Giáo xứ Vinh Hương

Lòng tham của bạn, bạn kiểm soát nó

Thứ sáu - 20/08/2021 20:48

218211Trong số các rối loạn có nguồn gốc tâm linh được các Giáo phụ chẩn đoán – rất thời sự và các bạn sẽ đồng ý -, có một số vấn đề đặc biệt của ngày nay. Đó là những chuyện có liên quan đến ước muốn, ham muốn và tất cả những gì tác động gay gắt trên chúng ta trong môi trường sống; cho điều tốt nhất và đôi khi cho điều tệ hơn.

Không căng thẳng, các bác sĩ tâm hồn của chúng ta cho chúng ta các hướng dẫn…

Một Giáo phụ nói: “Nếu bạn khiết tịnh, bạn  đừng xét đoán người khác, nếu không bạn cũng vi phạm luật như họ.”

Một người đàn ông ngoài bốn mươi rất năng động đến hỏi tôi, sau lần đầu tiên kiệt sức cách đây ba năm, ông nói, “tôi cảm thấy tôi quay về với cơn nghiện công việc, nó sẽ dẫn tôi đến chân tường.” Một người cha còn rất trẻ đến gặp tôi, anh rơm rớm nước mắt: “Tôi không còn thức đêm để chăm con nữa, vì vậy tôi biết tôi sẽ không cự lại cám dỗ quay về máy tính và làm việc đến sáng. Vợ tôi không chịu đựng được nữa, và tôi cũng vậy”.

Kích thích nghiện, căn bệnh của thế kỷ

Lợi dụng các ham muốn của chúng ta, xã hội đương đại kích thích lòng tham và kích động chúng ta đến thành nghiện. Dù đó là thức ăn, tình dục, màn hình, trò chơi, tiêu dùng, các sản phẩm nào đó, mọi thứ đều tốt để làm cho chúng ta thành con nghiện. Nghiện là các hành vi lệ thuộc vào một chất hoặc một hoạt động nào đó tạo ra các hậu quả nghiêm trọng. Chúng có thể là các nguy cơ về sức khỏe, suy yếu quan hệ hôn nhân, ảnh hưởng tài chính, làm xã hội suy thoái và luôn có các rối loạn tâm lý và nhận thức (chẳng hạn khó tập trung, khó diễn tả, khó ghi nhớ) có thể ảnh hưởng đến kết quả học hành hay nghề nghiệp.

Đặc tính nghiện thường là một chuỗi đi từ: tham lam -> khoái lạc -> lệ thuộc -> lặp đi lặp lại -> mất kiểm soát. Từng chút một, “chúng chiếm hết chỗ”.

Có hai loại nghiện. Trước hết là nghiện các chất: thuốc, rượu, thuốc lá, các chất bất hợp pháp (cần sa, ma túy, các sản phẩm tổng hợp mới, v.v.). Sau đó là nghiện các hoạt động, được gọi là nghiện hành vi. Chúng đang bùng nổ và mang nhiều bộ mặt khác nhau: nghiện màn hình, nghiện công việc, nghiện mua sắm, nghiện game, nghiện tình dục không cưỡng lại được. Trong các loại nghiện này, chính qua trải nghiệm đã làm con người trở nên lệ thuộc, chứ trước hết không phải vì một chất, nhưng để đáp ứng với bức rức nội tâm, họ đi tìm niềm vui ở đó.

Ngày nay các loại nghiền kỹ thuật số và việc làm phát triển hàng loạt.

Nghiền mạng, cũng như các chứng nghiện khác, sẽ tạo thất vọng, hiện tượng lo lắng và các xáo trộn về cách đối xử. Thậm chí người ta còn nói thuật ngữ kiệt sức của kỹ thuật số. Bác sĩ tâm thần Samuel Pfeifer đưa ra một số triệu chứng:

– nhu cầu không cưỡng được phải nối mạng,

– khả năng làm việc giảm vì dùng Internet quá độ,

– mất kiểm soát để ngắt kết nối, kết hợp với cảm giác tội lỗi,

– hậu quả tiêu cực trên quan hệ với người thân,

– cố gắng biện minh cho việc dùng mạng,

– không bỏ kết nối được,

– hy sinh một số giá trị đạo đức hoặc luân lý vì Internet

Về chứng nghiện công việc, các triệu chứng này sẽ cảnh báo chúng ta:

– bạn nghĩ làm sao để có nhiều thì giờ hơn để làm việc,

– bạn dành nhiều thì giờ làm việc hơn dự trù,

– bạn làm việc để bớt mặc cảm tội lỗi, lo lắng, bất lực và xuống tinh thần,

– người thân đã nói bạn nên giảm thì giờ làm việc nhưng bạn không nghe,

– bạn cảm thấy không tốt khi không thể làm việc,

– bạn bỏ các giải trí của mình vì công việc,

– công việc của bạn có các tác động tiêu cực trên sức khỏe của bạn.

Vấn đề của các chứng nghiện hành vi là đúp. Đầu tiên, họ tham dự các hoạt động tự nhiên: ăn uống, làm việc, quan hệ tình dục, mua sắm. Sau đó, họ được xã hội khuyến khích: quảng cáo của thế giới công việc, nâng cao hiệu năng. Vì thế, lập luận tiếp thị của một bộ phim truyền hình hoặc một loại nước hoa sẽ có đặc tính gây nghiện của nó.

Theo các Giáo phụ sa mạc, các ham muốn của chúng ta phải có chỗ đứng đúng của nó

Các Giáo phụ có thể giúp chúng ta kiểm soát lòng tham của mình tốt hơn, để ngăn chúng ta rơi vào nghiện ngập. Vì thực chất, nghiện ngập là lòng tham đi sai hướng. Các ngài cho chúng ta nhiều lời khuyên về việc này.

Phải sáng suốt về lòng tham mà đứng trước nó, tôi là người dễ bị tổn thương nhất

Lòng tham hiện tại của chúng ta không phải là mới. Các Giáo phụ đã trải qua điều này, các ngài tả rất nhiều về cuộc đấu tranh nội tâm của họ để chống lại lòng tham:

– từ cái bụng của họ (Giáo phụ Dorothee nói về “sự điên rồ của dạ dày và miệng”),

– từ giới tính của họ (Giáo phụ Gregoire de Nysse ghi nhận, “trong số rất nhiều ham muốn của trái tim, không có gì mạnh cho bằng sức mạnh của tình dục”),

– từ cái nhìn của họ (Giáo phụ Jean Cassien chẩn đoán, “trái tim bệnh hoạn nhìn với con mắt tà dâm”).

Hình thức thay đổi nhưng ham muốn thì vẫn như cũ. Vì vậy, tôi, trước các ham muốn này tôi có mong manh hơn: có cái nhìn tà dâm, ham nhìn hình khiêu dâm trên mạng, ham ăn thành háu ăn, người mê việc, người mê màn hình, người nghiện tiêu pha, người nghiện game, nghiện tập tành để có ngoại hình đẹp… không? Nhưng đừng mặc cảm tội lỗi, các tu sĩ trong sa mạc cũng đã biết các chuyện này!

 Thực hành làm cho “cơ hội bay đi”

Nói cách khác là để giới hạn các rủi ro. Vì thế Giáo phụ Jean Cassien giải thích, “cần phải triệt đi các mục tiêu ham muốn có khả năng khởi xướng hoặc khuyến khích, nếu không nó sẽ làm mình muốn thỏa mãn nhanh chóng. Trên thực tế, điều này có nghĩa là nên hạn chế nguy cơ tiếp xúc với các việc gây nghiện. Chẳng hạn nếu mình nghiện máy tính thì nên thay đổi vị trí máy, để nó trong phòng khách, không để trong phòng ngủ, nếu nghiện công việc thì tự hứa một ngày trong tuần về nhà sớm hơn bình thường.

Nhận ra giai đoạn mà tôi có thể huy động quyết tâm của mình

Các Giáo phụ sa mạc, đặc biệt là Giáo phụ Hésychius de Batos hay Philotee le Sinai’te, đã mô tả quá trình tiến hóa từ tham lam đến nghiện ngập, khi chúng ta không ngăn chặn nó. Nó diễn ra qua năm giai đoạn. Trước hết là gợi ý, trong ý thức xuất hiện một ý nghĩ (hình ảnh, ký ức, nhai đi nhai lại); sau đó là đồng tình, khi mà trí thông minh bắt đầu mê muội, đối thoại với nó, biện minh cho niềm đam mê mới đâm chồi; kế đó là kết dính, qua đó là đồng ý; rồi đến giai đoạn thực hiện, đôi khi phát triển theo hướng thói quen. Và khi chúng ta đến giai đoạn cuối cùng này, chúng ta sẽ mất kiểm soát, nên càng can thiệp sớm vào thì cuộc chiến càng bớt khó khăn hơn.

Đi vào cuộc chiến đầu nội tâm qua “người bảo vệ trái tim”

Một số lượng lớn các câu châm ngôn của các Giáo phụ nói về việc chống các thèm muốn thức ăn, tình dục hoặc quyền lực chứng minh cho chỗ đứng của chúng trong cuộc sống của họ. Cũng giống như chúng ta bây giờ…

Một người anh em bị các suy nghĩ về tình dục dằn vặt, người này đến gặp một Giáo phụ và xin ngài: “Vì lòng bác ái xin cha giúp con vì con bị các suy nghĩ về tình dục lấn át.” Và người anh em xin Giáo phụ cầu nguyện cho anh. Lần thứ nhì, anh lại đến gặp Giáo phụ cũng xin cùng một chuyện, có vẻ như anh nghĩ Giáo phụ quên cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin bày tỏ cho con cách sống của người anh em này và từ đâu có xung năng này; vì con đã cầu xin Chúa và anh vẫn chưa được bình an.” Chúa tiết lộ cho Giáo phụ tình trạng của người anh em này, thấy anh ngồi với các suy nghĩ tình dục bên cạnh anh và nói chuyện với chúng. Và có một thiên thần được gửi đến để lay động anh, thiên thần bực mình với người anh em này vì anh thích vui vẻ trò chuyện với các suy nghĩ. Khi đó Giáo phụ biết nguyên do, đó là từ người anh em; và khi người anh em đến lại, ngài nói: “Chính con là nguyên do vì con đồng ý với các suy nghĩ của con.” Ngài dạy người anh em cách nào để cự lại với các suy nghĩ; và người anh em có được bình an nhờ lời chỉ dạy và lời cầu nguyện của Giáo phụ.

Và đó là cảnh giác nội tâm!

Lặp lại mục đích của hoạt động

Các Giáo phụ sa mạc thích đưa mọi chuyện vào đúng chỗ của nó, đặc biệt là thức ăn và công việc. Thức ăn được thích ứng nghiêm ngặt theo công việc. Công việc có nhiều chức năng: đảm bảo sinh kế để không sống dựa vào người khác, ngăn ngừa bệnh biếng nhác và giúp đỡ người nghèo.

Thật ra các Giáo phụ không chỉ làm việc cho nhu cầu riêng của họ nhưng công việc giúp họ có của cải để giúp người nghèo, người khách lạ, người bị tù. Và các Giáo phụ cho rằng: “Ai làm việc thường chỉ chiến đấu chống với một con quỷ và bị nó hành hạ, nhưng ai không làm việc thì làm nô lệ cho hàng ngàn con quỷ.” Nặng nề hơn, họ còn nói: “Ai không làm việc thì đừng ăn!” 

Họ đặc biệt chú ý để công việc không quá tốn nhiều thì giờ cũng không quá vất vả về mặt tinh thần. Cần tìm kiếm sự cân bằng giữa lười biếng và chủ nghĩa năng suất.

Chế độ ăn uống theo hai mục tiêu: để nuôi sống bản thân theo nhu cầu và để chăm sóc cơ thể. Không hơn không kém. Chúng ta hiểu theo các Giáo phụ, tất cả ở sự chừng mực. Như Giáo phụ Évagre nói:

Người tu sĩ phải luôn sẵn sàng như thể ngày mai mình sẽ chết, và ngược lại, người đó chăm sóc cơ thể như thể họ phải sống nhiều năm nữa.

Các hành động và thái độ này là những cách hữu ích và hiệu quả để học cách không để bản thân bị các ham muốn của chúng ta lấn chiếm. Vậy mà chứng nghiện đã bắt đầu ở một số người trong chúng ta. Trong trường hợp này, chuyện nhờ đến các chuyên gia giúp đỡ là vô cùng cần thiết. Và cần phải thật sự can đảm mới nhận ra mình là con nghiện. Các chỉ dẫn tốt nhất là xem trọng những người xung quanh nói gì về mình. Con đường phải đi là xây dựng lại các thói quen mới; bằng một cuộc sống tái tạo trên cấp độ quan hệ và xã hội, quay trở lại với hoạt động thể chất, tìm lại niềm vui khi đi bộ, vẽ tranh, nghe nhạc, đọc sách. Thông thường, cần phải nhận ra loại nghiện này phản ứng với một sự mất thăng bằng bên trong nào đó, nó tìm loại bù đắp nào, ước muốn sâu đậm nào làm cho nó muốn tạo tiếng vang, tổn thương nào nó muốn nhắm đến. Đây là dịp để nhìn lại đời mình, để thấy các giai đoạn tăng trưởng cũng như các chấn thương của mình.

Dù sao nếu tôi mất tự do liên quan đến một hoạt động thì tôi cũng không mất tự do để có đủ can đảm thoát khỏi nó và để được giúp đỡ.

Những gì tôi giữ lại từ kinh nghiệm của các nhà trị liệu trong sa mạc

Các ham muốn, các khao khát của tôi là một phần con người tôi. Còn hơn thế, đó là sức sống của tôi. Nhưng đôi khi “hệ thống” cuốn nó đi, và tôi trở thành nô lệ của nó. Để bảo vệ bản thân tôi phải can đảm sáng suốt, cảnh giác nội tâm, lắng nghe người thân, các biện pháp phòng ngừa, các bài tập thực hành và thiền sẽ rất hữu ích cho tôi.

Đề nghị

Con người luôn kết nối với bên ngoài sẽ không thanh thản tinh thần và không có bình an nội tâm. Điện thoại thông minh và máy tính luôn mang đến cho chúng ta một luồng các thông báo vô tận, tin nhắn, e-mail, thông tin phù phiếm, ví dụ số lượt thích hoặc phản hồi của một phản hồi, các sự kiện ở địa phương không thể bỏ qua. Đó là chứng mập phì thông tin. Chứng nghiện vô tận các kích thích này do thái độ bài-xã hội (80% người Pháp sử dụng điện thoại thông minh khi ăn với gia đình hay với bạn bè) và các hành vi nguy hiểm cho chính mình cũng như cho người khác (gần 2/3 người Pháp công nhận đã có lúc họ kiểm điện thoại khi lái xe hoặc khi băng qua đường). Hãy cự lại với xung năng kỹ thuật số và đặt màn hình ở đúng chỗ, đúng nơi của nó.

Bài tập cá nhân

Lòng tham nói lên điều gì đó về ước muốn của tôi. Và nếu tôi bỏ ra một ít thì giờ để chất vấn nó? Đằng sau sự nhạy cảm này với màn hình, với công việc, với game, với ăn vặt, mua sắm, tôi đang tìm kiếm điều gì, đâu là bất mãn thực sự của tôi: lạc thú, công nhận, vi phạm, bù trừ, chán nản, xung đột trong đời sống vợ chồng, cô đơn, ganh đua…? Hãy thành thật với chính mình, vì vậy đừng bức bách bản thân. Và tận dụng bài tập này để nhận ra tất cả những chuyện làm mình hài lòng, lúc này, nơi này. Như Giáo phụ Marc nói: “Bạn hãy nhìn các việc tốt lành bạn đã nhận từ khi bạn sinh ra cho đến bây giờ, từ cơ thể, tâm linh, suy gẫm về chúng, xem xét chúng.” Đã đến lúc!

Câu châm ngôn để suy niệm

Một Giáo phụ nói: “Thinh lặng, không lo lắng và âm thầm thiền sẽ làm cho tâm hồn được thanh khiết”.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây