Giáo xứ Vinh Hương

Hãy sống như người khôn ngoan

Thứ năm - 16/08/2012 16:24

Hãy sống như người khôn ngoan





Hãy sống như người khôn ngoan

 
 
Khôn và dại thường đối nghịch nhau giữa hai hạng người, nhưng nó cũng xảy đến trong một con người khi xét về những lãnh vực khác nhau và vào những thời điểm khác nhau. Trong ba bài đọc Kinh Thánh được sử dụng hôm nay nói về chuyện khôn và dại trên lãnh vực tu đức: người khôn là người hiểu biết thánh ý Thiên Chúa và bước theo Thần Khí, còn kẻ khờ dại thì say sưa những chuyện phù phiếm đời nầy (Ep 5,17-18; Cn 9,6). Và trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói rõ: người khôn là người ăn thịt và uống máu Người, vì kẻ ấy sẽ được sống muôn đời.
 
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu xác quyết một điều rất quan trọng, và chính điều đó làm nên trung tâm phụng vụ Kitô giáo: “Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở trong kẻ ấy”. Nói đến việc ăn thịt và uống máu một ai đó là một điều rất khó chấp nhận, vì nó mang tính man rợ và chỉ xảy ra trong những hoàn cảnh hết sức bi đát. Thế nhưng Chúa Giêsu đã ban thịt và máu Người cho nhân loại như bánh trường sinh để họ được sống đời đời, và đó là một hành vi tự hiến vì tình yêu cao cả của Con Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể là một sáng kiến diệu kỳ của Thiên Chúa để Người có thể đi vào trong từng người con cái mình khi họ đến bàn tiệc Thánh. Sự hiến tế của Chúa Kitô trở nên thịt và máu nuôi loài người được thực hiện vào chiều ngày hôm sau trên đồi Calvê và mỗi lần ta lãnh nhận banh Thánh Thể là mỗi lần ta hưởng dùng sự dịu ngọt của quả phúc cứu độ mà Chúa Giêsu mang lại. Ta tự nghĩ: giả như có có một vị đại ân nhân đã hy sinh mạng sống để cứu quả địa cầu nầy khỏi phải tiêu vong, mọi người mọi thời đều mang ơn người ấy, hằng ngày kể cho nhau câu chuyện của một thời xa xăm ấy thì câu chuyện đó chỉ đơn thuần là một kỷ niệm. Sự diệu kỳ của bí tích Thánh Thể là ta được trở nên một với người ta yêu mến và được Người biến đổi trở nên thần linh, dù ta sống ở thời khắc nào của lịch sử và dù phận ta thế nào…điều nầy khác với mọi câu chuyện trần gian nào mà ta đã từng nghe. Như vậy, có thể nói bí tích Thánh Thể là ‘bảo chứng’ của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, và cũng có thể nói một cách phiến diện rằng Chúa Giêsu đang chơi trò ‘Tôn Ngộ Không’ với từng người: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”, hay nói đúng hơn tác giả Ngô Thừa Ân đã mượn một số hình ảnh của bí tích Thánh Thể để đưa vào tác phẩm của mình như Tôn Ngộ Không nhập vào yêu ma để đánh nó từ trong bụng, yêu ma ăn thịt nhiều sinh linh để phục hồi năng lực và chúng rình ăn thịt Đường Tăng để được trường sinh…
 
Trong Cựu Ước, chỉ có một lần Thiên Chúa tự giới thiệu về mình: “Ta là Đấng Tự Hữu”(Xh 3,14). Trong Tân ước, khi nói về những mầu nhiệm nước trời, Chúa Giêsu thường dùng những dụ ngôn, những câu chuyện, những lời gợi ý… để giúp người nghe ngộ ra chân lý (Mt 13,3), nhưng khi giới thiệu về chính mình  thì Chúa thường có những lời xác quyết rõ ràng như: “Thầy là Đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy (Yn 14,5). Sự sáng thế gian chính là Ta. Cha với Ta là một (Yn 10,30). Thầy là cây nho mà chúng con là cành. Ta là mục tử nhân lành, Ta là cửa ràn chiên – ai qua ta mà vào thì sẽ được cứu (Yn 10,9). “Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh nầy thì được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Yn 6,51).
 
Người Do Thái hiểu rất rõ và chính xác lời xác quyết của Chúa Giêsu về bánh hằng sống là thịt và máu Người, nên họ nêu lên những câu hỏi:  “tại sao lại có thể như thế được?”. Những người Kitô hữu hôm nay không còn cảm thấy những lời trên là ‘khó nghe’ nữa, vì họ đã nghe cho đến nhàm tai; nhưng họ lại cảm thấy khó tin hoặc tin không đủ: Chúa Giêsu có hiện diện thực sự đầy đủ cả hai bản tính và linh hồn trong hình bánh rượu chăng? Niềm tin và lòng mến yêu Chúa Giêsu Thánh Thể đã trở nên thước đo mức độ thánh thiện của từng tâm hồn và từng cộng đoàn. Đọc lại tự truyện của những vị thánh, ta thấy các ngài yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể thân tình như một người bạn đang đói khát tình yêu. Ta có thể kể đến Thánh Phanxicô Xaviê, đêm về thường cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể và có nhiều hôm ngủ lăn tại chỗ vì quá mệt; ta có thể nhắc đến kỷ niệm của ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận trong13 năm tù được vững niềm tin vì vẫn dâng lễ thường xuyên, và Thánh Thể đã làm nên những việc hoán cải nơi các bạn tù; ta có thể kể đến tấm gương của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Người mà Đức Bênêdictô 16 nhắc đến như là tấm gương về cầu nguyện cho chính mình, vì mỗi đêm vị tiền nhiệm ấy đã vào nhà nguyện từ lúc 3g sáng, dẫu chương trình sống có bề bộn đến đâu chăng nữa…
 
Đọc thư Thánh Phaolô (Ep 5,15-20), ta liên tưởng đến hình ảnh một người lữ hành đang trên đường trở về quê hương, đang nhắm đích mà tiến tới. Người đó có hai thái độ sống: khờ dại khi ham mê những thứ gặp trên đường đến nỗi quên mất mục đích sống của mình, khôn ngoan biết tận dụng thời buổi hiện tại để tìm kiếm sự trọn lành bằng việc chu toàn ý Chúa. Những lời Chúa dạy trong Thánh kinh, qua thánh truyền và quyền giáo huấn Giáo hội là kim chi nam giúp ta tìm được thánh ý Chúa, những lời thì thầm trong lương tâm, những cảnh huống cuộc đời, những giây phút lặng im bên Thánh Thể sẽ giúp ta thấy được ‘Chúa muốn con làm gì’. Chúa Giêsu cũng xác nhận: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta, và chu toàn công việc của Người” (Yn 4,34); “Hãy lao công đừng vì lương thực hư nát, nhưng vì lương thực mang lại sự sống đời đời”. Như vậy, lương thực của người Kitô hữu là lời Chúa, thịt máu Chúa và ý Chúa.
 
Lòng ham muốn hư danh sẽ đưa ta đi rất xa: lòng tự hào dân tộc và tôn giáo cực đoan dẫn đến tàn sát và khủng bố; lòng tự hào dòng tộc, gia tộc và bản thân quá đáng dẫn đến huênh hoang lố bịch và hạ bệ anh em mãi không chán… Thánh Phaolô khuyên ta hãy cẩn thận xét lại cách ăn nết ở của mình, xem mình đang khờ dại hay khôn ngoan, đang ham mê sự đời nầy hay biết tìm sống theo Thánh ý Chúa, sống theo Thần Khí, đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt trong bài đọc dùng trong Thánh lễ hôm nay, Thánh Phaolô khuyên: “Đừng say sưa rượu chè, vì  nó đưa đến trụy lạc” (Ep 5,18). Sách tu đức dạy: một con chim bị trói buộc bởi một sợi dây nhỏ cũng không thể bay lên được, hãy xét xem mình đang bị trói buộc vì loại hư danh nào khiến nó không thể tiến lên trên đường nhân đức và với sự trợ lực của Chúa, hãy quyết tâm cởi bỏ nó.
 
Lạy Chúa, xin ban cho con Đức Khôn Ngoan hằng ngự bên tòa Chúa, để Người luôn ở với con và lòng con được ăn bánh và uống rượu do Người pha chế, để con biết tìm làm đẹp ý Chúa và biết năng lãnh nhận bánh Thánh Thể với lòng tin mãnh liệt và lòng yêu mến nồng nàn. Amen

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây