Giáo xứ Vinh Hương

Kinh Truyền Tin 6/1. ĐTC : Các Đạo sĩ dạy chúng ta tái khám phá sự khiêm nhường cần thiết để thờ lạy Chúa

Thứ năm - 06/01/2022 19:49
Kinh Truyền Tin 6/1. ĐTC : Các Đạo sĩ dạy chúng ta tái khám phá sự khiêm nhường cần thiết để thờ lạy Chúa
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu khiêm nhường như các Đạo sĩ, từ bỏ thói quen sống khép kín và co cụm trong tâm hồn, không đặt mình làm trung tâm và khư khư theo ý riêng của mình; trái lại, biết khiêm tốn đón nhận thánh ý Thiên Chúa và dành chỗ cho Người để từ đó chúng ta có thể khám phá lại sự kỳ diệu của việc tôn thờ Chúa Giêsu, vì chúng ta chỉ thực sự thờ phượng Chúa khi tâm hồn chúng ta khiêm nhường và nhận ra mình cần ơn cứu độ.

 

Ngày 6/1, tại một số nước châu Âu mừng lễ Chúa Hiển Linh. Tại Vatican, sau khi cử hành Thánh lễ tại đền thờ thánh Phêrô, vào lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã cùng với đông đảo tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô đọc kinh Truyền Tin.

Trước khi đọc kinh Đức Thánh Cha có bài huấn dụ ngắn.

Anh chị em thân mến, chào anh chị em, chúc mừng lễ!

Hôm nay là lễ trọng Chúa Hiển Linh, chúng ta chiêm niệm về trình thuật các Đạo sĩ trong Tin mừng thánh Mátthêu (x. 2,1-12). Họ phải trải qua một hành trình dài và mệt mỏi để đi và thờ lạy "vua dân Do Thái" (câu 2). Họ được hướng dẫn bởi dấu hiệu lạ thường của một vì sao, và cuối cùng khi đến đích, thay vì tìm thấy điều gì đó tuyệt vời, họ nhìn thấy một hài nhi cùng với người mẹ. Lẽ ra, họ có thể phản đối: "Một chặng đường dài và nhiều hy sinh vất vả để rồi chỉ tìm thấy một đứa trẻ đơn hèn sao?". Tuy nhiên họ không bị vấp ngã, không bị thất vọng. Họ không phàn nàn, nhưng phủ phục thờ lạy. “Khi bước vào nhà - theo lời Phúc Âm - thấy Hài Nhi cùng với thân mẫu là bà Maria, họ liền sấp mình thờ lạy Người” (câu 11).

Chúng ta hãy nghĩ đến những nhà hiền triết thông thái giàu có này, những người đến từ phương xa và phủ phục, tức là họ sấp mình xuống đất để thờ lạy một đứa trẻ! Nó có vẻ như là một điều mâu thuẫn. Thật là đáng ngạc nhiên khi một cử chỉ khiêm tốn như vậy lại được thực hiện bởi những người danh tiếng. Cúi mình trước một vị lãnh đạo, với dáng vẻ quyền lực và vinh quang là điều phổ biến vào thời đó. Và ngay cả ngày nay, điều đó không phải là điều xa lạ. Nhưng sấp mình trước Hài Nhi ở Bêlem thì không dễ dàng chút nào. Thật không dễ dàng để thờ phượng vị Thiên Chúa này, khi thần tính của Người vẫn chưa tỏ lộ và Người không có dáng vẻ khải hoàn. Nó có nghĩa là đón nhận sự vĩ đại của Thiên Chúa tỏ lộ trong sự nhỏ bé. Đây là một sứ điệp. Các Đạo sĩ hạ mình trước lối lý luận chưa từng nghe thấy của Thiên Chúa, họ chào đón Đấng Cứu Thế không phải như họ tưởng tượng về Người, nhưng như Người là, nhỏ bé và nghèo nàn. Sự thờ lạy của họ là dấu hiệu của những người đặt ý riêng của họ sang một bên và dành chỗ cho Thiên Chúa. Chúng ta cần khiêm nhường để thực hiện điều này.

Phúc Âm nhấn mạnh về điều này: Phúc Âm không chỉ nói rằng các nhà thông thái đã thờ lạy, nhưng nhấn mạnh rằng họ sấp mình thờ lạy. Chúng ta hãy hiểu chi tiết này: sự thờ lạy của họ đi đôi với việc sấp mình. Khi thực hiện cử chỉ này, các Đạo sĩ cho thấy rằng họ khiêm nhường chào đón Đấng tỏ mình ra trong sự khiêm hạ. Và đây là cách họ mở lòng ra để thờ phượng Thiên Chúa. Những kho tàng mà họ mở ra là hình ảnh của trái tim rộng mở của họ: sự giàu có thực sự của họ không nằm ở danh vọng và thành công, mà ở sự khiêm tốn, ở ý thức rằng họ cần ơn cứu độ. Đây là tấm gương các Đạo sĩ đưa ra cho chúng ta hôm nay.

Anh chị em thân mến, nếu chúng ta luôn là trọng tâm của mọi việc, với ý tưởng của riêng mình, và nếu chúng ta cho rằng mình có điều gì đó để khoe khoang trước mặt Thiên Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ gặp được Người hoàn toàn, chúng ta sẽ không đến thờ phượng Người. Nếu sự giả tạo, phù phiếm, bướng bỉnh, cạnh tranh của chúng ta không được loại bỏ, chúng ta có thể sẽ đi đến chỗ tôn thờ ai đó hoặc điều gì đó trong cuộc sống, nhưng đó sẽ không phải là Chúa! Trái lại, nếu chúng ta từ bỏ sự tự mãn của mình, nếu tâm hồn chúng ta trở nên thơ bé, thì chúng ta sẽ khám phá lại sự ngạc nhiên của việc tôn thờ Chúa Giêsu.  Bởi vì việc tôn thờ đến từ sự khiêm nhường trong tâm hồn: những người bị ám ảnh bởi chiến thắng sẽ không bao giờ nhận thức được sự hiện diện của Chúa. Chúa Giêsu đi ngang qua bên cạnh và bị phớt lờ, như đã xảy ra với nhiều người vào thời điểm đó, nhưng không phải với các Đạo sĩ.

Nhìn vào họ, hôm nay chúng ta tự hỏi: tôi khiêm nhường thế nào? Tôi có tin chắc rằng lòng kiêu hãnh ngăn cản sự tiến bộ thiêng liêng của tôi không? Niềm kiêu hãnh đó, dù bộc lộ hay tiềm ẩn, luôn che phủ sự thôi thúc đến với Thiên Chúa. Tôi có làm việc dựa trên sự ngoan ngoãn vâng lời để mở lòng với Thiên Chúa và người khác, hay tôi luôn chú trọng vào bản thân và sự tự phụ kiêu căng của mình? Tôi có biết cách gạt quan điểm của mình sang một bên để đón nhận ý Thiên Chúa và ý kiến người khác không? Và cuối cùng: tôi có chỉ cầu nguyện và thờ phượng khi tôi cần điều gì đó, hay tôi luôn làm điều đó vì tôi tin rằng tôi luôn cần đến Chúa Giêsu? Các Đạo sĩ bắt đầu lên đường và hướng nhìn theo ánh sao và tìm thấy Chúa Giêsu. Họ đã đi bộ rất nhiều. Hôm nay chúng ta có thể thực hiện lời khuyên này: hãy nhìn vào ngôi sao và bước đi. Đừng bao giờ dừng bước, nhưng đừng quên nhìn vào ngôi sao. Đây là lời khuyên của ngày hôm nay: hãy nhìn theo ngôi sao và bước đi, nhìn theo ánh sao và bước đi.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, tôi tớ của Chúa, dạy chúng ta khám phá lại nhu cầu cốt yếu của lòng khiêm nhường và hương vị sống động của việc tôn thờ.

Kính mời quý vị cùng hiệp ý với Đức Thánh Cha trong Kinh Truyền Tin.

 Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha chúc mừng các anh chị em của các Giáo hội Đông phương, Công giáo cũng như Chính Thống, sẽ cử hành lễ Giáng sinh vào ngày mai (7/1). Ngài nồng nhiệt gửi đến họ những lời chúc tốt đẹp nhất với ơn hòa bình và mọi điều tốt lành: "xin Chúa Kitô, sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, soi sáng cho gia đình và cộng đồng của anh chị em!"

Tiếp đến Đức Thánh Cha nhắc rằng "Lễ Hiển Linh theo một cách đặc biệt là ngày lễ của hội nhi đồng truyền giáo, nghĩa là của những trẻ em và các thiếu niên - có rất nhiều ở các quốc gia khác nhau trên thế giới - những người dấn thân cầu nguyện và dâng số tiền tiết kiệm của mình để Tin Mừng được loan báo cho những người không biết Tin Mừng. Đức Thánh Cha cảm ơn họ và nhắc rằng việc truyền giáo bắt đầu với chứng tá Kitô giáo trong cuộc sống hàng ngày.

Về vấn đề này, Đức Thánh Cha khuyến khích các sáng kiến loan ​​truyền Tin Mừng lấy nguyên tắc từ các truyền thống của Lễ Hiển linh và trong tình hình hiện tại, những sáng kiến này sử dụng nhiều phương tiện truyền thông khác nhau.

Tác giả bài viết: Hồng Thủy

Nguồn tin: Vaticannews

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây