Giáo xứ Vinh Hương

"Thế giới bên kia"

Thứ ba - 02/07/2013 23:44

Kitô hữu không phải là người đầu tiên tin có cuộc sống sau khi chết. Trong những nền văn hóa mà người ta chôn cất người chết cùng với vật dụng cho họ dùng để sống, để ăn, để săn bắt hoặc để tự vệ ở “thế giới bên kia”, con người đã cảm nhận được rằng chết không phải là hết mà vẫn còn sinh tồn ở đâu đó. Dâng cúng phẩm vật lên các vị thần để chuộc tội cho người chết, vì họ nghĩ rằng nơi “thế giới bên kia” cũng có công lý, sự đền trả, và những số phận khác nhau.

Với người Hy Lạp, “con thuyền C-haron” để qua sông, ranh giới của sự chết, là hình tượng đánh dấu việc “vượt qua” để đến “Champs Elysées” * (tạm dịch: Thiên Đường), biểu tượng của cuộc sống mới. Đối với các triết gia Hy Lạp, như Platon chẳng hạn, họ không chỉ cảm thấy một “cuộc sống sau khi chết”, mà họ cũng đã thiết kế một “cuộc sống trước cuộc sống”. Trong bối cảnh này, đất đai, đời sống cá nhân sẽ phân rã và cái chết giải thoát linh hồn khỏi sức nặng của thân xác.
 
Ý tưởng về cõi vĩnh hằng không xa lạ gì với con người, đó là một ý tưởng rất tự nhiên.

Cách hình dung cõi đời sau rõ ràng là rất khác nhau và không phát sinh trong cùng một phương thức, từ thời Chúa Giêsu và từ khi có ảnh hưởng tư tưởng Kitô giáo.
 
Trước khi Kitô giáo xuất hiện, người Anh cổ đại tưởng tượng về đời sau như một chuỗi “ba cuộc sống” – cuộc sống đầu tiên ít nhiều là kiểu mẫu cho hai cuộc đời sau – hoặc hơn nữa, cuộc sống thứ hai vô định trên một hòn đảo nào đó mà không ai từ thế giới này có thể đến được.  
 
Người cộng sản duy vật phủ nhận “thế giới bên kia”. Tuy nhiên, họ cũng có thiên đường của họ: một xã hội không giai cấp và vô sản của “ngày mai hát ca”. Với họ, niềm mong ước một thiên đường giả tưởng phải là một thực tại trần gian do các thế hệ tương lai thiết lập. Nhưng càng về tương lai thì “xã hội không giai cấp” và “ngày mai hát ca” càng xa vời, đã khiến nhiều người nản lòng và từ bỏ ý tưởng đó.
 
Những người ủng hộ thuyết luân hồi (tái sinh) đã thay thế ước muốn sống vĩnh cửu bằng một giải thích khác: tái sinh nhiều lần nhưng trong vai trò khác, trong con người khác ngay tại trần gian này. Điều này khác với chuỗi “ba cuộc sống” của người Anh cổ đại, trong đó 3 cuộc đời khác nhau của 1 người duy nhất.
 
Người Hồi giáo tin vào một "thiên đường",  nơi đó sẽ có phần thưởng cho người tốt, nhưng thiên về vật chất theo cách mô tả khó hiểu của họ, dầu sao cũng đều liên quan đến khát vọng sâu xa nhất của chúng ta.
 
Với Kitô hữu, Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài, Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã trở thành con người thật, cho chúng ta biết tình yêu và lời hứa phục sinh của Người. Người đã sống lại vào ngày thứ ba sau khi chết. Người đã sống lại từ ngôi mộ và xuất hiện với các môn đệ, là những người đã thấy và đã làm chứng.
 
Lịch sử không thể trực tiếp chứng minh sự phục sinh của Chúa Kitô;  cho nên việc Chúa phục sinh đặt ra một vấn nạn cho lịch sử và cho mọi người. Nhưng chứng từ của các môn đệ về những cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh là lịch sử, là sự thật; và họ đã làm chứng cho dù phải chết, chết vì niềm tin vào sự thật đó.
 
Niềm tin về người chết sống lại dựa trên sự phục sinh của Chúa Giêsu. Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta đã không thực hiện điều đó cho cuộc nhân sinh trong vũ trụ như là trò tiêu khiển hay một điều ngớ ngẩn. Vì tình yêu, từ khi chưa có chúng ta, Ngài đã cho chúng ta sự sống; và cũng vì tình yêu, Ngài tiếp tục mời gọi chúng ta sống đời đời với Ngài. Điều này được gọi là "thiên đường". Do vậy, “thiên đường” là “cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa và các thánh”.
 
Không tồn tại một thiên đường vật chất mà ở đó chúng ta sống lại trong cuộc sống trần gian, cũng không tồn tại một thiên đường thiêng liêng, nơi mà linh hồn bị tước đoạt vĩnh viễn sự hóa thân (Platon) và luân hồi (Phật giáo). Trong kinh Tin Kính, bản tóm lược đức tin Kitô giáo, người Kitô hữu tin vào "sự sống lại của thân xác", nghĩa là, linh hồn và thân xác lại kết hợp với nhau như Chúa Kitô Phục Sinh.
Từ "Y a-t-il une vie après la mort?" (qe.catholique.org)
 
 
* Trong thần thoại Hy Lạp, Champs Elysées là một phần của Địa Ngục, nơi các vị anh hùng và người tốt cư ngụ sau khi chết (Chú thích của người dịch).

Tác giả bài viết: Huuchanh chuyển ngữ

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây