Giáo xứ Vinh Hương

Kitô hữu cần thiết cho căn tính của Giêrusalem

Thứ ba - 31/05/2022 05:17
Kitô hữu cần thiết cho căn tính của Giêrusalem
Kết thúc chuyến thăm Israel và Palestine, các HĐGM trong nhóm Hỗ trợ Giáo hội tại Đất Thánh, hay còn được gọi là nhóm Điều phối Đất Thánh (HLC) đã ra một thông cáo chung và đã đề cao vị trí chính đáng của cộng đồng Kitô hữu trong căn tính của Giêrusalem.

 

Trong thông cáo chung sau chuyến thăm diễn ra từ ngày 21-26 tháng 5, các giám mục nhấn mạnh rằng “Giêrusalem là một thành phố Do Thái, một thành phố Kitô giáo, và là một thành phố Hồi giáo. Giêrusalem phải duy trì di sản chung và không bao giờ trở thành độc quyền của bất kỳ một tôn giáo nào”.

Các ngài nhấn mạnh rằng “cộng đồng Kitô giáo là thiết yếu đối với căn tính của Giêrusalem, cả hiện tại và tương lai.” Tuy nhiên, “sự hiện diện của cộng đồng này đang bị đe dọa bởi sự chiếm đóng và bất công”.

Các giám mục nói rằng họ đến thành phố “để gặp gỡ và cầu nguyện với các anh chị em của chúng ta, trong khi lưu tâm đến thông điệp của Đức Thượng phụ Pizzaballa rằng quyền và nghĩa vụ của chúng ta với tư cách Kitô hữu là phải duy trì sự cởi mở và phổ quát của thành phố”.

Kitô hữu đối mặt với những thách thức

Tuy nhiên, có nhiều Kitô hữu tại Giêrusalem “đang phải đối mặt với bạo lực và bị đe dọa bởi các nhóm định cư, hạn chế quyền tự do đi lại của họ hoặc tách khỏi gia đình vì địa vị mà họ được chỉ định.”

Trong chuyến thăm, các giám mục đã đến Beit Hanina, ngoại ô Giêrusalem, để gửi lời chia buồn đến gia đình Công giáo của nhà báo người Palestine, cô Shireen Abu Aqleh.

Phóng viên kỳ cựu của Al Jazeera đã bị bắn chết vào ngày 11 tháng 5 khi đang đưa tin về một cuộc đột kích của quân đội Israel ở Bờ Tây bị chiếm đóng.

“Chúng tôi đã cảm nhận nỗi buồn và sự tức giận sâu kín của những Kitô hữu tại địa phương trước việc nhà báo Công giáo người Palestine, Shireen Abu Akleh, bị giết hại và vụ tấn công đáng xấu hổ nhằm vào những người trong đám tang” tuyên bố viết.

Thông cáo chung cũng cho biết các giám mục chia sẻ những lo ngại của cộng đồng Kitô giáo về “những hạn chế đơn phương đối với quyền tự do thờ phượng trong Lễ Phục sinh, do cảnh sát Israel áp đặt”.

Khó khăn và nghèo đói

Các giám mục nêu rõ tình trạng nghèo đói mà các ngài đã chứng kiến ​​trong chuyến thăm, điều này đã gia tăng bởi đại dịch.

Một lĩnh vực đáng quan tâm khác là sự vắng mặt của khách hành hương trong suốt hai năm qua, điều này đã tàn phá sinh kế của nhiều người, bao gồm cả cộng đồng Kitô giáo tại Giêrusalem, khiến một số gia đình gặp khó khăn trong việc trang trải nhà ở, thực phẩm hoặc các nhu yếu phẩm khác.

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức này, các giám mục chỉ ra những dấu hiệu của hy vọng.

“Chúng tôi đã đến thăm các tổ chức Kitô giáo có trách nhiệm đối với hạnh phúc của cộng đồng và xã hội rộng lớn hơn. Họ đang làm việc không mệt mỏi để giảm bớt khó khăn và cải thiện cuộc sống. Chúng tôi đã gặp những người trẻ tuổi, những người hàng ngày phải đối mặt với những vi phạm nhân quyền, những người trẻ này cho biết, họ không muốn trở thành thế hệ Kitô hữu cuối cùng trong thành phố”.

Phát biểu trước Hội đồng Giám mục Công giáo Anh và xứ Wales, Giám mục Declan Lang, Chủ tịch Điều phối Đất Thánh, cho biết, “những dấu hiệu của hy vọng là: cộng đồng Kitô giáo là một cộng đồng rất nhỏ nhưng lại vượt trội về các hoạt động, đặc biệt về bác ái, phúc lợi xã hội và giáo dục. Chúng ta cố gắng nhiều hơn trong trách nhiệm của mình, và đó luôn là dấu hiệu của hy vọng và cộng đồng Kitô giáo đã thực sự dấn thân tại thánh địa này, một nơi dành cho đối thoại và hòa bình.”

Tinh thần đoàn kết

Khi khách hành hương trở lại, Hội đồng Giám mục đang kêu gọi sự hỗ trợ các Kitô hữu ở Giêrusalem và trên khắp Đất Thánh.

“Điều cần thiết là tất cả khách hành hương phải hiểu và gắn bó với thực tế cuộc sống của cộng đồng Kitô hữu ở đây. Một cuộc hành hương Đất Thánh thực sự phải là một cuộc hành trình của đức tin, sự gặp gỡ và tình liên đới.”

Tác giả bài viết: Văn Cương

Nguồn tin: Vaticannews

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây