Giáo xứ Vinh Hương

Hãy ở lại trong tình thương của Thầy

Thứ sáu - 11/05/2012 17:42

Hãy ở lại trong tình thương của Thầy

- Thực thi điều răn của Chúa là “yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con”.
Ga 15,9-17
Chúa Giêsu tha thiết mời gọi chúng ta hãy ở lại trong tình yêu của Ngài bằng cách thực thi điều răn của Chúa là “yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con”. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng ‘điều quan trọng của Đạo là thực hành Lời Chúa’,  được ví như người khôn xây nhà mình trên đá: “Không phải những kẻ nói với Ta Lạy Chúa lạy Chúa là được vào nước trời, nhưng là kẻ thi hành ý muốn của Chúa” (Mt 7,21).

Điều vẫn xảy ra là nhiều người có đạo nhưng không sống đạo. Ngày nay, nhiều nhà thờ ở Châu Âu trở nên trống trải, vì ở đó người ta chỉ đến nhà thờ vào những dịp quan trọng trong đời: để rửa tội, hôn phối, an táng và thình thoảng vào dịp Giáng Sinh hay Phục sinh… ngoài ra họ rất xa lạ với nhà thờ. Nếu không cùng nhau cầu nguyện và có sự hiệp thông với nhau, nếu không nghe Lời Chúa và các giảng dạy… thì làm sao nhận ra ý muốn của Chúa?

Giáo sư Kreeft là một người bênh vực đạo Công Giáo nổi tiếng nhận định: “Hồi giáo xem ra sẽ vượt Kitô giáo một cách thực thụ, khi mà tín hữu Kitô phản bội căn tính riêng của mình với sự yêu đuối, với sự tục hóa và thái độ sống thờ ơ. Hầu như tại khắp nơi bên Âu châu tín hữu Hồi tin vào Hồi giáo mạnh mẽ hơn là tín hữu Kitô tin vào Kitô giáo. Tín hữu Hồi thực hành nhiều nhân đức Kitô hơn là các Kitô hữu, đặc biệt là tình yêu thương đối với các gia đình đông đúc. Người Hồi đã tìm chinh phục Kitô giáo bằng vũ khí trong một ngàn năm, nhưng họ đã thất bại, nhưng giờ đây họ có một khí giới mạnh mẽ và hữu hiệu hơn nhiều: đó là các bà mẹ và các trẻ em. Tín hữu Hồi giáo có cái chí, có sức mạnh tinh thần, có ý chí chiến đấu, đau khổ và hy vọng. Chắc chắn chúng ta hơn cha ông của chúng ta trong các nhân đức nhẹ nhàng như sự từ bi, sự lịch thiệp và thông cảm; nhưng chúng ta yếu kém hơn các vị trong các nhân đức mạnh mẽ như lòng can đảm, sự khiết tịnh và liêm chính đối với chính mình. Kitô giáo đang suy đồi, đang chết tại Âu châu, không phải vì các lý do ngoại tại, như một cây xà lách, nhưng vì các lý do nội tại, từ bên trong, giống như một củ khoai tây. Nó đang bị thay thế bởi một chủ nghĩa khoái lạc trần tục được xã hội kính trọng. Ðại lục xưa kia là vùng đất Kitô đã đánh mất đi nỗi đam mê của mình. Nỗi đam mê duy nhất của nó hiện nay là dục vọng, chứ không phải là tôn giáo. Ðây là lý do khiến cho nó đang thua Hồi giáo. Nỗi đam mê mạnh hơn sẽ luôn luôn chiến thắng”. Còn bà Angela Merkel đương kim thủ tướng Đức và là một người Tin Lành đã nhận định: “Không sợ có quá nhiều Hồi giáo mà chỉ sợ quá ít Kitô giáo”.

Chúa Giêsu tự giới thiệu: “Ta với Cha là một, Ta không làm gì hay nói gì mà không phải do Cha truyền dạy, Thầy đã giữ các điều răn của Cha nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người”. Giới răn Chúa ban không phải để làm cho con cái Ngài phải buồn khổ mà là được hưởng niềm vui trọn vẹn. Ở đây ta lại thấy xuất hiện 2 con đường dẫn đến hạnh phúc rất xung khắc nhau: con người chủ trương tìm hạnh phúc trong viễn tượng làm theo sở thích của mình; trong lúc Chúa Giêsu lại chỉ cho ta biết con người chỉ hạnh phúc thực sự khi sống trong lời dạy của Chúa và được hưởng tình yêu Chúa. Bí quyết hạnh phúc ở đây là tìm cách điều hợp ý muốn của mình tương hợp với ý muốn của Thiên chúa: “Tiên vàn, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho” (Mt 6,23). Điều trớ trêu là con người dường như sợ mắc lừa Thiên Chúa và không dám liều để buông tay ra, họ chọn thái độ tự lo liệu cho mình - vì như vậy họ yên tâm hơn … Thiên Chúa trở nên thừa thãi và không ăn nhập với cuộc đời họ.

“Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”. Chúng ta vẫn thường nghe điều nầy khi tham dự lễ truyền chức linh mục hay lễ khấn dòng của một tu sĩ. Các vị đó nói lên những cảm nghiệm rất thật về cuộc đời mình, dù nhiều khi người ngoài cuộc khó cảm nghiệm: “Dù con đây mọn hèn bất xứng, nhưng Chúa đã cho con được trở thành bạn hữu của Chúa và là người yêu của Chúa… tất cả đều là hồng ân Chúa ban”. Nhiều khi ta bị ám ảnh bởi câu nói của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Mc 8,24), để thấy rằng hành trình theo Chúa là do sự gắng sức của con người và ta dễ trở nên tự mãn vì những điều mình làm cho Chúa, những việc mình phục vụ Giáo hội. Đừng quên rằng Thiên Chúa luôn đi bước trước và không ngừng tìm kiếm con người, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại Con Một mình và còn đồng hành với nhân loại cho đến ngày tận thế; phần mỗi người, hãy khiêm tốn làm mọi việc vì tình yêu Chúa thúc đẩy, với ý thức mình chỉ  là đầy tớ vô dụng
Chúa Giêsu đem ra một sự so sánh: người tôi tớ không biết việc chủ làm, còn người bạn hữu biết những việc làm và tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại hình ảnh hai người con trong Tin Mừng Luca (Lc 15,11-31): người anh tuy không đi ra khỏi nhà cha, nhưng anh phục vụ cha như một người làm công, không hiểu lòng Cha; người con thứ đi hoang trở về, hiểu được tình thương vô bờ bến Cha dành cho mình và anh đáp lại tình thương đó. Thiên Chúa gọi mỗi người chúng ta là bạn hữu, hãy sống cho xứng đáng danh hiệu đó: “Anh em hãy mang trong mình những tâm tư của Đức Kitô” (Philip 2,5). Chúng ta phải có những thao thức của Chúa, lối sống và cách cư xử giống như Chúa, và nhất là giống trong việc vâng phục ý Chúa Cha.

“Điều răn quan trọng nhất là anh em hãy yêu thương nhau”. Yêu thương thì không kỳ thị và loại trừ: Ông Mahatma Gandhi rất cảm phục tinh thần bài giảng trên núi của Chúa Giêsu, nó gợi hứng cho đường lối đấu tranh bất bạo động của ông, tuy nhiên ông không bao giờ còn bước chân đến một nhà thờ Kitô giáo nào nữa, vì một lần ông bị xua đuổi khỏi một nhà thờ dành cho người da trắng. Ta có thể nói rằng thiên đàng hiện diện ngay trên trái đất khi có tình yêu thương ngự trị; và điều ngược lại hỏa ngục xuất hiện khi người oán ghét người. Khốn nỗi ai trong chúng ta cũng muốn được người khác thừa nhận và được yêu mến. Lòng thèm khát quá độ khiến ai cũng muốn làm thầy người khác về chữ nghĩa, hiểu biết, kinh nghiệm. Lòng kiêu ngạo luôn sục sôi trong lòng người, ai cũng muốn chứng tỏ mình hơn người. Thánh Gioan nói: “Từ nguồn sung mãn của Người, hết thảy chúng ta lãnh nhận hết ơn nầy đến ơn khác” (Ga 1,16). Giáo lý nhà Phật dạy:“Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình. Thất bại lớn nhất của đời người là tự cao tự đại”.

Mỗi ngày ta phải đấu tranh với chính mình để sống đức yêu thương. Trong bài ca đức mến (1Cor 13,1-13), Thánh Phaolô nói đức mến lớn hơn cả đức tin và đức cậy: nếu tôi nói được các thứ tiếng nhân loại và thiên thần, nếu tôi thông biết mọi sự nhiệm mầu và chuyển dời được núi non, nếu tôi đem hết gia tài mà phát chẩn và nếu tôi nộp mình chịu thiêu… mà tôi không có lòng mến thì tôi không được ích gì. Hãy thanh luyện khỏi tâm hồn và môi miệng ta những giận ghét anh em, những khoe khoang khoác lác, những ích kỷ và vui mừng trước bất công… để được trở thành bạn hữu của Đức Kitô và hưởng nếm niềm vui trọn vẹn. Và hãy làm mọi việc vì tình yêu: tình yêu như chiếc đũa thần có thể biến những hành vi bình thường của ta thành giá trị trước mặt Chúa; bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, nếu nhớ tới Chúa, hãy thưa với Ngài: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa. Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con”.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây