Giáo xứ Vinh Hương

Chiến tranh Hamas-Israel: sự cân bằng mong manh của chính sách ngoại giao Vatican trước một thế giới “trong bão tố”

Thứ sáu - 27/10/2023 20:42
Đức Phanxicô chủ sự buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Đền thờ Thánh Phêrô chiều thứ sáu 27 tháng 10. Gần ba tuần sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, ngoại giao Vatican liên tục kêu gọi hòa bình.
Đức Phanxicô chủ sự buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Đền thờ Thánh Phêrô chiều thứ sáu 27 tháng 10. Gần ba tuần sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, ngoại giao Vatican liên tục kêu gọi hòa bình.


Chiều nay khuôn mặt của Đức Phanxicô là khuôn mặt của những ngày đau buồn. Khuôn mặt của những lần ngài gặp các nạn nhân ở bốn phương trời thế giới, những nạn nhân của lạm dụng, của khủng bố và của chiến tranh. Chiều thứ sáu 27 tháng 10, một buổi cầu nguyện cho hòa bình được tổ chức ở Đền thờ Thánh Phêrô chật kín người, với sự có mặt của hàng chục hồng y và giám mục trên toàn thế giới. 20 ngày trước, Hamas đã có một cuộc tấn công bất ngờ chết người ở Israel. Kể từ đó, khu vực này rơi vào tình trạng bạo lực.

Khi các tín hữu đọc xong tràng chuỗi Mân Côi, Đức Phanxicô đã cầu nguyện với Đức Mẹ “trong giờ đen tối này” như ngài đã cầu nguyện với Đức Mẹ vài tháng trước đây để xin hòa bình cho Ukraine. Ngài khấn xin Đức Mẹ: “Xin Mẹ hướng cái nhìn đầy lòng thương xót của Mẹ đến gia đình nhân loại đã đánh mất con đường hòa bình, họ ưa thích Cain hơn Abel, họ đã đánh mất tình huynh đệ, đã không còn tìm thấy bầu khí như ở nhà.”

“Sự điên rồ của chiến tranh”

Không bao giờ nhắc đến một quốc gia nào, Đức Phanxicô lo cho một “thế giới đang gặp nguy hiểm và hỗn loạn, thời điểm bị xâu xé do các cuộc xung đột, bị vũ khí tàn phá”. Ngài cầu nguyện cho con người biết “từ chối sự điên rồ của chiến tranh, chỉ gieo rắc cái chết và hủy diệt tương lai”, ngài khấn xin Đức Mẹ: “Mở cánh cửa sổ ánh sáng trong đêm xung đột, để có những con đường hòa bình cho các nhà lãnh đạo các quốc gia. Xin Mẹ lay chuyển tâm hồn của những người đang bị mắc kẹt trong hận thù, xin Mẹ hoán cải những người châm ngòi và gây xung đột.”

Đây là lời cầu nguyện đầu tiên kể từ ngày 7 tháng 10 xảy ra cuộc tấn công bất ngờ vào Israel của Hamas. Kể từ đó, ngài luôn tận dụng mọi cơ hội để có thể công khai lên tiếng về cuộc xung đột và tăng cường kêu gọi bình tĩnh. Trong sáu lần, trong các buổi tiếp kiến thứ tư hàng tuần hoặc khi kết thúc các giờ Kinh Truyền Tin ngày chú, Đức Phanxicô liên tục kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch.

Không bao giờ nêu tên Hamas, ngài lên án “khủng bố” và “chiến tranh”. Đảm nhận một quan điểm tế nhị, ngài cũng nhiều lần kêu gọi thả ngay lập tức các con tin Israel bị Hamas giam giữ ở Gaza, đồng thời chấm dứt sự phong tỏa của Israel trên phần lãnh thổ này và mở các hành lang nhân đạo cho phép người dân có chỗ trú ẩn. Ngài cũng gọi điện thoại cho linh mục người Argentina Romanelli ở Gaza nhiều lần kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Ngài nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Joe Biden ngày 22 tháng 10, ngày 26 tháng 10, ngài nói chuyện với tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ. Dù ngài tiếp một số tổ chức đấu tranh chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, như Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Hoa Kỳ ngày thứ tư 25 tháng 10, nhưng ngài không tham gia đối thoại với gia đình các con tin Israel bị giam giữ ở Gaza. Theo thông tin của chúng tôi, yêu cầu được tiếp kiến do chính phủ Israel thay mặt người thân của các con tin xin, đã không nhận được câu trả lời nào từ Vatican vào giữa tuần.

“Hoàn toàn lên án” 

Ngày 13 tháng 10, hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin “lên án toàn diện và kiên quyết” với “cuộc tấn công vô nhân đạo” của Hamas, ngài cho đó là “khủng bố”. Vài ngày sau, ngài đến thăm sứ quán Israel và Palestine tại Tòa Thánh. Với Israel, ngài bày tỏ lòng thương cảm sau vụ tấn công, với Palestine, ngài quan tâm đến số phận của người dân ở Dải Gaza.

Ở tất cả các phía, trong riêng tư, cơ quan ngoại giao của giáo hoàng thừa nhận một tình trạng “hơi vô vọng” khi kêu gọi giải pháp cho hai Quốc gia được Tòa thánh bảo vệ trong nhiều thập kỷ. Giữa tháng 9, bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng giám mục Paul R. Gallagher, bộ trưởng Ngoại giao Vatican cũng đã kêu gọi theo hướng này, ngài lấy làm tiếc về sự thất bại của các thỏa thuận ở Oslo, hơn 30 năm sau khi ký kết năm 1993. Ngài kêu gọi thiết lập một “quy chế đặc biệt” cho Giêrusalem được cộng đồng quốc tế bảo đảm. Dù làm mất lòng chính phủ Israel, họ trực tiếp phản đối ý tưởng này.

Tổng giám mục Gallagher mạnh mẽ lên án: “Tòa thánh nhìn Giêrusalem không phải là nơi đối đầu và chia rẽ, mà là nơi gặp gỡ, nơi các tín hữu kitô, tín hữu do thái, tín hữu hồi giáo có thể cùng sống với nhau trong tôn trọng, trong thiện chí với nhau”, ngài lên án những kẻ bài kitô giáo ở Giêrusalem của những người do thái chính thống vào mùa hè vừa qua.

Kể từ đầu cuộc chiến, Vatican đi theo một trong các quan điểm truyền thống của mình, sẵn sàng cho hòa giải. Viễn cảnh ngày nay dường như  xa vời hơn bao giờ hết. Ngày 8 tháng 6 năm 2014, tổng thống Israel Shimon Peres và người đồng cấp Palestine Mahmoud Abbas đã tới Vatican để cầu nguyện cho hòa bình, một chuyện chưa từng có theo lời mời của Đức Phanxicô. Hai nguyên thủ quốc gia đã cùng nhau trồng một cây ô liu trong khu vườn Vatican. Gần mười năm sau, cây vẫn còn sống. Nhưng có vẻ như không ai háo hức muốn gặt hái hoa quả.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: www,phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây