Giáo xứ Vinh Hương

Đức Giêsu là mục tử nhân lành

Thứ năm - 26/04/2012 08:33
- Đức Giêsu là mục tử nhân lành .Tin Mừng chúa nhật 4 Phục sinh
Đức Giêsu là mục tử nhân lành
Ga 10,11-18
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Chúa nói rõ ràng tên gọi và phẩm tính của tên gọi đó. Có thể người nghe hôm ấy không hiểu rõ điều Chúa muốn nói, nhưng chúng ta thì hiểu rất rõ rằng Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống mình cho nhân loại được sống dồi dào: cái chết tự nguyện trên thập giá là để quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác về một mối (Ga 11,52) Tuy vậy, biết là một chuyện, điều quan trọng là chúng ta cảm nghiệm thế nào về tình yêu đó, có biết trở thành những mục tử tốt của nhau và có biết trở thành những con chiên hiền lành trong đàn chiên Chúa hay không?
 
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa dường như không muốn nói ra tên mình, chỉ khi ông Moisen nài ép quá, thì Chúa mới tỏ cho biết: “Ta là Đấng Tự Hữu” (Xh 3,14). Thế nhưng Chúa Giêsu lại tự giới thiệu chính mình với nhiều danh xưng: Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,5) Ta là Cửa chuồng chiên, ai ngang qua Ta mà vào thì sẽ được cứu (Ga 10,9) Ta là Bánh Hằng Sống, ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ (Ga 6,35) Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Ta sẽ không bao giờ phải chết (Ga 11,25-26) Thầy là cây nho, chúng con là cành, cành nào kết hợp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái (Ga 15,1) Ta là vua, Ta sinh ra và đến trong thế gian nầy là để làm chứng cho sự thật (Ga 18,37) Cha với Ta là một (Ga 10,30) Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng nó sẽ có ánh sáng ban sự sống (Ga 8,12). .. Chúng ta có thể thấy rằng danh xưng ‘mục tử’ rất gần gũi và hàm súc nhiều ý nghĩa: sự chăm sóc của người mục tử tốt rất chủ động, kéo dài, cá biệt, hy sinh âm thầm và đến mất mạng để chiên sống dồi dào; ngược lại, người mục tử xấu thì lợi dụng chiên để phục vụ cho tư lợi của mình: sữa thì uống, lông thì xén, thú dữ đến thì bỏ mặc.

Trong Cựu ước, Thiên Chúa được xưng là người mục tử dẫn dắt Israel: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu gì” (Tv 23,1); những người lãnh đạo dân tộc cũng được gọi là mục tử: “khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình, nào các mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao” (Ez 34,2). Lời Chúa Giêsu nói với chúng ta có một âm vang kỳ lạ làm ấp áp cõi lòng: “Tôi chính là mục tử nhân lành”, nên hãy tin tưởng nơi tôi và hãy an tâm, đừng sợ! Kế hoạch của Thiên Chúa là Chúa Giêsu chịu chết để chuộc tội cho thiên hạ đã rõ ràng và được mạc khải từ thời Cựu Ước và nhất là trong Tân Ước. Khi ông bà nguyên tổ sa ngã, Chúa đã nói với con rắn: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân” (Kn 3,15). Tiên tri Isaia nói rất rõ ràng: “Chính các bệnh tật của chúng tôi, Ngài đã mang; chính các đau khổ của chúng tôi, Ngài đã vác. Nhờ những vết hằn Ngài chịu, chúng tôi có phương được chữa lành” (Isaia 53, 4-5). Thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Chúa với các môn đệ mình: “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Trong bữa tiệc ly, Chúa cầm bánh và chén rượu, Ngài nói: “Này là Mình Ta sẽ bị nộp vì các con. Này là chén Giao ước mới trong máu Ta, phải đổ ra vì các ngươi” (Lc 22 19-20). Chúa còn nói: “Mạng sống của Tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và tôi có quyền lấy lại”(Ga 10,18).

Lòng biết ơn là khởi đầu cho mọi điều tốt đẹp trên thế gian nầy, vì người không nhận ra những ân huệ mình đã nhận thì tưởng rằng mình không mắc nợ ai và cũng không phải trả ơn ai, thế nên cuộc đời họ dễ trở nên tầm thường. Một người con trong gia đình, dù lãnh nhận đủ thứ để được lớn lên và thành người, dễ vô ơn khi cho rằng tất cả đều là bổn phận của cha mẹ - không có chỗ cho hy sinh và tình thương ở đây. Một con người, dù được sinh ra một cách rất huyền nhiệm trên địa cầu xinh đẹp nầy, dễ trở nên buông thả vì nghĩ rằng mọi sự đều là tự nhiên mà có. Thế nhưng, người con cái Chúa nhận ra vũ trụ là do Đấng Tạo Thành mà có, Ngài lại còn ban tặng cho nhân loại người Con yêu dấu và Ngài vẫn hằng làm việc để muôn loài tiến về cứu cánh xinh đẹp… thì sẽ biết nỗ lực để cộng tác vào chương trình của Chúa: “Tôi hoàn thành trong thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu vì thân mình Ngài là Hội thánh” (Col 1,24). Cảm nhận được sự săn sóc hằng ngày của Người mục tử nhân lành đối với mình là cội nguồn của ân phúc và an bình vậy.

Lời tự giới thiệu của Chúa Giêsu “Tôi là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” không phải là một lời nói suông và mang tính quảng cáo, nhưng đã được chứng minh bằng nước và máu đổ ra trên thập giá. Ngày cầu nguyện cho ơn Thiên triệu, chúng ta cầu nguyện cho các mục tử trong Giáo hội biết hiến mình để đàn chiên mình chăm sóc được sống dồi dào. Mỗi người cũng hãy nghĩ đến mình, vì từng người chúng ta cũng đều là mục tử cách nào đó trong các quan hệ cuộc sống: ai cũng có những người để quan tâm săn sóc – khích lệ nhau trong đức bác ái và các công việc lành" (Dt 10,24). Thánh Phaolô dạy: “chồng hãy yêu thương vợ như Đức Kitô hiến mình vì Hội Thánh (Eph 5,25), vợ hãy phục tùng chồng (Col 3,18), con cái hãy vâng lời cha mẹ” (Eph 6,1)…như vậy chẳng phải là mỗi người đều phải sống nhân đức ‘hiến mình’của người mục tử đó sao. Khi phục vụ nhau trong tinh thần người mục tử, ta phải làm vì tình yêu Chúa thúc đẩy, vì đó là ý Chúa muốn, đừng làm vì hư danh hoặc vì kiêu ngạo. Bài Tin Mừng hôm nay còn nêu lên một nhân đức rất cần thiết cho mọi người, đó là nhân đức ‘tuân phục’ của con chiên. Lòng kiêu ngạo như lò lửa lồng lộn trong tâm mỗi người, khiến ai cũng muốn tỏ ra mình tài giỏi và là thầy thiên hạ, không muốn tùng phục ai. Bởi đó hãy học nơi Chúa Giêsu (Mt 11,29) để trở nên những con chiên ngoan hiền, biết vâng lời nhau và vâng theo sự thật, cho dù người nói lên sự thật là vợ con mình hay kẻ một kẻ rất hèn mọn, vì một hành động được làm vì vâng phục sẽ có giá trị lớn lao trước mặt Chúa.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây