Giáo xứ Vinh Hương

Bếp ăn tình thương hơn mười năm sáng đèn

Chủ nhật - 01/12/2024 20:34
Bếp trao thức ăn đến tận nhà cho những cụ cao niên
Bếp trao thức ăn đến tận nhà cho những cụ cao niên

Đỏ lửa từ lúc 3 giờ sáng, bếp ăn tình thương ở địa chỉ 86/34 Phan Tây Hồ, phường 7, quận Phú Nhuận mỗi ngày phục vụ nhiều phần ăn cho người có hoàn cảnh khó khăn, kém may. Chủ bếp là vợ chồng bà Nguyễn Thị Mai Phương và ông Đỗ Hoàng Minh, giáo dân xứ Phú Hạnh, TGP TPHCM.
 
Sớm tối trao gởi yêu thương

6 giờ sáng cuối tuần. Khi nhà nhà còn cửa đóng then cài, fanpage của bếp ăn tình thương đã nhanh chóng “cập nhật” lời rao: “Hôm nay bếp có những món cơm cá ngừ kho, thịt kho trứng, canh bí xanh tôm khô, phô-mai que, dưa leo và xoài”. Đây là lúc việc nấu nướng của anh chị Minh - Phương vừa xong. Có vài giáo dân trong xứ đạo đến giúp phân chia thức ăn, thỉnh thoảng còn có các chị em ngoài phường đến hỗ trợ nữa.

Tầm 8-9 giờ sáng, thức ăn sau khi được đóng thành từng túi lớn sẽ được 4 tình nguyện viên trao đến những nơi cần giúp. Các địa chỉ được gởi đến là những bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện, người khiếm thị, tâm thần, người liệt lào, neo đơn, vô gia cư, bán vé số... Riêng tại bệnh viện, bếp cậy nhờ điều dưỡng trao phần ăn đến tận tay bệnh nhân.

Trung bình mỗi ngày bếp thực hiện 100 - 150 khẩu phần, lúc cao điểm trên dưới 200 phần, tùy nhu cầu thực tế. Mỗi suất gồm đầy đủ các món canh, xào, mặn, sữa tươi, tráng miệng... Thực đơn tùy vào nguồn mua hoặc do ân nhân, tiểu thương hỗ trợ, từ rau củ, thịt cá cho đến gạo, gia vị… Cũng có những tiệm vừa bán vừa ủng hộ, chẳng hạn 1kg thịt heo quay có giá bán 220.000 đồng, nhưng với bếp họ chỉ tính 150.000 đồng.

Không chỉ chăm sóc cho nhu cầu thường ngày, bếp ăn tình thương này còn nấu món chay cho những người ăn chay, hay những món ăn đặc biệt hơn ngày thường vào dịp mừng Giáng Sinh, Tết Nguyên đán… Bếp ăn tình thương Minh - Phương duy trì được hơn 10 năm qua, trước hết là nhờ nguồn kinh phí từ gia đình, người thân, của ân nhân, bạn bè cùng chung tay góp sức. Có tháng bị thiếu hụt thì những “người trong cuộc” tự móc tiền túi bù vào.

Tôi gặp anh Đỗ Đức Thịnh - người đồng hành cùng bếp ăn trong suốt thời gian qua - trong lúc đến nhận phần ăn để trao đến các bé khiếm thị ở đường Ngô Gia Tự (quận 10), mà cứ ngỡ là một tu sĩ trong dáng dấp chỉnh tề áo sơ mi trắng với Thánh Giá gỗ đeo bên ngoài cổ áo. Từ ngày bếp ăn tình thương đi vào hoạt động, cũng là ngần ấy thời gian anh đem lương thực cho người kém may, người lang thang, bán vé số ven đường… Làm việc trong một công ty may mặc danh tiếng, phụ trách thu mua nguyên vật liệu nên thời gian linh động. Nhờ vậy anh “có thời gian cho việc nhỏ bé, có ích cho người cần giúp”.

Đang cuộc trò chuyện thì điện thoại của chị Phương đổ chuông. Đó là một tiểu thương buôn bán ở chợ Nguyễn Đình Chiểu gần đó. Chị nhắn sáng nay tặng bếp tình thương 10 ký cá và hối đến lấy sớm kẻo hết tươi. Chỉ ít phút sau, tôi thấy anh Minh trở về với bịch cá to đã được làm sạch. Anh chia sẻ thêm: “Bà con tiểu thương cũng để ý, hay cho loại rau dễ ăn, cho cá ít xương để người già, người bệnh khi dùng được an toàn”.

 
Cơ duyên của ông bà chủ bếp
 
Hơn 30 năm trước, chị Phương bắt đầu cộng tác với bếp ăn của các sơ dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn để phục vụ bệnh nhân tại bệnh viện Ung Bướu. Tiếp đó là phụ bếp ăn của bà cố Lý ở giáo xứ Tân Định, chăm lo cho người nghèo. Khi bếp của bà cố Lý ngưng hoạt động, vì thương những “thực khách” bơ vơ nên hai vợ chồng quyết định mở bếp ăn tình thương ngay tại nhà vào năm 2012, nhằm tiện bề nấu nướng, lo liệu mọi thứ. Từ danh sách cũ của bà Lý và người mới do giáo xứ, địa phương giới thiệu, thời gian đầu bếp phục vụ trên dưới 60 suất cơm vào các ngày trong tuần, kể cả Chúa nhật.

Tiếng lành đồn xa, bếp nhà bà Phương, ông Minh ngày càng tăng số lượng khẩu phần, có những ngày lên đến 200 vì có thêm bệnh nhân ở một số bệnh viện như Y học cổ truyền, Quân y 175, Phạm Ngọc Thạch, Ung Bướu, khoa phỏng của bệnh viện Chợ Rẫy (đường Trương Định, quận 3)… Sau một thời gian, nhận thấy suất ăn ngày Chúa nhật giảm dần do nhiều bệnh nhân trở về gia đình nên bếp phục vụ từ thứ Hai đến thứ Bảy cho đến nay. Kèm theo phần cơm của ngày thứ Bảy luôn có mì gói, sữa, bánh ngọt để những bệnh nhân ở lại vào ngày nghỉ có sẵn để dùng.

Tôi gặng hỏi mãi, hai vợ chồng luống tuổi ấy mới chịu “mở lòng”. Bởi lúc kể về những “thực khách thân thiết” của bếp, tôi nhận ra giọng của chị Phương như chùng xuống, còn anh Minh thì thoáng xa xăm đâu đó, khi nhắc đến những hoàn cảnh đáng thương… Có người lượm ve chai thâm niên ăn cơm bếp hơn chục năm; có gia đình có 3 người bệnh tâm thần.

Dành tình yêu thương cho những người mình đã và đang phục vụ, từ khi mở bếp vợ chồng anh chị Minh - Phương thường từ chối những chuyến du lịch xa gần, kể cả nhiều cuộc vui với bạn bè, bởi “không nỡ để bà con đợi chờ”. Anh chị thường dành quãng thời gian ít ỏi còn lại để tranh thủ đến thăm, trao quà cho bệnh nhi, bệnh nhân ở một số bệnh viện, mái ấm trong thành phố; cũng như phối hợp tổ chức chương trình hành hương cho bà con trong hội khuyết tật ở Đà Nẵng, một số chương trình thiện nguyện ở các tỉnh thành, vùng sâu vùng xa khác…

Ghi nhận những đóng góp của bếp ăn tình thương cùng những hoạt động thiện nguyện góp sức cho đời, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 7 (quận Phú Nhuận) vinh danh “Gương người tốt việc tốt năm 2024” cho hai vợ chồng giáo dân giáo xứ Phú Hạnh này; Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Phú Nhuận trao danh hiệu “Gương người tốt việc tốt năm 2023”.

Chia sẻ một chút cảm nghiệm về hành trình thiện nguyện của mình, chị Phương vắn gọn: “Gia đình được ấm êm, hạnh phúc, con cái thành tài, thảo hiếu đã là những ân ban lớn lao. Mong muốn được sẻ chia, được lan tỏa yêu thương đến tha nhân, đến những người phận nhỏ như là một thôi thúc trong mỗi chúng tôi mà thôi”.
Bích Vân

Nguồn tin: wwww.cgvdt.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây