Giáo xứ Vinh Hương

Phong trào Ngũ tuần tại Á châu phát triển mạnh

Thứ tư - 17/04/2013 08:24
Phong trào Ngũ Tuần đang phát triển mạnh trên thế giới
Phong trào Ngũ Tuần đang phát triển mạnh trên thế giới

Theo phân tích mới đây tại Roma, các Kitô hữu phong trào Ngũ tuần hay đặc sủng đang gia tăng nhanh chóng tại châu Á, đặc biệt ở các cộng đồng dân tộc ít người và di dân tại thành thị. Nhiều người cho rằng sự tăng trưởng nhanh chóng này có thể thúc đẩy Giáo hội Công giáo thay đổi văn hoá vốn dễ nhận ra qua cách thức quản trị từ trên xuống và thiên về giáo quyền.

Cha John Mansford Prior, nhà truyền giáo dòng Ngôi Lời tại Indonesia từ năm 1973, bàn luận sự tăng trưởng phong trào Ngũ tuần tại Á châu trong cuộc hội thảo hôm thứ năm với chủ đề “Phong trào tôn giáo mới” do hội đồng Giám mục Đức tổ chức.

Phong trào Ngũ tuần bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 20, đáp ứng nhu cầu cảm nghiệm cá nhân trực tiếp với Thiên Chúa và canh tân đời sống tâm linh bằng việc chịu phép rửa bởi Chúa Thánh Thần. Phong trào đặt trọng tâm vào “đặc sủng” Thánh Linh, như nói tiếng lạ, ơn chữa lành và ơn nói tiên tri.

Khái niệm Ngũ tuần thường được dùng để chỉ các phong trào mới và những giáo hội độc lập được khai sinh bởi các phong trào đó, trong khi khái niệm đặc sủng thường dùng cho các nhóm sống linh đạo Ngũ tuần trong các giáo hội truyền thống.

Có nhiều nhóm trong Giáo hội Công giáo, như nhóm Canh tân Đặc sủng hay El Shaddai, gồm 2 triệu thành viên chính thức và 7 triệu ủng hội viên tại Philippines.

Phong trào Ngũ tuần phát triển mạnh tại các cộng đồng dân tộc thiểu số và các giai tầng xã hội ít bị ảnh hưởng bởi quyền lực chính trị hay tư tưởng,” cha Prior viết trong báo cáo trình bày tại hội nghị.

Trong cuộc phỏng vấn với ucanews.com, cha Prior khuyến cáo rằng Giáo hội Công giáo cần thay đổi não trạng và văn hoá khi ứng xử với sự tăng trưởng của những phong trào mới này tại châu Á, nếu không sẽ có nguy cơ để mất một lượng lớn tín hữu tại châu lục này.

Tại châu Á, phong trào Ngũ tuần là một hiện tượng đô thị: “Những ai bị bứng khỏi văn hoá và làng xã của họ” thường là “những di dân bấp bênh trong thành phố” tham gia các cộng đoàn Ngũ tuần và đặc sủng bởi họ thấy được “an ủi’ và ‘có chỗ đứng”, trong khi “các giáo xứ Công giáo trong thành phố thường to lớn, vô danh và đầy nghi thức,” cha Prior nói.

Hơn 50% dân số châu Á đang sống tại các thành phố, hiện tượng này rõ ràng sẽ tiếp tục phát triển. Theo cha Prior, trong thực tế có khoảng 40% Kitô hữu châu Á đã tự nhận mình thuộc Ngũ tuần hay đặc sủng.

Phong trào này cũng rất mạnh tại các cộng đồng dân tộc thiểu số, chẳng hạn cộng đồng dân tộc thiểu số người Hoa tại Indonesia. “Phong trào Ngũ tuần đem lại cho cộng đồng dân tộc thiểu số đặc tính và phẩm giá, và làm cho họ an tâm, gần gũi, hỗ trợ lần nhau, giúp đỡ những di dân không nơi ăn chốn ở ổn định”. Những điều đó “có lẽ thiếu vắng ở những cộng đồng tôn giáo họ tham gia trước đây,” cha Prior viết.

Không giống như ở châu Mỹ Latin, và trường hợp ngoại trừ tại Hàn Quốc, chưa có dữ liệu đáng tin cậy ở Trung Quốc, các nhóm Ngũ tuần tại Á châu không nhất thiết nhấn mạnh “tin mừng của sự thịnh vượng”, vốn có mối liên hệ trực tiếp giữa đức tin và sự thành công kinh tế.

Cha Prior lưu ý rằng, khi người ta tham gia những nhóm này, “họ trở nên điềm đạm, không uống rượu, không cờ bạc, đàn ông chung thuỷ với vợ hơn, vì thế họ sống tiết kiệm và như vậy tự động bước lên bậc thang xã hội cao hơn.”

Tại châu Mỹ Latin phong trào Ngũ tuần phát triển đồng thời với lượng lớn người rời khỏi Giáo hội Công giáo – chẳng hạn, số người Công giáo tại Brazil chiếm 90% dân số vào năm 1970 xuống còn 65% vào 2010 – trong khi tại châu Á, “không có nhiều tín hữu Công giáo rời bỏ Giáo hội bởi vì Giáo hội rộng mở đón nhận những nhóm này,” cha Prior nói.

Thật ra, chính sách chính thức của Liên hội đồng Giám mục Á châu tại châu lục “rất tích cực”. Nhưng trong một số trường hợp vẫn còn “căng thẳng” với cộng đồng đa số, có thể là người Hồi giáo, Phật giáo hay Hindu. Bởi vì đôi khi việc truyền đạo năng nổ gây ra các phong trào mới.

Điều này tác động đến các Kitô hữu bởi vì thông thường người ngoài Kitô “không tạo ra sự khác biệt nhiều giữa các nhóm cải đạo với giáo hội chính thống.”

Cha Prior cảnh báo rằng so với các năng lực thiêng liêng mới xuất phát từ sự phát triển phong trào Ngũ tuần, Giáo hội vẫn còn “quá đơn điệu, quá giáo quyền và quá tập quyền”

Tại Hàn Quốc, số người Công giáo chỉ 10% dân số trong khi các giáo hội Tin lành, chủ yếu là Ngũ tuần, chiếm 25% dân số và đang trên đà phát triển. Cha Prior lưu ý, tại Hàn Quốc, “phong trào đặc sủng không phát triển mạnh trong Giáo hội Công giáo bởi vì Giáo hội rất giáo quyền.”

Theo hội truyền giáo Verbite, tính giáo quyền “không phù hợp trong một thế giới mở, hiện đại, không gian mạng. Nó bị tê liệt.”

Mặc khác, nếu chỉ đơn thuần đón nhận các phong trào mới trong Giáo hội không thôi thì chưa đủ.

Nghiên cứu của một Giám mục Đức trình bày tại hội nghị ở Roma cho thấy “tuy phong trào đặc sủng phổ biến rộng khắp ở Phillippines và đi vào các giai tầng xã hội, các tầng lớp này tách biệt với các phong trào khác. Mỗi phong trào tập trung vào những nhóm người cụ thể, vì vậy trong thực tế, họ không liên lạc với nhau.”

Cha Prior lưu ý: “Theo khảo sát, nhiều tín hữu rời bỏ Giáo hội Công giáo để gia nhập các giáo hội Ngũ tuần bởi vì họ nghiệm được mối tương quan cá nhân với Chúa Kitô, điều họ không thấy ở những giáo xứ lớn ở thành phố với các nghi lễ. Thật bi thảm.”

Điều này xẩy ra một phần vì Giáo hội không “truyền chức đủ số lượng mục tử.”

Điều này buộc phải suy nghĩ – giữa nhiều vấn đề khác – về vấn đề về đời sống độc thân bắt buộc. Nhưng sự biến chuyển Kitô giáo tại châu Á đòi hỏi hành động. Nếu không, cha Prior nói, “Tôi nghĩ chúng ta sẽ càng ngày càng nhìn thấy nhiều người rời bỏ (Giáo hội Công giáo) để tìm mối tương quan thiêng liêng với Chúa Kitô trong các cộng đồng nhỏ hơn, ấm cúng hơn giống như các giáo hội Ngũ tuần.”

Tác giả bài viết: Alessandro Speciale, Vatican City, International

Nguồn tin: vietnam.ucanews.com

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây