Giáo xứ Vinh Hương

Tân Sửu

Thứ năm - 11/02/2021 08:15
 

Hòa với tâm tình con dân nước Việt và bà con nhiều dân tộc Á Châu, chúng ta đã tiển đưa về quá khứ năm cũ Canh Tý và đón chào năm mới Tân Sửu. Một năm Canh Tý xem ra không mấy an bình và thịnh vượng nhiều mặt mà loài “chút chít”, loài gặm nhấm cách nào đó đã nói lên cách riêng trong nền văn chương tục ngữ, ca dao và chuyện kể. Một năm mới, năm Tân Sửu đã về. Hình ảnh con vật đại diện của năm thật là tốt đẹp và thân thương rất nhiều mặt.

“Ngày xưa còn bé, ai cũng thuộc lòng bài này trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư:

…Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ. Đầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa …Và  bài: Trâu ơi, ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta, cấy cầy vốn nghiệp nông gia, Ta đây trâu đấy ai mà quản công…

Con trâu khi còn sống không chỉ là con vật vừa gần gủi vừa hữu ích, cách riêng với nghề nông mà khi nó chết đi gần như cả toàn thân con vật thân thương ấy đều hữu dụng cho con người. Không riêng gì thịt, huyết hay lòng mà cả đến bộ lông, da, sừng, móng đều được sử dụng phục vụ nhu cầu của con người trong nhiều lãnh vực như cái trống, chiếc lược hay quân cờ…

Bên cạnh rất nhiều điều tốt lành mà hình ảnh con trâu thường gắn liền với lũy tre làng xanh mướt gợi mở thì chúng ta dường như chỉ thấy một vài điều không tốt nơi nó mà trong đó có một điều chắc hẳn ông bà anh chị em đều có thể đoán ra là khi con vật đó bỗng trở thành “chú trâu điên”.

Chú trâu mà hóa điên thì nguy hiểm thật khó lường. Chúng ta đều hiểu nét biểu hiện chủ yếu và đầu tiên của chú trâu điên là không còn nhận biết chủ của nó và chiếc dây mũi chẳng thể quản được chú ta. Đã là người thì phải biết trên biết dưới. Không một ai tự mình hiện hữu trên cõi trần này. Đã là người có chút lương tri ngay chính thì phải biết có trời cao, đất thấp. Đây chính là niềm tin căn bản dệt nên tâm tình tạ ơn của con người dịp chuyển giao tiết thời cũ mới. Biết bao hình ảnh người người tạ ơn Đấng dựng nên vũ trụ đất trời vẫn có và đang còn đó trước mắt chúng ta, dẫu cho hình thức và cách thế biểu hiện có khác nhau do khác biệt về niềm tin, tôn giáo hay phong tục tập quán.

Bài  đọc thứ nhất trích sách Sáng Thế mà Giáo Hội cho chúng ta nghe trong Thánh Lễ Minh Niên khẳng định chân lý nền tảng này: Chính Thiên Chúa mới là chủ tể mọi vật mọi loài, vì Ngài là Đấng Hóa Công tạo dựng nên mọi sự. Loài vật mà còn cần phải biết chủ huống là loài người chúng ta. Động thái sống không biết trên biết dưới, những tưởng rằng mình tự làm nên mình hay bàn tay ta làm nên tất cả thì sẽ có nguy cơ hóa thành con trâu bất trị, điên cuồng.

Trên nền tảng của sự nhận thức biết trên biết dưới thì người ta sẽ biết trước biết sau tức là chân nhận rằng trước đây tôi chưa có và một thời gian nữa tôi sẽ giả từ trần thế này để trở về với cội nguồn là nơi mà mình được tạo thành, được sinh ra. Bài Tin Mừng thánh Matthêô mạc khải cho nhân loại, cho chúng ta hiểu rằng cội nguồn ấy chính là Thiên Chúa, Đấng quyền năng vô cùng và dạt dào tình yêu với mọi loài, cách riêng loài người chúng ta, loài cao trọng nhất trong các loài hữu hình được tạo dựng nên. Và tâm tình cũng như thái độ sống thật là chính đáng và phải đạo, đạo làm người đó là vừa tin tưởng phó thác vừa hiếu thảo để cống hiến và trao dâng.

Chúa Giêsu đã cụ thể hóa tình yêu và quyền năng của Cha trên trời qua các hình ảnh gần gủi thân thương là hoa cỏ đồng nội, là cánh chim trên trời để mời gọi chúng ta thêm phần tín thác vào sự quan phòng của Đấng là Tình Yêu đầy Quyền Năng. Khi tin tưởng vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa mà chúng ta tuyên xưng là Cha của hết mọi người thì chúng ta phải biết và giữ hai điều này:

1.Không được phép quá băn hăn bó hó về những thiện hảo đời này làm như chỉ có mình chúng ta mới làm được hay chỉ có bàn tay ta mới làm nên tất cả. Và như thế là không biết trên biết dưới, vì lầm tưởng mình là chủ tể mọi sự.

2.Phải biết sống hiếu thảo với Đấng tạo thành chúng ta như lời Chúa Giêsu truyền dạy là tiên vàn phải biết tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người. Danh Chúa được cả sáng, hiển vinh khi nhân loại được sống trong bình an và hạnh phúc. Nước Thiên Chúa sẽ rộng lan khi tình yêu liên đới huynh đệ giữa người với người được dệt xây và bảo vệ. Khi đã biết trên biết dưới, biết trước biết sau thì chúng ta sẽ biết trong biết ngoài, biết gần biết xa trong tình yêu cống hiến và tinh thần trách nhiệm.

Để kết thúc những dòng chia sẻ này, qua hình ảnh con vật thân thương của Xuân mới Tân Sửu, kính chúc nhau và nỗ lực giúp nhau sang năm mới ngày càng “cần mẫn và hiền hòa hơn, biết cống hiến và sống hữu ích hơn…’ trên nền tảng là biết sống có trên có dưới. Một cụm từ ám chỉ về nhóm giới trẻ sống không biết trên biết dưới đó là “trẻ trâu” (young bufalo). Xin đừng để một ai phải mang tiếng làm kiếp “trâu điên”, cách riêng những người đang có ảnh hưởng lớn ngoài xã hội hay trong giáo hội. Chú nhóc điên mà còn nhỏ hay yếu sức thì người ta có thể trói gô lại. Nhưng nếu chú điên mà to lớn và sung sức thì người ta chỉ biết bắn thuốc mê để tìm cách trị liệu, chưa kể có trường hợp là không thể làm gì hơn đành phải cho chú nó ngã gục, lìa đời cách thật đáng tiếc.

Hãy là trâu béo kéo trâu gầy. Xin đừng làm cảnh trâu buộc ghét trâu ăn. Dẫu cho có đó chuyện đàn gảy tai trâu nhưng phận chúng ta phải kiên trì cất cao lời chân lý.

 

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây