Tuần Thánh là một lời mời gọi chúng ta ở gần bên Chúa Kitô.
Năm Thánh của Giáo Hội nhằm đem đến một sự tác động, mang lại ý nghĩa bổ sung cho mọi thứ mà Giáo Hội Công Giáo thực hiện trong suốt năm đó. Do đó, Năm Thánh Hy Vọng giống như một bộ bầu da mới để đón nhận sự tuôn tràn ân sủng mà Chúa Kitô muốn đổ vào chúng ta trong Tuần Thánh.
Bản chất của niềm hy vọng, theo như Thánh Phaolô ám chỉ với các Kitô hữu đầu tiên ở Êphêsô, là sống với Thiên Chúa trên thế gian này (Ep 2:14). Khi chúng ta nhận ra rằng Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta thực sự vẫn ở cùng chúng ta, thì mọi sự trong cuộc sống đều thay đổi.
Tuần Thánh là một lời mời gọi chúng ta ở gần bên Người, theo chân Người vào Chúa nhật Lễ Lá tiến về Giêrusalem, cùng Người ăn Lễ Vượt Qua mà Người đã tha thiết mong muốn được cùng ăn chúng ta trong Phòng Tiệc Ly, cùng Người canh thức cầu nguyện trong Vườn Ghêtsêmani, cùng đứng bên cạnh Người, như mẹ Người, trên đồi Canvê, rồi gặp Người đã sống lại từ cõi chết khi Người tìm cách đồng hành với chúng ta trong cuộc sống như Người đã làm với các môn đệ trên đường Emmau.
Tuần Thánh là cơ hội đặc biệt để chúng ta xem xét lại mức độ gắn bó của chúng ta với Đấng đã mang lấy nhân tính của chúng ta để ở cùng và ở trong chúng ta.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo định nghĩa hy vọng là “nhân đức đối thần mà nhờ đó chúng ta ước muốn Nước Trời và sự sống vĩnh cửu là hạnh phúc của mình, đặt niềm tin vào lời hứa của Chúa Kitô và không dựa vào sức riêng của mình, mà vào ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần.” (1817) Đây là một định nghĩa phong phú giúp chúng ta nhận ra cách chúng ta phải sống không chỉ trong một tuần lễ linh thánh nhất trong năm mà còn là cả đời mình.
Gọi một điều gì đó là nhân đức đối thần có nghĩa đó là một ơn ban trực tiếp từ Thiên Chúa mà chúng ta được kêu gọi để liên kết với Người.
Một nền tảng luân lý vững chắc như thế trước hết nổi bật ở sự tin tưởng vào lời hứa của Chúa Kitô, như Sách Giáo Lý nói. Khi chúng ta bước vào đỉnh cao trong niên lịch phụng vụ của Giáo Hội, chúng ta đặt cược đời mình vào những gì Người đã nói với các tông đồ nhiều lần: rằng Người sẽ bị phản bội, bị giao nộp cho các nhà lãnh đạo tôn giáo, bị chế giễu, bị đóng đinh, bị giết chết và vào ngày thứ ba được sống lại. Chúng ta tin vào mọi lời ngôn sứ trong Cựu Ước mà Người đã làm cho ứng nghiệm. Chúng ta cũng tin vào mọi điều Chúa Giêsu nói rằng những gì mà mọi môn đệ phải làm để bước vào chiến thắng của Người là: Hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Người.
Nhân đức đối thần về niềm hy vọng cũng nổi bật ở sự phụ thuộc vào Chúa Thánh Thần hơn là sự tự lực. Khi chúng ta cầu nguyện trong thánh vịnh đầu tiên, những ai đặt niềm tin tuyệt đối vào bản thân hoặc vào sức mạnh của con người sẽ bị nguyền rủa. Tuy nhiên, những ai đặt niềm tin vào Thiên Chúa giống như những cây được trồng nơi dòng nước trong lành, cành lá không bao giờ tàn úa và sinh hoa kết trái đều đặn. Chúng ta thấy minh họa về hai loại niềm tin này được thể hiện rõ nơi sự phản bội của Phêrô, Giacôbê và Gioan cùng các tông đồ khác. Tinh thần của họ thì sẵn sàng, nhưng xác thịt thì yếu đuối. Trong Bữa Tiệc Ly, các ông chối rằng mình sẽ không bao giờ phản bội Chúa Giêsu, ngay cả khi Người phải chết. Các ông cậy dựa vào cảm tính mạnh mẽ và lòng trung thành của chính mình - và điều đó đã không thành công. Tuy nhiên, sau Lễ Ngũ Tuần, khi được tràn đầy Chúa Thánh Thần và lòng tin tưởng vào Người, các ông có thể kiên trì trung thành, thậm chí đến mức chịu tử đạo cách khủng khiếp. Cũng chính Chúa Thánh Thần muốn củng cố chúng ta để chúng ta trung thành trong Tuần Thánh này và mãi mãi về sau.
Sách Giáo Lý nhấn mạnh rằng nhân đức hy vọng trước hết là lòng khao khát Nước Trời và sự sống vĩnh cửu. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể tham dự vào Nước ấy và sự sống đó ngay từ khi còn phôi thai trong thế giới này, bởi vì sự sống vĩnh cửu, như Chúa Giêsu đã nói, là nhận biết Thiên Chúa Cha và chính Người (Ga 17:3), và Nước Trời là bất cứ nơi nào Chúa Kitô, Vua Trời ngự trị, kể cả trên ngai vàng của thập giá. Tuần Thánh hướng đến việc củng cố nhận thức và sự hiệp thông của chúng ta trên trần gian và giúp chúng ta phát triển trong ước muốn đạt đến sự viên mãn vĩnh cửu.
Tuần Thánh là thời gian chúng ta tự mình cầu nguyện như người trộm lành trên thập giá và mở lòng mình đón nhận lời mời gọi thiên đàng của Chúa Giêsu. Chúng ta nhận ra, khi hát trong bài Exultet tại Lễ Vọng Phục Sinh, rằng “sự ra đời của chúng ta sẽ chẳng có ích gì nếu chúng ta không được cứu chuộc”, nếu Chúa Kitô không phá vỡ “xiềng xích của sự chết và [sống lại] chiến thắng từ địa ngục.” Tuần Thánh là thời gian chúng ta chứng kiến cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa sự sống và cái chết, giữa thiên đàng và địa ngục. Và đó là dịp để rèn luyện ý hướng khiến chúng ta ước muốn có được sự sống vĩnh cửu và Nước Trời mà Chúa Giêsu đã phải trả cái giá đắt như thế để có được.
Năm Thánh Hy vọng cũng nhằm giúp chúng ta được trang bị tốt hơn để thực hiện lời khuyên của Thánh Phêrô, “Hãy luôn sẵn sàng trả lời bất kỳ ai chất vấn anh em về lý do cho niềm hy vọng của anh em,” (1Pr 3:15) và Tuần Thánh củng cố chúng ta trong lời chứng đó. Chúng ta thấy được tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta lớn lao đến mức nào - Người đã sai chính Con của Người đến để chết vì chúng ta trên đồi Canvê để chúng ta không phải chết nhưng có thể được sống đời đời (Ga 3:16). Sự phục sinh của Người là dấu hiệu của chiến thắng của sự sống trên sự chết, sự thánh thiện trên tội lỗi, ánh sáng trên bóng tối, một loại hoa trái đầu mùa của tất cả những ai sẽ sống lại (1Cr 15:20).
Đó là lý do tại sao kerygma, lời tuyên bố cốt lõi của đức tin Kitô giáo, luôn liên quan đến những gì chúng ta biểu lộ trong Tuần Thánh. Thánh Phaolô đã tóm tắt theo cách này: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh; Người đã được mai táng; Người đã sống lại vào ngày thứ ba theo lời Kinh Thánh; [và] Người đã hiện ra” với Phêrô, Nhóm Mười Hai, năm trăm anh em, Giacôbê và cuối cùng là với chính Phaolô (1Cr 15:3-8). Ý nghĩa của những biến cố cứu độ và các lần hiện ra sau khi Phục sinh đó là cốt lõi của niềm hy vọng, cuộc sống và công cuộc loan báo Tin Mừng của Kitô giáo. Cái chết không có tiếng nói cuối cùng; cuộc sống và tình yêu mới có tiếng nói cuối cùng. Do đó, niềm hy vọng của người Kitô hữu là có cơ sở và hợp lý: Nếu ngay cả việc đóng đinh cũng không thể giữ Chúa Giêsu trong nấm mồ, điều mà các Kitô hữu đầu tiên đã nhận thức được, thì tại sao họ lại phải sợ bất kỳ ai hoặc bất kỳ điều gì?
Biểu tượng truyền thống của niềm hy vọng là mỏ neo. Thư gửi tín hữu Do Thái, là một suy niệm mở rộng về những gì Chúa Kitô đã giành được cho chúng ta với tư cách là Tư Tế và Lễ Phẩm trong Tuần Thánh đầu tiên, thúc giục chúng ta “giữ chặt niềm hy vọng nằm trước mắt chúng ta”, mà nó gọi là “một mỏ neo của tâm hồn, chắc chắn và kiên vững, vươn vào bên trong đằng sau bức màn, nơi Chúa Giêsu đã vào thay mặt chúng ta như người đi trước, trở thành Thượng Tế muôn đời.” (Hr 6:18-20) Tuần Thánh là thời điểm mà toàn thể Giáo Hội, cộng đoàn đông đảo của những người đánh cá trên con thuyền của Thánh Phêrô, thả chiếc neo của chúng ta không phải xuống biển mà là vượt qua các tầng mây, nơi Chúa Giêsu, bằng chiến thắng của mình, đã vào để chuẩn bị một nơi cho chúng ta.
Mỏ neo đó có hình chữ thập. Truyền thống Công Giáo đã hát vào Thứ Sáu Tuần Thánh trong nhiều thế kỷ, “Ave, O Crux, Spes Unica!” “Kính chào Thập giá, niềm hy vọng duy nhất của chúng ta!” Đó là hy vọng duy nhất của chúng ta vì nếu không có những gì Chúa Kitô đã đạt được cho chúng ta trên thập giá, thì sự sống vĩnh cửu sẽ không thể có. Nhưng đó cũng là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta vì nếu chúng ta không nắm lấy dấu hiệu đó, giơ cao thập giá, tuyên bố tình yêu của Thiên Chúa, đánh mất mạng sống mình để đạt được nó, thì chúng ta sẽ không thể trải nghiệm được những gì Chúa Kitô đã đạt được cho chúng ta trên thập giá.
Đó là lý do tại sao chúng ta bước vào những ngày thánh này như “những người hành hương của niềm hy vọng,” chủ đề của Năm Thánh.
Tuần Thánh thực sự là một cuộc hành hương nội tâm trong đó chúng ta cùng Chúa Giêsu lần lại những sự kiện trung tâm của ơn cứu độ dành cho chúng ta, khi Người truyền lệnh cho chúng ta bước theo Người qua Lễ Vượt Qua mới và vĩnh cửu từ cái chết đến sự sống, từ thế giới này đến thế giới bên kia.
Chúng ta hãy đáp lại ân sủng của Chúa Thánh Thần để tin vào lời hứa của Chúa Giêsu và theo sát Người trên con đường thập giá, con đường duy nhất dẫn đến sự viên mãn của niềm hy vọng lớn lao nơi chúng ta.
Tác giả: Msgr. Roger Landry - Nguồn: National Catholic Register (12/4/2025)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn