Giáo xứ Vinh Hương

Chúa Giêsu để mình được chạm và không ngại chạm con người

Chủ nhật - 30/06/2024 18:40
Chúa Giêsu để mình được chạm và không ngại chạm con người

Trưa Chúa Nhật ngày 30/6, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã có bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật XIII thường niên.

 

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến, chúc Chúa Nhật tốt lành!

Tin Mừng phụng vụ hôm nay kể cho chúng ta về hai phép lạ có vẻ đan xen nhau. Đang khi Chúa Giêsu đến nhà ông Giairô, một trong các trưởng hội đường, vì con gái nhỏ của ông bị bệnh nặng, thì trên đường đi một người phụ nữ bị băng huyết chạm vào áo choàng của Người, và Người dừng lại để chữa lành cho bà. Trong khi đó, người ta báo tin con gái của ông Giairô đã chết, nhưng Chúa Giêsu không dừng lại, Người đi đến nhà, đến tận nơi đứa trẻ nằm, nắm lấy tay và đỡ bé dậy, làm cho cô bé sống lại (Mc 5,21-43). Hai phép lạ, một chữa lành và một phục sinh người chết.

Hai sự chữa lành này được kể trong một trình thuật duy nhất. Cả hai đều xảy ra bằng việc tiếp xúc thể lý. Thật vậy, người phụ nữ chạm vào áo choàng của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu nắm lấy tay đứa trẻ. Tại sao “sự tiếp xúc” này lại quan trọng? Bởi vì hai người phụ nữ này - một vì bị băng huyết và một vì đã chết - bị coi là không thanh sạch và do đó không thể tiếp xúc thể lý với họ. Nhưng thay vào đó, Chúa Giêsu để mình được chạm và Người không ngại chạm. Ngay cả trước khi chữa lành về thể lý, Người đã phá bỏ quan niệm tôn giáo sai lầm, theo đó Thiên Chúa phân biệt một bên là thanh sạch và một bên là ô uế. Ngược lại, Thiên Chúa không thực hiện sự phân chia này, bởi vì tất cả chúng ta đều là con cái của Người, và sự ô uế không đến từ thức ăn, bệnh tật, hay thậm chí từ cái chết, mà đến từ một con tim không thanh sạch.

Chúng ta hãy học điều này: trước những đau khổ về thể xác và tinh thần, những vết thương trong tâm hồn, những hoàn cảnh đè bẹp chúng ta, và ngay cả khi đối mặt với tội lỗi, Thiên Chúa không giữ khoảng cách với chúng ta, Người không xấu hổ vì chúng ta, Người không phán xét chúng ta; trái lại, Người đến gần để được chạm vào và Người chạm vào chúng ta, và luôn làm chúng ta sống lại từ cõi chết. Người luôn nắm tay chúng ta và nói với chúng ta: này con trai, này con gái, hãy chỗi dậy! (xem Mc 5,41), bước đi, tiến bước! Tôi có thể nói “Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi” – Nhưng Chúa trả lời: “Hãy tiến bước, Ta trở nên có tội vì con, để cứu con!”. – “Nhưng Chúa không phải là tội nhân” – “Không, nhưng ta nhận hết tất cả hậu quả của tội để cứu con”. Điều này thật đẹp!

Chúng ta hãy in sâu vào tâm hồn hình ảnh mà Chúa Giêsu dạy chúng ta: Thiên Chúa là Đấng nắm lấy tay bạn và nâng bạn dậy, là Đấng để mình chạm đến nỗi đau của bạn và chạm vào bạn để chữa lành bạn và ban lại cho bạn sự sống. Người không phân biệt đối xử với bất kỳ ai vì Người yêu tất cả mọi người.

Và chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có tin rằng Thiên Chúa là như thế không? Chúng ta có để cho mình được Chúa, Lời của Người, tình yêu của Người chạm đến không? Chúng ta có xây dựng mối tương quan với anh chị em mình bằng cách giúp họ tự đứng dậy trở lại hay chúng ta giữ khoảng cách và dán nhãn người khác dựa theo sở thích và ưu tiên của chúng ta? Chúng ta dán nhãn người khác. Tôi hỏi anh chị em một câu hỏi: Thiên Chúa, Chúa Giêsu, có dán nhãn người ta không? Mỗi người tự trả lời. Thiên Chúa có dán nhãn người ta không? Và tôi có không ngững dán nhãn người khác không?

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhìn vào trái tim của Thiên Chúa, để Giáo hội và xã hội không loại trừ bất kỳ ai, không xem bất cứ ai là “ô uế”, để mỗi người, với lịch sử riêng, đều được chào đón và được yêu thương, và không bị dán nhãn và không thành kiến. Chúng ta được yêu thương không với bất kỳ tính từ nào.

Chúng ta hãy cầu xin với Đức Trinh Nữ Rất Thánh: Lạy Mẹ hiền dịu, xin cầu bầu cho chúng con và cho toàn thế giới.

Vatican News

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây