Giáo xứ Vinh Hương

Đức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ 3 sẽ sống lại

Thứ tư - 18/04/2012 20:00

Đức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ 3 sẽ sống lại

- Suy niệm Chúa nhật 3 Phục sinh

Lc 24,35-48 - Câu chuyện được Thánh Luca kể lại hôm nay rất giống với những tình tiết của một bộ phim kinh dị: 2 môn đệ Emmaus trở về rất nhanh, có lẽ vừa đi vừa chạy trên một quãng đường dài khoảng 12 km, họ đang ‘hớt ha hớt hải’ kể lại những câu chuyện Thầy đã nói và đã làm với họ, thì thình lình ‘ai đó’ xuất hiện giữa họ - dù cửa đóng kín mít, ai nấy đều kinh hồn bạt vía… người lạ hôm ấy là Đức Giêsu Phục Sinh. Đây là cuộc hiện ra của Chúa Giêsu với 10 môn đệ (không có ông Tôma). Chúa hiện ra quá thình lình nên ai nấy đều hoảng hốt và ngờ vực tưởng là ma. Để trấn an họ, Chúa mời họ xem chân tay thân thể Người và Chúa còn ăn một khúc cá nướng trước mặt mọi người. Thực ra hành động ăn ở đây chỉ mang tính cách tượng trưng – cố ý chứng minh sự hiện diện đích thực của thân xác Đấng Phục sinh chứ không phải hồn ma, vì thân xác Chúa Phục sinh không cần phải ăn uống bình thường như chúng ta nữa.
 
Thực ra, trong khoảng 40 ngày sau khi phục sinh, Chúa hiện ra nhiều lần với các tông đồ với nhiều tang chứng rành rành để cho họ thấy Ngài vẫn sống và để nói cho họ về Nước Thiên Chúa (Cv 1,3). Tuy vậy, trong pho sách Tân ước, những câu chuyện được kể lại cách rành mạch cũng rất ít: hiện ra với bà Maria Macdala, hiện ra 2 lần với các môn đệ trong phòng tiệc ly và 1 lần nơi bờ hồ, hiện ra với 2 môn đệ đi Emmaus, hiện ra với ông Phêrô (Lc 24,34) với ông Giacôbê và có lần với hơn 500 người (1cor 15,6). Những lần hiện ra ở ngoài không gian rộng rãi, Chúa chẳng làm ai sợ cả, duy chỉ có 2 lần hiện ra trong phòng đóng kín cửa vì sợ người Do Thái thì sự xuất hiện bất thình lình của Chúa đã làm cho các tông đồ hết sức hoảng sợ. Đôi lúc ta tự hỏi 'tại sao Chúa không gõ cửa nhỉ, vì như vậy các tông đồ sẽ không hoảng loạn?- Thực ra, Chúa Phục sinh luôn ở giữa các môn đệ ngày xưa và luôn hiện diện giữa nhân loại hôm nay, nhưng cách thế 'hiện ra' thế nào là quyền tự do của Ngài: có lúc rất bình thường nhưng có lúc lại làm ta bất ngờ…Tuy vậy, mỗi cuộc gặp Ngài đều đem lại bình an cho con người.

 Trong các trình thuật về sự kiện Chúa Phục sinh và trong các bài giảng của các Tông đồ thời Giáo hội sơ khai, chúng ta nhận ra nội dung cơ bản: “Kinh Thánh chép rằng Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại”. Với hai môn đệ Emmaus, Chúa Giêsu dẫn giải từ Kinh Thánh Cựu ước những điều đã được nói về Ngài, Chúa mở trí lòng họ hiểu những điều Chúa đã nói trước đây khi còn ở với họ, lòng họ đã bừng lên khi nhận ra rằng “Đức Giêsu phải chịu thương khó rồi mới bước vào vinh quang” (Lc 24,26-27). Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa cũng nói với các môn đệ một nội dung tương tự, Chúa mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh: những điều ghi chép trong sách Cựu ước về Thầy đều phải được ứng nghiệm ‘Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ 3 từ cõi chết sống lại’. Cũng chính nội dung nầy, khi được Thánh Phêrô trình bày lần đầu tiên cho công chúng, đã gây nên một chấn động lớn trong cử tọa: “Mọi người đấm ngực ăn năn, họ thưa với ông Phêrô ‘chúng tôi phải làm gì?” – Chịu phép rửa nhân danh Đức Kitô để được ơn tha tội. Ngày hôm ấy đã có chừng 3000 người gia nhập đạo (Cv 2,37-41).
 
Thập giá Đức Kitô là cớ vấp phạm cho người Do Thái và là sự điên rồ đối với người dân ngoại (1cor 1,23); còn sự sống lại là một đề tài mà người Hy lạp cho là điều nhảm nhí (Cv 17,32). Đối với Kitô hữu, qua thập giá tới vinh quang là con đường tất yếu: “Ai muốn theo Ta, hãy vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Mt 16,24). Nhưng thật ra đi theo lộ trình nầy là một hành trình vất vả, đi vào con đường hẹp, đi ngược dòng đời… bởi đó chúng ta  phải luôn xin Chúa cho mình biết vui lòng vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Mỗi lần Chúa viếng thăm ta, Chúa đều soi lòng mở trí để ta hiểu: người kitô hữu cũng phải bước đi trên con đường thập giá mới được vinh quang, phải chết cho tội lỗi để tái sinh trong ơn nghĩa Chúa, không có con đường nào khác để đạt ơn cứu rỗi ngoài con đường hy sinh, từ bỏ, hiến thân vì anh em… càng trở nên giống Chúa trong cái chết hằng ngày thì càng chắc chắn được hiển vinh với Chúa mai sau.
 
Được trở thành nhân chứng Chúa Phục sinh là một ân phúc, nhưng cũng là một thách đố. Trong một nền văn hóa mà luật pháp và mọi người đều quy chiếu những sinh hoạt của mình vào Tin Mừng, đều có chung một niềm tin vào Thiên Chúa là cội nguồn và cùng đích vũ trụ, thì việc làm chứng cho Đức Kitô không mấy khó khăn. Nhưng trong một xã hội kỳ thị tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng, một xã hội đề cao quá đáng cái tôi của mình như là chủ tể mọi sự trên đời thì làm chứng nhân cho Chúa Phục sinh là một thách đố. Thách đố trước hết là chính bản thân mình khó mà vững tin mãi và thách đố xã hội gây ra: hạn chế tôn giáo thể hiện niềm tin qua việc giáo dục, bác ái, truyền thông; người ta đưa ra những luật lệ trái ngược với niềm tin và luân lý Kitô giáo về hôn nhân gia đình, sự sống … để xếp các Kitô hữu như những người ương ương dở dở, sản phẩm lỗi thời của xã hội hiện đại; người ta tấn công vào Giáo Hoàng và các linh mục, việc tốt lớn thì không nói tới, vậy mà chỉ cần một chuyện xấu nhỏ tí thì các hãng truyền thông thổi phồng lên như bong bóng, hầu mong tiếng nói của ‘các vị’ chẳng ai thèm nghe.
 
Giáo hội trường tồn là một bằng chứng hùng hồn của Đấng Phục sinh. Sách Công Vụ Các Tông Đồ có kể lại cuộc họp của giáo chức Do Thái để tìm ra kế sách đối phó với môn đệ ông Giêsu, ông Gamaliel nói: “Nếu đây là việc của loài người thì nó sẽ tự tan rã khi thủ lãnh đã bị giết, nhược bằng là do tự Thiên Chúa thì các ngài sẽ không thể phá hủy đã rồi, mà còn lâm họa trở thành những kẻ đối địch với Thiên Chúa!” (Cv 5,38-39). Từ một nhóm nhỏ 12 tông đồ ngày xưa ấy, Giáo hội vẫn trường tồn dù luôn bị cấm cách truy đuổi tứ bề, vì “Cha Ta hằng làm việc và Ta cũng làm việc” (Ga 5,17). Vậy mỗi người hãy góp một chút sức mình để Chúa Phục sinh rảo bước trên các nẻo đường trần thế hôm nay.

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây