Giáo xứ Vinh Hương

Cứ phát cho người ta ăn

Thứ năm - 26/07/2012 10:44

Cứ phát cho người ta ăn

- Cứ phát cho người ta ăn phải chăng là một lời mời gọi trao ban và hiến thân


Quyền năng Thiên Chúa được biểu lộ trong sự yếu đuối. Điều đó được diễn tả trong câu chuyện tiên tri Êlia phát 20 chiếc bánh lúa mạch và một ít cốm do một người biếu cho 100 người đang đói; điều đó càng rõ ràng hơn trong câu chuyện Tin Mừng Gioan kể lại, chỉ 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ của một em bé được phân phát cho 5000 người ăn no nê mà vẫn còn dư.

‘Cứ phát cho người ta ăn’ là một lời mời gọi Chúa không ngừng gửi đến ta mỗi ngày để ta đóng góp sức mình cho việc mở mang nước Chúa. Hành trình đức tin của Abraham, của Mẹ Maria và của từng người phải có sự liều lĩnh: vượt qua cái ít ỏi của bản thân, biết cậy dựa vào quyền năng Chúa để làm việc Chúa muốn. Chúa luôn mời gọi ta ‘ra chỗ nước sâu mà thả lưới’, dù cả đêm trường ta không bắt được con cá nào. Và rõ ràng hơn hết, ‘Cứ phát cho người ta ăn’ là một lời mời gọi truyền giáo: trao ban hồng ân đức tin mà ta đã nhận cách ‘nhưng không’. Bản chất Giáo hội là truyền giáo, Chúa Giêsu quy tụ con cái Ngài trong Giáo hội, nuôi dưỡng họ và sai họ đi rao giảng Tin Mừng (Tông thư Porta Fidei số 7). Nếu ta có một ngọn lửa, ta dùng nó để thắp cho nhiều người trong hội trường thì ai nấy đều có ‘lửa’ mà ngọn lửa của ta cũng chẳng tiêu hao; cũng vậy, tuy khả năng ta giới hạn, kiến thức chẳng có bao nhiêu, lối sống ta cũng khá tầm thường… nhưng Chúa vẫn mời gọi ta: “cứ phát cho người ta ăn”, và chính Chúa sẽ hoàn thành phần còn lại. Nếu ta có lòng tin tưởng vào Chúa thì chắc chắn điều kỳ diệu sẽ xảy ra: mọi người đều ăn no nê mà bánh lại còn dư nhiều, nhiều hơn trước khi phân phát. Nhiều người đã cảm nghiệm sự can thiệp rõ ràng của Thiên Chúa khi họ dấn thân phục vụ cộng đoàn, khi họ điều hành những trung tâm chăm sóc những người bất hạnh trong xã hội.

Trong đại hội giới trẻ 2012, có một chứng từ của một thanh niên như sau: “Giáo họ của tôi không có linh mục, giáo hữu chỉ tập trung để đọc kinh chứ không có các sinh hoạt phụng vụ về bí tích, nên đời sống đạo của tôi và của mọi người rất khô khan, đó là điều dễ hiểu và dễ chấp nhận. Nhưng rồi một hôm tôi nghe một giọng hát rất hấp dẫn của một ai đó đang hát một bài hát về Đức Mẹ và tôi tìm cách để gặp người đó. Đó là một cô gái mù! Tuy giọng hát không thật hay nhưng lại rất truyền cảm vì được hát với trọn tâm hồn. Cô gái cho biết: tuy bị mù, nhưng cô cảm nghiệm được tình yêu Chúa dành cho mình thật lớn lao kỳ diệu, nên thường cất lời tạ ơn và ca tụng Ngài”. Và kể từ đó, cuộc sống của chàng trai ấy đã thay đổi hẳn vì anh ta nghiệm ra Chúa cũng đã ưu ái mình nhiểu lắm chỉ có điều trước đây mình không nhận ra và cứ mải bận tâm đòi hỏi những dấu lạ. Việc dấn thân truyền giáo của các tín hữu - vốn là điều không thể thiếu - kín múc được sức mạnh và năng lực trong sự khám phá hằng ngày tình yêu của Chúa (Tông Thư Porta Fidei). Là những người Kitô hữu được rửa tội từ khi còn ẵm ngửa nên ta dễ xem rằng ơn làm con cái Chúa là một điều tự nhiên và có khi lại là gánh nặng cuộc đời nữa, điều đó dẫn đến một thái độ sống đạo không hăng say và không vui tươi.

Trong bài đọc 1 (2 Vua 4,42-44) đưa ra một con số cụ thể như thế về sự mất cân đối giữa cung cầu: lượng bánh do một người mang biếu làm sao có thể phát cho cả trăm người đang đói. Trong bài Tin Mừng, ông Philipphê cũng đưa ra một con số cụ thể: bỏ ra 200 quan tiền cũng không đủ mỗi người một chút, chưa nói tới việc có tiền hay không và có bánh để mua hay không, vì họ đang ở trên núi! Vậy mà trong cả hai trường hợp, mọi người đều ăn no nê mà số bánh dư còn nhiều hơn lúc khởi đầu, đúng là việc Chúa làm. Những lời của Thánh Phaolô gửi tín hữu Ephêsô được dùng trong các Chúa nhật năm B kế tiếp nhau (Tuần 15 – 21) là những thánh thi ca tụng hồng ân cứu độ và sự hiến thân của Chúa Giêsu để ban sự sống cho Giáo hội mà Ngài thiết lập: Ở đây cũng có sự đối lập giữa tội lỗi và ân sủng, giữa sự trao ban nhưng không của Thiên Chúa và sự bất xứng của con người, giữa sự cao quý của tước vị con cái Chúa và cơn cám dỗ chạy theo các đam mê trần tục của  con người.

Một xã hội dân sự muốn sinh hoạt được là nhờ việc trả lương bổng, đồng tiền bảo đảm cho cuộc sống hiện tại cũng như tương lai cho mình và cả gia đình. Khi vào bệnh viện hoặc những nơi đông đúc, đôi khi người ta đòi quyền ưu tiên một cách quá ồn ào cho một số thành phần nào đó (người già và trẻ em dưới 1 tuổi). Nhưng để làm những công việc có tính cách phục vụ và không được trả lương, người ta cần tấm lòng. Miếng bánh cuộc sống có khi được giành giật bằng vũ lực và sức mạnh, có khi bằng mưu chước và thủ đoạn, nhưng có khi bằng một sự phục vụ tha nhân rất cao thượng đến bất ngờ. Có những giáo xứ mỗi lần bầu bán nhân sự là mỗi lần xầm xì khiến chiếc áo hiệp nhất bị rách ra, bầu bán mãi vẫn không tìm ra người nhận lãnh trách nhiệm cho sinh hoạt giáo xứ được trôi chảy, vì thiếu lòng quảng đại để thưa với Chúa: “Này con đây”. Lời Thánh Phaolô nói với từng người và từng tập thể chúng ta: “Anh em hãy sống xứng đáng với ơn kêu gọi Chúa ban. Hãy sống khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại. Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất, vì có chung một thân thể, một đức tin, một phép rửa, một niềm hy vọng, một Thần Khí và một Cha trên trời. ” (Eph 4,1-3). Một thực tế đáng buồn đang xảy ra trong các giáo xứ là dòng nước trong đang bị pha loãng bởi các trào lưu thế tục, trào lưu hưởng thụ vật chất đang lấn át dần những khát vọng tâm linh: những vụ trả thù bằng bạo lực và phá hoại kinh tế, xả rác vô trách nhiệm, chè chén say sưa đến quên làm việc mưu sinh, bài bạc ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế gia đình, tổ chức đình đám quá rềnh ràng để thỏa tính phô trương mà không biết nghĩ đến người khác – khiến nhiều người mất đức bác ái với nhau chỉ qua một tấm thiệp, cả người gửi và người nhận.

Thái độ theo Chúa của đám đông dân chúng đáng cho ta suy nghĩ: vì họ từng chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Cũng chính đám đông ấy sau nầy đã từng hô hoán đóng đinh Chúa cho chết đi khi thấy Chúa không đáp ứng khát vọng chính trị của họ. Chúa Giêsu biết rõ lòng họ, nhưng Chúa vẫn làm phép lạ hóa bánh ra nhiều và vẫn dạy dỗ họ, vì mọi việc Chúa làm là để cho người ta tin và nhờ tin thì họ được sống. Chúa không làm phép lạ hóa bánh để phô trương bản thân mình, nên khi biết họ có ý định tôn làm vua thì Ngài lánh lên núi một mình, còn dân chúng thì âm thầm giải tán. Trong đời ta, có những lúc được hoan lạc vì những dấu lạ Chúa làm cho mình, những dấu lạ đó là để ta đủ tin, nhưng còn lại là những giây phút bình thường, lúc đó ta nhẫn nại bước theo Thầy Giêsu trên con đường trọn lành: tìm vâng theo ý Chúa. Đừng đánh giá cuộc đời thành công hay thất bại theo kiểu người đời: tiền bạc, danh vọng và hưởng thụ; nhưng là ‘có biết sống thánh giữa đời hay không’. Được xuất hiện và đóng vai trong giây lát trên sân khấu cuộc đời, hãy sống tư cách làm con cái Chúa cách vui tươi: nhắm đích mà tiến tới để đừng lạc đường, học hỏi tài liệu Công đồng Vaticanô 2 và sách GLGHCG để niềm tin thêm xác tín, hãy năng suy nghĩ về cùng đích vũ trụ và của chính mình: tôi từ đâu tới và sẽ đi về đâu? Năm Đức Tin sắp khởi đầu, Giáo hội đưa ra lời mời gọi con cái mình tự canh tân cuộc sống mình, biết trân quý gia tài mình đang có và hồng ân mình đã nhận, để biết hăng say cộng tác vào việc ‘loan báo Tin Mừng’.

Cứ phát cho người ta ăn’phải chăng là một lời mời gọi trao ban và hiến thân, dù cho bản thân ta chẳng có nhiều và chẳng có dư về tài năng, sức khỏe cũng như tiền bạc, vì nếu Chúa muốn thì cái ít ỏi ta trao ban với lòng quảng đại đó sẽ trở nên lương thực cho nhiều người. Cả những lời cầu nguyện và những hy sinh của ta nữa, dù cho rất nhỏ bé nhưng lại vô cùng cần thiết để ý Chúa được thể hiện nơi mình và anh em. Xin Chúa ban cho chúng con lòng quảng đại để biết trao ban không mệt mỏi và không tính toán, để danh Chúa được cả sáng nơi trần gian nầy. Amen.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây