên Chúa. Ngài vâng theo lề luật vì đó là lề luật Thiên Chúa đã truyền lại cho Dân.

Người trẻ chúng ta ngày nay chắc chắn không còn được nghe tiếng Thiên Chúa trực tiếp nói với mình. Và hình như người trẻ có quyền cho rằng mình không phải nghe nữa. Nhưng kỳ thực, người trẻ vẫn còn đó tiếng lương tâm ngay thẳng mà chỉ trong thinh lặng chân thành họ mới có thể nghe thấy và can đảm làm theo. Người trẻ ngày nay ưa nói về mình nhiều quá, ưa phô trương mình nhiều quá, không chấp nhận những khoảnh khắc âm thầm, tan biến. Họ cứ tưởng rằng : phô trương, ồn ào về chính mình là bày tỏ nhiệt huyết của tuổi trẻ; họ cứ nghĩ rằng : âm thầm sẽ làm mất đi “bản sắc” của mình. Phải chăng họ đã hiểu chưa đúng về âm thầm và thinh lặng ? Bởi sự thật thinh lặng hay âm thầm không có nghĩa là “không còn biết gì về ngoại giới, mà là lắng nghe ngoại giới từ nhiều phía, đón nhận ngoại giới từ nhiều phương” (Chân Luận - Thơ Thiền và những vấn đề ẩn chứa, NTNT). Như vậy, vấn đề nằm ở tiếng lương tâm, lẽ phải, lợi ích của bản thân và tha nhân. Bởi hơn ai hết, Thánh Giu-se đã sẵn sàng âm thầm vì lợi ích của Mẹ Ma-ri-a và Đức Giê-su. Ở đây, chúng ta có thể hiểu rằng: âm thầm chính là tiêu huỷ bản thân mình cho tha nhân, nâng cao tha nhân để tha nhân sẽ kéo mình lên trong sự thật công chính.

Người trẻ chúng ta chắc chắn được thấy nơi Thánh Giu-se là Vị Bảo trợ có “thần thế trước mặt Đức Chúa Trời”. Điều ấy không những là vinh quang của Thánh Giu-se, mà còn là một tấm gương cho người trẻ chúng ta noi theo. Trong quan hệ với tha nhân, chúng ta có những khi trở thành gánh nặng, trở thành người cản bước tiến của tha nhân, thậm chí có thể trở thành thù địch của tha nhân. Thánh Giu-se đã trở nên Vị Bảo trợ của Giáo hội, của những ai chạy đến với Ngài. Còn chúng ta, chúng ta có thể noi gương Thánh Giu-se ở khía cạnh này không ? Tôi nghĩ là có. Bởi lẽ chúng ta hoàn toàn có thể trở thành chỗ dựa vững chắc của tha nhân; chúng ta hoàn toàn có thể là nơi tha nhân tin tưởng, tâm sự; chúng ta hoàn toàn có thể trở nên niềm vui cho tha nhân nếu chúng ta chân nhận rằng : tha nhân chính là hình ảnh của Thiên Chúa, của chính chúng ta. Vậy thì tại sao người trẻ chúng ta lại không hân hoan “trở nên mọi sự cho mọi người” (ICr 9,22), trở nên tương lai tốt đẹp của Giáo hội và xã hội?

Tháng 3, tháng kính Thánh Giu-se, chúng ta cùng nhìn lên Ngài để thấy rằng : “các Thánh là những người đã sống trọn vẹn bổn phận của mình”. Và người trẻ chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng và hy vọng vào bản thân, vào khả năng trở nên điều tốt đẹp cho tha nhân, để chúng ta cảm thấy việc “nên thánh” không chỉ là chuyện ngày xưa, là chuyện của các “bậc tu hành”, mà còn là của chính chúng ta; để chúng ta không cảm thấy các Thánh là những Đấng xa vời nhưng gần gũi và yêu thương. Chúng ta hoàn toàn có thể trở nên giống các Ngài – những vị Thánh – trong chính môi trường chúng ta sống.

 

Tác giả bài viết: Chân Luận

Nguồn tin: http://phatdiem.org

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây