Giáo xứ Vinh Hương

Sự khác biệt cơ bản giữa thập tự giá và thánh giá

Thứ sáu - 03/02/2023 23:02
Không có phục sinh nếu không có thập tự giá, và thập tự giá không có ý nghĩa gì ngoài niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh.
Sự khác biệt cơ bản giữa thập tự giá và thánh giá
Không phải ai cũng biết điều đó, nhưng thập tự giá và cây thánh giá đề cập đến hai điều khác nhau: một là sự phục sinh, một là cuộc tử nạn của Chúa Giêsu Kitô. Đây là những điều cần biết về biểu tượng Kitô giáo này


Chúng ta có thể đã luôn tự hỏi rằng có điều gì khác nhau giữa thập tự giá và cây thánh giá? Cây thánh giá bao gồm một cây thánh giá với Chúa Kitô chịu đóng đinh, trong khi thập tự giá không có. Hai biểu tượng này đề cập đến hai mầu nhiệm khá khác nhau nhưng không thể tách rời nhau: Chúa Giêsu chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại.

Cây thánh giá

Từ "thánh giá" xuất phát từ tiếng Latin "cruci fixus", có nghĩa là "treo trên thập tự giá", đề cập đến sự kiện Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thập tự giá tại núi Sọ. Do đó, một cây thánh giá không chỉ là thập tự giá, mà còn là thập tự giá với biểu tượng Đức Kitô chịu đóng đinh.

Nhiều cây thánh giá Công giáo có bảng ghi mấy chữ viết tắt "INRI", trong tiếng Latin, đó là những chữ viết tắt của "Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum", nghĩa là "Giêsu Nazaret, Vua Dân Do Thái". Thánh giá là một biểu tượng cực kỳ mạnh mẽ về đỉnh điểm cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại - vì vậy không nên sử dụng thánh giá một cách hời hợt hoặc vô trách nhiệm. Mang thánh giá bên mình là mang theo một lời nhắc nhở cụ thể về tình yêu vô biên của Thiên Chúa, đến độ cam chịu khổ nạn thảm thương nhất để cứu chuộc chúng ta. Thánh giá là một biểu tượng gắn liền với Giáo hội Công giáo vì phần lớn các giáo phái Tin lành thường sử dụng thập tự giá, nhiều hơn là thánh giá.

Thập tự giá

Thập tự giá đã trở thành một biểu tượng phổ quát của Kitô giáo. Tuy nhiên, theo nghĩa hẹp, thuật ngữ này chỉ đề cập đến công cụ, không có bất kỳ biểu tượng nào về Đức Kitô chịu đóng đinh. Thập tự giá trước hết là một hình thức tra tấn thảm khốc được người La Mã sử dụng để trừng phạt và xử tử người bị kết án. Chúa Giêsu Kitô đã chết trên thập tự giá trong đau đớn tột cùng. Chính vì lý do này mà nhiều cộng đoàn Tin lành tin rằng cây thánh giá có tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh không nên được sử dụng như một biểu tượng của niềm tin Kitô giáo, Chúa Kitô đã phục sinh và do đó không còn bị đóng đinh vào thập tự giá nữa.

Người Công giáo nên mang thập tự giá hay cây thánh giá?

Người Công giáo tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Tuy nhiên, họ cũng nhận ra rằng Phục Sinh trao vương miện cho cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập tự giá. Do đó, Cuộc Khổ Nạn để cứu chuộc loài người khỏi tội lỗi, không bao giờ được lãng quên hoặc tách rời khỏi Vinh Quang Phục Sinh.

Cả thập tự giá và thánh giá đều có thể được người Công giáo sử dụng. Điều quan trọng là nhận thức được những biểu trưng, và trên hết, về sự thống nhất của Mầu Nhiệm Cứu Chuộc: Không có phục sinh nếu không có thập tự giá và thập tự giá sẽ chẳng có ý nghĩa gì ngoài niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh.

 
Domitille Robert, "Les différences fondamentales entre une croix et un crucifix"
ALETEIA

Tác giả bài viết: Huuchanh VH dịch

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây