Giáo xứ Vinh Hương

Đức Phanxicô muốn thay đổi thần học như thế nào?

Thứ năm - 02/11/2023 21:06
Ngày thứ tư 1 tháng 11, Đức Phanxicô ban hành một tự sắc nhằm sửa đổi các quy chế của Giáo hoàng Học viện Thần học. Andrew Medichini/AP
Ngày thứ tư 1 tháng 11, Đức Phanxicô ban hành một tự sắc nhằm sửa đổi các quy chế của Giáo hoàng Học viện Thần học. Andrew Medichini/AP

Ngày thứ tư 1 tháng 11, Đức Phanxicô ban hành một tự sắc nhằm sửa đổi các quy chế của Giáo hoàng Học viện Thần học. Trong văn bản này, ngài  triển khai tầm nhìn của ngài về công việc của các thần học gia, trong chiều hướng của Giáo hội công giáo đồng nghị và mở ra với thế giới.
 

Giáo hội mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn cũng đòi hỏi một sự thay đổi trong cách hiểu thần học. Bằng việc muốn sửa đổi, thông qua tự sắc công bố ngày 1 tháng 11, các quy chế của Giáo hoàng Học viện Thần học đưa ra tầm nhìn của ngài về thần học và công việc của các nhà thần học, nhằm phục vụ một Giáo hội ngài muốn đưa vào thế giới.

Ngài nghĩ “trong tương lai, việc cổ võ thần học không thể bị giới hạn vào việc tái đề xuất một cách trừu tượng các công thức và khuôn mẫu của quá khứ,” ngài kêu gọi có một thần học “phổ biến”. Theo ngài, thần học sẽ phải đối diện với những biến đổi văn hóa sâu sắc gắn liền với sự thay đổi mang tính thời đại mà thế giới đang trải qua.

Một thần học lắng nghe thế giới

Trong tài liệu này, Đức Phanxicô phát triển tầm nhìn của ngài về công việc của các nhà thần học, phục vụ Giáo hội và thế giới, đồng thời yêu cầu họ thích nghi “với sứ mạng mà thời đại đặt ra cho thần học”. Đức Phanxicô khẳng định: “Một Giáo hội đồng nghị, truyền giáo và đi ra chỉ có thể tương ứng với một thần học “đi ra”. Các thần học gia giỏi cũng như các mục tử tốt cảm nhận được cảm thức của người dân và đường phố.”

Lời kêu gọi đổi mới thần học này gợi nhớ việc ngài bổ nhiệm hồng y Victor Fernandez đứng đầu bộ Giáo lý Đức tin vào tháng 7 vừa qua. Sau khi thông báo việc bổ nhiệm, ngài công bố lá thư truyền giáo, khuyến khích tân tổng trưởng khám phá những con đường thần học mới, khác với những lời lên án, “những sai lầm học thuyết” như trong quá khứ. Ngài viết: “Thật tốt khi nhiệm vụ của cha thể hiện việc Giáo hội khuyến khích đặc sủng của các thần học gia và nỗ lực nghiên cứu của họ, cho đến khi họ không bằng lòng với một thần học văn phòng, với một logic lạnh lùng và cứng rắn tìm cách thống trị mọi thứ”.

Do đó, trong tự sắc, ngài khẳng định, thần học phải mang một “âm sắc” mục vụ và bắt đầu từ những bối cảnh khác nhau mà con người đang sống để cho phép mình “bị thách thức bởi thực tế” và tiếp cận được với giáo dân nơi họ đang sống. Ngài nhắc lại: “Thần học phục vụ việc truyền giáo của Giáo hội và truyền tải đức tin”.

Trong suốt tự sắc, ngài khuyến khích các nhà thần học không nên giải thích thế giới qua lăng kính thần học nữa, nhưng ngược lại, có thể “đọc Tin Mừng trong những điều kiện sống hàng ngày của con người ngày nay, trong văn hóa và trong môi trường của họ. Trên hết, quy luật là kêu gọi lắng nghe mọi người và giải quyết “với lòng thương xót những vết thương  của nhân loại”.

Cách tiếp cận liên ngành

Tuy nhiên, Đức Phanxicô cảnh báo, sự mở ra với thế giới, “với con người trong hoàn cảnh hiện sinh cụ thể của họ với những vấn đề, những vết thương, những thách thức của họ, không thể bị thu gọn thành một thái độ “chiến thuật” bằng cách thích ứng nội dung với những diễn biến trên thế giới, nhưng phải đẩy thần học đến một thay đổi về nhận thức luận và phương pháp luận. Việc cải tổ cách suy nghĩ về thần học này phải thoát khỏi “tính tự quy dẫn đến sự cô lập và vô nghĩa” để tự đưa mình “vào một mạng lưới các mối quan hệ, trước hết với các ngành khác và “kiến thức khác”, ngài ca ngợi một cách tiếp cận xuyên ngành.

Phương pháp này được diễn giải một cách cụ thể trong tự sắc ngài gởi cho Giáo hoàng Học viện Thần học với yêu cầu “liên tục chú ý đến tính khoa học của việc suy tư”. Ngài cho rằng: “Điều này có thể được thực hiện bằng cách tạo ra một cộng đồng học thuật về đức tin và nghiên cứu chung, dệt nên một mạng lưới các mối quan hệ với các tổ chức đào tạo, giáo dục và văn hóa khác có khả năng thâm nhập, với tính độc đáo và tinh thần sáng tạo, ở những nơi hiện hữu của sự phát triển kiến thức, nghề nghiệp và cộng đồng kitô giáo.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây