Giáo xứ Vinh Hương

Thầy là cây nho, chúng con là cành nho

Thứ sáu - 04/05/2012 09:18

Thầy là cây nho, chúng con là cành nho

- Cành nho không thể tự mình sinh trái nếu không gắn liền với thân nho.

 
Trong kỹ thuật nông nghiệp hiện đại, tháp ghép là phương pháp vừa thông dụng vừa mang lại hiệu quả kinh tế: nhựa được hút bởi bộ rễ của gốc cây khỏe để nuôi mầm ghép mang những đặc tính mới: ưu việt về sản lượng và phẩm chất. Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho để diễn tả về Giáo hội mà Ngài thiết lập: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Thánh Phaolô sánh ví Giáo hội như một thân thể có Chúa Kitô là đầu (Col 1,18) và mọi người là chi thể trong thân thể mầu nhiệm đó (Eph 5,30). Sự liên kết trong thân thể mầu nhiệm đó được khởi đầu với bí tích rửa tội, là cửa vào Giáo hội và chính Thánh Thần làm cho thân thể mầu nhiệm đó được sống.

Nhờ bí tích rửa tội, mọi người được lãnh nhận cùng một Thần Khí, được gọi Thiên Chúa là Cha và là anh em với nhau: “Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cor 12,13). Sự hiệp thông của thân thể mầu nhiệm còn được củng cố bởi Bánh Thánh Thể “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cor 10,16-17). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn nói tới một yếu tố tạo nên sự mật thiết với thân nho là ‘lời Thầy ở lại trong anh em’: Mẹ và anh em Chúa là kẻ nghe và giữ Lời Thiên Chúa. Chính Lời Chúa làm cho “anh em được thanh sạch” để sinh nhiều hoa trái là các việc lành. Quả vậy, chính Lời Chúa có sức biến cải tâm hồn nhiều vị thánh, chúng ta có thể kể ra: Thánh Augustinô, Thánh Phanxicô Xaviê, Thánh Phanxicô Assidi…

Dân Israel là gốc nho cũ mà Chúa cha đã tháp ghép mầm nho mới là Giáo hội vào. Thật vậy, giao ước Sinai được ký kết bằng máu chiên bò nay được thay thế bằng giao ước mới được ký kết bằng Máu Thánh của Chiên Thiên Chúa: “Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con”. (Dt 10,6-7); mạc khải Cựu ước là Lời Thiên Chúa phán dạy qua các tiên tri nay được hoàn tất bởi môi miệng của Ngôi Lời (Dt 1,1-2). Sự thánh thiện của giao ước cũ là trung thành tuân giữ lề luật Moisen, nhưng sự thánh thiện của Giáo hội nằm ở chỗ tin vào Đức Kitô và tuân giữ Lời của Ngài.
 
Chúa nói với chúng ta những điều xem ra quá bình thường “cành nào lìa cây sẽ khô héo liền - Cành nào sinh trái thì Người cắt tỉa để nó sinh nhiều hoa trái hơn”. Nếu một ngón tay bị đứt lìa khỏi thân xác, không được máu nuôi dưỡng thì liền trở nên bất động và bị hủy hoại. Điều tự nhiên trong trật tự tự nhiên đó lại không rõ ràng và dễ hiểu trong đời sống siêu nhiên: một cục than hồng được gắp ra khỏi lò sẽ tắt dần và trở nên nguội lạnh; cũng vậy, một Kitô hữu tự tách mình ra khỏi đời sống phụng vụ và bí tích, không còn thông hiệp với Giáo hội hoàn vũ…sẽ khô héo trong đời sống ân sủng. Một người Kitô hữu không thể nên thánh một mình mà không liên kết với Đức Kitô và với anh em mình, vì một đời sống đạo như thế sẽ rất nghèo nàn. Một người tín hữu sẽ trở nên quảng đại và trưởng thành hơn khi tham gia những sinh hoạt trong giáo xứ, khi biết ‘từ bỏ mình’ để phục vụ tha nhân. Xem ra Thiên Chúa Cha là người làm vườn cần mẫn, không bỏ bê cây nho một chiều, không lãng quên mà biết rõ từng cành một… đây là mầu nhiệm Chúa Quan phòng. Thiên Chúa cắt tỉa tâm hồn ta bằng Lời Chúa, bằng các biến cố vui buồn, bằng tha nhân quanh ta: ‘lửa thử vàng, gian nan thử đức’.
 
“Cành nho không thể tự mình sinh trái nếu không gắn liền với thân nho. Cũng vậy, nếu không có Thầy, các con không thể làm được gì”. Chúa nuôi ta bằng Mình Máu mình và bằng Lời hằng sống, nên nếu không có Chúa thì tâm hồn ta trở nên nguội lạnh và không thể sinh hoa trái được. Điều đó là rõ ràng, nhưng ở đây còn có một điều cần lưu tâm: sự hoạt động của Chúa. Mệnh lệnh truyền giáo của Chúa: “Các con hãy đi khắp muôn dân, rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho họ. Và này Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20) luôn được ứng nghiệm cả hai phần. Phần đầu thể hiện ý muốn của Chúa, cần sự vâng phục và cộng tác của con người; còn phần sau là một bảo đảm của Chúa: sức mạnh của hoạt động truyền giáo và cải hóa các tâm hồn là ở nơi Chúa. Giáo hội đã luôn đề cao đời sống cầu nguyện, bởi thế Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu được tôn phong lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh và đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Đức cố Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận đã nghiệm ra một nguyên tắc sống rất quan trọng ‘chọn Chúa chứ không phải công việc của Chúa’: Ngài bị giam cầm, cảm thấy mình vô dụng trong khi lòng còn ôm ấp nhiều dự tính mục vụ, một ngày nọ Ngài nghiệm ra nguyên tắc trên và Ngài cảm thấy an bình chấp nhận điều Chúa muốn trong hiện tại. Linh đạo của người Kitô hữu là sống đời sống cầu nguyện – nhất là với bí tích Thánh Thể và đời sống cầu nguyện đó được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, nhờ vậy họ biết tìm vâng phục ý Chúa trong cuộc đời.
 
Điều Chúa Giêsu tha thiết nói với chúng ta là “hãy ở lại trong Thầy và hãy sinh nhiều hoa trái”. Ở lại trong Chúa ở đây là có một đời sống gắn bó mật thiết với Chúa: sạch tội trọng, cầu nguyện liên lỷ, cậy dựa và tin tưởng vào Chúa trong mọi sự. Hãy trổ sinh những hoa trái nhân đức là các việc lành, điều này đẹp lòng Chúa và làm cho Thiên Chúa được tôn vinh. Sách khải huyền nói với chúng ta một lời cảnh báo: “Vì ngươi hâm hẩm như thế, và chẳng nóng chẳng lạnh, thì Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,16).
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây