Giáo xứ Vinh Hương

ĐHY Parolin lo ngại xung đột sẽ lan rộng ở Trung Đông

Thứ năm - 18/01/2024 20:17
ĐHY Pietro Parolin tại Thượng viện Ý
ĐHY Pietro Parolin tại Thượng viện Ý
Bên lề một sự kiện tại Thượng viện Ý về Đức Hồng Y Achille Silvestrini, bình luận về các cuộc tấn công gần đây ở Biển Đỏ và ở Erbil, Iraq, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin nói rằng nếu không thực hiện các biện pháp ngược lại, xung đột sẽ lan rộng.

 

Quốc vụ khanh Tòa Thánh tỏ ra “rất lo ngại” trước các cuộc tấn công gần đây ở Biển Đỏ của phiến quân Houthi, sự leo thang bạo lực ở Gaza và cả cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran ở Erbil, thuộc khu vực người Kurd ở Iraq. Ngài sợ rằng “nếu các biện pháp ngược lại không được thực hiện” thì xung đột sẽ mở rộng và leo thang.

Đó chính là điều mà Đức Thánh Cha bày tỏ sự đau buồn của ngài trong buổi tiếp kiến chung hôm 17/1/2024. Đức Hồng y Parolin nói: “Một trong những điểm cơ bản là cuộc xung đột này không nên lan rộng”. “Có nguy hiểm là đôi khi tinh thần quá cuồng nhiệt và tình thế lại tế nhị… Chúng ta phải đảm bảo rằng mọi người đều cố gắng kiềm chế phản ứng của mình để không xảy ra một trận hỏa hoạn chung”.

Tòa Thánh nỗ lực giúp Ucraina, ít nhất trong khía cạnh nhân đạo

Nói về số phận của Ucraina, Đức Hồng y Parolin nhắc lại sự tham gia của Tòa Thánh đối với một giải pháp hòa bình. Ngài nói rõ: “Ngay cả khi chúng tôi giới hạn, ít nhất là cho đến nay, ở khía cạnh nhân đạo. Một trong mười điểm của cái gọi là cương lĩnh hòa bình của ông Zelensky liên quan đến vấn đề nhân đạo và đó là nơi Tòa Thánh tập trung nỗ lực của mình”.

Bách hại Kitô hữu

Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng bình luận về báo cáo của tổ chức Open Doors, được trình bày vào sáng ngày 17/1/2024 cho Hạ viện, về cuộc bách hại các Kitô hữu trên khắp thế giới: khoảng 365 triệu người phải chịu bạo lực và bách hại vì niềm tin của họ. Đức Hồng Y nói đó cũng là một mối quan tâm lớn đối với Tòa Thánh. “Các Kitô hữu ở nhiều nơi trên thế giới không có được quyền tự do tôn giáo tối thiểu vốn là quyền của họ và là quyền của tất cả các tôn giáo cần được tôn trọng trong cách diễn tả niềm tin của họ. Mặt khác, Tin Mừng đã thấy trước điều đó… Với điều này, chúng tôi không muốn cổ võ những điều này nhưng nó phần nào là tình trạng của các Kitô hữu trên thế giới gặp phải sự thù địch, chống đối, bách hại. Chính việc làm chứng nhân danh Chúa Giêsu đòi hỏi điều này”.

Vatican News

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây