Giáo xứ Vinh Hương

“Lòng có đầy, thì miệng mới nói ra” – Suy niệm ngày 11.09.2021

Thứ sáu - 10/09/2021 06:19
Thứ Bảy, sau Chúa Nhật XXIII Thường Niên
Thứ Bảy, sau Chúa Nhật XXIII Thường Niên

I. LỜI CHÚA: (Lc 6, 43-49)

43 “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt.44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.

46 “Tại sao anh em gọi Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa! , mà anh em không làm điều Thầy dạy?

47 “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai.48 Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc.49 Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV) 

 II. SUY NIỆM

1. Lời của Đức Giêsu là lời khuyên?

Lời của Đức Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Luca, mà chúng ta đã nghe trong những ngày vừa qua (x. Lc 6, 20-42), thường hay được coi là những “lời khuyên” dành cho số ít người, cụ thể là những tu sĩ và linh mục. Vì vậy, đời tu cũng còn được hiểu là sống theo các lời khuyên Tin Mừng, phân biệt với những người sống các giới răn trong ơn gọi hôn nhân gia đình. Vì thế, ơn gọi này bị coi là một “bậc”, thấp ơn “bậc tu trì”!

Hiểu như vậy, đơn giản là vì Lời của Đức Giêsu quá đòi hỏi, quá triệt để, quá khó. Chúng ta hãy nhớ lại những gì Ngài nói trong Bài Giảng Trên Núi về sự giận ghét, về ngoại tình, về việc không chống lại kẻ dữ, và nhất là Ngài dạy phải yêu kẻ thù (x. Mt 5, 17-48).

Tuy nhiên, Đức Giêsu nói những lời này cho tất cả các môn đệ và cùng với các môn đệ cho cả đám đông! Vì thế, lời của Đức Giêsu liên quan cả đến số phận của đám đông. Lời của Đức Giê-su, long trọng kết thúc Bài Giảng mà chúng ta nghe hôm nay, cho thấy rõ điều này

Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.

(c. 49)

Như thế, dù sống trong ơn gọi nào, gia đình, độc thân hay thánh hiến, nếu chúng ta xây dựng trên điều gì khác với những lời vừa được công bố, chính là tự đẩy mình vào tình huống bị “sụp đổ tan tành”, khi thử thách xẩy ra và. Hình ảnh ở đây là nguyên căn nhà chứ không phải cái chòi chỉ có một mình hoặc hai mình. Cái nhà là nơi ở của cả nhà, cả cộng đoàn. Chúng ta thử tưởng tượng, căn nhà chúng ta đang ở, nếu xây trên mặt đất không có nền móng vững chắc, thì cơn gió to như những ngày mưa to gió lớn vừa qua, thì điều gì sẽ xẩy ra? Và Lời Đức Giêsu được công bố nhằm tránh khỏi bị tiêu vong cho cả nhà, cả cộng đoàn, thì không thể gọi là những lời khuyên được; trái lại, đó là những điều kiện không thể không có để hoàn tất Lề Luật của Thiên Chúa[1], để thuộc về Nước Trời, như Người tuyên bố:

Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. (Mt 5, 20)

2. Nghe và thực hành Lời Đức Kitô

Như vậy, chúng ta phải nghe và sống lời Chúa, và không có con đường nào khác. Thực ra, chúng ta vẫn đang nghe và sống Lời của Đức Kitô.

Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: chúng ta cố gắng sống theo Lời Chúa, sống hoàn thiện như Cha trên trời, sống khác với người khác, nhưng chúng ta cố gắng một hồi là đuối sức, vì chúng ta rất giới hạn và yếu đuối, hơn nữa chúng ta còn bị chi phối bởi hoàn cảnh và môi trường sống nữa, bị chi phối bởi sức mạnh của ma quỉ nữa. Như vậy phải chăng là bế tắc: một đàng nghe mà không thực hành thì giống như người xây nhà trên mặt đất không nền móng, đàng khác thực hành Lời Chúa sao mà khó quá?

Nhưng chính khi chúng ta đuối sức, chúng ta giới hạn, chúng ta yếu đuối và phạm tội nữa, chúng ta lại nghiệm được Chúa yêu thương, cảm thông và bao dung chúng ta, như thánh Phao-lô nói: không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện ở nơi Đức Ki-tô. Và đây là điều lạ lùng và kì diệu: chúng ta càng nhận ra Chúa yêu thương và bao dung chúng ta, con tim của chúng ta càng được biến đổi để yêu thương và bao dung người khác, và trước hết là những người thân cận và những người thân yêu của chúng ta. Hơn nữa, Chúa dạy chúng ta yêu kẻ thù, thì chẳng lẽ Chúa không yêu chúng ta?

3. Khởi đi từ “nguồn gốc”

Trong bài Tin Mừng Đức Giê-su nói: “Lòng có đầy, thì miệng mới nói ra”. Xin cho lòng chúng ta đầy Lời Chúa, như Đức Maria Mẹ của chúng ta, vì Người hằng ghi nhớ Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng. Đó chính là cách tốt nhất để Lời Chúa không còn là nguyên tắc áp đặt từ bên ngoài và chúng ta phải ép mình tuân giữ, nhưng Lời Chúa trở lành lương thực, trở thành sự sống và sức sống nơi chúng ta.

Và Lời Chúa mời gọi chúng ta phải khởi đi từ “nguồn gốc”: nguồn gốc là ơn huệ sáng tạo, ơn huệ sự sống Chúa ban cho chúng ta không chỉ lúc khởi nguyên hay lúc khởi đầu sự sống của chúng ta, nhưng còn là ơn huệ sáng tạo và ơn huệ sự sống hôm nay (x. Tv 104), và nguồn gốc còn đặc biệt là tình yêu đến cùng Đức Giê-su dành cho từng người chúng ta, như thánh Phao-lô xác tín: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8, 38-39). Và như Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari:

Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời. (Ga 4, 14)

Và nước uống Đức Giêsu ban, chúng ta vẫn uống hằng ngày, đó là Mình và Máu Đức Kitô, để cho không còn là chúng ta sống nữa, nhưng chính Ngài sống trong chúng ta.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

————-

[1] Tầm mức tất yếu của những lời mà Đức Giêsu công bố trong Mt 5 còn được làm rõ bởi bối cảnh gợi nhớ bối cảnh Sinai và bởi chính những vấn đề được Đức Giêsu đề cập, đó là những vấn đề liên quan đến toàn xã hội, đến Nước Trời, đến chính sứ mạng của Ngài (x. Mt 5, 17).

Nguồn tin: www.daminhtamhiep.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây