Giáo xứ Vinh Hương

Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội: Người công giáo trên thế giới muốn nói gì với Rôma

Thứ ba - 25/04/2023 23:06
Hình minh họa
Hình minh họa

Trong những tuần gần đây, trong khuôn khổ Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội, các giám mục và giáo dân từ khắp nơi trên thế giới đã quy tụ từ lục địa này sang lục địa khác, để suy tư về tương lai của Giáo hội. Thành quả suy nghĩ của họ được ghi lại trong bảy báo cáo, cho thấy mong muốn cải cách và sự đa dạng về các kiến nội bộ của họ.


Trong một tuần từ ngày 12 đến ngày 19 tháng 4, tổng thư ký Thượng hội đồng đã tập trung các nhà thần học tại Rôma để xem xét các báo cáo của các nhà thần học từ bảy lục địa gởi về.

Gần 200 trang nói lên sự mong chờ của người công giáo trên toàn thế giới. Mục đích của họ? Tìm hiểu về kết quả của quá trình tham vấn ở Rôma đưa ra trong khuôn khổ Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội. Đối với những chuyên gia này, đó là vấn đề xem xét các bản văn do các giám mục và giáo dân từ khắp nơi trên thế giới chuẩn bị trong những tháng gần đây, trong các hội đồng cấp châu lục hoặc cấp vùng.

Dựa trên nội dung bảy báo cáo này, từ đó Rôma sẽ làm việc trên Tài liệu làm việc, l’Instrumentum laboris, tài liệu này sẽ phục vụ cho việc tổ chức nhiệm vụ của Hội nghị Thượng hội đồng vào tháng 10, và tài liệu này sẽ được xuất bản vào tháng 5. Chủ yếu là mong muốn cải cách Giáo hội được thể hiện qua báo cáo này. Một cuộc cải cách dường như cần thiết để đáp ứng với những xã hội có điểm chung là bị ảnh hưởng bởi một hình thức thế tục hóa, biến đổi khí hậu, và còn bởi bạo lực và chiến tranh.

Chú ý đến các “vấn đề bên lề”

Vì thế mỗi lục địa đã xác định được “những căng thẳng” mà Giáo hội phải đối diện, kể cả trong chính cộng đồng của mình. Trong số bảy điều được người châu Âu xác định, chúng ta thấy có vấn đề phụng vụ, vấn đề khớp nối giữa Giáo hội phẩm trật và Giáo hội đồng nghị, giữa toàn cầu và địa phương. Cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục và đặt vấn đề uy tín về lời Giáo hội cũng được trích dẫn ở Giáo hội Bắc Mỹ. Chủ đề “các vấn đề bên lề” cũng rất phổ biến, nhưng định nghĩa của họ khác nhau tùy theo từng châu lục: người đồng tính ở châu Âu, người đa thê ở châu Phi và Châu Đại Dương, vấn đề phụ nữ và người trẻ thì ở khắp nơi trên thế giới.

Trong số những “căng thẳng” này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến cán cân giữa “lòng thương xót” và “sự thật”. Những người trẻ muốn một Giáo hội gần gũi với mọi người, kể cả những người bên lề, cởi mở với các vấn đề của người ly thân và tái hôn, người LGBTQIA +, đó là các vấn đề được các đại diện Slovenia đưa ra trong báo cáo của châu Âu. Nhưng họ cũng muốn Giáo hội nói rõ không phải mọi thứ đều phải được chấp nhận! Vì thế Giáo hội phải lắng nghe, nhưng cũng phải nói mọi sự thật với một tình thương bao la!”

Thêm chỗ cho phụ nữ

Vai trò của phụ nữ cũng là một trong những câu hỏi trọng tâm của những suy tư này. Ở mọi nơi, trong các báo cáo đều có mong muốn giao cho họ nhiều trách nhiệm hơn và đảm bảo họ có thể tham gia vào quá trình ra quyết định. Khi các phương tiện được đề xuất để trả lời câu hỏi này, chúng lại khác nhau: các tác giả của báo cáo từ Trung Đông yêu cầu “phản ánh nghiêm túc” về chức phó tế nữ, một số thành viên của châu Đại Dương đề nghị chức linh mục cho họ.

Đối diện trước những căng thẳng này, người công giáo trên thế giới xác định “những ưu tiên” của họ, nhưng chúng rất khác nhau tùy từng lục địa. Chẳng hạn ở châu Phi, các tác giả của báo cáo khuyến nghị chống lại “chủ nghĩa thực dân kinh tế”, hay ở Nam Mỹ, khi họ muốn đổi mới “lựa chọn ưu tiên cho người nghèo”. Chủ đề hội nhập văn hóa của phụng vụ thích ứng với những nhạy cảm của từng địa phương, đặc biệt ở châu Phi và châu Đại Dương.

Thông qua các báo cáo này, lần đầu tiên Giáo hội dường như thừa nhận một cách công khai – ít nhất là trên quy mô như vậy – những khác biệt thực sự trong nội bộ. Do đó, những nhận xét này trong báo cáo châu Âu của giáo hội Albania, lo ngại “một cuộc cải tổ Giáo hội không phù hợp sẽ làm giảm đi sứ điệp của Tin Mừng”. Báo cáo ở Praha cho biết: “Chúng tôi tin rằng việc Giáo hội thích nghi với thế giới để không cảm thấy bị áp bức hoặc bị cho là “lỗi thời” là không đúng.”

Ngày thứ năm 20 tháng 4, nữ tu Nathalie Becquart, thư ký dưới quyền của Thượng hội đồng cho biết: “Chúng ta không chỉ ở trong một thế giới đa cực mà còn ở trong một Giáo hội đa cực.” Và bây giờ, chính với sự đa dạng này mà Giáo hội công giáo phải có một thái độ trong khi chờ cuộc họp của Thượng hội đồng Giám mục chung vào tháng 10 năm 2023, tại Rôma.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây