Giáo xứ Vinh Hương

Kim chỉ nam của tín hữu giáo dân

Thứ năm - 03/11/2011 21:05

Kim chỉ nam của tín hữu giáo dân

"Khôn ngoan là đức tính giúp lý trí thực tiễn trong mọi hoàn cảnh, nhận ra điều thiện đích thực và chọn lựa những phương thế tốt để đạt tới".

 

"Nhờ khả năng chuyên môn trong những việc trần thế, nhờ các hoạt động của họ, được ân sủng Chúa Kitô nâng lên bậc siêu nhiên, giáo dân hãy đem toàn lực hợp tác để nhờ lao công con người, kỹ thuật và văn hóa nhân loại khai thác những của cải được tạo dựng hầu mưu ích cho mọi người và phân chia cân xứng hơn giữa họ… và tùy cách thức riêng của chúng, chúng giúp phát triển toàn diện sự tự do của con người và sự tự do của Kitô hữu" (Hiến chế Tín lý về Giáo hội, 36).

Người tín hữu giáo dân sống giữa trần thế. Họ có khả năng chuyên môn trong những công việc trần thế. Hoạt động của họ ở giữa trần thế. Họ đi giữa trần thế. Giáo hội, là Mẹ và là Thày, có trang bị thứ kim chỉ nam nào để họ hoạt động không?

Sách Giáo lý Giáo hội Công giáovà quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội Giáo hội Công giáo đều trang bị, rèn luyện họ sử dụng kim chỉ nam nói trên.

Khi quyết định điều cần phải làm trong một tình huống cụ thể, người tín hữu giáo dân được hướng dẫn bởi nhân đức khôn ngoan – một trong bốn nhân đức trụ cột của người Công giáo.

Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo định nghĩa đức khôn ngoan như sau:

"Khôn ngoan là đức tính giúp lý trí thực tiễn trong mọi hoàn cảnh nhận ra điều thiện đích thực và chọn lựa những phương thế tốt để đạt tới. "Người khôn ngoan thì đắn đo từng bước" (Cn 14,15). "Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ để có thể cầu nguyện được" (1 Pr 4,7). Như Aristote, thánh Tô-ma cũng viết: "khôn ngoan là quy tắc đúng đắn để hành động" (x. S.th 2-2, 47,2). Không nên lầm lẫn đức tính khôn ngoan với tính nhút nhát và sợ sệt, tráo trở hay giả hình. Khôn ngoan là người dẫn đường cho các đức tính, hướng dẫn các đức tính khác bằng cách vạch ra quy tắc và mức độ phải giữ. Ðức khôn ngoan trực tiếp hướng dẫn phán đoán của lương tâm. Dựa theo phán đoán này, người khôn ngoan chọn cách ứng xử của mình. Nhờ đức tính này, chúng ta áp dụng đúng đắn các nguyên tắc luân lý vào từng trường hợp cụ thể, và không còn do dự về điều thiện phải làm và điều ác phải tránh". (1806)

Quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội Giáo hội Công giáo viết:

"Người tín hữu giáo dân cần hành động theo đòi hỏi của sự khôn ngoan, nhân đức giúp ta có thể phân định sự thiện đích thực trong mọi trường hợp và chọn ra được những phương tiện thích hợp để đạt đến sự thiện đó. Nhờ đức tính này, những nguyên tắc luân lý được áp dụng đúng đắn vào những trường hợp cụ thể.Ta có thể nhận ra ba thời khắc riêng biệt khi thực hành đức khôn ngoan để làm rõvà đánh giá các tình huống, gợi hứng cho những quyết định và thôi thúc hành động. Thời khắc thứ nhất được nhận thấy trong suy nghĩ và tham vấn qua đó vấn đề được nghiên cứu và những ý kiến cần thiết được tham khảo. Thời khắc thứ hai là thời khắc đánh giá trong khi thực tại được phân tích và phán đoán dưới ánh sáng của kế hoạch Thiên Chúa. Thời khắc thứ ba, thời khắc quyết định, dựa trên những bước đi trước và giúp ta có thể lựa chọn hành động giữa những phương án khác nhau cần tiến hành". (547)

Phân tích đoạn trên, ta thấy:

-  Khôn ngoan là nhân đức giúp ta:

(i)  nhận ra trong mọi hoàn cảnh sự thiện đích thực (nhận diện mục tiêu) và

(ii) lựa chọn các phương tiện thích hợp để đạt đến mục tiêu.

-  Quy trình thực hiện đức khôn ngoan gồm ba bước:

(i)  suy nghĩ và tham vấn

(ii) phân tích và phán đoán tình hình thực tế và

(iii) quyết định.

Quy trình ba bước để làm quyết định này cần được sự hỗ trợ của một nhân đức trụ khác: nhân đức dũng cảm. Có lẽ vấn đề đối với hầu hết chúng ta không phải ở chỗ thiếu kiến thức, thiếu nhận thức – mà là thiếu hành động, hoặc tệ hại hơn, không hành động, bị Tông đồ Giacôbê thống trách "đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Gc 2,26).

Tác giả bài viết: Đan Quang Tâm

Nguồn tin: ghxhcg.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây