Giáo xứ Vinh Hương

Thượng hội đồng: Đức Phanxicô đang dốc toàn lực cho triều giáo hoàng sắp kết thúc của ngài

Chủ nhật - 25/06/2023 19:30
Thượng hội đồng: Đức Phanxicô đang dốc toàn lực cho triều giáo hoàng sắp kết thúc của ngài

Tài liệu chuẩn bị cho thượng hội đồng gây ngạc nhiên với sự táo bạo của nơi này hoan nghênh, nơi kia lên án, nơi nọ tương đối hóa…
 

Tài liệu làm việc (instrumentum laboris) chuẩn bị cho phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng hiệp hành về tính đồng nghị vào tháng 10 sắp tới đã được Vatican công bố. Với những ai tin vào tầm quan trọng của thượng hội đồng này, hòn đá tảng của dự án của giáo hoàng, thì sự ngạc nhiên – dễ chịu – là rất đáng kể. Tài liệu đưa ra, mặc dù theo cách thẩm vấn và đa số là các câu hỏi, đôi khi táo bạo được đặt ra ở tất cả các giai đoạn tham vấn. Một tài liệu chưa từng thấy! Một tiến trình bị một số nhóm tố cáo là kinh khủng và nguy hiểm cho Giáo hội, một số khác lại chỉ trích vì đã không tấn công vào điều cốt yếu: học thuyết ngày nay bị chất vấn ở nhiều điểm. Ở giai đoạn này, Đức Phanxicô thể hiện quyết tâm đi theo trực giác của ngài đến cùng để đưa Giáo hội trở lại đúng hướng… Với những cơ hội nào để thuyết phục? 

Tài liệu làm việc được trình bày tại Rôma ngày 20 tháng 6 là một bài đọc phấn khích. Tài liệu làm việc đã có sẵn cho các thành viên của Hội đồng Thượng Hội đồng đầu tiên vào tháng 10 sắp tới (phần kết thúc sẽ được triệu tập vào tháng 10 năm 2024) phản ánh sự tiếp nhận và hiểu biết do Rôma đưa ra với giai đoạn tham vấn mà Đức Phanxicô mong muốn. Giai đoạn này diễn ra trong ba phần: giáo phận, quốc gia và lục địa. Với sự mới lạ này, thông lệ thường thấy của Giáo hội công giáo là ở mỗi giai đoạn, việc “tổng hợp” các đóng góp đều cố gắng đưa ra và đi lên cấp cao hơn, không chỉ những gì “đồng thuận” mà tất cả những gì được thể hiện, nhấn mạnh những điểm cần thiết, những điểm bất đồng. Điều này mang lại cho Tài liệu làm việc một tông giọng của sự thật làm hài lòng một số người và làm buồn lòng những người thấy trong đó một phản bội, một suy yếu của Giáo hội trước sự thật. 

Giáo hội đồng nghị là gì…

Trước tiên, tài liệu bắt đầu làm rõ một lần nữa định nghĩa về tính đồng nghị kể từ khi Đức Phanxicô xác tín, chỉ có Giáo hội hiệp hành là Giáo hội công giáo đích thực, nghĩa là một Giáo hội nơi tất cả những người đã được rửa tội cùng nhau bước đi và chia sẻ cùng một sứ mệnh truyền giáo. Ở giai đoạn này, điều này không đặt vấn đề về hiến pháp có thứ bậc ngang nhau của Giáo hội, mà với một số người, giới hạn về “cởi mở” không thể chấp nhận được dưới mắt họ.

Tài liệu nói, một Giáo hội hiệp hành nói lên phẩm giá chung của phép rửa tội cho tất cả mọi người (giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, giáo dân, v.v.). Đó là Giáo hội “lắng nghe, gặp gỡ và đối thoại với các tín hữu của các tôn giáo khác và với các nền văn hóa và xã hội mà nó được nhập vào”; một Giáo hội “không sợ đa dạng, có khả năng quản lý những căng thẳng mà không bị lấn át, một Giáo hội cởi mở và chào đón tất cả mọi người; một Giáo hội hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa tình yêu và sự thật” (mục vụ và học thuyết); cuối cùng là một Giáo hội ủng hộ việc chuyển đổi từ “tôi” sang “chúng tôi”… mà chúng ta thường có xu hướng tự nhiên nghĩ rằng mình – hoặc nhóm của mình – là người duy nhất nắm giữ sự thật. 

Một phương pháp đã được chứng minh: “Nói chuyện trong Chúa Thánh Thần”

Tài liệu nhấn mạnh vào “cuộc trò chuyện trong Thần khí” được trình bày như một đặc điểm phấn khích của các giai đoạn tham vấn nhưng cũng là phương pháp được đề xuất từ Vademecum năm 2021, sẽ tiếp tục được nâng cao giá trị trong các Đại hội năm 2023 và 2024. Vì đó là bản chất cụ thể của đối thoại thiết yếu giữa anh chị em trong đức tin. Đây là cách nhà thần học Arnaud Join-Lambert nhìn sự việc trong một bài báo dành cho giai đoạn lục địa châu Âu của thượng hội đồng (Praha từ ngày 2 đến ngày 12 tháng 2 năm 2023) được đăng trong tạp chí Études. (1) “‘Cuộc trò chuyện tâm linh’ được xây dựng một cách có hệ thống để mỗi người nói với người kia, nhưng cũng có chỗ bắt buộc cho im lặng. Mỗi người nói trong vòng đầu (không tranh luận) theo sau là một khoảnh khắc im lặng, sau đó là vòng hai, mỗi người bày tỏ điều mà lời nói của người khác đã đánh thức họ. Đó là vòng quyết định trong đó lời nói của người khác được xem trọng và vì thế được lắng nghe sâu sắc. Sau đó đến thời gian tranh luận. Vòng thứ ba đòi hỏi nhóm phải đồng ý với những gì sẽ được chuyển đến hội đồng toàn thể.” Đó là tổng hợp, và cuối cùng là phân định, phải tích hợp, vừa những gì tạo nên đồng thuận, những gì là biểu hiện thiểu số và những  gì là chủ đề bất đồng. 

Ba ưu tiên: hiệp thông, sứ mệnh, tham gia

Tài liệu làm việc sau đó áp dụng để trình bày ba ưu tiên xuất hiện từ giai đoạn tham vấn và sẽ là trọng tâm công việc của Thượng Hội đồng. Đó là ba từ: hiệp thông, sứ mệnh, tham gia, mà tài liệu nhấn mạnh không được xem xét chúng một cách tách biệt nhưng trong mối tương quan chặt chẽ. Ý tưởng hiệp thông nhắc lại một hội đồng hiệp hành khác với một nghị viện. Mục đích không phải là xác định đa số do đó đối lập với thiểu số mà là tìm cách vượt qua chia rẽ để xác định các mốc có thể dẫn đến đồng thuận, như thế mới được xem là trung thành hơn với các yêu cầu của Tin Mừng. Thứ hai, tài liệu nói rõ, sứ mệnh không phải là quảng bá một sản phẩm tôn giáo mà là xây dựng một cộng đồng. Đó chính là đời sống của cộng đồng, được phong phú hóa nhờ sự đóng góp đặc sủng của mỗi người, mà sau đó họ trở thành người truyền giáo. Cuối cùng, sự tham gia đặt ra vấn đề bản chất của quyền bính trong Giáo hội và về những hoán cải và biến đổi cần được thực hiện để thoát khỏi cám dỗ quyền lực, đó thực sự mới là phục vụ.

Một tài liệu tạo ngạc nhiên với sự táo bạo của nó

Phần đầu tiên được cấu trúc hoàn hảo, hoàn toàn tự nhiên để dẫn đến phần thứ hai, được trình bày dưới dạng các phiếu làm việc cho các thành viên của Đại hội thượng hội đồng nhưng cũng dành cho bất cứ tín hữu nào muốn tìm hiểu về một văn hóa hiệp hành, chìa khóa của đời sống giáo hội. Mỗi “ưu tiên” được đưa ra, bối cảnh hóa theo tính cách đa dạng của các Giáo hội địa phương trên khắp thế giới, và được chia thành năm chủ đề, mỗi chủ đề mở ra các câu hỏi để phân định cho cuộc họp Đại hội. Điều này sẽ được thực hiện trong hai giai đoạn: đầu tiên (vào tháng 10 năm 2023) để đào sâu các vấn đề thần học và giáo luật, sau đó trong Đại hội lần thứ hai (tháng 10 năm 2024), các đề xuất cụ thể sẽ phải được quyết định để đệ trình lên Đức Phanxicô.

Và chính cách đọc này (từ trang 32-72 của tài liệu) mới thực sự gây ngạc nhiên vì sự táo bạo của những người biên tập. Họ quyết định tôn trọng nội dung của các “tổng hợp”, đặc biệt là các tổng hợp lục địa được gởi về Rôma, không cần đánh bóng cũng không kiểm duyệt. Sự lựa chọn đã được thực hiện (dĩ nhiên với sự chứng thực của Đức Phanxicô) để không xóa bỏ bất kỳ câu hỏi nào, đôi khi là bài bác ảnh tượng, thực tế nảy sinh đây đó trong Giáo hội và khác nhau tùy theo mức độ nhạy cảm hoặc bối cảnh văn hóa. Điều này mang lại cảm nhận đây là tài liệu bắt nguồn từ “cuộc sống thực” của các cộng đồng. Cách tiếp cận ở đây không còn là làm sao để nói về giáo huấn truyền thống Giáo hội (với một số người là vô hình) trong một thực tế mới của thế giới hiện đại, nhưng thực hiện phân định nào dưới ánh sáng Tin Mừng về những câu hỏi phát sinh từ kinh nghiệm và suy tư của tín hữu. 

130 câu hỏi hóc búa

Không thể và dĩ nhiên là vô ích để trình bày thấu đáo ở đây. Tài liệu, một lần nữa, mọi người có thể truy cập dễ dàng. Nhưng cuối cùng, điểm đặc biệt quan trọng là chúng ta thấy Tài liệu làm việc chính thức đặt câu hỏi về các thể thức tiếp nhận “không điều kiện” tất cả mọi người (những người ly hôn tái hôn, người đa thê, LGBTQ+), về việc chấp nhận tính đa dạng nhiều mặt đánh dấu đời sống Giáo hội và làm phong phú Giáo hội ngay từ đầu; lưu ý đến sự tồn tại lịch sử của một chủ nghĩa đế quốc công giáo phương Tây nào đó có thể cản trở việc truyền giáo tại các quốc gia truyền giáo; thách thức Giáo hội về ý chí và khả năng của Giáo hội trong việc tách mình khỏi những lợi ích đảng phái riêng của mình, để đồng hành cùng toàn xã hội trong việc xây dựng lợi ích chung; đào sâu các điều kiện đối thoại với thế giới mà không rơi vào cạm bẫy của tính thế tục; khám phá vấn đề thế tục hóa được xem là mối đe dọa hoặc ngược lại, là cơ hội; để hiểu rõ hơn làm thế nào việc rao giảng Tin Mừng có thể làm, qua việc thực thi sự gần gũi và bác ái; tìm cách xác định các thừa tác vụ mới dựa trên nhu cầu thực sự của các cộng đồng và các đặc sủng dành riêng cho phụ nữ; đặt câu hỏi về nguyên nhân của “sự không thích ứng của thừa tác vụ được thụ phong trước những thách thức của thời đại”; tìm cách vượt ra ngoài tầm nhìn chỉ dành cho các thừa tác viên được thụ phong bất kỳ chức năng tích cực nào trong Giáo hội, giảm thiểu sự tham gia của những người đã được rửa tội, xem họ như một cộng tác cấp dưới; suy tư về khả năng giao phó cho giáo dân vai trò lãnh đạo cộng đồng, cũng như phụ nữ có thể được phong phó tế và chức tư tế cho các ông đã lập gia đình; đặt câu hỏi về thể thức hiện diện của giáo dân trong các Hội đồng giám mục và các Hội đồng lục địa; đặt câu hỏi về hồ sơ của các giám mục cần thiết cho một Giáo hội hiệp hành và tiến trình bổ nhiệm họ; đề xuất xác các tiêu chuẩn đánh giá hành động của họ; xem xét những thể chế công nào có thể dạy cho Giáo hội về sự tách biệt quyền lực và giới hạn thời hạn công vụ; hình dung một cải cách các chủng viện và các nơi đào tạo nhấn mạnh đến các yêu cầu mới của một Giáo hội hiệp hành; đào sâu mức độ thẩm quyền giáo lý có thể được các Hội đồng Giám mục và Hội đồng Châu lục công nhận, nhất là để đáp ứng cho nhiều câu hỏi theo thực tế địa phương; suy nghĩ về cách phân xử các xung đột có thể phát sinh từ các quyết định khác nhau của bên này bên kia; đánh giá cách thức mà giáo hoàng có thể hoặc phải nên làm trong tương lai, xem xét các quyết định hội tụ của các Giáo hội địa phương, liên quan đến huấn quyền của Giáo hội hoàn vũ…

Lằn ranh đỏ không được vượt qua: học thuyết, đạo đức…

Đúng, tất cả những gì có trước, thậm chí được trình bày lại, thực sự xuất hiện dưới dạng những câu hỏi được xác định hoàn hảo trong tài liệu Rôma. Cũng cần lưu ý, có một số “lằn ranh đỏ” không được vượt qua, chẳng hạn liên quan đến bậc sống độc thân của linh mục hoặc việc phong chức cho phụ nữ. Một cách tổng quát hơn, và không có gì đáng ngạc nhiên, Tài liệu làm việc phản ánh những câu hỏi liên quan đến việc chăm sóc mục vụ hoặc quản trị của Giáo hội công giáo, chứ không phải nội dung của giáo lý hay luân lý, là những vấn đề vẫn còn bị chất vấn mạnh mẽ. Đây là đường lối không thể xâm phạm của Đức Phanxicô kể từ đầu triều giáo hoàng của ngài.

Một số người thấy ở đây là một “giới hạn” khách quan và đáng tiếc so với phần mở đầu rất thực của văn bản. Những người khác thì lên án với một bạo lực chưa từng có, một ý chí cố hủy Giáo hội. Hiếm khi có nhiều hận thù như vậy với một giáo hoàng và những người ủng hộ ngài. Chính ý tưởng một tài liệu của Giáo hội (không đòi hỏi giá trị thẩm quyền) có thể được trình bày rõ ràng xung quanh các câu hỏi (130 theo trang Aleteia) được hiểu là sự từ bỏ thực sự dị giáo của Giáo hội để tuyên bố và bảo vệ sự thật mà chỉ duy Giáo hội, chỉ một mình Giáo hội nắm giữ do ý Chúa. một số người cho rằng tài liệu này chẳng khác gì hơn là công việc của ma quỷ! Nếu quý vị nghĩ tôi nói quá, xin quý vị đọc trên mạng xã hội.

Một thượng hội đồng được sửa đổi sâu đậm

Vấn đề còn lại là tương lai của tài liệu này và trước hết là khả năng ảnh hưởng đáng kể của nó đối với công việc của thượng hội đồng vào mùa thu sắp tới. Từ tháng tư vừa qua, chúng ta biết “Thượng hội đồng Giám mục” theo quyết định của Đức Phanxicô sẽ có 70 người không phải là giám mục có quyền bỏ phiếu. Một số người cho rằng đa số vẫn sẽ là các giáo sĩ (300 so với 70) và những người không phải là giám mục sẽ không được không có các đồng nghiệp của họ “bầu chọn” nhưng do thể chế chỉ định. Điều này là bỏ qua hai thực tế: đưa 70 người không phải là giám mục vào nhà hội, nơi từ lâu chỉ có các giám mục với nhau là đủ để đảo lộn bản chất đối thoại nội bộ trong Hội đồng và và làm thuận lợi cho việc “hoán cải” mà giáo hoàng luôn kêu gọi; hơn nữa, một ví dụ gần đây trong Giáo hội công giáo Pháp cho thấy các thành viên được chỉ định của chín nhóm làm việc được thành lập sau báo cáo Sauvé (Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp) cho thấy họ đặc biệt tự do trong các suy nghĩ và đề xuất của họ, có nguy cơ không làm hài lòng một số giám mục nào đó… Vì vậy, ở đây thực sự là một tiến bộ. 

Với Đức Phanxicô “sứ mệnh đã hoàn thành”, với người kế vị ngài: “sứ mệnh bất khả thi”?

Vẫn còn ẩn số chính về các đề xuất, về việc Đức Phanxicô chấp nhận hay từ chối chúng trong bối cảnh tông huấn hậu thượng hội đồng của ngài, nhưng trên hết là sự “tiếp nhận” Tài liệu làm việc nổi tiếng này của một phần trong giới công giáo. Tài liệu làm việc ghi nhận các tổng hợp lục địa về “Khó khăn trong việc đưa một số linh mục vào tiến trình đồng nghị. Chúng ta còn nhờ một số người trẻ công giáo ở Pháp đã nhanh chóng tách ra khỏi tổng hợp của các đóng góp của giáo phận do Hội đồng Giám mục Pháp công bố, họ nói họ không thấy họ ở trong đó, vì thế họ quyết định không tham gia. Tiến trình của giáo hoàng sẽ gặp hai trở ngại lớn: việc một số giáo sĩ từ chối chứng duyệt những phát triển mà với họ, sẽ đặt vấn đề về “quyền lực” của họ; việc một số người công giáo không thể chấp nhận câu trả lời cho những điều xấu xa mà Giáo hội phải gánh chịu có thể tìm thấy khi đào sâu Công đồng Vatican II mà họ tiếp tục xem là nguồn gốc của sự sụp đổ của Giáo hội.

Ở đây, chúng ta phải làm sáng tỏ tiêu đề khiêu khích có chủ ý của bài đăng (quá) dài này. Đúng vậy, ở đây Đức Phanxicô đang dốc toàn lực cho triều giáo hoàng sắp kết thúc của ngài. Ngài xác tín Giáo hội dứt khoát phải thành công trong việc hội nhập văn hóa mà Công đồng Vatican II, khi thực hiện, đã không biết hoặc không thể làm thế nào để thực hiện. Và rằng quá trình hội nhập văn hóa này qua việc giải tập trung Giáo hội, giúp cho Giáo hội điều chỉnh tốt hơn Lời Chúa cho phù hợp với thực tế đa dạng của giáo dân và của các châu lục. Mùa thu năm 2013, chỉ 6 tháng sau khi được bầu chọn, Đức Phanxicô đã viết trong tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium: “Sẽ không hợp thời nếu giáo hoàng thay thế các giám mục địa phương trong việc phân định tất cả các vấn đề nảy sinh từ giáo phận của họ. Theo nghĩa này, tôi cảm thấy cần phải giải tập trung một cách lành mạnh.” (EG. 16) Quá trình lâu dài này của thượng hội đồng về tính đồng nghị không có mục đích nào khác ngoài việc chia sẻ phân tích này với “các Nghị Phụ” để họ đưa cách tiếp cận này vào huấn quyền chính thức của Giáo hội công giáo.

Phần tiếp theo rõ ràng sẽ thuộc về người kế nhiệm Đức Phanxicô. Một bài báo gần đây của La Croix (Thập giá) gợi ý, đa số hồng y cử tri trong Hồng y đoàn sẽ ủng hộ “đường lối” của ngài và vì thế trong mật nghị tiếp theo, có khả năng họ sẽ phản đối việc trở lại tình trạng cũ mà một số người mong đợi. Do đó, người kế vị của ngài sẽ có nhiệm vụ khó khăn là đưa Giáo hội vào cuộc cải cách “đồng nghị” mà bằng bất cứ giá nào một số người không muốn, và phải đương đầu với yêu cầu của những người khác về những phát triển mới “cuối cùng” liên quan đến giáo lý và luân lý… Rõ ràng, đó là trách nhiệm của một Công đồng mới có thể lập luận rõ ràng các giai đoạn châu lục và một cuộc họp kết thúc ở Rôma. Làm tất cả nhưng phải tránh sự chia rẽ giữa người này người kia. Chúa Thánh Thần, Ngài có nhiều việc phải làm!

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn tin: www.phanxico.vn

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây