Giáo xứ Vinh Hương

Cầu nguyện và hành động trong đức tin

Thứ năm - 10/11/2011 18:13

Cầu nguyện và hành động trong đức tin

- “Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17-26)

Thiên Chúa không thiên vị người nào” (Cv 10,34). Bạn có dám liều thử những lời hứa của Thiên Chúa không? Là một Kitô hữu, có thể nào bạn lại không dám liều thử những lời hứa của Thiên Chúa? Có thể nào bạn lại không liều và đặt mức sào cao hơn? Bạn quá sợ hãi, thiếu can đảm, không dám thử những lời hứa của Ngài và liều mình vì sự trung tín của Ngài sao? Mặc dù Phêrô đã chìm và sợ hãi trong lúc bước đi trên mặt nước, nhưng dù sao ông cũng đã có can đảm “liều” (x. Mt 14,28-31).

Chúng ta có giam mình trong những giới hạn hạn hẹp đang bao quanh chúng ta không? Nếu chúng ta không liều mình và kiểm nghiệm Lời Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ biết được ý nghĩa của “những điều lớn lao và bí ẩn” mà Ngài đã từng đề cập đến trong Gr 33,3: “Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ trả lời ngươi và sẽ tỏ cho ngươi biết những điều lớn lao và bí ẩn mà ngươi không biết”. Chúa nói Ngài sẽ đưa bạn đến nơi “thảnh thơi” và Ngài sẽ “cho bạn thấy điều mới mẻ” (Tv 18,19; Is 43,19).

Nhưng bạn nói: “Làm thế nào tôi có được niềm tin kiên cường ấy? Làm sao tôi có thể áp dụng những lời hứa ấy cho chính bản thân? Tôi có thể chứng thực những lời hứa ấy ra sao?” Dưới đây là những lời khuyên thực tế để giúp bạn biết “làm thế nào để nhận được điều gì đó từ Chúa”.

Thứ nhất: Bắt đầu bằng tâm hồn trong sạch

Thật dễ hiểu sự thật rằng: để nhận được phước lành từ Chúa, trước hết tâm hồn phải ngay thẳng. Bất cứ lỗi lầm nào trong cuộc sống mà không được xưng thú sẽ làm cản trở lòng tin. Bất cứ điều gì không vâng phục Thiên Chúa sẽ cản trở bạn và buộc tội bạn trong những lúc gian nan. Đừng để điều đó làm bạn thất vọng, bởi vì Thiên Chúa không đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối. Ngài chỉ yêu cầu chúng ta thi hành ý muốn của Ngài; Ngài muốn chúng ta hãy cố gắng làm những gì Ngài muốn nơi chúng ta với hết cả tâm hồn.

Rất nhiều người từng vấp ngã đã nói: “Tôi không đủ tốt lành; có thể những người khác xứng đáng, còn tôi thì không”. Nhưng tận sâu thẳm trong tâm hồn, họ luôn khao khát làm điều đúng đắn và ao ước làm vui lòng Chúa. Tất cả những gì Chúa đòi hỏi chúng ta là sự vâng phục, dâng mọi của lễ nơi bàn thờ và Ngài sẽ làm những gì còn lại.

Chúng ta hãy kêu xin như vua Đavít thuở xưa: “Xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ”; “Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con, xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ” (Tv 51,12; 139,23).

Thứ hai: Chuẩn bị chu đáo - Tin tưởng tuyệt đối vào những lời hứa

Khi chúng ta cầu xin Chúa điều gì, chúng ta dựa vào uy quyền của Lời Ngài. Chúng ta phải giữ lấy những lời hứa của Ngài; không chỉ ghi nhớ trong tâm trí mà in sâu trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta phải nhận ra uy quyền nơi Lời Chúa, và rồi đức tin sẽ đến. Bạn sẽ không bao giờ tin vào bất cứ việc gì nếu bạn không chắc chắn rằng Chúa đã trao cho bạn quyền cầu xin; vì thế, rất cần ghi nhớ một vài lời hứa nổi bật.

Có một số lời hứa mà các chiến sĩ đức tin suốt mọi thời cậy dựa vào: “Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11,24); “Mọi sự đều có thể đối với người tin” (Mc 9,23); “Lý do khiến chúng ta được mạnh dạn trước mặt Thiên Chúa, đó là: Người nhận lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người. Nếu chúng ta biết rằng Người nhận mọi lời chúng ta xin, thì chúng ta cũng biết rằng chúng ta sẽ được những gì chúng ta đã xin Người” (1 Ga 5,14-15); “Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ trả lời ngươi và sẽ tỏ cho ngươi biết những điều lớn lao và bí ẩn mà ngươi không biết” (Gr 33,3). Bạn không thể học thuộc hết tất cả mọi lời hứa tuyệt vời trong Kinh Thánh, nhưng chỉ cần 1 hoặc 2 lời hứa để củng cố đức tin trong những lúc cần thiết và bạn sẽ tự hỏi tại sao mình không học nó sớm hơn.

Thứ ba: Hãy rõ ràng

Cần có sự rõ ràng trong lời chúng ta cầu xin Chúa. Ngài luôn rõ ràng với chúng ta, rõ ràng khi ban cho chúng ta những lời hứa và rõ ràng trong từng câu chữ của Ngài - rất đơn giản mà ngay cả một đứa trẻ cũng có thể hiểu. Vì thế, bạn phải rõ ràng với Ngài.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta rõ ràng khi làm việc với người khác - đặc biệt là những vấn đề quan trọng liên quan đến tiền bạc. Chúng ta cẩn trọng tìm hiểu thấu đáo. Chúng ta tuyên bố “giao dịch” hoặc “không giao dịch” với ai đó, và có lúc chúng ta viết tên mình một cách rõ ràng, cẩn thận trong mẩu đơn trước khi hoàn tất các thủ tục.

Cũng tương tự như vậy, chúng ta cũng phải có một sự rõ ràng trong việc hoàn tất thủ tục với Chúa. Có lúc, chúng ta viết tên mình xuống phần để trống phía dưới lời hứa của Ngài, tin rằng Ngài sẽ thực hiện những gì Ngài đã hứa, và hoàn tất thủ tục. Khi hoàn thành - chúng ta đóng dấu và mãi mãi xem như vụ giao dịch đã xong. Chúng ta thay đổi thái độ hoàn toàn - niềm hy vọng của chúng ta chuyển thành lòng tin. Lòng tin là bằng chứng cho những điều chúng ta không thấy (x. Dt 11,1).

Thật đáng xấu hổ khi chúng ta có thể tin tưởng vào những lời của người đời và rất rõ ràng với nhau trong công việc, nhưng lại không rõ ràng trong mối giao tiếp giữa chúng ta với Chúa - lời cầu nguyện không rõ ràng, không tỏ rõ ý muốn. Chúng ta hãy rõ ràng với Chúa!

Thứ tư: Trông đợi từ Chúa

Có rất nhiều thất bại trong đời sống cầu nguyện, lý do đơn giản là vì chúng ta bắt đầu với rất nhiều lời van xin nhưng lại không bao giờ kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời - chỉ gửi đi liên tục nhưng lại không thật sự trông đợi nhận được hồi âm, cho đến khi tinh thần chúng ta yếu nhược bởi vì chúng ta đã không rèn luyện năng lực biết tiếp nhận.

Có hai dạng Kitô hữu - một là những người cầu nguyện và thật lòng trông đợi được nhìn thấy điều gì đó xảy ra; hai là những người chỉ cầu nguyện và không trông chờ bất cứ điều gì xảy ra. Lời cầu nguyện chính là phương tiện để đưa đến điểm kết thúc; là sự liên kết giữa nhu cầu con người với những nguồn lực thiêng liêng; là lời van xin của đứa con với Cha của mình, và trông chờ tấm lòng yêu thương cao cả của Người Cha ban cho chúng nhiều hơn những gì chúng cầu xin.

Một số những Kitô hữu rất gương mẫu, khó có thể tìm thấy một lỗi lầm nào trong cuộc sống của họ, tuy nhiên, họ lại hiếm khi nhận được điều gì từ Chúa, đơn giản bởi vì họ thiếu sự trông đợi; họ không biết nguyên tắc thiết yếu nhất của đức tin. Họ có tình yêu nơi Chúa, tin tưởng Kinh Thánh chính là Lời của Chúa, nhưng không hề có bất cứ sự trông đợi thật sự nào.

Tâm hồn của Đấng Vô Song thật đáng thương và đau buồn biết bao khi đứa con của Ngài cầu nguyện không ngừng, nhưng lại không bao giờ tỏ rõ thái độ trông chờ thật sự!

Thứ năm: Đón nhận Chúa

Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11,24). Khi chúng ta cầu nguyện, hãy thật sự tin tưởng!

Chúng ta mong muốn Ngài xuống và ngự vào lòng chúng ta, trong khi bản thân chúng ta không có một sự nỗ lực nào; Ngài sẽ thực hiện điều này nhưng với những điều kiện Ngài đặt ra: “Tin rằng đã nhận được rồi, thì sẽ được như ý”. Ngài có quyền đặt ra những điều kiện và chẳng có gì lớn lao khi Ngài yêu cầu chúng ta tôn vinh Ngài thông qua việc tin vào Lời Ngài. Lời Chúa không nói rằng không có sự hoàn hảo thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, nhưng nói rằng không có đức tin thì không thể làm đẹp lòng Ngài (x. Dt 11,6).

Nếu ngày hôm nay tâm hồn bạn khao khát làm đẹp lòng Chúa, thì chỉ cần tôn vinh Ngài thông qua việc tin vào những điều không thể đối với bạn sẽ trở nên có thể. Chỉ cần thực hiện một bước của đức tin bằng cách tin vào những điều không thể! “Đức tin là bảo đảm cho điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không nhìn thấy” (Dt 11,1). Nhưng chờ cho đến khi trông thấy rồi mới tin thì đó không phải là lòng tin. Đức tin không phải những gì chúng ta nhìn thấy, vì chúng ta “bước đi bằng lòng tin” (2 Cr 5,7); không phải những gì chúng ta cảm nhận, nhưng chính là những gì đức tin khẳng định; không phải những gì chúng ta nghĩ, nhưng là những gì Chúa cho là quan trọng.

Đức tin xem sự việc là quá khứ và coi như nó đã được thực hiện. Sự việc đã thành hiện thực bởi vì Thiên Chúa đã nói như thế; và bây giờ chúng ta đang sở hữu nó. Nhưng bạn nói rằng “tôi không thể nhìn thấy nó. Tôi không thể cầm được nó, vì thế tôi không thật sự biết mình đã có được nó”. Nhưng chúng ta biết rõ, bởi vì Chúa đã nói như thế, và chỉ cần Lời Ngài thôi là đủ. Chúng ta tin không phải vì mọi giác quan của chúng ta chứng thực được nó. “Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng chân thật còn mọi người đều giả dối” (Rm 3,4).

Con người luôn khao khát được nhìn thấy bằng chứng rõ ràng về những lời cầu xin của mình, nhưng có được bất cứ bằng chứng nào ngoài Lời Chúa đều không phải là đức tin; những người bước đi bằng lòng tin không cần bất cứ bằng chứng nào ngoài Lời Chúa.

Bạn có nhận ra rằng có lúc lời cầu nguyện của mình là sai không? Bạn có biết rằng có lúc chúng ta không nên kêu xin Chúa nữa? Như Đức Chúa đã nói với Giôsuê: “Đứng dậy đi! Sao ngươi cứ sấp mặt xuống đất như vậy?” (Gs 7,10) Không cần giải thích gì thêm về câu Kinh Thánh này: nhân vật trong câu chuyện đã nài xin Chúa làm thoả mãn những khao khát của mình, và dường như ông vẫn cứ tiếp tục van nài khi Chúa đã nghe thấy và Ngài đã đáp lại lời của ông. Vì thế, Đức Chúa khiển trách ông vì đã van nài quá lâu, và cho ông thấy rằng đã đến lúc ông phải đứng dậy và thực hiện phần việc của ông, bởi vì những lời van xin của ông đã được Chúa nghe thấy và ông không cần phải cầu xin thêm khi Thiên Chúa đã lưu tâm đến.

Rõ ràng có lúc chúng ta cầu nguyện dài dòng chính là vì chúng ta không tin tưởng. Và có khi một người cầu nguyện mà không có chút lòng tin nào. Chúng ta hãy tin rằng Thiên Chúa luôn thực hiện những gì Ngài đã hứa và xem như mọi việc đã được thực hiện; và chúng được thực hiện bởi vì Thiên Chúa đã hứa như thế!

Thứ sáu: Hãy đứng vững!

Tất cả những gì chúng ta cần làm là “đứng vững” (Ep 6,13). Đứng vững có nghĩa là trụ vững, không xiên vẹo. Khi một người được Chúa ban cho điều gì đó, họ rút ra một lời hứa nơi Lời Chúa và cậy dựa vào đó, và kể từ giây phút ấy, họ hoàn toàn tin cậy vào nó cho dù sau đó có bất kỳ điều gì xảy ra cho họ. Và dù có thể người ấy không thể nhìn thấy con đường phía trước, họ nhưng vẫn căng buồm ra khơi nhờ có sự định vị của la bàn. Người ấy nói: “Tôi đã thỉnh cầu lời hứa của Chúa, và tôi vẫn tin tưởng vào lời hứa ấy dù cho tôi có đi qua những nơi mịt mù”. Người ấy đã không nhìn những đợt sóng, sương mù hoặc bão táp - không nhìn những hoàn cảnh - họ chỉ đơn giản hướng mắt về lời hứa trong Kinh Thánh, “hoàn toàn xác tín rằng điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng để thực hiện” (Rm 4,21). Như ai đó đã nói: “Cứ mỗi một lần nhìn vào nỗi khó khăn của mình, bạn hãy nhìn 100 lần vào những lời hứa của Chúa”.

Thứ bảy: Đặt đức tin vào trong hành động

Một người được Chúa ban điều gì đó, họ sẽ đặt đức tin vào trong hành động. “Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17-26). Thế nào là đức tin chết? Đó chính là đức tin không hành động. Đó chính là đức tin không có một hoạt động nào.

Đức tin thật sự không phải là một sự thụ động, mà hành động theo những gì nó tin. Đó là điều hoàn toàn thực tế - không thể trông chờ Chúa làm những gì bản thân chúng ta có thể làm.

Một người có đức tin thì sẽ hành động bằng đức tin. Khi người ấy xin Chúa điều gì, họ sẽ hành động như thể mình đã có được. Khi người ấy tin rằng Thiên Chúa luôn giữ lời hứa, những lời cầu xin của họ được chuyển vào trong hành động vì lời cầu xin của họ đã được nghe thấy, và họ hành động đúng như mình đã có được những gì mình ao ước dù những giác quan tự nhiên có thể cản trở mọi bước đi trên nẻo đường mà niềm tin đã xác tín là thật.

Kinh Thánh đã đưa ra một minh hoạ tuyệt vời về điều này khi Chúa Giêsu bảo những người phong hủi hãy đến trình diện với các tư tế để chứng nhận họ đã được sạch. Thánh Kinh nói: “Đang khi đi thì họ được sạch” (Lc 17,12-14); khi họ đặt đức tin của mình vào trong hành động, Thiên Chúa sẽ thực hiện. Nếu chúng ta tin tưởng, Thiên Chúa sẽ tuyên dương hành động ấy và thực hiện điều chúng ta cầu xin. Trong trường hợp người đàn ông bị bại tay, Chúa Giêsu đã nói: “Hãy giơ tay ra” (Lc 6,8-10). Thật sự việc người đàn ông giơ tay ra là điều không thể, nhưng Đức Kitô đã yêu cầu, anh ta đã cố gắng và tay của anh được chữa lành hoàn toàn.

Vị trí của đức tin chính nằm ở nơi ý chí của chúng ta, và Thiên Chúa thật sự trông chờ chúng ta đặt đức tin vào trong hành động. Ai đó đã nói: “Khi đức tin đi chợ, nó sẽ mang theo giỏ”. Như người phụ nữ trên đường đi đến buổi họp mặt cầu nguyện xin cho trời mưa, vì hạn hán và nắng nóng đã kéo dài quá lâu. Đến buổi họp mặt, bà ta mang theo chiếc quạt, và cảm thấy xấu hổ với niềm tin yếu kém của mình khi nhìn thấy một bé gái 8 tuổi đi ủng, mặc áo mưa và mang theo dù! Đứa trẻ tin cậy và đơn sơ ấy đã đặt đức tin của mình vào trong hành động.

Thứ tám: Tạ ơn Chúa về món quà

Tạ ơn Chúa vì đã đáp lời! Chúc tụng Chúa về lòng trung tín của Ngài. Gói quà vẫn chưa được giao đến nhà bạn, nhưng bạn đã hoàn tất thủ tục với Chúa thông qua một cuộc trao đổi long trọng bằng điện thoại, và tâm hồn bạn đã tin tưởng và cậy trông vào lời hứa của Ngài trong khi chờ đợi tiếng chuông cửa reo lên! Có một trong những câu hay nhất trong Lời Chúa: “Chúng ta là những người tin, chúng ta đang vào chốn yên nghỉ” (Dt 4,3). Chúng ta hãy bắt đầu bằng lời cầu nguyện và kết thúc bằng lời ca khen. “Đúng y như Người đã phán, không sai một lời nào trong tất cả những lời tốt lành” (1 V 8,56). “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mt 24,35). “Mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là có nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên 'Amen' để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 1,20).

Bạn hãy với tay để chạm vào vạt áo của Ngài!

 

Tác giả bài viết: An Nhiên dịch

Nguồn tin: truyenthongconggiao

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây