Giáo xứ Vinh Hương

Dấu Thánh Giá

Thứ hai - 06/02/2012 18:03

Dấu Thánh Giá

- Hãy nguyện thầm trong lòng để dấu Thánh Giá Chúa Kitô thật sự thấm nhuần lòng trong lòng và biến đổi cuộc đời chúng ta.

DẤU THÁNH GIÁ

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Hằng ngày chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần. Sáng vừa thức dậy đã làm dấu Thánh giá đọc kinh dâng mình cho Chúa. Ðến nhà thờ chúng ta làm dấu Thánh giá trước khi đọc kinh. Thánh lễ mở đầu bằng dấu Thánh giá long trọng. Kết lễ là dấu Thánh giá nhận phép lành cuối lễ. Ở nhà trước và sau khi ăn cơm ta đều làm dấu Thánh giá tạ ơn Chúa ban của ăn nuôi sống gia đình. Tối trước khi đi ngủ ta làm dấu thánh giá xin Chúa gìn giữ thân xác và linh hồn ta qua đêm bình an. Mỗi khi gặp nguy hiểm ta đều làm dấu Thánh giá xin Chúa cứu ta khỏi mọi sự dữ. Dấu Thánh giá đúng là dấu chỉ của người có đạo. Tuy làm dấu Thánh giá nhiều lần như thế, nhưng chúng ta có hiểu biết ý nghĩa của dấu Thánh giá không ? Dấu Thánh giá có ý nghĩa gì ?

Thưa, khi làm dấu Thánh giá với lời công thức “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Thiên chúa Ba ngôi. Mầu nhiệm Thiên chúa Ba ngôi không phải là một lý thuyết xa vời, nhưng là một thực tế ảnh hưởng trực tiếp và sâu xa đến đời sống chúng ta.

Trước hết, khi vẽ dấu Thánh giá trên thân mình, ta nhớ đến công ơn Chúa Cha đã tạo dựng nên ta. Thân xác và nhất là linh hồn chúng ta không phải tự nhiên mà có. Cây có cội, nước có nguồn. Chính Chúa Cha đã tạo dựng nên ta, cho ta có linh hồn và xác, cho ta có mặt ở đời. Kỳ diệu hơn nữa, Chúa đã dựng nên ta giống hình ảnh Người. Việc này nói lên tình Chúa yêu thương ta thật vô biên. Yêu đến độ tạo dựng nên ta giống như Chúa. Việc này cũng làm ta được vô cùng vinh dự hơn muôn ngàn tạo vật. Vì ta được nâng lên hàng con cái Thiên chúa, ngang hàng với các bậc thần thánh. Cứ suy ngẫm điều này, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc và tự hào vô cùng.

Thứ đến, khi vẽ dấu Thánh giá trên thân mình, ta nhớ đến công ơn Chúa Con đã cứu chuộc chúng ta. Việc Chúa Con cứu chuộc ta một lần nữa nói lên tình yêu thương vô biên của Thiên chúa. “Chúa Cha yêu thương ta đến nỗi đã ban Con Một của mình cho ta”. Thật là một tình yêu lớn lao không còn có thể yêu hơn được nữa. Chúa Cha yêu ta hơn cả Con Một chí ái của Người. Ðể Con Một của Người hi sinh xuống thế làm người chịu nạn chịu chết vì ta. Chúa Con yêu thương ta hơn cả bản thân Người. Vì yêu thương ta nên đã bằng lòng hiến mình chịu chết nhục nhã trên cây thập giá. Không còn tình yêu nào lớn lao hơn thế nữa. Ðúng như lời Người đã nói : “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hi sinh tính mạng cho bạn hữu”. Nhờ Thánh giá Chúa mà ta được cứu chuộc khỏi tội lỗi. Nhờ Thánh giá Chúa mà ta được khỏi chết để được vào nơi hằng sống với Chúa. Ðể ta được hạnh phúc, Chúa đã phải chịu khổ đau. Ðể ta được sống, Chúa đã phải chịu chết. Cứ suy ngẫm điều này ta sẽ thấy tình yêu Chúa lớn lao cao cả là dường nào.

Sau cùng, khi vẽ hình Thánh giá trên thân mình, ta nhớ đến thân xác ta là đền thờ Chúa Thánh Thần. Ðền thờ này rất cao trọng vì đã được chính tay Chúa Cha xây dựng nên. Ðền thờ này rất giá trị vì đã được tẩy rửa bằng Máu Chúa Con. Ðền thờ này rất đáng trân trọng vì đang được Chúa Thánh Thần tô điểm bằng tình yêu. Chúa Thánh Thần là tình yêu sẽ uốn nắn lòng ta cho biết yêu mến Chúa. Chúa Thánh Thần là tình yêu sẽ xua đuổi mọi thứ ghen ghét oán thù ra khỏi trái tim của ta. Chúa Thánh Thần là tình yêu sẽ hoán cải trái tim ta, cất đi trái tim chai đá, ban cho ta trái tim bằng thịt mềm mại biêt yêu thương.

Như thế, mỗi khi làm dấu Thánh giá, ta tuyên xưng mầu nhiệm Thiên chúa Ba ngôi. Như thế mỗi khi làm dấu Thánh giá, ta tuyên xưng tình yêu thương của Thiên chúa Ba ngôi. Như thế, mỗi khi làm dấu Thánh giá, ta quyết tâm sống xứng đáng với tình yêu của Thiên chúa Ba ngôi. Như thế, mỗi khi làm dấu Thánh giá, ta hiểu rằng tình yêu được minh chứng qua những đớn đau của Thánh giá.

Hiểu được như thế, ta sẽ thực sự biến dấu Thánh giá trở thành dấu chỉ của người tín hữu, người sống yêu thương. Hiểu như thế, ta sống mầu nhiệm Thiên chúa Ba ngôi trong cuộc đời.

Lạy Ba ngôi cực thánh, xin chúc lành cho con ‘Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Amen.

 

Ý nghĩa của Dấu Thánh Giá

Ðức Ông Nguyễn Quang Sách

                                                          

Bert Ghezzi giải thích về ý nghĩa đến động tác có từ ngàn xưa.

LAKE MARY- Florida (Zenit.org).- Cử chỉ đơn giản mà các người Công giáo làm hàng ngàn lần trong cuộc đời của họ có một ý nghĩa sâu xa mà phần lớn đã không nhận thức ra.

Now, the multifaceted significance of the sign of the cross has been investigated and explained by Bert Ghezzi, author of "Sign of the Cross: Recovering the Power of the Ancient Prayer" (Loyola Press).

Bây giờ, ý nghĩa nhiều mặt của dấu thánh giá đã được khám phá và giải thích do Bert Ghezzi, tác giả quyển "Dấu Thánh Giá: Tìm lại được Quyền lực của Kinh Xưa" do nhà xuất bản Loyola Press.

Ông nói với ZENIT dấu đó xảy ra làm sao, ý nghĩa của dấu đó là gì và tại sao làm dấu đó cách cung kính có thể nâng cao sự sống người ta trong Chúa Kitô.

Dấu thánh giá khởi đầu khi nào?

Ghezzi: Dấu thánh giá là một thực hành và là một kinh rất xưa. Chúng ta không có chỉ dẫn nào về điều đó trong Kinh Thánh, nhưng thánh Basil trong thế kỷ thứ tư nói rằng chúng ta học dấu này từ thời các tông đồ và dấu đó được thi hành trong các lần rửa tội. Một số học giả giải thích lời của Thánh Phaolô nói ngài mang những dấu của Chúa Kitô trên thân xác ngài, trong thư Gal 6:17, tức là ngài qui chiếu về dấu thánh giá.

Trong sách, tôi đã ghi chú rằng dấu đó bắt đầu gần thời gian Chúa Giêsu và có từ Giáo Hội xưa. Các Kitô hữu nhận lấy dấu ấy trong phép rửa tội; vị chủ tế làm dấu trên họ và dâng họ cho Chúa Kitô.

Bằng cách nào dấu ấy trở nên một thực hành phụng vụ và sùng kính quan trọng như thế?

Ghezzi: Tôi suy đoán rằng khi những Kitô hữu trưởng thành được rửa tội, họ làm dấu thánh giá trên trán cách hiên ngang để chứng tỏ mình thuộc về Chúa Kitô.

Ông Tertullian nói rằng các Kitô hữu mọi thời có lẽ ghi dấu thánh giá trên trán mình. Tôi có thể tưởng tượng đến các Kitô hữu làm một dấu thánh giá nhỏ trên trán mình với ngón tay cái và ngón trỏ, để nhắc cho mình nhớ sống một đời sống cho Chúa Kitô.

Ngoài những lời đọc, dấu ấy có nghĩa gì? Tại sao đó là môt dấu chỉ tính môn đệ?

Ghezzi: Dấu ấy có nghĩa rất nhiều. Trong sách, tôi diễn tả ý nghĩa, có lời và không có lời. Dấu thánh giá là một sự tuyên xưng đức tin, một sự đổi mới bí tích rửa tội, một dấu chỉ tính môn đệ, môt sự chấp nhận đau khổ, một sự bảo vệ khòi quỉ dữ, và một chiến thắng trên sự sa ngã.

Khi anh chị làm dấu thánh giá, anh chị tuyên xưng một diễn tả ngắn của kinh tin kính--anh chị tuyên xưng đức tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Khi anh chị đọc lời và cầu nguyện nhân danh người nào thì anh chị tuyên bố sự hiện diện của họ và đến trong sự hiện diện của họ--đó là lý do môt tên được xử dung trong Kinh Thánh.

Như một á bí tích, đó là một sự đổi mới bí tích rửa tội; khi anh chị làm dấu thánh giá, thực vậy anh chị lập lại một lần nữa "Tôi chết với Chúa Kitô và sống lại trong đời sống mới." Dấu thánh giá trong bí tích rửa tội là như một sự cắt bì Kitô hữu, kết hợp dân ngoại trở về nưóc Do thái. Dấu liên kết cuả anh chị với thân thể Chúa Kitô, và khi anh chị làm dấu anh chị nhớ tới sự kết hợp của anh chị với Chúa Kitô là đầu.

Dấu thánh giá là một dấu chỉ tính môn đệ. Chúa Giêsu nói trong sách Tin Mừng Luca 9: 23, "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo." Lời mà các Giáo Phụ xử dụng khi làm dấu thánh giá là một tiếng Hy lạp tiếng đó cũng như là tiếng của ông chủ đặt cho một tên nô lệ, một mục tử đặt cho một con chiên và một tướng lãnh đặt cho một tên lính--đó là một sự tuyên bố tôi thuộc vào Chúa Kitô.

Sự từ bỏ mình không hẵn là từ bỏ những việc nhỏ; làm môn đệ tức là anh chị ở dưới sự lãnh đạo của Chúa Kitô và anh chị không thuộc về chính anh chị. Khi làm dấu thánh giá, anh chị nói với Chúa. "Con muốn vâng lời Chúa, con thuộc về Chúa. Chúa huơng dẫn tất cả quyết định của con. Con sẽ luôn luôn vâng phục lề luật Thiên Chúa, các huấn giáo của Chúa Kitô và Giáo Hội."

Khi đau khổ tới, dấu thánh giá là một dấu chấp nhận. Dấu đó nhắc lại Chúa Giêsu đã trở thành con người và đã chịu đau khổ vì chúng ta và chúng ta tham gia trong sự đau khổ của Chúa Kitô. Dấu thánh giá nói, "Tôi muốn ôm ấp sự đau khổ để chia sẻ sự đau khổ của Chúa Kitô.

Khi anh chị chịu đau khổ, anh chị cảm giác dường như Thiên Chúa không còn ở đó, thì dấu thánh giá đem Chúa đến và tuyên bố sự hiện diện của Người mà không biết anh chị có cảm thấy không. Đó là một phương cách nhận biết Chúa trong lúc bị thử thách.

Một trong những huấn giáo chính của các Giáo Phụ, dấu thánh giá là một sự tuyên bố chống lại quỉ dữ. Khi anh chị làm dấu trên mình, anh chị tuyên bố với quỉ dữ, "Đừng đụng vào tôi. Tôi thuộc về Chúa Kitô, Người là sự bảo vệ cho tôi." Dấu đó vừa là sự tấn công vừa là sự bảo vệ,

Tôi đã thấy rằng dấu thánh giá là một phương cách diệt trừ sự sa ngã--những vấn đề to lớn này chúng ta có, những sự việc bướng bỉnh này chúng ta không thể thoát khỏi được. Các Giáo Phụ nói nếu anh chị tức giận, đầy sự dâm ô, sợ hải, xúc động hay vật lôn với những vấn đề xác thịt, hãy làm dấu khi bị cám dỗ và dấu đó sẽ giúp xua tan đi vấn đề.

Tôi đã bắt đầu làm dấu để kiểm soát một vấn đề khi tức giận. Làm dấu trên mình là một phương cách diệt trừ sự tức giận, mách cho ta biết cách hành xử một cách nhẫn nại, bắt chước thực hành nhân đức của Chúa Giêsu.

Người không-Công giáo xử dụng dấu thánh giá được không?

Ghezzi: Được chứ, dấu thánh giá được những người Epicopalians, Lutherans, Methodists và Presbyterians xử dụng, cách riêng trong những khi rửa tội. Trong sách giáo lý bỏ túi của ông, Martin Luther khuyên làm dấu thánh giá trước khi đi ngủ và khi làm việc đầu tiên trong ngày.

Một điều xấu hổ là nhiều người không-Công giáo thấy dấu ấy là một cái gì họ không phải làm; dấu đó đền từ một Giáo Hội xưa mà tất cả chúng ta chia sẻ. Một trong những hy vọng của tôi khi viết quyển sách này là những nguời không-Công giáo sẽ đọc và chia sẻ trong dấu thánh giá.

Tại sao những người Công Giáo làm dấu thánh giá với nước thánh khi bước vào và khi bước ra khỏi nhà thờ?

Ghezzi: Muốn tham gia trong sự hy sinh cao cả của Thánh Lễ, anh chị cần đuợc rửa tội. Dùng nước thánh để làm dấu để có ý nói rằng "Tôi là một người Kitô hữu đã được rửa tội và tôi có quyền tham gia trong hy lễ này”.

Khi anh chị làm dấu thánh giá lúc anh chị ra về, anh chị có ý nói Thánh Lễ không bao giờ chấm dứt--toàn diện đời sống của anh chị tham gia trong hy lễ của Chúa Kitô.

Tại sao những người Kitô hữu phải học hỏi hơn nữa về kinh này?

Ghezzi; Tôi thiết nghĩ rằng đó không phải là một cái gì bất thường. Dấu thánh giá có một quyền lực to lớn như là một á bí tích; dấu thánh giá không tạo ra sự thiêng liêng mà dấu ấy chỉ, nhưng kín múc trong kinh nguyện của Giáo hội để mang ảnh hưởng đến trong cuộc sống chúng ta. Dấu thánh giá là một á bí tích cao cả.

Khi tôi thấy những cầu thủ thể thao làm dấu thánh giá lúc đang chơi, tôi không chê bai họ. Dấu ấy nói rằng tất cả điều gì tôi làm, tôi làm nhân danh Chúa Kitô--dầu những trò chơi cũng có thể được chơi trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

Khi tình cờ người ta làm dấu thánh giá, tôi cầu nguyện cho họ công nhận điều đó một cách nghiêm chỉnh--là họ tuyên xưng họ tùy thuộc về Chúa Kitô, họ muốn vâng lời Người và chấp nhận đau khổ. Đó không phải là một lời thần chú cầu may.

Tại sao ngày nay dấu thánh giá có ý nghĩa, nhất là trong những lãnh vực mà luật pháp trở nên ít bao dung đến những việc làm công khai cho đức tin?

Ghezzi: Luật pháp có thể nói với chúng ta rằng chúng ta không thể có 10 Điều Răn trong một tòa nhà công cộng, nhưng không thể bắt chúng ta không được làm dấu thánh giá cách công khai. Chúng ta cần nhớ lời Chúa Giêsu đã nói: nếu chúng ta chối bỏ Người, Người sẽ chối bỏ chúng ta.

Đáng lý chúng ta phải cảm thấy tự tin và hãnh diện khi cho mọi người biết chúng ta là những Kitô hữu và chúng ta thuộc về Chúa Kitô.

Dấu Thánh Giá mang ý nghĩa gì ?

simonhoadalat

Thánh Cyril thành Jerusalem (thế kỷ thứ IV) đã viết: "Chúng ta tuyên xưng Thập Giá Chúa Giêsu trước sự run sợ của thần dữ. Vì thế đừng hổ thẹn về Thập Giá Ðức Kitô. Việc làm dấu Thánh Giá trên trán sẽ khiến thần dữ run rẩy tránh xa. Hãy làm dấu Thánh Giá khi bạn ăn hay uống, khi bạn ngồi, nằm hay khi thức dậy, khi bạn nói, khi bạn đi, trong lời nói và trong mỗi hành động". Dấu Thánh Giá là một trong những thói quen đầu tiên của các Kitô hữu tiên khởi. Trong một vài thế kỷ đầu, người Kitô hữu đặt ngón cái lên trên ngón trỏ như hình thập tự và làm dấu Thánh Giá trên trán. Từ cuối thế kỷ thứ V, các Kitô hữu đã bắt đầu làm dấu Thánh Giá từ trán xuống ngực và hai vai như chúng ta thường làm ngày nay.

Dấu Thánh Giá bắt nguồn từ nghi thức Rửa Tội. Vị linh mục ghi dấu Thánh Giá trên trán người nhận lãnh để xác nhận rằng từ nay người này đã thuộc về Ðức Kitô và họ được thông phần vào mầu nhiệm thập giá và sự phục sinh của Ngài. Nói cách khác, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được thông phần vào cuộc tử nạn của Ngài để nhờ đó chúng ta được sống cuộc sống mới với Ngài qua việc Phục Sinh vinh hiển của Ngài (Rm 6, 4). Ðọc và suy gẫm về hạnh các thánh, chúng ta sẽ nhận ra dấu Thánh Giá mang lại nhiều ý nghĩa cho người Kitô hữu trong cuộc sống thường ngày. Năm điều cơ bản mà chúng ta cần biết và suy gẫm để sống và hướng dẫn con em mình là:

1. Sự tuyên tín:Khi làm dấu Thánh Giá, chúng ta nói: "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, Amen". Qua hành động ấy, chúng ta vừa đọc Kinh Tin Kính một cách ngắn gọn. Chúng ta tuyên xưng chân lý cơ bản của người Kitô hữu là lấy Chúa Ba Ngôi làm trung tâm và mục đích cho mọi hoạt động của cuộc đời Kitô hữu của mình. Cũng qua hành động ấy, chúng ta chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi chúng ta "nhân danh" Thiên Chúa là chúng ta ước ao được kết hiệp với Ngài và chúng ta xin thực hành ý định của Ngài thay vì ý định của mình.

2. Nhắc nhớ Bí Tích Rửa Tội:Chúng ta làm dấu Thánh Giá để nhắc nhớ mình rằng qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. Nhận thức được chân lý này sẽ giúp chúng ta sống cuộc đời Kitô hữu chính danh trong mọi trạng huống của cuộc đời. Dấu Thánh Giá nhắc nhở chúng ta luôn làm điều thiện, tránh xa điều ác, tránh làm điều thiệt hại tới tha nhân. Chẳng có ai trước khi phạm tội lại giơ tay làm dấu Thánh Giá với ý thức mà còn can đảm tiếp tục phạm tội. Qua bí tích Rửa Tội, chúng ta đã chết đối với tội lỗi và sống cho Thiên Chúa. (Rm 6, 11)

3. Nhãn hiệu của người môn đồ:Làm dấu Thánh Giá với ý định đổi mới con người mình là trở thành môn đệ của Ðức Kitô và học biết cũng như nên giống Ðức Kitô hơn. Ðức Kitô đã nói với những kẻ theo Ngài phải "từ bỏ mình và vác thập giá mình hằng ngày" (Lc 9, 23). Ðã là môn đệ thì phải theo Thầy và theo trọn vẹn. Dấu Thánh Giá chính là nhãn hiệu chứng tỏ chúng ta thuộc quyền sở hữu của Ðức Kitô. Thực ra các Kitô hữu tiên khởi đã dùng từ ngữ Hi Lạp cho dấu Thánh Giá cùng nghĩa chữ người Hi Lạp dùng cho các nô lệ thuộc quyền sở hữu của họ.

4. Dấu ấn của sự che chở:Khi làm dấu Thánh Giá là chúng ta tuyên xưng đức tin của mình vào sự phục sinh vinh hiển của Ðức Kitô trong cuộc sống. Một trong những thông điệp mạnh mẽ nhất qua hạnh các thánh là dấu Thánh Giá có sức xua đuổi tà thần và giúp ta giữ vững niềm tin. Vì thế làm dấu Thánh Giá tức là chúng ta tuyên tín vào Ðức Kitô và làm dấu Thánh Giá là chúng ta công khai xưng Ngài ra trước mặt mọi người, đồng thời phô bày trước mọi người về sự gần gũi và phó thác nơi Thiên Chúa Ba Ngôi của mình.

5. Nguồn của phúc lành:Chúng ta làm dấu Thánh Giá như một hành động xin ban ân phúc, chẳng hạn trước bữa ăn hoặc khi đem con cái lên giường ngủ hay khi khởi đầu một công việc.. Giáo Hội quí trọng việc làm dấu Thánh Giá như một biểu lộ trung thành đối với niềm tin của người tín hữu vào Chúa Ba Ngôi và đã khuyến khích các tín hữu hãy sống chân lý hàm chứa trong những mẫu tuyên xưng đức tin cổ kính nhất này. Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã nhắc lại chân lý này vào dịp kỷ niệm 1900 năm tử đạo của hai thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô năm 1968. Ngài đã gọi mẫu tuyên xưng đức tin này là kinh Tin Kính của Dân Thiên Chúa. Như thế dấu Thánh Giá giúp chúng ta mở lòng đón nhận và thông phần vào ơn phúc của Thiên Chúa và dĩ nhiên lúc nào chúng ta cũng có thể đón nhận ân sủng ấy một cách sung mãn.

Nếu hiểu được ý nghĩa của việc làm dấu Thánh Giá như thế, thiết nghĩ chúng ta chẳng nên khó chịu hay nghiêm khắc phê phán khi thấy em bé giơ tay làm dấu Thánh Giá trước khi ném trái "free throw". Hãy nguyện thầm trong lòng để dấu Thánh Giá Chúa Kitô thật sự thấm nhuần lòng em và biến đổi cuộc đời em nên nhân chứng đức tin cho Ngài giữa lòng đời hôm nay.

Ý NGHĨA DẤU THÁNH GIÁ

http://niemhyvong.net/

1/ Dấu Thánh giá đơn:

Ngay từ khi mở mắt chào đời có những cha mẹ, ông bà nội, ngoại đã vẽ dấu Thánh giá + trên vầng trán cho con em mình. Họ làm để bày tỏ niềm vu mừng tạ ơn Thiên Chúa và cũng muốn Ngài chúc lành cho em bé. Và trong suốt cuộc sống chúng ta cũng thường làm dấu Thánh giá khi cầu nguyện, khi đi ngủ, khi ăn. Vậy dấu Thánh giá có ý nghĩa gì cho đời sống?

Khi làm dấu Thánh giá, bàn tay phải được đưa lên vầng trán và đọc: "Nhân Danh Cha; rồi bàn tay trái được đưa xuống trước ngực và đọc: Và Con; sau đó bàn tay được đưa sang bờ vai bên trái rồi sang bên phải, đang khi đọc: Và Thánh Thần; sau cùng chắp hai bàn tay lại trước ngực và đọc: Amen".

Cử chỉ đơn giản và lời kinh ngắn gọn có ý muốn nói lên niềm tin vào Thiên Chúa: "Vâng, Thiên Chúa Cha ở nơi cao trên trời". Trời và đất, thiên Chúa và con người được nối liền lại qua Chúa Giêsu, Đấng đã xuống trần gian làm người. Tất cả mọi người liên kết với nhau trong Chúa Thánh Thần. Amen: Vâng, con xin tin.

2/ Dấu Thánh giá kép:

Người Công giáo Việt Nam khi đọc kinh tối sáng, khi đọc kinh cầu cho thân nhân đã qua đời, thường hay làm dấuhình Thánh giá 3 lần: trên trán, trên môi miệng và trên ngực.

Và trong thánh lễ, trước khi nghe lời Chúa trong Phúc âm, chúng ta cũng làm dấu Thánh giá "kép" trên trán, trên môi miệng và trên ngực.

Dấu Thánh giá "kép" mang ý nghĩa gì và tại sa làm dấu "kép" này?

1- Vẽ dấu Thánh giá trên trán, chúng ta muốn nói: Vâng, con nghe hay đọc lời Chúa với sự hiểu biết của trí khôn con.

2- Trên môi miệng, chúng ta cũng muốn biểu lộ: Và con còn muốn qua môi miệng loan truyền Lời Chúa mà con đã nghe, đã đọc.

3- Rồi trên ngực, chúng ta muốn tuyên xưng: Con xin tin và yêu mến Lời Chúa.

Nguồn tin: http://gpcantho

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây