Giáo xứ Vinh Hương

Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng bảo vệ công trình tạo dựng

Thứ hai - 18/07/2022 20:06
Ngày nay, chúng ta đang gây ra cuộc đại tuyệt chủng thứ ba.
Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng bảo vệ công trình tạo dựng
Khi thấy những thảm họa sinh thái do biến đổi khí hậu gây ra, chúng ta phải lưu tâm đến lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm cứu lấy hành tinh.


ĐGH Phanxicô đã hứa bảo vệ quyền của người nghèo và công trình tạo dựng. Thông điệp 'Laudato si' năm 2015 của Ngài vừa là lời cảnh tỉnh vừa là nguồn cảm hứng cho Kitô hữu và thế giới nhằm cứu các loài động thực vật khỏi hoạ tuyệt chủng.

"Mỗi năm đều chứng kiến sự biến mất của hàng ngàn loài động thực vật mà chúng ta không bao giờ biết và con cái chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy vì chúng đã biến mất vĩnh viễn", ĐGH từng cảnh báo.

Thế giới phải thay đổi, những người kiểm soát ngành công nghiệp dầu khí, than đá và nhà máy điện phải thay đổi. Đó là nguyên nhân gốc rễ của lượng carbon dioxide dư thừa trong khí quyển đang khiến hành tinh nóng lên nhiều. Bằng chứng hiển nhiên là những đợt nắng nóng hiện nay đang áp đảo nhiều khu vực trên thế giới. Điều này đẩy thực vật và động vật đến tuyệt chủng.

Tin tức thực sự đáng lo ngại. Đôi khi không muốn đọc về những đợt hạn hán tàn khốc ở Somalia, Sudan, Mozambique, Iran, Morocco và nhiều nơi khác tại Châu Âu và Hoa Kỳ.

Lũ lụt tàn khốc ở Trung Quốc và Bangladesh là những thảm họa sinh thái, dẫn đến nhà cửa bị cuốn trôi, hàng triệu động vật chết và mùa màng bị phá hủy. Những vụ cháy rừng ở Bồ Đào Nha và Mỹ làm tăng thêm thảm họa sinh thái. Trong hai năm, cháy rừng đã phá hủy 14.000 cây tùng ở California - gồm 20% số cây lớn nhất thế giới. Tôi đã đến Đài tưởng niệm Quốc gia Muir Woods để xem những cây gỗ đỏ khổng lồ và chúng thực sự rất đáng ngưỡng mộ.

ĐGH Phanxicô nói trong 'Laudato si': "Khẩn thiết kêu gọi một cuộc đối thoại mới về cách chúng ta đang định hình tương lai hành tinh. Chúng ta cần một cuộc đối thoại gồm tất cả mọi người, về những thách thức môi trường mà chúng ta đang trải qua mà nguyên nhân là chính con người tạo ra."

Không phải tất cả sẽ tham gia vào cuộc đối thoại về những gì phải được thực hiện. Sự tham lam và ích kỷ của con người và lối sống hoang phí tiếp tục tiêu thụ năng lượng bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch như khí đốt, dầu mỏ và than đá. Mọi người phải yêu cầu chấm dứt những ngành công nghiệp này và thay thế chúng bằng năng lượng tái tạo: gió, mặt trời, địa nhiệt và thuỷ triều.

Các ông trùm kinh doanh muốn có lợi nhuận từ việc bán nhiên liệu hóa thạch hủy diệt. Chính trị gia tham nhũng cũng đang được hưởng lợi. Một số chính phủ, trong khi ca ngợi sự thay đổi bằng năng lượng tái tạo, lại lấy tiền thuế của người dân trả cho các công ty dầu mỏ và than đá giàu có để thăm dò và sản xuất nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn.

Hầu hết các chính phủ G7 trả tới 1 nghìn tỷ Đôla Mỹ hàng năm nhằm trợ cấp cho những công ty dầu mỏ, than đá và khí đốt. Động cơ sâu xa của họ là làm hài lòng cử tri và nhận tài trợ từ những công ty này cho chiến dịch tái tranh cử. Nhiều khả năng các chính trị gia có đầu tư vào những tập đoàn này. Một số trong họ giống như những ngôi mộ trông đẹp đẽ bên ngoài nhưng bên trong mục ruỗng và thối nát.

Năm 2015, một nghiên cứu quan trọng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy thiệt hại tài sản thế chấp và chi phí chưa thanh toán của việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt lên tới 5,3 nghìn tỷ USD mỗi năm hoặc 10 triệu USD mỗi phút cho những công ty này. Nếu số tiền này được đầu tư vào nguồn năng lượng sạch thay thế như gió, mặt trời, địa nhiệt, thủy điện và thủy triều, cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ được giải quyết.

Đúng vậy, chúng ta là loài người có bộ não thông minh lại đang thiên về việc tự làm hại bản thân và hủy diệt thiên nhiên. Ngày nay, chúng ta đang gây ra cuộc đại tuyệt chủng thứ ba - một triệu hoặc hơn nữa các loài động thực vật sẽ tuyệt chủng trong những năm tới đây khi hành tinh trở nên nóng hơn vì chúng sẽ không thể thích nghi kịp để tồn tại.

Một báo cáo khoa học mới, dựa trên các nghiên cứu sâu rộng, có tên 'Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và bảo tồn hệ sinh thái' cho biết sự tuyệt chủng sắp xảy ra của gần một triệu loài động thực vật là do biến đổi khí hậu và cách con người tác động đang ảnh hưởng đến hành tinh.

Báo cáo cho biết trên toàn cầu có khoảng 50.000 loài động thực vật hoang dã được sử dụng để làm thực phẩm, năng lượng, y học, vật liệu và các mục đích khác thông qua việc đánh bắt, thu thập, khai thác gỗ và động vật trên cạn. Hơn 10.000 loài hoang dã được khai thác để làm thức ăn cho con người với một phần năm loài người phụ thuộc vào đó về thu nhập và thực phẩm.

Khoảng 70% người nghèo trên thế giới phụ thuộc trực tiếp vào các loài hoang dã và vào các doanh nghiệp buôn bán thú hoang. Con người trực tiếp tiêu thụ hoặc sử dụng khoảng 7.500 loài cá tự nhiên và động vật không xương sống thủy sinh, 31.100 loài thực vật hoang dã (bao gồm 7.400 loài cây, 1.500 loài nấm và 7.400 loài cây dại), 1.700 loài động vật không xương sống hoang dã trên cạn và 7.500 loài động vật lưỡng cư hoang dã, bò sát, chim và động vật có vú trong tự nhiên.

Chúng ta thực hiện khoảng 8 tỷ lượt ghé thăm các khu bảo tồn động vật hoang dã mỗi năm, tạo ra 600 tỷ euro (600,8 tỷ đô la) doanh thu du lịch. Một phần ba nhân loại - 2.4 tỷ người - dựa vào gỗ để nấu nướng, bao gồm 1.1 tỷ người không được tiếp cận với điện. Hai phần ba gỗ tròn công nghiệp toàn cầu được cung cấp từ các loài cây rừng tự nhiên. Mười hai phần trăm các loài cây đang bị đe dọa vì khai thác gỗ không bền vững.

Săn bắt không bền vững đe dọa 1.341 loài động vật có vú hoang dã, bao gồm 669 loài đã được đánh giá là bị đe dọa.

Dữ liệu dựa trên nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt, cho thấy hàng triệu người phụ thuộc vào thế giới tự nhiên của động vật, cá và thực vật sống. Con người chúng ta với việc khai thác và tiêu thụ không bền vững đang phá hủy sự sống mà mình phụ thuộc vào. Đó là tự hủy diệt. Nó sẽ gây ra hậu quả thảm khốc trừ khi chúng ta cùng nhau hành động để cứu thế giới tự nhiên khỏi biến đổi khí hậu.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tất cả chúng ta đều có thể hợp tác như công cụ của Chúa để chăm sóc tạo vật, mỗi người tùy theo văn hóa, kinh nghiệm, sự tham gia và tài năng của riêng mình."

 
Chuyển ngữ từ “Francis, a pope who saves the creation”, Lm. Shay Cullen
www.ucanews.com, 15.07.2022

Tác giả bài viết: Huuchanh VH

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây