Giáo xứ Vinh Hương

Chiến tranh ở Ukraine: “Sự chữa lành thế giới giả định cần một lực thiêng liêng đầy cảm hứng”

Thứ năm - 02/06/2022 20:57
Chiến tranh ở Ukraine: “Sự chữa lành thế giới giả định cần một lực thiêng liêng đầy cảm hứng”

Thần học gia vĩ đại người Séc Tomáš Halík suy nghĩ về tương lai kitô giáo ở châu Âu, một tương lai bị đe dọa bởi chủ nghĩa dân tộc, dân túy và chính thống. Với ước mơ to lớn, nó là “nguồn cảm hứng đạo đức cho một nền văn hóa tự do và dân chủ”.

Năm nay, những lời tiên tri của Đức Phanxicô đã trở thành sự thật: chúng ta không chỉ sống trong một thời đại thay đổi, nhưng trong một thời buổi thay đổi thời đại. Từ lâu ngài đã gọi thời đại của chúng ta là “chiến tranh thế giới thứ ba từng phần”. Giờ đây, ngay cả phát ngôn viên của Putin cũng nói Thế chiến thứ ba đã bắt đầu. Đây có lẽ là khẳng định chính xác duy nhất về phía ông.

Một trật tự thế giới mới

Một bản đồ địa chính trị mới của thế giới đang hình thành, một trật tự thế giới mới, một bầu khí đạo đức mới trong các quan hệ quốc tế về chính trị, kinh tế và văn hóa. Chúng ta đang phải đối diện với sự cần thiết phải áp dụng một cách sống mới, hợp lý hơn. Một chương mới của lịch sử đã mở ra.

Kể từ khi bước sang thiên niên kỷ, trật tự dân chủ phương Tây đã phải trải qua một loạt thử nghiệm kiểm tra ngày càng khó khăn về khả năng phục hồi, độ bền và độ tin cậy của nó: vụ tấn công khủng bố 11-9 ở Manhattan, cuộc khủng hoảng tài chính, vụ Brexit, chính quyền dân túy của Donald Trump, đại dịch Covid toàn cầu, và bây giờ là sự xâm lược của Nga và sự tàn phá đáng nghi của hệ thống luật pháp quốc tế được xây dựng từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Sự mù quáng và che giấu của các chính trị gia châu Âu, chỉ được chỉ đạo bằng lợi ích kinh tế, đã góp phần biến nước Nga  thành một quốc gia khủng bố tự loại mình ra khỏi thế giới văn minh với việc chiếm đóng Crimea và nạn diệt chủng hiện nay  ở Ukraine, đang khoác lác và đe dọa Ukraine.

Chúng ta vẫn chưa biết sự cô lập quốc tế, đói nghèo và sỉ nhục sẽ ảnh hưởng như thế nào đến xã hội Nga, một xã hội bị tước quyền tự do thông tin, bị tẩy não bằng tuyên truyền, nhồi vào đó là một hoài niệm về Đế chế Xô Viết. Chúng ta không biết liệu điều này sẽ khuyến khích một phe đối lập dân chủ yếu ớt hay ngược lại, đánh thức một phong trào dân tộc chủ nghĩa và phát xít cuồng tín, như trường hợp của Đức sau Thế chiến thứ nhất.

Điều chắc chắn duy nhất là ngay cả khi cuộc chiến đẫm máu ở Ukraine kết thúc, thế giới sẽ không trở lại bộ mặt như đầu năm 2022.

Tẩy não và tuyên truyền sai lầm

Mặt trận quyết định trong cuộc chiến này là dư luận Nga, bị tước quyền tự do thông tin và bị tẩy não dữ dội với những tuyên truyền sai trái. Đồng minh quan trọng nhất của chế độ Putin và hệ tư tưởng đế quốc-dân tộc chủ nghĩa của ông là tình trạng mù chữ chính trị của đa số người dân Nga, thiếu kinh nghiệm tích cực về dân chủ và trên hết là thiếu một nền dân sự xã hội.

Ở nhiều nước cộng sản trước đây, đó là những thành viên của giới tinh hoa của các chế độ cộng sản bị đánh bại về mặt chính trị, đặc biệt là thành phần có khả năng cao nhất của họ, cảnh sát chính trị, những người nhanh nhất bước vào bậc thang toàn cầu hóa để vươn tới đỉnh cao quyền lực và giàu có; thực tế họ là những người duy nhất được chuẩn bị cho những thay đổi chính trị-kinh tế nhờ vào vốn, liên hệ và thông tin của họ. Vladimir Putin là hình ảnh thu nhỏ của giới tinh hoa cổ đại này.

“Các cuộc cách mạng màu” là tín hiệu đầu tiên về sự thức tỉnh của xã hội dân sự ở Đông Âu; lý do chính làm cho Putin  hung hăng là ông sợ tia lửa thức tỉnh xã hội dân sự sẽ lan rộng ở Nga. Sự kết thúc của thời đại Putin ở Nga sẽ không phải là một cuộc đảo chính có thể xảy ra do các nhà tài phiệt hay các tướng lãnh, mà là sự thức tỉnh của xã hội dân sự, như đã xảy ra ở Ukraine.

Một điểm yếu của phương Tây

Nếu phương Tây không sẵn lòng hoặc không thể giúp Ukraine đủ để ngăn chặn sự xâm lược của Nga và bảo vệ nền độc lập của quốc gia, nếu phương Tây hy sinh Ukraine trong ảo tưởng sai lầm rằng họ sẽ cứu hòa bình thế giới – như đã từng xảy ra ở Tiệp Khắc trước ngưỡng cửa Thế chiến thứ hai – thì đó là điều khích lệ không chỉ cho sự bành trướng hơn nữa của Nga, mà còn cho tất cả những kẻ độc tài và kẻ xâm lược khác trên thế giới.

Nếu Putin quan tâm đến việc đầu hàng của Ukraine, đó là vì ông biết rất rõ, điều này sẽ làm cho thế giới thấy sự yếu kém của phương Tây và trên thực tế, sẽ làm cho toàn bộ hệ thống dân chủ tự do đầu hàng. Rốt cuộc, hệ thống phụ thuộc chính vào niềm tin mà mọi người đặt uy tín vào tính hiệu quả của các thể chế dân chủ; một vi phạm thêm vào niềm tin vốn đã bị lung lay này có thể gây ra hậu quả chết người.

Ngoài ý muốn của ông, Vladimir Putin đã làm cho Ukraine trở thành một quốc gia có chính sách kiên định và thống nhất, mà việc thuộc về Âu châu không chỉ là một cụm từ hoa mỹ, nhưng là một giá trị mà hàng ngàn người đã hy sinh mạng sống của họ. Ukraine ký tên bằng máu để ứng cử vào Liên minh châu Âu. Ukraine hiện là “châu Âu” nhiều hơn các quốc gia ở “trung tâm” châu Âu.

Ngày nay, Ukraine đang dạy cho thế giới một bài học quý giá: các kế hoạch của một siêu cường hạt nhân có thể thất bại nếu chúng được chiến đấu với một tấm lòng dũng cảm và đạo đức, được huy động bởi các nhà lãnh đạo có uy tín cá nhân, sẵn sàng thể hiện lòng vị tha cao độ và nắm vững nghệ thuật truyền thông mạnh mẽ. Liệu phương Tây ngày nay có một nhà lãnh đạo chính trị nào có khả năng huy động lực lượng tinh thần như Volodymyr Zelensky không?

Một năng lực thiêng liêng mới?

Ở một mức độ nào đó, Putin đã thành công trong việc thống nhất phương Tây chống lại ông. Tuy nhiên, trong trường hợp phương Tây, nhiệm vụ khó khăn vẫn là: biến đoàn kết chống kẻ thù chung thành một đoàn kết tích cực sâu sắc hơn. Theo đuổi một tinh thần dân chủ, tiến trình hội nhập châu Âu, không chỉ là mong muốn mà còn cần thiết, có nghĩa là hình thành một phiên bản Âu châu, một cộng đồng các giá trị mà chúng ta sẵn sàng hy sinh lớn lao; trên hết đó là nhiệm vụ văn hóa, đạo đức và thiêng liêng.

Sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 ở Manhattan, cố ngoại trưởng Madeleine Albright nhấn mạnh, “cuộc chiến chống khủng bố” không chỉ có thể là cuộc chiến vũ trang mà còn là cuộc chiến về ý tưởng.

Nó đã được minh chứng, ngôn ngữ thông thường không thể diễn tả các cảm xúc mạnh khi chúng được nói lên – như trong trường hợp các tình huống khủng hoảng. Trong ngôn ngữ của các chính trị gia – ngay cả những người xa đức tin và đạo đức tôn giáo – các thuật ngữ tôn giáo xuất hiện một cách tự phát, gợi lên những hình ảnh từ vô thức tập thể. Xã hội thế tục đã đánh giá thấp sức mạnh của ngôn ngữ, biểu tượng và nghi lễ tôn giáo. Các lực này có thể được sử dụng để xây dựng hoặc phá hủy. Các phần tử hồi giáo cực đoan đã khai thác tiềm năng của năng lượng tôn giáo cho mục đích của họ. Tiềm năng tinh thần của xã hội phương Tây thế tục hóa là gì? Kitô giáo có vai trò gì và có thể đóng vai trò gì ở phương Tây?

Các Giáo hội kitô giáo vẫn chưa phục hồi đầy đủ sau những tiết lộ về đại dịch lạm dụng tình dục, sau làn sóng thế tục hóa mới nhất này, hay chính xác hơn là phi kitô giáo của các xã hội phương Tây.

Từ kinh nghiệm của các thần học gia tiền tuyến của Thế chiến thứ nhất – như Teilhard de Chardin và Paul Tillich – một thần học mới đã ra đời, một quan niệm mới về Thượng đế và về mối quan hệ giữa Thượng đế và thế giới. Năng lượng thiêng liêng mới, tầm nhìn mới đầy cảm hứng cho hình dạng tương lai của thế giới, liệu chúng có nảy sinh từ cuộc chiến mới này, sẽ đánh dấu toàn thế giới với hậu quả của nó không?

Tôn giáo bị công cụ hóa

Có vẻ như chúng ta phải một lần nữa tự đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo.

Một số nhà độc tài và nhà lãnh đạo của các chế độ độc tài cố tình công cụ hóa tôn giáo trên mặt chính trị. Khi Stalin nhận ra các dân tộc của Đế chế Liên Xô, đặc biệt là ở Ukraine, chưa sẵn sàng chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản khi quân đội Hitler xâm lược, ông đã đặt tên cho cuộc xung đột là “Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại”. Trong đó, các linh mục chính thống giáo cầm tượng trong tay, đi đầu diễn hành các đội Hồng quân.

Putin, người rất ngưỡng mộ Stalin, cũng nhận ra “Nước Nga vĩ đại” mà ông tìm kiếm cần một năng lực thiêng liêng và vì thế ông cố gắng công cụ hóa Giáo hội chính thống Nga. Rốt cuộc, nhiều nhà lãnh đạo của ông là đồng nghiệp KGB cũ của ông. Kỹ nghệ tuyên truyền của Nga đặc biệt nhắm vào người tín hữu bảo thủ và tìm cách mô tả Putin như một hoàng đế Constantin mới, người sẽ cứu tín hữu kitô giáo khỏi ảnh hưởng ăn mòn của “đạo tin lành và chủ nghĩa tự do phương Tây”.

Thủ tướng Hungari Viktor Orbán và một số nhà lãnh đạo của Ba Lan ngày nay cho họ là “vị cứu tinh của văn hóa kitô giáo” trong những lời họ chỉ trích Liên minh Châu Âu. Thủ tướng Hungary đề cao và hiện thực hóa mô hình “dân chủ phi tự do” gần với “nền dân chủ được chỉ đạo” của Putin; trong thực tế, đó chỉ là danh hiệu bao che cho một nhà nước độc tài.

Ở Ba Lan, liên minh của các chính trị gia dân túy-dân tộc chủ nghĩa với một số giới lãnh đạo Giáo hội, cùng với các vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục, tâm lý và thiêng liêng đã gây chấn động mạnh, dẫn đến thảm kịch Giáo hội mất uy tín, đặc biệt là nơi thế hệ trẻ. Sự liên minh giữa kitô giáo và chủ nghĩa dân tộc này đã làm mất uy tín Giáo hội và tác hại đến Giáo hội còn hơn là nửa thế kỷ bị cộng sản đàn áp; Ba Lan hiện đang trải qua quá trình thế tục hóa nhanh nhất ở châu Âu.

Kitô giáo, một nguồn cảm hứng đạo đức

Trên thế giới ngày nay có một hình thức kitô giáo nào có thể là nguồn cảm hứng đạo đức cho một nền văn hóa tự do và dân chủ không? Tôi đã tự hỏi câu hỏi này trong nhiều năm. Chúng ta phải tìm kiếm một hình thức không phải là hoài cổ bắt chước quá khứ và phải tôn trọng một sự thật, rằng thế giới chúng ta không và sẽ không đơn sắc về tôn giáo hoặc văn hóa, mà là đa nguyên hoàn toàn.

Theo truyền thống, khái niệm tôn giáo (religio) có nguồn gốc từ động từ hiệp nhất trong tiếng la-tinh. Tôn giáo được hiểu là động lực để hội nhập xã hội. Vai trò này phần lớn được kitô giáo tiền-hiện đại đóng một vai trò rộng lớn trong các cộng đoàn kitô thời trung cổ.

Nhưng chương này trong lịch sử tín hữu kitô đã kết thúc. Tiếp theo là thời hiện đại, buộc kitô giáo phải có hình thức của một trong “các tầm nhìn của thế giới”. Kitô giáo được xem mhư một tôn giáo được chia thành các giáo phái khác nhau do các Giáo hội khác nhau đại diện. Ngày nay, hình thức kitô giáo này đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Cho đến nay, quan hệ giữa tôn giáo và chính trị gần như bị cho là quan hệ giữa Giáo hội và Quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình toàn cầu hóa, các Giáo hội đã mất độc quyền về tôn giáo và các Quốc gia mất độc quyền về chính trị. Đối thủ cạnh tranh chính của tôn giáo Giáo hội ngày nay không phải là chủ nghĩa vô thần hay chủ nghĩa nhân văn thế tục, mà một mặt là tâm linh phi tôn giáo, một mặt là tôn giáo như một hệ tư tưởng chính trị. Trong quá trình thế tục hóa, tôn giáo không biến mất, nhưng trải qua một biến đổi sâu sắc. Vai trò của tôn giáo đối với xã hội và trong cuộc sống của con người đã thay đổi.

Vai trò của tôn giáo, như một động lực để hội nhập xã hội, đã bị các hiện tượng xã hội khác đảm nhận, trong quá trình toàn cầu hóa gần đây, đặc biệt là với thị trường hàng hóa và thông tin toàn cầu, kể cả các phương tiện thông tin đại chúng. Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa và trật tự kinh tế chính trị đang trải qua những biến động và thay đổi sâu sắc. Không có một lực thống nhất toàn cầu. Nếu sự thống nhất hiện tại của phương Tây chỉ dựa trên cơ sở phòng thủ chống lại Nga, thì nó sẽ không kéo dài.

Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và thế giới lưỡng cực, tác giả Francis Fukuyama bày tỏ hy vọng “sự kết thúc lịch sử” sẽ đến dưới hình thức một chiến thắng toàn cầu cho nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản kiểu phương Tây. Chủ nghĩa cực đoan hồi giáo và bây giờ là nước Nga của Putin đã phản ứng với viễn cảnh này bằng sự hoảng sợ, hận thù và bạo lực.

Nếu quá trình thống nhất thế giới được tiếp tục, chúng ta không thể chỉ dựa vào khía cạnh kinh tế của toàn cầu hóa. Sự chữa lành của thế giới giả định phải có một sức mạnh thiêng liêng đầy cảm hứng.

Chữa lành vết thương của thế giới

Đức Phanxicô đã cho chúng ta tầm nhìn về Giáo hội như một “bệnh viện dã chiến”; một Giáo hội không ở trong “sự cô lập tuyệt đối” với thế giới đương đại, cũng như không tiến hành “các cuộc chiến tranh văn hóa” đã không còn. Nếu Giáo hội là bệnh viện dã chiến, thì hoạt động trị liệu của Giáo hội là khả năng chẩn đoán thành thạo tình trạng của thế giới chúng ta.

Tôi nghi tôn giáo của ngày mai sẽ giống với ý nghĩa của động từ tiếng la-tinh re-legeređọc lại. Nó sẽ cung cấp một cách “đọc lại”, một cách hiểu mới, một khả năng “đọc thiêng liêng” và giải thích sâu hơn về nguồn gốc của chính mình, (trong trường hợp kitô giáo là Kinh thánh và Truyền thống) và về “các dấu hiệu của thời đại”: các sự kiện của xã hội và văn hóa. Tầm nhìn của các phương tiện truyền thông, các chính trị gia và các nhà kinh tế phải được bổ sung bằng một cách tiếp cận đáng suy ngẫm về thế giới chúng ta.

Tôi thấy nguồn cảm hứng quý giá, cho hôm nay và ngày mai trong các giáo huấn xã hội nơi Đức Cha Phanxicô. Tôi tin thông điệp Tất cả Anh em Fratelli tutti, bao gồm các chương về văn hóa chính trị mới, có thể tạo mối liên quan tương tự trong thế kỷ 21, như Tuyên ngôn Nhân quyền trong thế kỷ 20.

Nhà thần học tin lành người Séc Jan Amos Komenský đã viết “Về việc cải thiện các vấn đề con người, tham vấn công giáo” (De rerum humanarum emendatione Consultatio catholica) trong sự tiên đoán sẽ có một hội đồng đại kết trong các cuộc chiến tranh tôn giáo vào thế kỷ 17. Ngày nay, theo cách tương tự, tôi thấy lời kêu gọi của Đức Phanxicô là biến đổi Giáo hội từ một thể chế giáo sĩ cứng nhắc qua hành trình cộng đồng năng động.

Cũng giống như việc dân chủ hóa Giáo hội trong thời kỳ Cải cách đã góp phần vào việc dân chủ hóa xã hội, nguyên tắc hiệp hành (syn-hodos, đường lối chung) có thể là nguồn cảm hứng không chỉ cho Giáo hội công giáo và sự cởi mở trong sự hợp tác với đại kết, liên tôn giáo, liên văn hóa mà cũng là một sống chung văn hóa chính trị trong một thế giới đa nguyên. Thế giới hiện đang có chiến tranh, nhưng chúng ta phải nghĩ về thế giới sau chiến tranh. Chúng ta không được lặp lại những sai lầm cũ và đánh giá thấp năng lượng thiêng liêng của các tôn giáo trên thế giới.

Trong suốt lịch sử, châu Âu là mẹ đẻ của các cuộc cách mạng và cải cách, là mấu chốt của các cuộc chiến tranh thế giới và quá trình toàn cầu hóa, Âu châu đã gởi đi các xung năng phát triển văn hóa, khoa học, kinh tế và công nghệ trên toàn thế giới, và đã để lại những khoảng sáng cũng như bóng tối quan trọng, dấu vết trong lịch sử thế giới. Ngày nay, giấc mơ về một châu Âu thống nhất, “thở bằng cả hai phổi”, đang bị đe dọa bởi những khối u nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa chính thống trong hai lá phổi này. Tiềm năng trị liệu chứ không phá hủy của tôn giáo phải được phát triển. Thời điểm khủng hoảng luôn là thời điểm của những thách thức mới và cơ hội mới.

Tiểu sử linh mục Tomáš Halík

Sinh năm 1948 tại Praha, giáo sư tại Đại học Charles ở Praha, chủ tịch Học viện Kitô giáo Cộng hòa Séc, cha xứ giáo xứ hàn lâm Đấng Cứu Chuôc ở Praha.

Chịu chức bí mật dưới chế độ cộng sản ở Erfurt (Đông Đức), sau đó phục vụ trong “Giáo hội ngầm”. Linh mục là một trong những cộng tác viên thân cận nhất của hồng y Tomášek. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ năm 1989, linh mục giữ chức vụ tổng thư ký Hội đồng Giám mục Séc. Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm linh mục vào Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại với lương dân (1990); Đức Bênêđíctô XVI phong linh mục là giám chức danh dự (2008). Linh mục nhận nhiều giải thưởng quốc tế vì những đóng góp của cha cho Giáo hội trong thời kỳ bị đàn áp, về các tác phẩm văn học và về các đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa, bao gồm cả Giải Hồng y König, Giải Romano Guardini, Giải thưởng năm 2010 cho quyển sách thần học hay nhất Âu châu, được phong danh dự “Người hòa giải” cho cuộc đối thoại giữa người tín hữu kitô và người do-thái, nhận huy chương Per artem ad Deum của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa và Giải thưởng Templeton (2014). Linh mục có bằng tiến sĩ thần học danh dự tại các trường đại học Erfurt và Oxford. Sách của ngài đã được dịch ra 19 thứ tiếng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây