Giáo xứ Vinh Hương

Vì sao Đức Phanxicô phát động Năm Thánh 2025

Thứ sáu - 10/05/2024 21:01
Vì sao Đức Phanxicô phát động Năm Thánh 2025


Năm Thánh là nghi lễ hiếm hoi trong Giáo hội Công giáo. Kể từ năm 1300, Giáo hội tổ chức 25 năm một lần kỷ niệm ngày Chúa xuống thế.

Ngày Lễ Thăng Thiên năm nay, Đức Phanxicô công bố “sắc chỉ triệu tập” Năm Thánh 2025. Hai mươi lăm trước đó, Đức Gioan-Phaolô II đã chủ trì Năm Thánh 2000 đánh dấu thế giới bước vào thiên niên kỷ thứ ba.

Việc dùng sắc chỉ giáo hoàng có thể làm ngạc nhiên, nhất là Đức Phanxicô là giáo hoàng cải cách. Nhưng hành vi pháp lý này có nguồn gốc lâu đời nhất của Giáo hội công giáo. Sắc chỉ đơn giản là thư giáo hoàng thông báo một sự kiện lớn được đóng dấu của giáo hoàng đương nhiệm. Vì thế sắc chỉ là một kim loại hình tròn bảo vệ con dấu sáp được dán vào tài liệu của giáo hoàng, chứng nhận tính xác thực và thẩm quyền của sắc chỉ.

Trong giờ kinh chiều ngày thứ năm 9 tháng 5, trước Cửa Thánh của Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô ban sắc chỉ Spes non confundit – “hy vọng không làm thất vọng” – cho toàn thể Giáo hội công giáo.

Ân Xá

Sắc chỉ dài hàng chục trang này nói lên điều gì? Sau khi mô tả tinh thần của Năm Thánh và các trục chính, Đức Phanxicô giải thích “ân xá” Giáo hội ban cho người hành hương trong Năm Thánh. Ngài không nhắc đến tranh cãi xảy ra năm 2000, khi những người theo đạo tin lành không đánh giá cao việc Đức Gioan Phaolô II duy trì truyền thống ân xá này. Đây là một trong những lý do làm Martin Luther cắt đứt với Giáo hội năm 1521.

Đức Phanxicô phân biệt hai cấp ân xá. Cấp đầu tiên liên quan đến người chết. Ngài giải thích, sau khi chết, con người thấy mình phải đối diện với phán xét, với sự cứu rỗi Chúa Giêsu dành cho chúng ta qua cái chết và sống lại của Ngài, nhưng cũng là để mở lòng ra với cuộc gặp gỡ cuối cùng với Ngài.

Tuy nhiên, điều này có thể bị ngăn cản do “sự dữ, cần phải được thanh tẩy để có thể dứt khoát đi vào tình yêu của Thiên Chúa”. Vì thế cần phải cầu nguyện cho những người đã xong hành trình dưới thế và những người đang ở trong luyện ngục. Đó là ý nghĩa đầu tiên. 

“Đừng quên xưng tội” 

Nhưng ân xá cũng liên quan đến người còn sống, “trong sự tha thứ trọn vẹn của Thiên Chúa, tha thứ là không có giới hạn”. Vì thế Đức Phanxicô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “xưng tội để tái khám phá vẻ đẹp của bí tích chữa lành và niềm vui, vẻ đẹp của sự tha thứ tội lỗi!”

Nhưng có một giới hạn: “Qua kinh nghiệm cá nhân, chúng ta biết tội lỗi để lại dấu vết, dẫn đến hậu quả của sự dữ đã phạm: không chỉ bên ngoài mà cả bên trong.” Chính những dấu vết này mà Đức Phanxicô muốn chúng ta thanh lọc: “Nhân loại chúng ta yếu đuối và bị lôi kéo bởi sự dữ, phải chịu hậu quả còn sót lại của tội lỗi, hậu quả này được loại bỏ nhờ lòng thương xót và ơn Chúa.”

Với lời giải thích mang tính thần học, ngài mở đầu bài huấn dụ  về chủ đề hy vọng đã chọn cho Năm Thánh 2025: “Nếu chúng ta trông cậy vào Chúa Giêsu, hình ảnh chiếc mỏ neo sẽ nói lên sự ổn định và an toàn khi chúng ta đi giữa dòng nước hỗn loạn của cuộc sống. Giông bão không bao giờ có thể thắng vì chúng ta neo chặt vào hy vọng ân sủng có thể giúp chúng ta sống trong Chúa Kitô để chiến thắng tội lỗi, sợ hãi và cái chết.”

Niềm hy vọng cho Năm Thánh 2025

Ngài nói thêm: “Niềm hy vọng này, lớn hơn nhiều so với những thỏa mãn hàng ngày và những cải thiện điều kiện sống, giúp chúng ta vượt lên thử thách, thúc chúng ta bước đi và không đánh mất sự vĩ đại của mục tiêu chúng ta được kêu gọi để hướng tới: Thiên đàng.”

Ngài tóm tắt: “Vì thế niềm hy vọng kitô giáo không làm thất vọng vì hy vọng dựa trên nền tảng: không có gì và không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa.”

Ở đây, ngài đề cập đến một nhận xét rất thời sự: “Ở thời Internet, chúng ta đã quen muốn mọi thứ phải có ngay lập tức. Để hy vọng, chúng ta cần kiên nhẫn.”

Ý tưởng về Năm Thánh hy vọng đã được ngài đề cập ngay sau đại dịch Covid 19.

“Lấy lại niềm tin cần thiết vào Giáo hội”

Để làm gì? Để suy nghĩ về hy vọng giúp chúng ta tìm lại sự tin tưởng cần thiết vào Giáo hội cũng như vào xã hội, vào các mối quan hệ giữa cá nhân, trên trường quốc tế, vào việc thăng tiến phẩm giá của mỗi người và tôn trọng các thụ tạo. Vì thế ngài đề xuất và đặt chúng vào trọng tâm Năm Thánh.

Lời yêu cầu đặc biệt nhất là về thế giới nhà tù, ủng hộ việc “ân xá và xóa án”: “Trong Năm Thánh này, tôi xin các chính phủ có những sáng kiến mang lại hy vọng; các hình thức ân xá, giảm án giúp người dân tìm lại niềm tin vào chính mình và vào xã hội; có một tiến trình tái hòa nhập vào xã hội, cam kết tôn trọng pháp luật.”

Mở “cửa thánh trong nhà tù”

Trong tinh thần này, ngài kêu gọi giáo dân can đảm lên tiếng để những người đang bị cầm tù có điều kiện sống xứng đáng, tôn trọng nhân quyền và trên hết là bãi bỏ án tử hình, một biện pháp đi ngược với đức tin kitô giáo. Ngài tuyên bố chính ngài sẽ “mở cánh cửa thánh trong nhà tù như dấu hiệu cụ thể của sự gần gũi”.

Một yêu cầu quan trọng khác của Năm Thánh 2025: ngài kêu gọi với nguồn tài chính dành cho vũ khí và các chi tiêu quân sự khác, một quỹ toàn cầu được thành lập để dứt khoát xóa bỏ một lần và mãi mãi nạn đói, phát triển thế giới, để ở những quốc gia nghèo nhất, người dân của họ không dùng đến bạo lực, lừa đảo, không phải rời bỏ quê hương ra đi tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng hơn. Một lần nữa, ngài xin các quốc gia giàu tha nợ cho các quốc gia nghèo, những quốc gia này không bao giờ có khả năng trả. Ngài cũng không quên khoản nợ sinh thái đặc biệt giữa Bắc và Nam bán cầu, sự mất cân bằng thương mại với những hậu quả trong lĩnh vực sinh thái.

Theo ngài, chính hòa bình đang bị đe dọa: “Nếu chúng ta thực sự muốn mở đường cho hòa bình trên thế giới, chúng ta hãy cam kết khắc phục tận gốc những nguyên nhân bất công, xóa các khoản nợ bất công, vỡ nợ và giúp những người đang đói khát.”

Hỗ trợ tỷ lệ sinh sản cho các cặp vợ chồng trẻ

Yêu cầu ngoạn mục cuối cùng, ngài kêu gọi phát triển sinh sản ở những quốc gia bị đe dọa vì tỷ lệ sinh sản giảm sút một cách đáng lo ngại. Ngài mong có một liên minh xã hội vì khi đó hy vọng sẽ toàn diện và phi ý thức hệ, chuẩn bị cho một tương lai được đánh dấu bằng nụ cười của trẻ em, lấp đầy quá nhiều chiếc nôi bỏ trống ở nhiều nơi trên thế giới. Điều này đòi hỏi một cam kết ở tầm Quốc gia, nhưng cũng đòi hỏi sự hỗ trợ thuyết phục của các cộng đồng tín hữu và cộng đồng dân sự giúp các cặp vợ chồng trẻ.

Trong một số lãnh vực, chúng ta thấy các chủ đề thiết thân của ngài: hòa bình lâu dài chống lại thảm kịch chiến tranh, hỗ trợ công việc ngoại giao; ưu tiên dành cho giới trẻ vì thật đáng buồn khi thấy người trẻ không còn hy vọng; chăm sóc người bệnh, người lớn tuổi, người nghèo, người di cư.

Ngoài ra ngài còn có một thông điệp nội bộ về sự hiệp nhất của Giáo hội, hướng tới một ngày lễ Phục sinh sẽ được người công giáo, tin lành và chính thống giáo cử hành chung.

Ngày 24 tháng 12 năm 2024, ngài đã 88 tuổi, ngài sẽ dùng búa đập ba nhát theo nghi thức có từ ngày 24 tháng 12 năm 1499 khi giáo hoàng Alexander VI Borgia khai mạc Năm Thánh năm 1500.

Dự kiến có 32 triệu người hành hương ở Rôma

Ngài sẽ đi qua cánh cửa rộng. Theo sau là 32 triệu người hành hương dự kiến đến Rôma trong Năm Thánh, sẽ đi qua “cánh cửa thánh”, một dấu ấn điển hình của ngày lễ hội là cuộc hành hương truyền thống “bảy nhà thờ”. Ngoài ra Giáo hội còn tổ chức lịch Năm Thánh với 35 cuộc họp của các ban ngành khác nhau, của giới truyền thông, quân đội, cảnh sát, an ninh, các nghệ sĩ, người bệnh, người khuyết tật, công nhân, doanh nhân, các nhà lãnh đạo chính trị, các tù nhân, những người  bị xã hội loại trừ, các thanh thiếu niên, giới thể thao. Và cũng có Năm Thánh cho các giám mục, linh mục, tu sĩ, phó tế vĩnh viễn, chủng sinh, gia đình, ông bà nội ngoại, các phong trào xã hội, các cộng đồng, các cơ quan từ thiện.

Đức Phanxicô sẽ đóng cửa thánh ngày 6 tháng 1 năm 2026, khi đó ngày sẽ 89 tuổi. Hiện nay mọi chuyện cho thấy ngài chưa có ý định từ bỏ, nhưng Năm Thánh này đánh dấu đỉnh cao triều của ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây