Giáo xứ Vinh Hương

Các bạn trẻ đáp trả ơn gọi sống đời sống tu trì: “Tôi được Chúa cuốn hút”

Thứ sáu - 03/05/2024 20:57
Thầy Thomas, thầy François-Joseph, nữ tu Raphaëlle đã có một chọn lựa ngược với các bạn trẻ cùng thời: đi tu! Ở thời điểm khủng hoảng ơn gọi hoành hành, họ định hướng tiến trình và kể về đức tin của họ.

Trong thế giới kết nối quá mức, nơi tất cả diễn ra như sao băng, nơi mà giải trí và tính di động được xem trọng, việc chọn đời sống tu trì bị cho là đi ngược với mô hình xã hội hiện nay. Nhưng người trẻ vẫn tiếp tục đáp lại ơn gọi. Điều gì đã thúc đẩy họ từ bỏ lối sống hiện đại? Ai còn dám chọn đời sống tu trì, dấn thân phục vụ tha nhân hay vào đan viện? Ba bạn trẻ tập viện tiếp tục tiến trình phân định trong cộng đoàn của họ. Họ cho biết điều gì đã thúc đẩy họ và kể lại hành trình đức tin của mình.
 

Thầy Thomas là tập sinh tại tu viện Biển Đức Solesmes, ở Sarthe. Pháp.
 

Thầy Thomas, 20 tuổi, Tu viện Solesmes

Thomas năm nay 20 tuổi. Tháng 8 năm 2023 anh vào tu viện Solesmes ở Sarthe để thực hiện ước muốn đã có trong đầu anh từ năm anh 7 tuổi. Người trẻ nhất cộng đồng Biển Đức cười nói: “Khi còn nhỏ, tôi đã trả lời một cách tự nhiên khi được hỏi tôi muốn làm gì khi lớn lên: linh mục.”

Xuất thân từ Vannes, Thomas là con út trong gia đình có 5 người con, hai anh lớn được nhận nuôi trước khi anh chào đời một cách bất ngờ. Một số rất giữ đạo, một số xa Giáo hội. Nhưng với người nhỏ nhất, điều này trở thành vững chắc. Thomas học 5 năm ở Học viện Âm nhạc Liesse (Sarthe) và học ở một trường công giáo có thời khóa biểu du di để anh có giờ học nhạc. Chính ở trường nhạc, anh học ca hát và anh vẫn còn tập luyện hàng ngày cùng với các anh em ở Solesmes.

Với giọng vui vẻ và quả quyết, anh kể lại hành trình đức tin của anh. Ở tuổi 18, anh vẫn giữ quyết tâm cống hiến đời mình cho Chúa, anh nhận ra được, đâu là nơi và làm thế nào để đáp lại ơn gọi. Song song với bằng cấp về nhân văn và khoa học chính trị tại Ircom, anh theo chu trình phân định ơn gọi của Thánh Gioan Phaolô II, một ngày cuối tuần mỗi tháng, anh đến các tu viện hoặc các giáo xứ khác nhau. Anh nói: “Lần tĩnh tâm ở Solesmes ngày 14 tháng 2 năm 2022 là khoảnh khắc mật thiết và mãnh liệt với tôi. Tôi biết tôi muốn thành tu sĩ và ở Solesmes.” Thomas cảm thấy mình “bị Chúa chiếm hết cả tâm hồn” và không thể cưỡng lại được. Với anh, ơn gọi là không thể lựa chọn. Tôi được vào Solesmes, khi nhìn lại cuộc đời, tôi nhận ra mọi thứ tôi muốn đều hội tụ tại Solesmes.”

Đam mê âm nhạc, từ đàn organ đến rap, anh xem đó là phương tiện để anh thể hiện tài năng của mình. Anh tâm sự: “Tôi có thể diễn tả qua âm nhạc những chuyện mà tôi không thể nói thành lời. Anh mơ có thể dùng tài năng của mình để phục vụ cộng đồng, không chỉ trong ban nhạc, các buổi lễ mà còn sản xuất video cho tu viện.

Mong muốn vào Dòng Biển Đức của anh làm gia đình ngạc nhiên. Là thành viên của cộng đồng Emmanuel, cha mẹ anh ngạc nhiên khi thấy con mình chọn dòng ‘kín’ và những bài thánh ca Gregorian. Thomas không mong chờ phản ứng của những người ở gần anh, những người không hiểu anh muốn chọn đời sống tu viện. Anh lấy làm tiếc: “Tôi thấy rõ, lựa chọn của tôi đã làm những người tôi yêu thương phải đau khổ. Họ không hiểu, ở tuổi 20, bạn có thể cam kết ở một nơi suốt đời mà không cần kết hôn, luôn ở cùng với những người đó và cầu nguyện năm giờ mỗi ngày. Đúng là điểm đặc biệt trong xã hội chúng ta. Rất ít người trong chúng ta chọn vâng lời.”

Một năm rưỡi sau khi nhận ra ơn gọi của mình, với bằng lái trong tay, anh từ biệt thế giới và vào tu viện Biển Đức làm tập sinh. Trong năm đầu tiên, anh học chuyên sâu la-tinh và thỉnh thoảng làm việc với các anh em ngoài vườn hoặc ở nhà máy sô cô la. Thomas nói: “Mỗi tối, tôi thấy ngày trôi qua quá nhanh. Điều tôi yêu thích là những giây phút được ở bên Chúa, kéo dài suốt cả ngày!”
 

Nữ tu Raphaëlle, 28 tuổi, tu viện Bouzy

Sơ Raphaëlle sẽ khấn trọng năm 2024 nếu ước muốn vào Dòng Đức Mẹ Can-vê của sơ được xác nhận.

Nữ tu Raphaëlle, 28 tuổi, tu viện Bouzy
 

Manon vào tu viện Bouzy (Loiret) tháng 9 năm 2021, bây giờ là nữ tu Raphaëlle, đang học năm thứ hai tập viện và sẽ khấn tạm năm 2024 nếu ước muốn vào dòng Đức Mẹ Canvê của sơ được xác nhận. Vì sao sơ chọn sống ở Loiret? Khi tìm trên Internet, tình cờ sơ đọc một bài báo của France 3 về các nữ tu ở tu viện Bouzy. Cảm động, sr đến ở Bouzy bảy tuần trong khóa “Điểm dừng chân ở tu viện” dành thời gian để nghỉ ngơi và suy ngẫm trong tu viện. Và sơ quyết định ở lại.

Ai có thể nghĩ cô gái trẻ này lại khao khát thành nữ tu dòng Biển Đức? Không ai nghĩ. Trong gia đình chỉ có mẹ giữ đạo, còn cha và người chị không giữ đạo. Raphaëlle làm ở phòng thí nghiệm của một trường trung học 5 năm trước khi đặt câu hỏi. Ngoài 42 giờ một tuần làm việc ở trường, cô tình nguyện làm thư ký ở giáo xứ. Cô rời nhà lúc 7 giờ sáng và 8 giờ 30 tối mới về nhà, cô không có một giây phút nào dành cho bản thân hoặc cho Chúa.

Năm 2019, một số vấn đề cá nhân và nghề nghiệp làm cô kiệt sức. Cô đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống và dành thì giờ cầu nguyện, đi lễ hàng ngày để “có động lực thức dậy mỗi sáng”. Cô ý thức được khó khăn trong việc dung hòa đức tin và cuộc sống nghề nghiệp. Cô muốn sống đức tin một cách mãnh liệt hơn, hiến thân cho Chúa và cho người khác. Đó là lúc cô nghiên cứu ơn gọi, đi thăm nhiều nơi và để mình được tác động.

Tại Bouzy, một tu viện ở giữa rừng cách xa thành phố, cô vào một cộng đồng nhỏ có 12 chị em. Đặc sủng của các nữ tu dòng Biển Đức Đức Mẹ Canvê đã cuốn hút cô. Nữ tu Raphaëlle tâm sự: “Cuộc sống hàng ngày của tôi khác xa với những gì xã hội hiện tại chủ trương, nó có thể làm mình sợ. Tôi đã có lúc nghi ngờ khi tôi bán xe, bán điện thoại. Nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên quá xem trọng quan điểm về sự lựa chọn, miễn là chúng ta đồng ý với chính mình.”

Những thành kiến mới đầu của cô về đời sống tu trì là một trở ngại. Nhưng rào cản đã được phá vỡ khi cô gặp các chị em trong dòng. Cô khám phá được đời sống tu trì và đặc biệt đời sống chiêm niệm: “Tôi cảm thấy một lối sống trong đó tôi hoàn toàn dâng hiến cho Chúa và cho người khác, và tôi cảm thấy trọn vẹn là chính mình.”

Sơ Raphaëlle đã tìm thấy sự cân bằng mà sơ còn thiếu. Từ đây, đời sống hàng ngày của sơ là cầu nguyện, đọc sách, làm việc và dành thì giờ cho bản thân. Cô, người sống một mình, thấy mình bị 12 người khác vây quanh trong phòng ăn hoặc nhà nguyện. Cô đánh giá cao cảm giác được hòa làm một với cộng đồng và hàng ngày được chia sẻ niềm vui nỗi buồn với các chị em.

Ở tuổi 28, cô là người trẻ nhất và có khoảng cách thế hệ với các chị em khác, người trẻ nhất dòng 57 tuổi và người lớn tuổi nhất 87, nhưng đừng làm phiền bà. Sơ đặt tương lai mình trong tay Chúa, đặt trọn lòng tin vào Ngài. Sơ giải thích: “Tôi hỏi Chúa: vì sao là con? Con chỉ có một chút tâm linh, con sinh hoạt ở giáo xứ nhưng không có gì hơn người khác. Đó là bí ẩn của ơn gọi.”
 

Francis Joseph, 23 tuổi, tu sĩ dòng Phanxicô Bêlem

Francis Joseph, tu sĩ dòng Phanxicô ở Bethlehem.
 

Đời sống tông đồ tại Thánh Địa là điều đã chạm đến trái tim của François-Joseph. Tháng 10 năm 2023, khi cuộc xung đột giữa Israel và Palestine bùng nổ, anh vào dòng Phanxicô tại Bêlem. Nhưng đó không phải là chuyện nhất thời của chàng trai trẻ 23 tuổi, vì đã nhiều năm, anh đã tự hỏi về ơn gọi của mình.

Con đường đến Bêlem của anh thật quanh co. Mặc dù anh có đời sống đức tin sống động và sâu sắc thừa hưởng từ gia đình công giáo, nhưng ơn gọi tu trì vẫn chưa rõ ràng. François-Joseph biết được Đất Thánh ở trường học và khi cùng gia đình đến sống ở Giêrusalem. Năm 2019, khi đang là sinh viên khoa sử năm thứ nhất, anh học một khóa khảo cổ học ở Dòng Đa Minh. Anh khám phá đời sống cộng đồng sâu sắc của dòng qua quá trình thực tập phục vụ tài sản văn hóa của các tu sĩ dòng Phanxicô. Với anh, kinh nghiệm này là “điều kỳ diệu của trái tim” làm anh phải tự hỏi: “Tôi có muốn tham dự vào các công việc này không?”

Sứ mệnh của các tu sĩ Phanxicô tại Đất Thánh là cùng với các cộng đồng kitô giáo khác, bảo vệ các thánh địa được Giáo hội giao phó vào thế kỷ 14, tôn trọng hiện trạng của các nơi này. Anh giải thích: “Điều tôi thích là phục vụ các thánh địa, chiều hướng quốc tế và thực tế của các kitô hữu ở đây. Các kitô hữu Ả Rập và những người di cư từ nhiều quốc gia làm cho các giáo xứ trở nên rất đa dạng.” Có một thời gian anh ở Assisi, anh muốn vào Dòng Anh Em Hèn Mọn ở Trung Đông, nhưng đại dịch Covid đã cản trở kế hoạch, buộc anh phải ở lại Pháp. Sau đó, cha mẹ chia tay, anh gặp một cô gái trẻ nên việc đi tu của anh bị phai mờ một thời gian.

Trong một năm nghỉ ở Ai Cập, anh đi tĩnh tâm với các tu sĩ Đa Minh. Sau đó, anh nhận thức anh muốn đi tu và sống ở Trung Đông. Mùa hè năm sau, anh trở lại thăm các tu sĩ Dòng Phanxicô Thánh Địa, ở lại học tập và dành thì giờ để phân định. Anh nhận thấy: “Sự cuốn hút này vẫn còn trong tôi, tôi đã khám phá lại nó.” Anh quyết định, nhưng về Pháp để từ giã thì thật khó khăn. Anh nói: “Tôi nhận ra những gì tôi bỏ lại đằng sau, tất cả những gì tôi từ bỏ. Thời kỳ khó khăn đến sau đó, nhưng những khoảng thời gian này không bao giờ kéo dài. Chúa làm cho tôi cảm thấy như mình có thể tiến về phía trước và chống lại những suy nghĩ về việc phải ở một nơi nào khác.”

Francis Joseph vào ở với 13 anh em ở Bêlem và 5 anh em khác từ Nicaragua, Brazil và Angola. Những người này học tiếng Ý, lịch sử và linh đạo Thánh Phanxicô Assisi trong năm “khám phá” đầu tiên của họ. Sau đó họ vào giai đoạn thỉnh sinh, năm học giáo luật đầu tiên trước khi vào tập viện.

François-Joseph nhấn mạnh: “Chúng tôi thường đi về với rất nhiều lý do, không phải lúc nào cũng là lý do tốt nhất, nhưng luôn tự hỏi vì sao mình ở lại. Tôi có cảm thấy tôi ở nhà tôi trong đời sống tu trì này không? Tôi có thể thức dậy mỗi sáng để cầu nguyện không? Tôi có thích sống chung với các anh em khác không? Tôi có hạnh phúc không?”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây