Giáo xứ Vinh Hương

Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống

Chủ nhật - 12/08/2012 18:15

Bánh hằng sống

Bánh hằng sống




Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống

 
Trong chương 6 của Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã lặp đi lặp lại với chúng ta về định đề quan trọng nầy. Dân Do thái rất khó chịu vì câu nói nầy vì hai lý do: Tại sao ông ta có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn? Tại sao ông ta lại tự xưng mình là ‘từ trời xuống’ trong khi chúng ta biết rõ gốc gác của Người? Và ở đoạn kết thúc những tranh luận về bánh, nhiều người Do Thái đã bỏ Chúa, họ nói: “Lời chi mà sông sượng thế, ai nghe cho nổi!” (Yn 6,60).

Thánh sử Gioan dành cả chương sáu để nói về ‘mầu nhiệm bánh’. Khởi đầu từ câu chuyện Chúa làm phép lạ nuôi sống đám đông dân chúng chừng 5000 người, họ theo Người vì đã chứng kiến nhiều phép lạ chữa bệnh. Họ muốn tôn phong Chúa làm vua nên Người phải lánh lên núi và bảo các môn đệ xuống thuyền di chuyển đến một vùng khác ngay trong đêm tối. Ngày hôm sau, dân chúng lại lên thuyền đi tìm Chúa và họ gặp Người ở Capharnaum. Chúa nói thẳng với họ: “Các người tìm tôi vì để được thấy dấu lạ và đã được ăn bánh no nê, hãy tin vào Tôi để có sự sống đời đời, Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”. Nghe những lời ‘lớn lao’ đó, người Do Thái đòi Chúa phải thể hiện dấu lạ để họ tin, chẳng lẽ Chúa còn lớn hơn cả Moisen là người đã can thiệp để có Manna nuôi dân Do Thái nhiều năm trời trong sa mạc, mà đoàn dân ấy cũng chết hết cả rồi! Chúa Giêsu còn có những khẳng định khó nghe hơn: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời” (Yn 6,54-55). Nhiều người đã rút lui. Chúa hỏi các môn đệ có muốn bỏ Người mà đi chăng. Ông Phêrô đã thay mặt anh em để tuyên tín: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai, Thầy mới có những lời đem đến sự sống đời đời”(Yn 6,68).

‘Đức Kitô, Bánh hằng sống cho ai tin Ngài’ mãi là một điều khó chấp nhận cho dân Do Thái ngày xưa và nhân loại hôm nay, vì chẳng có dấu lạ nào được thể hiện, vì Đức Kitô đã chọn con đường khiêm hạ, thinh lặng và tự hiến. Chúa khiêm hạ đến nỗi dân Do Thái chỉ nhìn thấy vẻ tầm thường của một phàm nhân yếu đuối, một tội nhân chết nhục nhã và bất lực. Chúa im lặng đến nỗi chúng ta chỉ thấy dường như không có Ngài trong vũ trụ, ngay cả khi ‘thân thể mầu nhiệm’ bị xâu xé từ bên trong hay bên ngoài và khi sự ác dường như ngày càng thắng thế. Chúa mãi lặng im khi vũ trụ dần trôi qua ngàn năm thứ ba, mọi sự vẫn xảy ra như chẳng có gì lạ dưới ánh mặt trời. Quả đúng như lời Chúa Giêsu nói trước: “Không ai có thể đến với Ta, nếu Cha Ta không lôi kéo nó” (Yn 6,14). Để tin vào Thiên Chúa và để niềm tin còn tồn tại, ta phải luôn cầu xin: cho mình và cho người khác. Nhưng hãy biết rằng Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc tìm kiếm con người, vì chính Người đã tạo dựng họ để họ được chia sẻ vinh quang và tình yêu của Chúa.

Câu chuyện trong sách các vua (1 V19,4-8) là một hình ảnh sống động giúp chúng ta hiểu được sự cần thiết phải ăn uống và sự biến đổi kỳ lạ sau khi ăn bánh mà thiên sứ mang đến. Ông Êlia bị hoàng hậu Izabel lùng bắt, vì ông đã làm một cuộc phân định công khai ‘ai là Thiên Chúa thực sự của dân Israel’ và ông đã sát hại 450 tiên tri Baal để trả lại vinh quang cho Thiên Chúa. Hành trình 40 ngày lên núi Kho-rep để trốn chạy thế gian cũng như để gặp Chúa là một hình ảnh sống động cho cuộc đời Kitô hữu: luôn luôn chọn lựa, bị ma quỷ lùng bắt, đi trên con đường hẹp. Ông Êlia mệt mỏi và thất vọng nên xin Chúa cho mình được chết, nhưng Chúa lại ban cho ông lương thực, ông phải dùng đến lần thứ hai mới mạnh sức, đi suốt 40 đêm ngày đến núi của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là ánh sáng giúp ta vượt qua tăm tối cuộc đời, là đường và sự thật dẫn ta về Thiên Chúa. Sự chọn lựa và dấn thân được lặp lại từng ngày, và điều đó đem lại sức mạnh cho ta vững bước trên hành trình về quê trời. Đức Thánh Cha nói: một xã hội không quy chiếu về Thiên Chúa thì chỉ có bất an, ở đâu có Thiên Chúa thì ở đó có niềm vui.

Hình ảnh thứ hai trong Cựu Ước giúp ta hiểu được mầu nhiệm ‘Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống’ là Manna. Manna là bánh Thiên Chúa ban tặng để nuôi dân Do Thái trong thời gian gần 40 năm trời, chỉ khi họ tiến vào đất hứa và thu được thổ sản thì manna không còn rơi xuống nữa. Manna được ban tặng dồi dào cho mọi người, họ ăn uống thỏa thích, mỗi ngày họ đi nhặt đủ dùng cho cả ngày, nhưng không cất dành qua ngày hôm sau. Riêng ngày hôm trước ngày Sabat, họ nhặt gấp đôi số bánh để dùng cho cả nhà. Chúa Giêsu là bánh hằng sống bởi trời xuống để ai ăn thì có sự sống đời đời (Yn 6,54). Bánh hằng sống vẫn được ban dồi dào và là quà tặng nhưng không dành cho mọi người, khi họ tin vào Đức Giêsu, chấp nhận Người là cứu Chúa duy nhất của trần gian và quyết sống theo giáo lý Người dạy. Thánh Phaolô tâm sự: “Tôi coi mọi sự là rơm rác trước mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa tôi”.

Mỗi lần tham dự Thánh lễ, ta đón nhận Lời Chúa và Mình Chúa, Chúa mời gọi ta, đến lượt mình, trở nên bánh nuôi sống anh em. Mỗi người trở nên bánh tùy theo cách mình chọn, bằng con đường trí thức hay bình dân, bằng chữ viết hay lời nói, bằng những công trình lớn lao hay chỉ một hành động tốt nhỏ bé. Những việc tốt ta làm để lại một dư âm làm ấm áp cõi lòng nhân thế trong một xã hội thiếu tình người hôm nay. Ai đó đã từng nói: “Kết quả cao nhất của giáo dục là con người biết quan tâm đến người khác”. Câu nói nầy đáng cho ta suy nghĩ để rèn luyện chính mình, để mỗi ngày ta có khả năng ban tặng cho đời những miếng bánh nho nhỏ - nuôi sống tình người và triển nở tới tình Chúa.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây