Giáo xứ Vinh Hương

Có thể và không có thể

Thứ hai - 21/02/2022 06:56
Có thể và không có thể
Bài Tin Mừng thứ hai tuần 7 TN (Mc 9, 14-29) kể về câu chuyện một người cha có đứa con bị quỷ câm ám. Trong lúc Chúa Giê su và 3 môn đệ còn ở trên núi trong sự kiện biến hình thì người cha đưa con mình đến và các môn đệ không thể trừ quỷ. Khi Chúa Giê su xuất hiện, người cha cầu xin ‘nếu Chúa có thể làm được thì xin cứu giúp’, và câu trả lời của Chúa đáng cho ta ghi nhớ: “Mọi sự đều có thể đối với người tin”. Chỉ trong một đoạn Tin Mừng ngắn thôi mà hai từ ‘có thể’ và ‘không thể’ được lặp đi lặp lại nhiều lần, điều này nói lên một thách đố luôn tồn tại ngay cả trong cuộc sống mỗi người.

Một trong những nhiệm vụ khá khó khăn trong tác vụ linh mục là việc trừ quỷ. Mỗi giáo phận thường có một vài linh mục được chỉ định làm công việc này. Dĩ nhiên vị này phải dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa khi thực hiện công việc khó khăn này, hơn là cậy dựa vào sự thánh thiện của bản thân mình. Đức tin là điều then chốt, kèm theo đó là việc ăn chay cầu nguyện và từ bỏ mình. Điều mà nhiều vị trừ quỷ sợ là ma quỷ biết cả tật xấu của con người, có lúc chúng làm mất mặt vị này khi nói ra những tội lỗi thầm kín của kẻ trừ tà cho đám đông hiện diện biết.

ĐHY Fulton Sheen kể: Một người bị quỷ nhập được mang đến cho một vị ẩn sĩ. Khi vị ẩn sĩ truyền cho quỷ bỏ đi, nó hỏi ngài: “Đâu là sự khác biệt giữa chiên và dê trong ngày Chúa phán xét?” Vị ẩn sĩ trả lời: “Tôi là một trong những con dê”. Quỷ đáp lại: “Vì sự khiêm nhường của ngài, tôi xin rời khỏi người này”. Chúng ta thường tưởng tượng rằng vị linh mục trừ quỷ phải có một đời sống luân lý tốt, chuyên chăm cầu nguyện nhiều giờ, thường xuyên ăn chay hãm mình… Nhưng những việc làm đó là để tăng thêm lòng tin vào quyền năng Chúa hơn là để tự tin vào khả năng mình. Để tránh rơi vào bẫy kiêu ngạo, trong các dòng tu, ngoài những việc hãm mình được nhà dòng và cha linh hướng quy định, người tu sĩ nếu muốn ăn chay đánh tội thêm thì phải xin phép trước khi hành động, chính thái độ khiêm tốn và  vâng phục mới mang lại giá trị cho những hành vi khổ chế.

Trong một youtube, Đức cha Khảm có nói : “Một trong những biểu hiện của người có đức tin là người đó biết cầu nguyện và thường xuyên cầu nguyện. Chúng ta thường cầu nguyện là để xin với Chúa điều này điều nọ, nhưng lại thường quên xin một điều rất quan trọng là xin ơn đức tin, vì đức tin là một ân ban của Thiên Chúa, hơn là một nỗ lực và khả năng của con người”. Tuần vừa qua Thánh Giacôbê có một suy tư rất tuyệt vời về mối liên hệ giữa đức tin và việc làm: “Đức tin không việc làm là đức tin chết. Cả ma quỷ cũng tin là có một Thiên Chúa duy nhất. Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi. Qua hành vi hiến tế con mình, đức tin ông Abraham đã nên hoàn hảo”. Đọc thư của Thánh Giacôbê, chúng ta liên tưởng đến điểm thần học chính của anh em Tin Lành là ‘duy đức tin và duy Kinh Thánh’, họ cho rằng thánh Giacôbê nói nhảm !

Ông Pascal nói đến mối liên hệ giữa đức tin và đời sống luân lý: Bạn nói rằng khi một người có đức tin mạnh mẽ thì họ sẽ có đời sống luân lý tốt. Điều đó đúng, nhưng mới chỉ đúng 50%. Bạn nên nói thêm: mỗi ngày mỗi người hãy cố gắng trở nên tốt hơn trong đời sống luân lý thì đức tin của họ cũng được lớn thêm. Thánh Augustino có một đời sống luân lý không tốt, có mối liên hệ tình dục bất chính từ rất sớm, giao du với bạn bè xấu và ganh đua nhau xem ai sa đọa hơn; dù ý thức về sự tội, nhưng lại không muốn dứt bỏ nên đã có một lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn khiết tịnh, nhưng không phải bây giờ”.

 Thế đó, nhiều khi đức tin của ta chưa lớn mạnh là vì ta không thường xuyên cầu xin và ta chưa can đảm dứt bỏ một nết xấu nào đó. Có một vị ẩn sĩ ăn chay cầu nguyện nhiều năm trời, nhưng ông cảm thấy mình chưa kết hiệp trọn vẹn với Thượng Đế vì còn một cản trở nào đó. Ông suy nghĩ nhiều ngày và cuối cùng nhận ra rằng còn một cái tách trà quý của gia đình để lại, ông cầm lấy và ném vỡ nó; quả nhiên, lòng ông trở nên thanh thản lạ thường. Một nhà tu đức nói: một con chim, dù bị cột bởi một sợi chỉ hay một giây xích vàng thì cũng không thể bay lên được. Phải tìm xem quả tim mình bị trói buộc bởi cái gì? Một trong những cách để tìm đó là hãy xem mình hay nghĩ về điều gì nhất trong ngày, ở giây phút đầu tiên và cuối cùng của một ngày… Chúng ta vẫn nghe những câu chuyện kể về những người trẻ nghiện ma túy hoặc rượu chè lâu năm, ra tù vào khám biết bao lần mà vẫn không chừa được, ấy thế mà khi họ cậy dựa vào lòng thương xót và quyền năng của Đấng Phục Sinh thì họ đã được giải thoát. Thánh Phaolô nói: "Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi".

Câu chuyện trừ quỷ câm nói đến mối liên hệ giữa đức tin và việc cầu nguyện. Chúng ta hãy thường xuyên xin Chúa ban thêm đức tin cho mình, nhất là trong cơn gian nan thử thách. Đừng ai nghĩ rằng mình có đức tin mạnh. Thước đo của đức tin chính là đời sống cầu nguyện, kết hiệp với Chúa và xin vâng ý Chúa trong mọi sự.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây