Giáo xứ Vinh Hương

Đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh (25.12.2024 – Lễ Vọng – Lễ Đêm – Lễ Rạng Đông – Lễ Ban Ngày)

Thứ hai - 23/12/2024 19:51
Đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh (25.12.2024 – Lễ Vọng – Lễ Đêm – Lễ Rạng Đông – Lễ Ban Ngày)

LỄ VỌNG

Phúc Âm: Mt 1, 1-25

“Dòng dõi Chúa Giêsu Kitô, con vua Ðavít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Ðavít, con của Abraham. Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa; Phares sinh (bởi bà Thamar) và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Ðavít.

Ðavít sinh Salomon do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.

Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Salathiel sinh Zorababel; Zorababel sinh Abiud; Abiud sinh Êliakim; Êliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim; Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô.

Vậy, từ Abraham đến Ðavít có tất cả mười bốn đời, từ Ðavít đến cuộc lưu đày ở Babylon có mười bốn đời, và từ cuộc lưu đày ở Babylon cho đến Chúa Kitô có mười bốn đời.

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, bà đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền. Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau, cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

Ðó là lời Chúa.

 THÁNH LỄ ĐÊM

Phúc Âm: Lc 2, 1-14

“Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Ðavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Ðavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.

Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.

Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”.

Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Ðó là lời Chúa.

 Suy niệm 1: TIN MỪNG TRỌNG ĐẠI

Thiên Chúa vẫn cứ làm con người ngỡ ngàng. Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa sai Con Ngài sinh bởi một phụ nữ, làm người Do Thái, sống dưới thời đế quốc Rôma đô hộ (cc. 1-2). Như thế Đấng Tuyệt Đối đã từ trời xuống, chấp nhận thân phận hữu hạn của con người. Ngài không khoác lớp áo người, nhưng là người trọn vẹn. Ngài được cưu mang trong dạ mẹ, được sinh ra như mọi trẻ thơ. Đêm Con Thiên Chúa chào đời là một đêm lạ lùng. Ngài không được chào đời tại mái nhà thân yêu ở Nadarét. Ngài cũng không được chào đời nơi một căn phòng tử tế dành cho lữ khách ở Bêlem. Đơn giản là vì không có chỗ (c. 7). Nhưng tại sao lại không có, thì ta không rõ câu trả lời. Ngài đã phải sinh ra nơi máng cỏ, nơi để đồ ăn cho súc vật. Phải mất bao lâu Giuse mới tìm được chỗ này trong đêm? Hãy hình dung khung cảnh âm thầm của máng cỏ ngày xưa. Có một ngọn đèn nào để chiếu sáng không? Có ngọn lửa nào để xua đi giá lạnh không? Hãy cảm nếm nỗi lo sợ, vất vả, lúng túng của đôi vợ chồng trẻ. Họ đang phải đối diện với những rắc rối lớn lao và bất ngờ. Điều cần nhất là hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa. Khi tiếng khóc đầu tiên của Hài Nhi cất lên giữa đêm khuya, ơn cứu độ đã mỉm cười với nhân loại.

Lạ lùng thay cách thức Con Thiên Chúa làm người! Nhóm người chăn chiên, những kẻ sống bên lề xã hội, chứ không phải là những nhà lãnh đạo tôn giáo hay trần thế, mới là những người đầu tiên được sứ thần loan báo Tin Mừng. Họ sống ngoài đồng, chia phiên nhau thức đêm để canh giữ đoàn vật. Bất ngờ họ bị bao trùm bởi vinh quang rực rỡ của Thiên Chúa (c. 9). “Hôm nay, Đấng Cứu độ, Đấng Kitô, Đức Chúa được sinh ra cho anh em.” Đấng dân tộc anh em chờ mong từ lâu, nay đã đến. Đây là Tin Mừng! Đây là Niềm Vui cho mọi người! Nhưng dấu hiệu để nhận ra vị Tân Vương thuộc nhà Đavít thì vừa bình thường: “một trẻ sơ sinh được quấn tã”, vừa lạ thường: “nằm trong máng cỏ” (c. 12). Đấng Mêsia mới được sinh ra không ngự nơi cung vua. Dấu hiệu sứ thần cho ông Dacaria là bị câm. Dấu hiệu sứ thần cho Maria là bà chị Êlisabét mang thai lúc đã già. Dấu hiệu sứ thần cho các anh chăn chiên là trẻ thơ quấn tã nơi máng cỏ. Các anh chăn chiên cần có đức tin để dám tin vào dấu hiệu ấy. Thiên Chúa vẫn đến với con người bằng những nẻo đường bất ngờ.  

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (c. 14).

Hoàng đế Augustô được ca ngợi là đấng cứu độ. Ông được coi là người đem lại hòa bình,vì ông đã chấm dứt chiến tranh. Hôm nay, Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta bình an thật qua Đức Kitô. Ngài muốn ban cho chúng ta Đấng Cứu Độ thật là Đức Giêsu. Xin cầu cho hòa bình trên mặt đất, bình an trong lòng người. Ước gì chúng ta biết được rằng mình là những người được Chúa thương.

 Cầu nguyện:

Giữa giá rét của mùa đông, xin cho con gặp Chúa.  Giữa những long đong và bấp bênh của phận người, xin cho con gần Chúa.  Giữa cảnh nghèo khó và trơ trụi, xin cho con thấy Chúa đi với con và hiểu con.  Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ, xin cho con cảm được sự bình an của Chúa, ngay giữa những âu lo hằng ngày.  Xin cho con đón lấy cuộc đời con với bao điều không như ý.  Và cuối cùng, xin cho con dám sống như Chúa vì Chúa đã dám sống như con. Amen.

  LỄ RẠNG ĐÔNG

 Phúc Âm: Lc 2, 15-20

“Các mục tử đã gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng: “Chúng ta sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết”. Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay lời đã báo về Hài Nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.

Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

Ðó là lời Chúa.

 LỄ BAN NGÀY

 Phúc Âm: Ga 1, 1-18

“Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng ta”.

Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.

Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.

Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng.

Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.

Và Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.

Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: “Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi”.

Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 Suy niệm 1: NGÔI LỜI ĐÃ THÀNH NGƯỜI

Trong ngày đại lễ mừng Chúa Giáng Sinh, Giáo Hội cho chúng ta nghe Lời mở đầu Tin Mừng theo thánh Gioan. Lời mở đầu này là một bài ca về sự cao trọng vô song của Ngôi Lời. Ngôi Lời là Đấng vĩnh hằng, đã hiện hữu từ nguyên thủy. Ngài là Thiên Chúa, là Con Một luôn hướng về Thiên Chúa Cha (c. 1). Tương quan giữa Thiên Chúa và Ngôi Lời là tương quan giữa Cha với Con. Thiên Chúa Cha đã muốn Ngôi Lời cộng tác trong việc tạo dựng vũ trụ. Nhờ Ngôi Lời mà vạn vật được tạo thành (cc. 3, 10). Chẳng có thụ tạo nào hiện hữu mà lại không được dựng nên bởi Ngôi Lời. Dù khác nhau về màu da, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo… mỗi con người đều mang trong mình Sự Sống của Ngôi Lời. Sự Sống ấy là Ánh Sáng vẫn chiếu soi cả nhân loại (c. 4), và soi chiếu lương tâm từng con người, chẳng trừ ai (c. 9), bất chấp sức mạnh gớm ghê của bóng tối (c. 5).   Rồi khi đến thời viên mãn, vì quá yêu thương con người trầm luân Thiên Chúa đã sai Ngôi Lời, Con Một của Ngài vào trần gian để cứu độ. Ngôi Lời vĩnh cửu đã trở nên người phàm, mang tên Giêsu, mang thân xác giới hạn như chúng ta, sống trong dòng lịch sử, và ở giữa chúng ta trên cùng một trái đất (v. 14). Đấng Tạo thành vạn vật bây giờ trở nên một thụ tạo bé nhỏ, được sinh ra, được bú mớm, từ từ lớn lên và trưởng thành. Đấng Tạo thành vạn vật nay sẽ là Đấng Cứu độ loài người, để ai tin vào Ngài thì Ngài cho họ quyền làm con cái Thiên Chúa (c. 12).

 Khi vâng ý Cha chấp nhận nhập thể và nhập thế, Ngôi Lời đã cúi xuống bắc cầu nối kết Thiên Chúa với con người, để đưa con người vào sống tình thân với Thiên Chúa. Chưa bao giờ và mãi mãi về sau, chẳng bao giờ có một Vị Trung Gian cứu độ nào tuyệt vời đến thế. Vì chỉ mình Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là một con người thật. Mừng lễ Giáng Sinh là mừng đại lễ Thiên Chúa đến cứu con người. Thiên Chúa Cha không muốn cứu độ nhân loại bằng cách chỉ phán một lời. Ngài muốn tặng cho ta món quà cao quý là chính Người Con duy nhất.  Chẳng ai thấy tận mắt hay biết rõ Thiên Chúa bao giờ. Nhưng nơi Đức Giêsu, chúng ta được quen biết và gặp gỡ Thiên Chúa. Vì duy chỉ mình Ngài là Con hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha (c. 18). Lễ Giáng Sinh đem lại niềm vui cho toàn thể thế giới con người. Vì Con Thiên Chúa đã mang phận người vất vả, long đong, nên đời người, dù đổ vỡ khổ đau, cũng có ý nghĩa, và đáng sống. Vì Con Thiên Chúa đã mang khuôn mặt, và thân xác con người, nên bất cứ ai là người, đều mang hình ảnh của Con Thiên Chúa. Vì Con Thiên Chúa đã cư ngụ trên trái đất nhỏ xíu này của chúng ta, đã sống nhờ không khí, nước và thức ăn của trái đất này, nên trái đất này thật là thế giới linh thánh, cần trân trọng.Lễ Giáng Sinh bao giờ cũng mời ta nhìn lại đời mình, nhìn lại khuôn mặt những người chung quanh, nhìn lại trái đất mình sống, với lòng kính trọng, vui sướng, và biết ơn. Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại. Ước gì tôi biết đưa hai tay ra để đón lấy quà tặng cao quý ấy.

 Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, khi làm người, Chúa  đã nhận trái đất này làm quê hương, và đã ban cho chúng con như một quà tặng tuyệt vời. Nếu rừng không còn xanh, suối không còn sạch, và bầu trời vắng tiếng chim. thì đó là  lỗi của chúng con.  Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến làm người để tôn vinh phận người, vậy mà thế  giới vẫn có một tỷ người đói, bao trẻ sơ  sinh bị giết khi chưa mở mắt chào đời, bao kẻ sống không ra người, nhân phẩm bị chà đạp. Đó là lỗi của chúng con.  Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến đem bình an cho người Chúa thương, vậy mà trái đất của chúng con chưa một ngày an bình. Chiến tranh, khủng bố, hận thù ở khắp nơi. Người ta cứ giết nhau bằng thứ vũ khí tối tân hơn mãi. Đó là lỗi của chúng con.  Lạy Chúa Giêsu ở Bêlem, Chúa đã cứu độ thế giới bằng tình yêu khiêm hạ, nhưng bất công, ích kỷ và dối trá vẫn có mặt trên địa cầu. Chúa đến đem ánh sáng, nhưng bóng tối vẫn tràn lan. Chúa đến đem tự do, nhưng con người vẫn bị trói buộc. Đó là lỗi của chúng con.  Vì lỗi của chúng con, chương trình cứu độ của Chúa bị chậm lại, và giấc mơ của Chúa sau hai ngàn năm vẫn chưa thành tựu.  Mỗi lần đến gần máng cỏ Bêlem, xin cho chúng con nghe được lời thì thầm gọi mời của Chúa để yêu trái đất lạnh giá này hơn, và xây dựng nó thành mái ấm cho mọi người. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây