Giáo xứ Vinh Hương

Trẻ nhỏ

Thứ ba - 16/08/2022 20:38
Trong Tin Mừng, có một chủ đề mà thỉnh thoảng chúng ta được nghe tới, đó là trở nên như trẻ nhỏ: “Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ, các con không vào được nước trời”. Điều đáng thương là khi lớn lên thành người lớn, chúng ta không còn giữ được tâm hồn của những trẻ nhỏ. Vậy đâu là những điểm đặc trưng của tâm hồn trẻ nhỏ?

Đơn sơ, thật thà. Cha ông thường bảo: “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Thỉnh thoảng, chúng ta ngạc nhiên vì gặp những đứa trẻ khôn trước tuổi, chúng nói năng có tính toán y như người lớn; không phải là chỉ số IQ của những đứa trẻ này cao hơn bình thường, nhưng có lẽ chúng học được từ người lớn, từ môi trường sống: trẻ em thành phố thường mạnh dạn và khôn hơn trẻ cùng tuổi ở thôn quê là vậy. Sự đơn sơ của trẻ em biểu hiện qua việc không lo lắng về cuộc sống, chỉ bận tâm đến hiện tại mà dễ quên những sự kiện của quá khứ và chẳng  nghĩ nhiều về tương lai, bởi đó trẻ em cười nhiều gấp 3 lần người lớn – giận đó rồi quên đó. Trái lại, người lớn học được cách che đậy suy nghĩ và hành động của mình, có khi nói một đàng làm một nẻo, mưu lược tính toán gài bẫy người kia, tính toán trước đường đi nước bước kiểu như chơi cờ. Tâm hồn người lớn sôi sục những đam mê làm giàu, quyền lực, tình dục, vô cảm, bạo lực, giết người, trộm cắp. Chúa dạy ta : "Có thì nói có, không thì nói không" ; "Kẻ tay sạch lòng thanh sẽ được lên núi Chúa".

Tin tưởng. Trẻ em tin tưởng phó thác cuộc đời cho cha mẹ định liệu. Thiên Chúa cũng muốn chúng ta tin tưởng vào Ngài như vậy, nhưng con người không muốn như vậy, con người muốn tự lập và tự lo liệu cho mình, xua đuổi Thiên Chúa như một sản phẩm của trí tưởng tượng: niềm tin vào ông trời khiến con người vong thân, đánh mất chính mình, kìm hãm sự lớn lên và tự do của con người. Ngay trong đời sống thiêng liêng, nhiều khi chúng ta cũng cậy dựa vào nỗ lực bản thân quá nhiều, gồng mình để lớn lên và có sự tiến bộ trên bậc thang nhân đức, mà ít cậy dựa vào ơn Chúa. Có câu chuyện kể về một người tu sĩ trẻ và vị thiền sư: Người tu sĩ trẻ rất nhiệt tình, nỗ lực để có những bước tiến trong đời sống thiêng liêng. Sau một năm tu trì, vị thiền sư truyền lệnh cho người học trò báo cáo cho mình những tiến bộ thiêng liêng của mình, vị này viết: “con cảm nghiệm được sự tiến bộ của tâm hồn vì nhận ra sự hiện diện của Thượng Đế nơi vạn vật và tràn ngập vũ trụ”, vị thiền sư tỏ vẻ không hài lòng, ông ném tờ báo cáo vào một góc nhà; đến năm sau, bản báo cáo của người môn đệ viết: ”con cảm thấy có sự hòa nhập của tâm hồn vào vũ trụ và những nhịp điệu sinh hoạt của thiên nhiên”, người thầy lại cũng tỏ vẻ không bằng lòng; đến năm sau và vài năm sau nữa, người học trò chỉ nộp giấy trắng, người thầy yêu cầu người học trò trình bày sự tiến bộ thiêng liêng, thì nhận được câu trả lời: “Thưa thầy, bây giờ con không quan tâm đến sự tiến bộ nữa, con chỉ biết sống tốt giây phút hiện tại và làm tốt công việc đang làm”. Người thầy trả lời: “Con đã đạt được mức độ chân tu rồi đó”. Chúng ta hãy biết rằng người con được cha mẹ thương yêu cách vô điều kiện chỉ vì nó là con mình, không phải vì nó có công hay giỏi, và chính đứa con hư hỏng xa nhà được cha mẹ lo lắng không nguôi. Đối với Chúa cũng vậy, tình thương Chúa dành cho từng người là một tình yêu nhưng không (gratuit, vô điều kiện), đừng nghĩ rằng mình được yêu vì có công – có tài -  vì mình xứng đáng! Dù tội lỗi thế nào, Chúa vẫn yêu tôi khi tôi trở về trong vòng tay Ngài. Còn một điều nữa phải học nơi trẻ là biết mơ ước, tin vào phép lạ và sự can thiệp của trời cao: người lớn chúng ta dễ nhìn cuộc đời quá trần trụi, quá thực dụng khi nghĩ rằng ‘có làm có hưởng, bàn tay ta làm nên tất cả - có sức người sỏi đá cũng thành cơm’ ; một nhà tu đức đã nói: đôi bàn tay giơ lên cầu nguyện sẽ nhận được những điều mà đôi bàn tay nặn đầu bóp trán không nhận được! Thánh Phaolo nói: bạn có gì mà không phải là đã nhận lãnh?

Yêu mến. Trẻ con yêu cha mẹ rất nhiều, khăng khít gắn bó với cha mẹ. Tâm lý học cho biết những trẻ em thiếu cha và nhất là thiếu mẹ từ nhỏ chịu những tổn thất tâm lý nặng nề, đến nỗi sau này khi lớn lên dù có được bù đắp bao nhiêu cũng không thể lấp đầy những tổn thương đó, trẻ sẽ thiếu niềm tin vào cuộc đời và vào bản thân. Khi lớn lên, nhiều người học được tính so sánh để kém yêu cha mẹ mình, học được tính tham lam để tẩy chay cha mẹ mình vì cư xử thiếu công bằng (theo cách nghĩ chủ quan của con cái), học được tính ích kỷ để ruồng bỏ cha mẹ khi không còn lợi lộc gì để kiếm chác. Nói đến trẻ nhỏ, chúng ta không thể không nghĩ đến một sự kiện trong Giáo hội: rất nhiều vị thánh trẻ, nổi bật là Thánh Tiến sỹ Tê rê xa Hài Đồng. Đặc điểm chung là các vị thánh này không có nhiều đóng góp xây dựng nhưng lại dạt dào lòng mến. Ví dụ như Thánh Tê rê xa, ngài mong ước được làm linh mục để đi truyền giáo, mong được sang nhà kín ở Hà Nội, ước được xuống luyện ngục đền tội để cứu được nhiều linh hồn … chẳng mơ ước nào thành sự cả, nhưng chính lòng mến được thể hiện qua những mơ ước đó và nhất là qua những hy sinh nhỏ hằng ngày đã trở thành một linh đạo mới – dễ dàng và phù hợp cho mọi người có thể noi gương. Một nhà tu đức đã nói: Chúa Ki tô không cứu thế giới bằng hoạt động, nhưng bằng thập giá.

Để vào được Nước Trời, để làm người lớn nhất trong Nước đó,
cần trở nên như trẻ thơ, tay trắng, không tự hào, tự mãn về mình,
không cậy dựa vào đạo đức của bản thân, nhưng vào tình thương của Chúa. Và luôn mơ ước về cõi thiên đàng.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây