Giáo xứ Vinh Hương

Các sử gia ngoài Kitô giáo nói gì về Chúa Giêsu?

Chủ nhật - 16/05/2021 03:18
"Chính Thiên Chúa đã đặt vào trái tim con người mong muốn biết sự thật và tự tìm hiểu về Ngài, để khi hiểu và yêu mến Ngài, con người có thể đạt được sự thật đầy đủ về chính mình" (FIDES ET RATIO §1).

 
1- Họ cũng xác nhận sự tồn tại của Chúa Giêsu.
 
- Flavius Josephus, nhà sử học Do Thái quan trọng nhất thời bấy giờ (sinh tại Giêrusalem năm 37 và qua đời ở Roma khoảng năm 100), nói rõ ràng về điều này. Trong "Thời Cổ Đại Giuđê" (có lẽ được viết vào năm 93 hoặc 94), ông nói về "Ông Giêsu, người được gọi là Kitô": "Vào thời đó, có một nhà hiền triết tên là Giêsu. Ông được giáo dục tốt và được đánh giá cao vì đức hạnh của mình. Nhiều người trở thành môn đồ của ông giữa cư dân Giuđê và các quốc gia khác. Philatô kết án tử hình ông bằng khổ hình thập giá. Nhưng các môn đồ không ngừng tuân theo lời giảng dạy của ông. Họ nói rằng ông đã hiện ra với họ ba ngày sau khi bị đóng đinh và còn sống. Có lẽ đó chính Đấng Messia với rất nhiều điều kỳ lạ mà các tiên tri đã nói đến" (Thời Cổ Đại XVIII, 3, 3)
 
2- Các nhà sử học vĩ đại của Đế chế La Mã có tác phẩm đang được bảo tồn cũng nói về Chúa Giêsu.
 
- Pline le Jeune, sử gia và chấp chính quan ở Bithynia, viết cho Hoàng đế Trajan vào năm 112  rằng: "Kitô hữu quy tụ vào tảng sáng một ngày quy định và hát thánh ca chúc tụng Đức Kitô là Thiên Chúa". (Thư X, 96)
 
- Vào năm 112, Tacitus tra cứu về cuộc đàn áp tàn nhẫn của Nero chống kitô hữu, nói thêm "nguồn gốc của từ "kitô hữu" là tên của một người tên là Giêsu Kitô bị xử tử dưới thời Hoàng đế Tiberius, theo lệnh của tổng trấn Pontius Pilate" (Biên niên sử XV, 44).
 
- Suetone, khoảng năm 120, trong một cuốn sách lịch sử về cuộc đời của các hoàng đế La Mã, nói rằng "Hoàng đế đã đuổi người Do Thái là nguyên nhân gây ra rối loạn triền miên, vì sự xúi giục của một nhân vật tên là 'Christ' - 'Kitô'" (Vita Claudii 25, 4).
 
3- Và khảo cổ học nói gì?
 
Có một sự tương ứng hoàn hảo, nghiêm ngặt và đôi khi tỉ mỉ giữa những mô tả được tìm thấy trong các sách Phúc Âm và hiểu biết của chúng ta về những địa điểm, lịch sử và truyền thống của văn hóa Hy lạp thời bấy giờ.
 
Chúng ta biết hầu hết mọi nơi mà Chúa Giêsu đã sống. Từ Bê-lem, nơi Đức Giêsu được sinh ra, đến Giêrusalem, nơi Ngài đã chết, đến tất cả các thành phố nơi Ngài rao giảng Tin Mừng. Trên thực tế, nơi duy nhất biến mất khỏi bản đồ là Nazareth, thành phố nơi Đức Giêsu lớn lên. Người đầu tiên đề cập đến thành phố này là các nhà truyền giáo. Trong Cựu Ước, danh xưng này không bao giờ được đề cập đến.
 
Một số người thậm chí còn tuyên bố rằng thành phố này chưa bao giờ tồn tại, rằng đó là một nơi tưởng tượng, mang tính biểu tượng. Nhưng vào năm 1962, các nhà khảo cổ Israel từ Đại học Jerusalem đã tìm thấy một bia mộ bằng đá cẩm thạch xám từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên giữa đống đổ nát Caesarea Maritime, ở Judea. Và trên tấm bia này có khắc tên một thị trấn gọi là "Nazareth".
 
Trong cùng tàn tích này, một năm trước đó, một bia mộ khác cũng được tìm thấy, trên đó được khắc tên của một ông Philatô nào đó đang làm tổng trấn Roma dưới thời Tiberius...
 
Năm 1947, một nhóm mười một hang động nhỏ được phát hiện tại Qumran bên bờ Biển Chết, trong đó có khoảng sáu trăm cuộn giấy da cực kỳ cổ xưa được cất giữ (có lẽ do cộng đồng Essene sống ở đó). Bất chấp niên đại của chúng, hầu hết những mảnh này có thể được xác định: các văn bản từ sách Xuất Hành, Isaia, Giêrêmia, v.v… Nhưng có một mảnh, "7Q5", không trùng với bất kỳ văn bản Cựu Ước nào. Năm 1972, Cha José O'Callaghan, tu sĩ dòng Tên người Tây Ban Nha, nhà nghiên cứu sách cuộn cổ và là giáo sư tại Đại học Gregorio Roma, đã phát hiện ra rằng mảnh này trùng với một đoạn của Phúc âm Thánh Maccô (Mc 6.52). Văn bản này có lẽ đã được một cộng đoàn Kitô giáo ở Roma gửi tới, như một dòng chữ bằng tiếng Do Thái trên một bức tường hang động đã ghi. Biết rằng số phận bi thảm của người Do Thái, bị người La Mã xâm lược, thảm sát và phân tán trong khoảng thời gian từ năm 68 đến năm 70, nên các mảnh Kinh Qumran phải được cất giữ trước thời đó. Nhà khảo cổ học người Anh Roberts, Đại học Oxford, thậm chí còn nghĩ rằng những mảnh này có thể đã có trước năm 50, nghĩa là chỉ hai mươi năm sau cái chết của Chúa Giêsu.
 
4- Kết luận

Giáo sư Đại học Manchester F.F. Bruce, kết luận: "Lịch sử về Đức Kitô là tiền đề chắc chắn như lịch sử về Julius Caesar với sử gia không thành kiến, không phải với những sử gia chỉ tuyên truyền lý thuyết về huyền thoại Đức Kitô".
 

Tác giả bài viết: Huuchanh - theo "Historicité du christ et des evangiles: Jesus a-t-il vraiment existe?" - qe.catholique.org

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền
 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây