Giáo xứ Vinh Hương

Giáo Hội không phải là một trường đại học tôn giáo

Thứ tư - 07/05/2014 05:48

(RV) "Kitô hữu không làm chứng sẽ trở nên khô khan". Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói như trên trong bài giảng lễ tại nguyện đường Nhà Thánh Martha sáng ngày 6/5. Trong bài giảng, ĐGH chú trọng về cuộc tử đạo của Thánh Têphanô, trong sách Công Vụ Tông Đồ. Giáo Hội không phải là "một trường đại học tôn giáo", mà là một dân tộc theo Chúa Giêsu, Giáo Hội "triển nở và là Mẹ".
 
Cuộc tử đạo của thánh Têphanô là hình ảnh tử đạo của Chúa Giêsu. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô hồi tưởng lại con đường dẫn đến cái chết của vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Giống như Chúa Giêsu, Ngài đã gặp phải "sự ghen tị của các nhà lãnh đạo đang tìm cách loại bỏ Ngài. Với Ngài cũng vậy, cũng có những "nhân chứng giả" và "tuyên án vội vàng". Thánh nhân cảnh báo rằng họ đang chống lại Thánh Thần, như Chúa Giêsu đã nói. Nhưng "họ không được yên tâm, không được an bình trong tâm hồn". Họ "mang hận thù" trong lòng. Vì vậy, họ rất giận dữ khi nghe Têphanô nói. "Lòng ghen tị, Đức Giáo Hoàng nói, đã được ma quỉ gieo vào lòng họ, đó là lòng ghen tị của ma quỷ chống lại Chúa Giêsu".
 
Thánh Têphanô, chết tha thứ như Chúa Giêsu.
 
Lòng hận thù của ma quỷ, "kẻ đã làm điều nó muốn với Chúa Giêsu Kitô trong cuộc khổ nạn", đã lặp lại tương tự với Têphanô. Và cuộc tử đạo rõ ràng là "cuộc chiến đấu giữa Thiên Chúa và ma quỷ". Mặt khác, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng họ nên vui mừng khi bị bách hại vì Danh Người: "Bị ngược đãi, chết vì đạo, hy sinh mạng sống mình vì Chúa Giêsu là một trong Tám Mối Phúc Thật". "Do đó, Đức Giáo Hoàng nói thêm, ma quỷ không thể nhìn thấy sự thánh thiêng của Giáo Hội hay sự thánh thiện của một con người mà không cân nhắc điều gì đó". Đây là những gì nó thực hiện với Têphanô, nhưng "Ngài đã chết như Chúa Giêsu: chết tha thứ".
 
"Tử đạo có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cũng có nghĩa là làm chứng. Và do đó chúng ta có thể nói rằng với một Kitô hữu, đường đi là bước theo dấu chứng nhân, đi theo Chúa Giêsu để làm chứng về Người và thường kết thúc bằng hy sinh chính mạng sống mình. Chúng ta không thể hiểu được một Kitô hữu mà không làm chứng tá, mà không đưa ra được một chứng từ. Chúng ta không phải là một tôn giáo của ý tưởng, của thần học thuần tuý, của những điều răn tốt đẹp. Không, chúng ta là một dân tộc theo Chúa Giêsu Kitô và làm chứng về Người, mà làm chứng đôi khi phải hy sinh cả mạng sống".
 
Máu tử đạo là hạt giống Kitô hữu.
 
Sách Công Vụ Tông Đồ kể rằng sau khi Têphanô bị giết, "một cuộc bách hại mạnh mẽ chống lại Giáo Hội ở Jerusalem đã nổ ra". Những kẻ bức hại này, Đức Giáo Hoàng nhận xét, "cảm thấy mạnh mẽ và ma quỷ thúc dục họ làm điều đó". Kết quả là "Kitô hữu phải tản mác khắp các miền Judê và Samari. Cuộc bách hại đã khiến cho "các Kitô hữu phải bỏ đi" và họ lại loan báo Tin Mừng tại những nơi họ đến, họ đã làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô và do đó, họ "bắt đầu sứ mệnh của Giáo Hội". "Rất nhiều người đã được hoán cải và lắng nghe họ". Một trong các Giáo Phụ giải thích điều này rằng: "Máu tử đạo là hạt giống Kitô hữu". "Họ rao giảng đức tin bằng chứng từ là chính bản thân mình".
 
"Chứng tá, cả trong cuộc sống hàng ngày, trong những lúc khó khăn, trong cuộc bách hại cũng như trong cái chết, luôn luôn triển nở. Giáo Hội triển nở và là Mẹ khi Giáo Hội sinh ra chứng tá của Chúa Giêsu Kitô. Ngược lại, khi Giáo Hội tự đóng khung trong chính mình, sẽ tự tin rằng mình là một "trường đại học tôn giáo" với rất nhiều tư tưởng tuyệt vời, nhiều tòa nhà đẹp, nhiều bảo tàng vô giá và rất nhiều điều tốt đẹp khác mà không làm chứng, Giáo Hội sẽ trở nên khô khan. Với Kitô hữu cũng thế, Kitô hữu mà không làm chứng thì vẫn còn trong tình trạng khô khan, không cho đi mạng sống nhận được từ Chúa Giêsu Kitô".
 
Không có chứng tá mà không có Chúa Thánh Thần.
 
Têphanô "được tràn đầy Thánh Thần". Ngài hiểu rằng "chúng ta không thể làm chứng mà không có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong ta". Trong những lúc khó khăn, chúng ta phải chọn cách tốt nhất, phải nói "không" với những thứ có thể đang tìm cách cám dỗ chúng ta, Đức Giáo Hoàng khuyến khích "cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Người là Đấng làm cho chúng ta nên mạnh mẽ để bước đi trên đường làm chứng tá".
 
"Và hôm nay, suy tư về hai hình ảnh – Têphanô, người chịu chết và những Kitô hữu chạy trốn phân tán khắp nơi vì cuộc bách hại – chúng ta tự hỏi: Tôi phải làm chứng như thế nào? Tôi có phải là một 'Kitô hữu-chứng nhân' của Chúa Giêsu hay đơn giản tôi chỉ là một con số trong một thứ giáo phái? Tôi được triển nở vì làm chứng hay vẫn khô khan vì tôi không thể để cho Chúa Thánh Thần dẫn đưa tôi tiến bước trong ơn gọi Kitô hữu của mình?".
 
Chuyển ngữ từ "L'Église n'est pas une université de la religion" - http://www.news.va/fr

Tác giả bài viết: Huuchanh

 Tags: n/a

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây