Giáo xứ Vinh Hương

Bảo vệ ngôi nhà chung từ ngôi nhà Giáo xứ

Thứ tư - 13/12/2023 06:10
Bảo vệ ngôi nhà chung từ ngôi nhà Giáo xứ

BẢO VỆ NGÔI NHÀ CHUNG TỪ NGÔI NHÀ GIÁO XỨ

WHĐ (13.12.2023) – Chưa bao giờ vấn đề môi sinh (ecological environment) được quan tâm nhiều như hiện nay. Đây vừa là tín hiệu đáng buồn, nhưng là dấu chỉ của hy vọng. Buồn vì bất kỳ ai trong chúng ta đều cảm thấy môi trường sinh thái đang bị ô nhiễm. Môi trường sống đang đe dọa sức khỏe người dân. Hệ sinh thái cũng đang bị bào mòn. Hệ quả thì ai cũng thấy, nhưng không biết bao giờ môi trường sống trở lại như ngày xưa? Còn tín hiệu vui vì chúng ta đã ý thức được vấn đề. Ở mức vĩ mô, thế giới và chính phủ mỗi nước cũng đang thực hiện những bước cần thiết để bảo vệ ngôi nhà chung. Cũng như nhiều cuộc họp trước, tháng 12 năm 2023 đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về Khí hậu (COP 28). Trong dịp này (02-12-2023), Đức Giáo Hoàng đã có bài diễn văn[1] để cùng góp tiếng nói cho tiến trình chăm sóc ngôi nhà chung. Ở mức vi mô, trong bài này tôi muốn chia sẻ ước mơ của Giáo hội, của Giáo hoàng dành cho các giáo xứ, các gia đình Công giáo.

1. Môi trường sống là của Thiên Chúa

Thử tưởng tượng ai đó xúc phạm đến Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta không đồng ý. Tưởng tượng ai đó không tôn trọng món quà bạn trao, hẳn nhiên người ấy cũng không tôn trọng bạn. Cũng vậy, thiên nhiên và thụ tạo là món quà của Thiên Chúa dành cho mọi người. “Trần gian không phải là sản phẩm của bất cứ một luật tất yếu, một định mệnh mù quáng hoặc một sự ngẫu nhiên nào. Chúng ta tin trần gian xuất phát từ ý muốn tự do của Thiên Chúa, Đấng đã muốn cho các thụ tạo được tham dự vào hữu thể, sự khôn ngoan và sự tốt lành của Người”[2]. Dòng sông, cánh rừng hoặc môi trường sống không phải của riêng ai. Về mặt thần học, Thiên Chúa trao cho con người quản lý, và môi trường thiên nhiên có nhiệm vụ phục vụ con người (x. St 1,15 và 26.28). Chúng ta không thể tồn tại mà không có không khí, không có ánh sáng mặt trời. Chúng ta càng gặp nguy hiểm nếu nhân loại gặp khủng hoảng về thiên nhiên. Nếu không tôn trọng ngôi nhà chung, chúng ta cũng gặp hiểm họa. Vì lý do này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập ngay đầu bài diễn văn: “Biến đổi khí hậu là một vấn đề xã hội toàn cầu có liên hệ mật thiết đến phẩm giá sự sống con người.” (Tông huấn Laudate Deum, 3).  

Tôi lấy một ví dụ đơn sơ này: Tôi vứt rác ra ngoài đường. Ai cũng xả rác, tự nhiên tôi cảm thấy mình không có lỗi. Tuy nhiên, nếu tôi ở Đức hoặc Singapore, người ta sẽ khinh thường nếu tôi xả rác. Lý do là tôi không tôn trọng luật bảo vệ môi trường. Sâu xa hơn, tôi không tôn trọng phẩm giá của người khác, của xã hội. Vì quan niệm này mà nhiều người hết sức để ý đến hành vi xả rác của mình. Người càng văn minh, càng ít xả rác thải! Hơn nữa, “chăm sóc cho thế giới nơi chúng ta đang sống đồng nghĩa với chăm sóc chính mình.” (Thông điệp Fratelli Tutti, số 17). Hoặc nói như Đức Giáo Hoàng: “Chúng ta hãy chọn sự sống! Chúng ta hãy chọn tương lai!”

Tưởng tượng một em nhỏ được cha mẹ dạy cho cách thức bảo vệ môi trường. Văn hóa này đi vào tâm thức và hành động của trẻ. Lớn lên, em trở thành một giám đốc công ty, hoặc một nhà lãnh đạo xã hội. Ý thức bảo vệ môi trường của em sẽ tuôn chảy đến các chính sách vĩ mô và vi mô. Vậy là nhiều người được hưởng nhờ. Một hành động nhỏ của chúng ta lúc này sẽ là hoa trái lớn lao của tương lai sau này. Do đó, Giáo hội vẫn không mệt mỏi khuyến khích và đưa ra những chỉ dẫn để con cái mình bảo vệ ngôi nhà chung. Vì đây là mệnh lệnh của Thiên Chúa. Mệnh lệnh này được Đức Giáo Hoàng Phanxicô diễn tả chi tiết trong Tông Huấn “Laudato Si'”.

Laudato si' là từ tiếng Latinh, có nghĩa: Chúc tụng Thiên Chúa. Đó là tên chính của Tông Huấn được Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố ngày 18 tháng 6 năm 2015. Bên dưới Tông Huấn có phụ tựa: Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Ngoài ra, Laudato si' cũng gợi cho người đọc nhớ đến một vị thánh nổi tiếng thân thiện và luôn chăm sóc thiên nhiên: Thánh Phanxicô Assisi. Chẳng hạn bài ca về Thiên Nhiên nổi tiếng của ngài âm vang: “Chúc tụng Chúa, lạy Thiên Chúa của con, ngang qua người Chị của chúng con, Mẹ Trái Đất, là người nuôi dưỡng và điều hành chúng con, và là người sản sinh ra nhiều hoa trái khác nhau với nhiều loại hoa muôn sắc và cỏ cây” (Laudato si’ số 1).

2. Bắt đầu từ Giáo xứ

Trong bài diễn văn trên, Đức Giáo Hoàng đặt ra câu hỏi này: “Tại sao không bắt đầu ngay từ ngôi nhà chung?” Tôi nghĩ Giáo hội Việt Nam cũng đã và đang bắt đầu trong công việc khẩn thiết này. Mỗi giáo phận cũng có người chuyên trách để hướng dẫn các gia đình trong giáo phận ý thức và thực hành sứ mạng này. Chẳng hạn hè 2023 tôi tham dự đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Chủ đề xuyên suốt cho tuần gặp gỡ này là: “Làm sao để phát triển con người toàn diện?” Trong đó có vấn đề môi sinh. Dưới sự hướng dẫn của Đức Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn, chúng tôi được nghe nhiều chia sẻ thú vị.

Bắt đầu gây ý thức. Đó là lời chia sẻ của linh mục thuộc giáo phận Xuân Lộc về chương trình bảo vệ môi trường tại trung tâm hành hương Đức Mẹ Tà Pao. Lúc đầu cha và nhóm đặt nhiều thùng rác; đồng thời sau mỗi thánh lễ, cha mời gọi mỗi người nhìn xuống phía chân của mình, nếu có rác, xin vui lòng nhặt và bỏ vào thùng rác. Chưa đầy một phút, khu hành hương trở nên xinh đẹp hơn. Ngoài ra, cha triển khai dự án tái tạo rác thải. Dự án lớn hơn là cha trồng nhiều cây xanh ở khắp vùng Tà Pao. Chưa dừng ở đó, cha cũng chia sẻ với những đoàn hành hương về thao thức của giáo hội, của Tà Pao về một môi trường xinh đẹp. Đức Mẹ cũng nhìn thấy chương trình tốt đẹp này của Cha. Kết quả là chưa đầy một năm, cha đã giúp cho Tà Pao thân thiện với môi trường hơn.

Ngoài ra, nhiều tham dự viên cũng góp những ý hay mà tôi xin tóm gọn trong mấy điểm sau:

- Chăm sóc thiên nhiên: Hãy thực hiện các hành động như việc trồng cây, bảo vệ các loài động vật và sinh vật trong tự nhiên, và tham gia vào các dự án tái tạo môi trường.

- Tiết kiệm năng lượng: Sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng trong gia đình, như sử dụng bóng đèn LED, tắt thiết bị điện khi không sử dụng và cải thiện cách sử dụng năng lượng.

- Tận dụng tài nguyên một cách có trách nhiệm: Tận dụng và tái sử dụng các tài nguyên như nước và vật liệu để giảm thiểu lãng phí.

- Hỗ trợ và tham gia vào các hoạt động cộng đồng: Tham gia vào các hoạt động và dự án cộng đồng nhằm bảo vệ môi trường, như việc làm sạch môi trường, giáo dục cộng đồng về vấn đề môi trường.

- Suy nghĩ và mua sắm có trách nhiệm: Hãy suy nghĩ về nguồn gốc và tác động của các sản phẩm trước khi mua hàng. Ưu tiên lựa chọn sản phẩm có xuất xứ và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

- Giáo dục về môi trường: Truyền đạt giáo dục về việc bảo vệ môi trường cho các thế hệ tiếp theo, thông qua việc học tập, thảo luận và hành động thực tế.

Với những hướng dẫn của Giáo hội và của hội thảo trên đây, nếu là cha xứ, tôi sẽ làm:

- Xây dựng ý thức cộng đồng: Cha xứ tổ chức các buổi hội thảo hoặc các chương trình giáo dục để nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường.

- Thực hiện các dự án tái tạo môi trường: Khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia vào các dự án tái tạo môi trường như trồng cây, làm sạch khu vực xung quanh Giáo xứ, hay tái chế rác thải.

- Áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng: Thực hiện việc sử dụng năng lượng tái tạo và giảm lượng tiêu thụ năng lượng không cần thiết trong các hoạt động của Giáo xứ. Ví dụ như chuyển sang sử dụng đèn LED, hệ thống năng lượng mặt trời, hoặc tắt thiết bị điện khi không sử dụng.

- Thực hiện các chính sách môi trường: Cha xứ có thể xem xét việc thiết lập các chính sách nội bộ nhằm giảm thiểu lãng phí, hỗ trợ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và tái sử dụng tài nguyên.

- Tạo ra các hoạt động xã hội và tình nguyện: Khuyến khích thành viên Giáo xứ tham gia các hoạt động xã hội và tình nguyện liên quan đến bảo vệ môi trường. Chẳng hạn như làm sạch khu vực công cộng, tham gia các chiến dịch tái chế, hoặc tham gia vào các dự án bảo tồn thiên nhiên.

- Xây dựng một môi trường thông tin và giáo dục: Phát hành các tài liệu giáo dục, thông tin về việc bảo vệ môi trường và chia sẻ chúng với cộng đồng giáo xứ thông qua các kênh truyền thông và hoạt động giáo dục.

Những gợi ý trên đây không nằm ngoài 4 lĩnh vực mà Giáo hội đang theo đuổi: “Sử dụng năng lượng hiệu quả; nguồn tái tạo; loại bỏ nhiên liệu hóa thạch; và giáo dục lối sống ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.”[3]

Chúng ta thử tưởng tượng các giáo xứ cùng nhau làm điều này. Cha xứ và hội đồng mục vụ quan tâm hơn về môi trường sống của nhà xứ, của các gia đình trong giáo xứ của những vùng lân cận. Khi đó, các sáng kiến sẽ được trình bày, những quyết tâm sẽ được thực hiện và những khó khăn sẽ được giải quyết. Đức Giáo hoàng gọi những điều chúng ta đang làm là: “Hoán cải mang tính sinh thái”. Thực vậy, “không có sự thay đổi lâu dài nếu không có sự thay đổi về văn hóa” (Laudate Deum, 70). Các cha xứ và giáo dân lấy làm vui vì lời này của Đức Giáo Hoàng: “Tôi đảm bảo với quý vị về sự dấn thân và hỗ trợ của Giáo hội Công giáo, đặc biệt góp phần tích cực trong việc giáo dục và nâng cao nhận thức về sự tham gia của tất cả mọi người, cũng như trong việc cổ vũ những lối sống lành mạnh, vì tất cả mọi người đều có trách nhiệm và sự đóng góp của mỗi người là cơ bản[4].

Sẽ là thoái lui nếu cứ mang thành kiến: nhắc nhau thì được gì, quan trọng là làm. Đúng vậy! Nhưng trước khi hành động, người ta cần ý thức và nhắc nhau về một vấn nạn khủng hoảng môi trường đang xảy ra. Từ đó chính người nhắc cũng có thêm động lực để bảo vệ môi trường nơi những điều cụ thể. Hãy tưởng tượng từ thuở thiếu nhi, các em được thầy cô dạy bảo, nhắc nhở và tập cho những việc làm nho nhỏ bảo vệ thiên nhiên. Từ từ các em sẽ có thói quen gìn giữ ngôi nhà chung của chúng ta. Đúng là thà thắp lên một ngọn nến còn hơn ngồi đó nguyền rủa bóng đêm. Bắt đầu từ suy nghĩ, từ bản thân, từ gia đình và từ giáo xứ!

 
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây