Giáo xứ Vinh Hương

29.09.2024 – Chúa Nhật Tuần 26 Thường niên B

Thứ sáu - 27/09/2024 21:49
29.09.2024 – Chúa Nhật Tuần 26 Thường niên B

Phúc Âm: Mc 9, 37-42. 44. 46-47

“Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt”.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm 1: GÂY CỚ VẤP PHẠM

Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều gương xấu. Gương xấu lan nhanh nhờ các phương tiện truyền thông, tạo nên một bầu khí ô nhiễm thấm vào buồng phổi. Ngay trong Hội Thánh cũng có kẻ gây gương xấu, khiến cho đức tin một số người gặp khủng hoảng. Ðức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ này: “... thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”. Có thể chúng ta đã ít nhiều gây gương xấu. Cha mẹ làm ăn bất chính khiến con cái mất niềm tin. Nhà tu hành mê say vật chất khiến tín hữu thất vọng. Những phe phái chia rẽ khiến giới trẻ nghi ngờ tình yêu. Có biết bao duyên cớ đẩy đưa một người sa ngã. Nhiều khi chúng ta, vì vô tình hay thiếu khôn ngoan,không biết hạn chế tự do  của mình, nên đã làm tổn thương lương tâm của những người yếu đuối. Tôi có thể gây dịp tội khiến anh em tôi sa ngã, nhưng chính thân xác tôi lại có thể là dịp tội cho tôi. Ðức Giêsu đòi ta chặt tay, chặt chân, móc mắt, nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội. Hội Thánh không bao giờ hiểu đòi hỏi này theo nghĩa đen (nếu thế thì khó mà có một Kitô hữu lành lặn!) Nhưng chúng ta lại không được coi thường tính chất mạnh mẽ và quyết liệt của đòi buộc này.

Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên nếu thấy có người dám chịu cắt bỏ một phần thân thể hầu cứu lấy sinh mạng của mình. Người khôn là người dám từ bỏ một điều quý để giữ lại một điều quý hơn. Chỉ ai coi cuộc sống vĩnh cửu là điều quý nhất, người ấy mới dám hy sinh mắt và tay chân, những gì vốn là tốt, nhưng nay lại thành vật cản trở. Có bao điều thiết thân, gắn liền với đời ta, nhưng nay đã trở thành vật cản trở. Cả những điều ấy, ta cũng phải cắt đứt, đoạn tuyệt. Chấp nhận đoạn tuyệt là chấp nhận đớn đau. Bỏ một tật xấu, một thói quen, một kế hoạch có khi còn đau hơn móc mắt hay chặt tay. Nếu chúng ta can đảm thắng vượt nỗi đau, chúng ta sẽ được tự do thanh thoát. Nếu cần một cuộc giải phẫu để cứu lấy thân xác thì cũng cần nhiều cuộc giải phẫu cho linh hồn. Giải phẫu không phải chỉ là cắt bỏ, mà còn là thay thế: thay ước muốn nơi trái tim, thay lối nghĩ nơi bộ óc, thay cái nhìn nơi đôi mắt, thay cách hành động nơi tay. Ðức Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn. Ðể vươn tới Tuyệt Ðối thì cần hy sinh cái tương đối. Ước gì chúng ta ra khỏi thái độ lấp lửng, nửa vời, và dứt khoát chọn Thiên Chúa là Tuyệt Ðối.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con. Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa. Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa. Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái. Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa. Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt. Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen.

Suy niệm 2: KHÔNG CHỐNG LÀ ỦNG HỘ

Con người thích liên kết với nhau thành nhóm, khi có chung một ngành nghề, một sở thích, một lý tưởng… Các quốc gia cũng thích lập những liên minh để giúp nhau bảo vệ lợi ích của đất nước mình. Khi có những người gắn bó với nhau trong một nhóm thì tự nhiên có những người đứng ngoài nhóm đó. Ta dễ coi những ai ở ngoài nhóm là người xa lạ. Ông Gioan và cả Nhóm Mười Hai thật sự không vui khi thấy có một người lấy danh Thầy Giêsu mà trừ quỷ. Họ khó chịu vì tại sao người này dám làm như vậy. Chỉ ai ở trong nhóm của Thầy Giêsu mới có quyền đó. Bởi thế họ đã cấm anh ta và mách với Thầy chuyện này. Thầy Giêsu hiểu nỗi ấm ức của cả Nhóm, nhưng Thầy coi đây là một cơ hội để giúp họ mở lòng. Các ông chỉ thấy anh trừ quỷ là người ở ngoài Nhóm, nhưng họ lại không thấy anh này có sự gắn bó với Thầy. Anh ấy đã tin vào sức mạnh của Danh Giêsu trên ma quỷ, và đã thành công trong việc trừ quỷ cho người ta, điều mà trước đây chín môn đệ không làm được (Mc 9,18). Thầy Giêsu bảo các môn đệ cứ để anh ta yên. Anh ấy không phải là kẻ thù, nói xấu chống lại Thầy. Anh ấy là bạn của cả Nhóm, dù không ở trong Nhóm. Thầy Giêsu đã phá vỡ nơi trái tim của các môn đệ những hẹp hòi, độc quyền, những tự hào kiêu hãnh. Thầy mở họ ra trước một thế giới bạn bè đông vô kể. Có bao người không phải là kitô hữu hay công giáo mà vẫn làm được những điều tốt đẹp lớn lao nhờ được Thánh Thần Chúa âm thầm ban ơn soi sáng. Chúng ta phải coi những người ấy là bạn.

 Có người ngoài Nhóm trừ quỷ nhân danh Đức Giêsu, cũng có người ngoài cho anh em uống một chén nước, vì anh em thuộc về Đấng Kitô, vì anh em là kitô hữu.Đức  Giêsu nói người ấy sẽ được Thiên Chúa thưởng. Như thế có nhiều người tốt ở ngoài Công giáo. Ta sẽ gặp lại họ trên thiên đàng, những người này được thưởng vì họ đã gắn bó với Giêsu, theo những cách thức mà chính họ không hề biết. Cộng đoàn tín hữu nào cũng có những người bé nhỏ. Họ là những người không có vai vế hay học thức cao. Họ dễ bị lôi kéo, bị tổn thương hay bị quên lãng. Đức Giêsu đặc biệt quan tâm đến họ. Ngài đòi không ai được khinh những người bé nhỏ, vì họ cũng có thiên thần riêng của mình (Mt 18,10). Ngài mời mọi người đón tiếp trẻ nhỏ (Mc 9,37), và cho những người anh em bé nhỏ nhất của ngài được ăn uống viếng thăm, được ân cần săn sóc (Mt 25). Chính thái độ này sẽ định đoạt cuộc sống vĩnh hằng, sẽ khiến họ được Chúa cho đứng bên hữu hay bên tả. Đức Giêsu còn mạnh mẽ bảo vệ người bé nhỏ. Không ai được làm cớ cho một người bé nhỏ vấp ngã, nghĩa là làm họ mất đức tin hay phạm tội (Mc 9,42). Người gây cớ sẽ phải chịu hình phạt rất nặng nề, vì đã làm một người yếu đuối mất ơn cứu độ. Thầy Giêsu mở rộng tầm nhìn của Nhóm Mười Hai, để họ thấy những người ở ngoài và tín hữu ở trong, những người đang làm phép lạ và đang cho họ ly nước, những thiểu số bị phân biệt đối xử trong cộng đoàn. Nhóm Mười Hai sẽ là những người lãnh đạo Giáo Hội. Thầy mời họ đón nhận và không loại trừ một ai, để vòng tay Giáo Hội mở ra đến vô cùng, để từ bây giờ, mọi người đã bắt đầu vào Nước Thiên Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa là Cha của gia đình nhân loại, Chúa đã sáng tạo mọi người bình đẳng về nhân phẩm. Xin hãy đổ vào lòng chúng con tình huynh đệ, và gợi lên nơi chúng con ước mơ làm mới lại các cuộc gặp gỡ, đối thoại, công lý và hòa bình. Xin hãy thúc đẩy chúng con tạo ra những cộng đồng lành mạnh hơn, và một thế giới cao quý hơn, thế giới không có đói nghèo, chiến tranh hay bạo lực. Xin cho trái tim của chúng con mở ra trước mọi dân tộc và quốc gia trên mặt đất. Xin giúp chúng con nhận ra sự thiện mỹ mà Chúa đã gieo nơi lòng từng người chúng con, nhờ đó chúng con rèn đúc mối dây hiệp nhất, chia sẻ những dự án và những giấc mơ chung. Amen. (Đức Thánh Cha Phanxicô)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây