Phúc Âm: Lc 17, 1-6
“Dù một ngày bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: Tôi hối hận, thì con hãy tha cho nó”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này. Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: “Tôi hối hận”, thì con hãy tha thứ cho nó”.
Các Tông đồ thưa với Chúa rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: “Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển”, nó liền vâng lời các con”.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm:
Thỉnh thoảng báo chí lại nói đến một chuyện không hay nào đó bị coi là gây sốc hay phản cảm. Có những chuyện tồi tệ hơn được gọi là xì-căng-đan. Xì-căng-đan gốc là một từ Hy Lạp dùng trong Tân Ước (scandalon) để chỉ một viên đá làm người ta vấp ngã (Rm 11, 9), hay một duyên cớ khiến người ta phạm tội (Mt 13, 41). Trong Giáo Hội đôi khi cũng có những xì-căng-đan. Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắc chúng ta hãy đề phòng về những xì-căng-đan trong chính cộng đoàn tín hữu. Ngài nhìn nhận rằng không thể nào tránh được những xì-căng-đan (c. 1). Nhưng Ngài lại rất nặng lời với người nào gây ra cớ vấp phạm đó. Cột cối đá lớn vào cổ anh ta và xô xuống biển cho chết đi thì tốt cho anh ấy hơn là để anh ấy làm cớ phạm tội cho một trong những kẻ bé nhỏ này (c. 2). Những kẻ bé nhỏ ở đây là những người môn đệ của Chúa. Rõ ràng Đức Giêsu quý tâm hồn trong sạch của con người. Tuy hiền lành, nhưng Ngài lại tỏ ra không khoan nhượng với những kẻ làm gương xấu khiến người khác phạm tội. Ngài muốn bảo vệ những kẻ yếu đuối, đơn sơ, thiếu bản lãnh. Ngài không muốn những Kitô hữu khác lợi dụng, lôi kéo họ, khiến họ mất đức tin, mất niềm hy vọng và mất lòng yêu mến.
Trong bài diễn từ cuối cho các kỳ mục của Êphêsô ở Mi-lê-tô, thánh Phaolô đã khuyên các ông nên coi chừng sói dữ vào đàn chiên, “giảng dạy những điều sai lạc, lôi cuốn các môn đệ đi theo” (Cv 20,30). Làm cớ cho người khác phạm tội là một tội chúng ta ít để ý và ít xưng thú. Chúng ta cho mình có quyền tự do nói và làm điều mình thấy là đúng. Nhưng khi làm như vậy, chúng ta lại không để ý đến những thương tổn có thể gây ra nơi lương tâm của những người anh em yếu đuối trong cộng đoàn, cũng như đến chuyện làm cớ cho anh em mình sa ngã (1 Cr 8, 11.13). Thánh Phaolô nhấn mạnh: phạm đến anh em là phạm đến Đức Kitô. Không thể vì tự do của tôi mà làm mất một người anh em đã được Đức Kitô chết cho (1 Cr 8, 11). Trong cuộc sống nối mạng toàn cầu hiện nay, cái tốt và cái xấu được loan đi xa với tốc độ chớp nhoáng. Một biến cố mới xảy ra ở đây, lập tức cả thế giới đều biết. Nhưng cái xấu xem ra hấp dẫn hơn, mạnh mẽ hơn, dễ bắt chước hơn, khiến con người hôm nay, đặc biệt là giới trẻ, bị ảnh hưởng nặng nề. Làm thế nào để những gương tốt được nhân lên khắp đó đây? Làm thế nào để Giáo Hội bớt đi những viên đá làm người ta vấp ngã? Mong có ngày một giáo dân bình thường cũng biết nhận định đúng sai khi tiếp thu đủ thứ thông tin từ mọi nguồn.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, việc tông đồ của con phải là việc tông đồ diễn tả lòng tốt. để khi thấy con, người ta phải nói: “vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt”. Và nếu có ai hỏi con tại sao con lại hiền lành và tốt như thế, con sẽ trả lời vì con là tôi tớ của một Đấng tốt hơn con nhiều. “Chớ chi bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!” Con muốn sống thật tốt để người ta có thể nói: “Nếu tôi tớ mà tốt như vậy, thì Chủ sẽ tốt đến thế nào!” (Chân phước Charles Foucauld)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn