Giáo xứ Vinh Hương

Đó là Lời Chúa

Chủ nhật - 11/03/2012 08:22
Một thái độ ơ hờ, đọc lấy lệ không thể nào trình bày sự hiện diện của Chúa, và như thể không thể chuyển tải đến người nghe sức sống nẩy sinh từ Lời Chúa được công bố.
Đó là Lời Chúa

Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XII với chủ đề: “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội”, đã bế mạc vào Chúa Nhật ngày 27-10-2008. Trong sứ điệp sau cùng của Thượng Hội Đồng gởi cho toàn thể Dân Chúa, các nghị phụ đã mời gọi: “Chúng  ta hãy tới gần bàn tiệc Lời Chúa, để được nuôi dưỡng và sống ‘không bằng cơm bánh mà thôi mà còn bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra’ (Đnl 8,3; Mt 4,4). Như nhà tư tưởng vĩ đại của nền văn hóa Kitô giáo từng nói, Thánh Kinh ‘đã cung cấp cho ta nhiều đoạn vừa an ủi vừa cảnh cáo đối với mọi hoàn cảnh’ (B. Pascal, Pensées, số 532 ấn bản Brunschvicg)”. Tiệc Lời Chúa được dọn bày trong Thánh Lễ qua các bài đọc. Quả thật, các bài Thánh Kinh được cất lên trong Thánh Lễ, không là những bài “được đọc”, nhưng đó chính là Lời Thiên Chúa phán ra. Vì thế, cuối các bài đọc luôn được kết thúc: “Đó là Lời Chúa”. Một câu ngắn ngủi nhưng hàm chứa một ý nghĩa súc tích, cao sâu.

“Đó là Lời Chúa” không được hiểu đơn thuần: “Đó là Lời của Chúa”, nhưng đây là lời xác tín về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa Dân Người, và Lời được công bố đó chính là lời do miệng Chúa phán ra. Thật vậy, “Chúa không hiển hiện trong một tranh vẽ, một hình tạc hay một bức tượng, nhưng trong tiếng nói bằng lời”. Vì vậy, khi Giáo Hội công bố: “Đó là Lời Chúa”, Giáo Hội khẳng định về sự có mặt của Thiên Chúa, và Lời mà mọi người vừa được nghe, chính là lời của  “Đấng đang có mặt” nói. Cho nên, Lời vừa được công bố, không là lời được cất lên cách máy móc, khô cứng, vô hồn, nhưng đó là lời sống động mang lại sức sống, được gọi là lời tạo thành. Thật vậy,  Lời Thiên Chúa là Lời tạo thành, bởi Chúa phán một lời, thì mọi sự liền có (x. St 1, 3.6; Is 48, 13; Tv 33, 9, Rom 4, 17). “Trong âm vang của Người xảy ra điều Người nói, xuất hiện, điều Người truyền”, Tiên tri Isaia cũng đã cho biết đặc tính tạo thành của Lời Chúa: “Ta tạo ra ánh sáng và dựng nên tối tăm, làm ra bình an và dựng nên tai họa. Ta là Đức Chúa, Ta làm nên tất cả“ (Is 45, 7). Lời liên quan đến việc thiết lập: Với lời tại Sinai Giavê đã thiết lập giao ước với Israel (x. Xh 19, 3; 20, 22). Lời gặp gỡ với con người, biến đổi con người, chế ngự những điều ghê tởm. Do đó, lời Thánh Kinh được công bố không đơn thuần chỉ là chuyển giao một tin tức, nhưng còn tạo nên một hiện thực mới.Trong lời thì “điều được nói, sẽ hiện diện”.

Sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại là yếu tố cần thiết để khẳng định yếu tố tuyệt đối của Thiên Chúa, ngoài Ngài ra không còn một Thiên Chúa nào khác (x. Xh 20, 3). Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người nói lên quyền tối thượng của Ngài đối với thế giới. Thế giới này thuộc về Ngài, Ngài làm chủ trái đất và muôn loài muôn vật. Vì vậy, việc tôn thờ Thiên Chúa, và chỉ tôn thờ một mình Ngài (x. Lc 4, 8) không là một hành vi trống rỗng, vu vơ, trái lại đó là hành vi xứng hợp với lý trí. Bởi lẽ, qua lời chúng ta nhận biết có Thiên Chúa và Ngài đang hiện diện trong thế giới này, và ngoài Ngài không có sự hiện hữu của một Đấng khác giống như Ngài. Thánh Giustinô đã khẳng quyết: “Thưa ông Triphon, chưa bao giờ có Thiên Chúa nào khác và từ muôn đời, cũng không hề có Thiên Chúa nào khác (...) ngoài Đấng đã tạo dựng và xếp đặt vũ trụ. Chúng tôi không nghĩ rằng Thiên Chúa của chúng tôi khác với Thiên Chúa của ông, Đấng đã đưa tổ tiên ông ra khỏi Ai Cập bằng bàn tay hùng mạnh và cánh tay giương cao’. Chúng tôi không hy vọng vào bất cứ Thiên Chúa nào khác, vì không có, nhưng vào cùng một Đấng như Thiên Chúa của ông, Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacop” (T. Giustinô, đối thoại 11, 1)

Thiên Chúa khẳng định sự hiện của Ngài trong nhân loại không nhằm để thể hiện uy quyền của vị Chúa Tể, nhưng vì hạnh phúc của con người. Thánh Kinh đã nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa như là gió mát thổi hiu hiu (St 3, 8), hay thân mật như bạn hữu (St 18, 23 – 33; Xh 33, 11; 1 V 19, 11tt). Việc con người nhận biết và tôn thờ Ngài không vì vinh quang của Thiên Chúa, muôn ngàn đời Ngài luôn là một Thiên Chúa trọn hảo vinh quang, nhưng vì sự sống của con người. Giáo Hội đã tuyên xưng: “Những lời chúng con ca tụng Chúa chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn Cứu độ”.  Thật vậy, vì lầm lẫn và lạm dụng sự tự do, con người chọn lấy mình làm Chúa, và loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người phải chịu án phạt là sự chết. Nhưng Thiên Chúa không nỡ loại trừ công trình tạo dựng, “giống hình ảnh Ngài”, Ngài ra tay cứu độ.

Trong hành trình thực thi lời hứa cứu độ, Thiên Chúa luôn hiện diện với Dân được tuyển chọn, để hướng dẫn Dân luôn đi trong đường lối của Chúa. Ngài hiện diện như cột mây và lửa để dẫn dắt trong sa mạc (x. Xh 13, 21); Ngài hiện diện như vị vua để mang lại thái bình thịnh trị cho Dân: “Hãy nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi là vua hiển trị” (Is 52, 7),“Then cửa nhà người, Chúa làm cho thêm chắc, con cái trong thành Ngài giáng phúc thi ân. Cõi biên cương, Ngài thiết lập hoà bình, và cho người no đầy lúa mì tinh hảo” (Tv 147, 13 -14); Chúa hiện diện như người cha hằng dõi mắt quan tâm, lo lắng bảo vệ cho hạnh phúc của đoàn con: (Is 45, 10 tt; 63, 16; Mal 1, 6); Thánh Kinh còn nói đến sự hiện diện của Chúa như người chồng: Quả thế, “Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt, chính là Đấng tác thành ngươi...” (Is 54, 5 tt). Các hình ảnh nói lên sự hiện của Thiên Chúa nhằm nói lên một điều: Thiên Chúa hằng yêu thương Dân Ngài, và chăm lo cho Dân như người mục tử tốt lành: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì Ngài cho tôi nằm nghỉ, bên dòng suối mát Ngài cho tôi nghỉ ngơi” (Tv 22).

Và đặc biệt, chóp đỉnh của hiện diện Thiên Chúa giữa nhân loại chính là: Từ khởi đầu đã có Lời... và Lời là Thiên Chúa... Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1, 1 – 14). Lời đó chính là Chúa Giêsu Kitô. Gọi là chóp đỉnh của sự hiện diện Thiên Chúa bởi vì “Đấng không ai thấy bao giờ” (Ga 1, 18), nay đã được Chúa Giêsu Kitô không những thể hiện vẻ rực rỡ vinh quang, là hình ảnh của bản tính Thiên Chúa, mà còn chỉ cho chúng ta thấy và cảm nhận được Thiên Chúa, vì “ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14, 9). Quả thật, “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo” (Cl 1, 15). “Người là dấu ấn”, là “Anpha và Ômêga” (Kh 1, 8) của cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và các thụ tạo của Người từng được phân bổ qua thời gian và được chứng nghiệm trong Thánh Kinh. Chính dưới ánh sáng của dấu ấn sau cùng này, lời lẽ của Môsê và của các tiên tri có được “ý nghĩa đầy đủ”. Chính Chúa Giêsu xác nhận điều ấy trong buổi chiều mùa xuân xưa, khi Người thực hiện cuộc hành trình từ Giêrusalem tới thị trấn Emmaus, vừa đi vừa chuyện trò với Cleopas và người bạn của ông, giải thích “cho họ các đoạn Sách Thánh nói về Người” (Lc 24, 27). Tâm điểm của Mạc Khải đã chứng tỏ: Lời Chúa quả đã mang lấy một khuôn mặt. Đó chính là lý do tại sao tính chung cục tối hậu của nhận thức Thánh Kinh “không phải là kết quả của một lựa chọn đạo đức hay một lý tưởng cao cả, nhưng là cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người từng mang lại cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi dứt khoát”. Sự hiện diện của Thiên Chúa qua Lời còn trình bày đến mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Ngài không là một Thiên Chúa xa lạ với con người, một Thiên Chúa đơn độc trên trời cao thẳm. Thánh Kinh đã trình bày sự hiện diện của Thiên Chúa một cách gần gũi với chúng ta. Thiên Chúa kiến tạo cuộc đối thoại với con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 27). Qua cuộc đối thoại này, con người thực sự đối diện với Thiên Chúa, và vì vậy Lời Chúa được công bố thực sự chứa đựng một nội dung sâu xa: con người đang nghe chính lời do miệng Chúa ra. Và con người hiểu được Lời Chúa do bởi lời được nói bằng ngôn ngữ con người. Lời Thiên Chúa được cụ thể hóa trong lời con người, một sự gặp gỡ diệu kỳ. Công đồng Vat. II đã xác quyết: “Vì Lời Chúa, khi được phát biểu bằng ngôn ngữ nhân bản, đã trở nên như lời đàm luận của con người, giống hệt như Lời của Chúa Cha vĩnh cửu, khi mang lấy sự yếu đuối của thân xác nhân bản, đã trở nên như con người mọi đàng” (DV, số 13). Chính trong sự gặp gỡ này con người khám phá ra dung mạo của Thiên Chúa, và phẩm giá của con người. Hai yếu tố này được hội tụ nơi con người Giêsu vừa là Chúa thật vừa là người thật.

 Không có cuộc gặp gỡ này con người sẽ mãi sống trong vô vọng, vì không thể tìm được câu trả lời về sự hiện hữu của mình. Chính trong Thánh Kinh, chúng ta nhận biết được nguồn gốc và lý do của sự hiện hữu chúng ta. Và qua Chúa Giêsu chúng ta nhận biết cách rõ nét về cội nguồn hiện hữu của con người và cứu cánh của sự hiện hữu này: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên thánh thiện tinh tuyền nhờ tình thương của Người… Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Ep 1, 4 – 7). Cũng nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng ta biết cùng đích của cuộc sống chúng ta: “Thiên Chúa đã tự cho mình một ‘hình ảnh’ trong Đức Kitô xuống thế làm người. Trong Người, Đấng bị đóng đinh vào thập giá, sự bác bỏ những hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa đã được đưa đến tột đỉnh. Thiên Chúa giờ đây mạc khải Thiên nhan thật sự của Người trong hình ảnh của kẻ khổ đau đang chia sẻ hoàn cảnh của con người bị Chúa bỏ rơi bằng cách tự sa vào hoàn cảnh ấy. Kẻ vô tội chịu đau khổ này đã mang lại niềm hy vọng xác quyết là có một Thiên Chúa, và Thiên Chúa có thể tạo dựng công lý theo cách thức chúng ta không thể hình dung ra được, nhưng lại có thể bắt đầu hiểu được qua đức tin. Vâng, có sự sống lại của thân xác… Mỗi cá nhân đều có nhu cầu vươn đến sự toàn thành, nhưng nhu cầu này đã không đạt được trong cuộc đời này. Mỗi cá nhân cũng khao khát một tình yêu bất tử. Chắc chắn cả hai nhu cầu này là động lực quan trọng để tin rằng con người được dựng nên cho vĩnh cửu”. Và chỉ có Chúa Giêsu mới làm thỏa mãn khát vọng này khi Người trở lại trong vinh quang.

Như vậy, lời tung hô: Đó là Lời Chúa  như là lời tuyên bố niềm xác tín về sự hiện diện của Chúa trong buổi công bố Lời Chúa và lời vừa được công bố là lời Thiên Chúa gặp gỡ con người trong chính tiếng nói, ngôn từ của con người. Và vì vậy Lời Chúa, “ngọt hơn mật ong nguyên chất” (Tv 19, 11), “Lời Chúa là đèn soi bước chân con, là ánh sáng nẻo đường con đi” (Tv 119, 105), nhưng nó cũng “như lửa, Chúa nói thế, như búa đập tan tảng đá” (Gr 23, 29). Nó như mưa đem nước cho trái đất, nuôi sống nó và làm nó phát triển, và khi làm thế, Người đã làm cho cảnh cằn cỗi của sa mạc thiêng liêng chúng ta trổ sinh (x. Is 55, 10-11). Mà nó còn là “lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”.          

Do đó, đừng để Lời Chúa vang lên trong Thánh lễ quá đơn điệu và mang tính thụ động của việc “đọc một bài đọc”, nhưng phải là một việc công bố sống động với niềm xác tín: Chúa đang hiện diện trong chính lời được công bố. Có xác tín như vậy, người công bố lời mới biết phải công bố làm sao cho xứng đáng. Xứng đáng từ trang phục đến cung cách. Lời được công bố phải được phát ra từ một cảm xúc như đang đụng chạm tới Thiên Chúa, tới sức mạnh Thần linh, vì vậy người công bố lời phải chuẩn bị trước lời sẽ được công bố. Một thái độ ơ hờ, đọc lấy lệ không thể nào trình bày sự hiện diện của Chúa, và như thể không thể chuyển tải đến người nghe sức sống nẩy sinh từ Lời Chúa được công bố. Đối với người nghe, phải giữ một sự im lặng cung kính để Lời Chúa thực sự trở nên mật ngọt thấm dần vào tim não, và “sau khi lắng nghe, ta hãy im lặng lần nữa, để lời ấy tiếp tục ở lại trong ta, sống với ta, và nói với ta. Hãy để nó vang lên lúc khởi đầu ngày sống ngõ hầu Chúa là người nói đầu hết và hãy để nó vang vọng trong ta vào lúc chiều tà để Chúa là người nói sau hết”. Có như vậy, lời tung hô “ đó là Lời Chúa”  thực sự là là lời tuyên xưng đức tin sống động, và cả cộng đoàn cùng cất tiếng đáp trả lại niềm xác tín đó: “Tạ ơn Chúa” hay “Lạy Chúa Giêsu, ngợi khen Chúa”.

Tác giả bài viết: Lm Anton Hà Văn Minh

Nguồn tin: giaolyductin.org

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây