Giáo xứ Vinh Hương

Niềm hy vọng

Thứ năm - 12/05/2022 04:49
Sống trong đời sống còn cần đến niềm hy vọng, niềm tin, tình yêu…
Niềm hy vọng
‘Sống trong đời sống cần có một tấm lòng’ là câu hát của NS Trịnh Công Sơn, nhưng cải biên ra một chút thì ta thấy rằng sống trong đời sống còn cần đến niềm hy vọng, niềm tin, tình yêu… ở đây, chúng ta chỉ nói đến niềm hy vọng, trong danh từ nhà đạo thì đó là sự cậy trông.

Chúng ta nhận ra rằng hơn bao giờ hết, con người thời nay dễ mất đi niềm hy vọng, dễ bị mất phương hướng vì sự phát triển của các phương tiện truyền thông. Bất cứ ai cũng có thể rêu rao trên khắp thế giới về cảm xúc của họ về những sự kiện cỏn con trong cuộc sống, miễn là có người xem và like! Con người dường như trở về thời sơ khai của nền văn minh, không còn phân định được điều gì nên nói và điều gì nên kìm nén lại trong lòng, điều gì có ảnh hưởng xấu đến anh em mình và điều gì hướng anh em mình về điều tốt lành. Thậm chí, những bất hòa và những gì xấu xa nhất của những người trong gia đình, thông gia, bạn bè… đều được nói dai và đầy đủ, làm trò cười cho thiên hạ và gieo rắc sự đau khổ cho trần gian.

Có một quy luật tổng quát: điều gì góp phần làm ‘vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn’ thì đó là điều tốt và điều gì tạo nên những tổn thương và gây bất an – cảm xúc tiêu cực về cuộc sống thì đó là điều xấu, là con đẻ của ma quỷ. Trong các cuộc giao tiếp, điều đầu tiên phải tránh là nói về bản thân mình: khoe mình, biện minh cho mình, thành tích-kiến thức-con cái-địa vị-của cải… vì tất cả chúng cũng chỉ là hư không khi đến trình diện Chúa, và Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo. Điều thứ hai phải tránh là thương hại mình; ai đó đã nói: “nếu ban đêm bạn tự thương hại mình thì sớm mai tất cả nghị lực bạn tiêu tan hết”; chẳng ai muốn nghe một kẻ luôn than thở, vì biểu lộ một tâm hồn trẻ con và tầm nhìn cuộc sống quá méo mó và hạn chế. Điều thứ 3 phải tránh là những lời mình truyền đi sẽ khơi dậy những con sói đang ngủ trong người nghe: ham sắc dục, ham làm giàu, ganh tị, ghen ghét. Điều thứ tư là gieo rắc sự tiêu cực về cuộc sống: chẳng ai tốt, chẳng ai chung thủy, tự do quá trớn, vô trách nhiệm với mình và người khác, sống không mục đích và thiếu lý tưởng, buông thả về luân lý… Chính những phổ biến vô trách nhiệm trên thế giới ảo đã gây ra những tiêu cực trong cuộc đời thực: tự tử, ly dị, lăng loàn, sợ hôn nhân, mất lòng tin vào con người, co cụm vào bản thân.

Trong các nước Tây Phương, để biểu lộ sở thích của mình, ngoài những biểu hiện trên các phương tiện truyền thông, người ta còn rủ nhau đi diễu hành – biểu tình. Cách biểu lộ rầm rộ này có một tác động mạnh đến các nhà lập pháp và dư luận quần chúng, nhất là khi báo chí cắt xén và làm méo mó sự thật theo ý họ muốn. Nhưng việc rỉ tai nhau và nói lăng nhăng những điều không nên nói trên mạng xã hội cũng có một tác động thật sự đến cộng đồng, như ví dụ cỏ lùng mà Chúa diễn tả: ban đêm kẻ thù gieo cỏ lùng, đi mất, cỏ lùng âm thầm mọc lên, át cả lúa, đến mùa gặt cỏ lùng bị gom lại và đốt (Mt 13,24-30). Thánh Gia cô bê nói với chúng ta: “Ai nói mình hoàn hảo mà không gò hãm miệng lưỡi mình, thì đó là kẻ nói dối”. Gò hãm ở đây là biết uốn lưỡi, biết suy xét điều định nói: có đúng sự thật không, có tốt cho người nghe không, có đúng lúc – đúng chỗ - đúng người không, có đúng tinh thần Phúc Âm không. Suy ra, người khôn ngoan không những phải uốn lưỡi trước khi nói mà còn phải uốn tay trước khi viết và gửi, phải uốn lòng trí để đừng nghĩ đến sự xấu và tiêu cực, vì lòng có thanh thì tay mới sạch.

Trần gian được ví như ruộng lúa, nơi kẻ tốt và kẻ xấu chung sống với nhau, nơi các quan niệm sống được trình bày cách này cách khác. Thiên Chúa không muốn nhổ bỏ cỏ lùng, vì như vậy sẽ làm lúa bị tổn thương. Sự tổn thương ở đây ngoài việc bị nhổ nhầm, còn muốn nói đến sự hạn chế của tự do – là quà tặng của Thiên Chúa: Thiên Chúa không muốn áp bức con người phải chấp nhận Ngài, Chúa muốn con người tiến bước trong đức tin, trong sự chiến đấu và chọn lựa mỗi ngày. Điều quan trọng để không bị lạc hướng là phải có sự phân định điều tốt xấu rõ ràng, điều xấu thì dẹp bỏ đi và phát triển điều tốt. Phải dựa vào Lời Chúa như ngọn hải đăng của cuộc đời: điều gì trái Tin Mừng là điều xấu; và dựa vào lòng mình để biết tốt xấu: điều gì giúp mình hướng về điều lành là điều tốt. Nếu thiếu sự minh định của chính mình, con người thời nay sẽ dễ bị lạc hướng bởi các luận điệu tinh vi, bởi sự kỳ thị và bởi các phương tiện truyền thông, nhất là khi sống trong các xã hội Tây Phương và trong các vùng ‘xôi đậu’ về tôn giáo.

Nguyện xin Đức Khôn Ngoan của Chúa đến giúp đỡ và làm lụng với con, hầu con biết điều gì đẹp Thánh ý . Hãy cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần để giữ vững niềm tin vào cuộc đời và giữ vững niềm cậy trông vào Chúa: Chúa sẽ ban ơn đủ cho từng người giữ đạo nên ở đời này và sẽ cho ta chung hưởng hạnh phúc với Chúa trên thiên đàng.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thiện

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây